Vi khuẩn Hib gây bệnh gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenzae type b) là nguyên nhân gây bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, gồm viêm phổi ở trẻ nhỏ, viêm màng não và các bệnh xâm lấn khác. Vi khuẩn Hib có thể xâm lấn vào các bộ phận của cơ thể thường không có vi trùng như dịch tủy sống, gây viêm màng não hoặc máu, gây nhiễm khuẩn huyết. Bệnh xâm lấn thường nặng, cần điều trị tại bệnh viện và đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, vắc-xin là công cụ duy nhất có khả năng ngăn ngừa phần lớn các bệnh nặng do vi khuẩn Hib gây ra.

1. Vi khuẩn hib là gì?

Haemophilus influenzae type b (Hib) là một vi khuẩn Gram âm không di động, không sinh nha bào. Vi khuẩn lây truyền qua không khí hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với chất bài tiết. Haemophilus influenzae được chia thành các chủng có vỏ và không có vỏ. Các chủng không có vỏ đôi khi được gọi là các chủng loại không xác định. Các chủng có vỏ bọc gồm 6 chủng với 6 Polysaccharide mang kháng nguyên đặc hiệu được phân loại từ a đến f.

Haemophilus influenzae type b có vỏ polysacaride polyribosyl ribitol phosphate (PRP), đây là yếu tố độc lực chính. Vỏ PRP bảo vệ sinh vật khỏi thực bào trong trường hợp không có kháng thể chống vi trùng và tạo điều kiện cho vi khuẩn Hib xâm nhập vào máu và dịch não tủy. Con người là vật chủ duy nhất của vi khuẩn Hib.

2. Vi khuẩn hib gây bệnh gì?

Hib gây viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm nắp thanh quản, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm mô tế bào, viêm tai giữa và viêm màng ngoài tim có mủ, cũng như các bệnh nhiễm trùng xâm lấn ít gặp hơn như viêm nội tâm mạc, viêm tủy xương.

Các trường hợp mắc bệnh trên do nhiễm Haemophilus influenzae type b thì rất khó có thể phân biệt được về mặt lâm sàng với các bệnh trên bị nhiễm trùng do các vi khuẩn khác gây ra.

Tỷ lệ mắc các bệnh do vi khuẩn Hib xâm lấn cao nhất ở các quần thể chưa được tiêm vắc xin, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng - 24 tháng, đây được gọi là khoảng trống miễn dịch. Khi mới sinh, hệ miễn dịch của trẻ rất tốt nhờ hệ thống kháng thể nhận được từ khi còn trong bào thai, đây được gọi là miễn dịch thụ động.

Tuy nhiên miễn dịch thụ động không tạo ra được sức đề kháng lâu dài vì sau đó các kháng thể này bắt đầu giảm mạnh trong 6 tháng tiếp theo. Trong khi đó, hệ miễn dịch của trẻ lúc này chưa được hoàn thiện, phải đến 3 – 4 tuổi thì hệ thống này mới được hoàn thiện và cơ thể trẻ mới chủ động sản xuất đầy đủ các kháng thể giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng. Khoảng thời gian giữa của hai hệ thống miễn dịch thụ động và chủ động trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi là giai đoạn khoảng trống miễn dịch, trẻ trở nên nhạy cảm đối với các bệnh nhiễm trùng, trong đó có các bệnh do Hib gây ra.

Các triệu chứng và dấu hiệu của viêm màng não Hib không thể phân biệt với các nguyên nhân khác gây viêm màng não mủ do vi khuẩn và bao gồm sốt, nhức đầu, chứng sợ ánh sáng, cứng cổ, nôn và thay đổi trạng thái tâm thần. Trường hợp nặng có thể xuất hiện với co giật và hôn mê. Trẻ sơ sinh thường xuất hiện với các triệu chứng ít đặc trưng hơn như, nôn, không muốn ăn uống/bú sữa mẹ và khó chịu.

Tỷ lệ tử vong của bệnh viêm màng não do Hib ở các nước công nghiệp là khoảng 5% nhưng có thể lên tới 40% ở các nước đang phát triển. Nguy cơ để lại di chứng rất cao, từ 10 đến 15% số người sống sót bị biến chứng nặng lâu dài, bao gồm bại não, tràn dịch não, động kinh, mù và điếc hai bên. Thêm 15 đến 20% trường hợp sẽ có các di chứng lâu dài ít nghiêm trọng hơn như điếc một phần, khó khăn về hành vi và học tập và các vấn đề về nói, ngôn ngữ.

Nhiễm khuẩn huyết là bệnh phổ biến thứ hai, chiếm khoảng một phần tư của tất cả các trường hợp được xác nhận mắc bệnh Hib xâm lấn và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.

Viêm màng não Hib
Vi khuẩn hib gây nhiều bệnh nguy hiểm cho trẻ

Viêm nắp thanh quản là một cấp cứu y tế đe dọa tính mạng do nhiễm trùng các biểu mô và các mô xung quanh nắp thanh quản gây cản trở luồng không khí gây ngạt thở. Bệnh nhân thường biểu hiện với các triệu chứng như sốt cao, thở nhanh, chảy nước dãi quá mức, nhịp tim nhanh. Đặt nội khí quản và đôi khi phải phẫu thuật mở nội khí quản cấp cứu để ngăn ngừa tắc nghẽn đường thở và tránh được tử vong.

Các biểu hiện lâm sàng khác, ít phổ biến hơn của bệnh Hib xâm lấn bao gồm viêm mô tế bào, viêm khớp nhiễm trùng, viêm tủy xương và viêm màng ngoài tim.

3. Phòng bệnh

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) để phòng bệnh do vi khuẩn hib gây ra, các bậc phụ huynh nên cho tất cả trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 2 tuổi vắc-xin Hib.

Trẻ lớn hơn và người lớn thường không cần vắc-xin Hib. Tuy nhiên, CDC khuyến cáo tiêm vắc-xin Hib cho những người mắc một số bệnh khiến họ có tăng nguy cơ mắc thêm các bệnh do vi khuẩn hib gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: health.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

41.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan