Những điều cần lưu tâm khi ghép tế bào gốc chữa bại não

Ghép tế bào gốc chữa bại não là một trong những ứng dụng đáng ghi nhận của y học hiện đại, mở ra tương lai mới cho bệnh nhân bại não. Khoảng 80% bệnh nhân bại não sau khi ghép tế bào gốc có thể cải thiện chức năng vận động, khả năng tập trung, ghi nhớ, phối hợp trong sinh hoạt tốt hơn...

1. Đối tượng phù hợp ghép tế bào gốc chữa bại não

Bệnh nhân bại não thỏa mãn các điều kiện sau sẽ phù hợp để thực hiện ghép tế bào gốc, bao gồm:

  • Bệnh nhân chẩn đoán xác định bại não do các nguyên nhân mắc phải
  • Bệnh nhân bại não nặng từ mức II đến mức V dựa theo phân loại GMFCS
  • Bệnh nhân có sọ não có tổn thương não phù hợp với nguyên nhân gây bệnh
  • Bệnh nhân không mắc các bệnh lý thần kinh tiến triển, các bệnh liên quan đến nhiễm sắc thể, gen, nhiễm trùng, rối loạn đông máu, dị ứng thuốc kháng sinh, dị ứng thuốc gây mê...
  • Thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng trước ghép đảm bảo điều kiện sức khỏe theo yêu cầu
Ghép tế bào gốc chữa bại não
Sau khi ra viện, trẻ cần được tái khám để đánh giá và theo dõi các vấn đề phát sinh sau ghép

2. Quy trình khám sàng lọc, đánh giá bệnh nhân trước ghép tế bào gốc

2.1. Tiền sử bệnh

Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh của mẹ trong quá trình mang thai, diễn biến cuộc sinh đẻ và tình trạng của trẻ khi sinh như: cân nặng, sức khỏe, các biến cố bất thường...

2.2. Khám lâm sàng

  • Đo cân nặng, chiều cao
  • Đánh giá tinh thần của trẻ
  • Kiểm tra cơ xương khớp: Trương lực cơ, cơ lực, phản xạ gân xương...
  • Khám thần kinh
  • Khám tim, phổi
  • Dùng thang đo lường GMFM và thang phân loại GMFCS đánh giá chức năng và phân loại mức vận động thô
  • Dùng thang FMS đánh giá chức năng vận động tinh
  • Dùng thang Ashworth cải tiến đánh giá trương cơ lực
  • Đánh giá khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và nhận thức: Test Denver II

2.3. Các xét nghiệm thăm khám cận lâm sàng

  • Chụp MRI sọ não (có gây mê/ không gây mê) để đánh giá tổn thương như teo nhu mô não, nhuyễn não quanh não thất và các tổn thương nhân não khác... nhằm chẩn đoán nguyên nhân gây bại não
  • Điện não đồ để đánh giá nguy cơ và tình trạng động kinh của người bệnh trước khi ghép
  • Điện tâm đồ để đánh giá tình trạng sức khỏe chung của trẻ trước ghép tế bào gốc
  • Chụp X-quang tim phổi đánh giá tình trạng hô hấp trẻ nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình gây mê và ghép tế bào gốc
  • Xét nghiệm sinh hóa máu, đánh giá chức năng gan, thận, xét nghiệm đường huyết, điện giải đồ, xét nghiệm nước tiểu
  • Xét nghiệm công thức máu, đông máu cơ bản, nhóm máu
  • Xét nghiệm vi sinh: viêm gan B, HIV
  • Các thăm dò khác: xét nghiệm nhiễm sắc thể, các xét nghiệm di truyền...

3. Các biến chứng có thể xảy ra khi ghép tế bào gốc

Ghép tế bào gốc chữa bại não được đánh giá là tương đối an toàn nhưng bất cứ phương pháp điều trị nào cũng tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro nhất định. Vẫn có một tỷ lệ nhỏ các bệnh nhân gặp các vấn đề bất thường trong và sau khi ghép tế bào gốc chữa bại não. Ví dụ một số trường hợp quấy khóc, nôn, sốt, viêm phổi, kích thích... sau khi ghép. Ngoài ra, còn một số nguy cơ khác như:

  • Nhiễm trùng thần kinh: viêm màng não, viêm não...
  • Nhiễm trùng máu và các nhiễm trùng khác
  • Suy hô hấp, huyết áp thay đổi, rối loạn nhịp tim... do ảnh hưởng của quá trình gây mê và truyền tế bào gốc qua đường tủy sống

Mức độ ảnh hưởng của các tác dụng không mong muốn này có thể nặng hay nhẹ tùy thuộc vào thể trạng của mỗi bệnh nhân. Cần lưu ý rằng, bại não là một trong những bệnh lý ảnh hưởng thần kinh nghiêm trọng, do đó, không thể tránh khỏi một vài trường hợp điều trị bại não bằng phương pháp ghép tế bào gốc không có hiệu quả.

Ghép tế bào gốc chữa bại não
Mức độ ảnh hưởng của các tác dụng không mong muốn này có thể nặng hay nhẹ tùy thuộc vào thể trạng của mỗi bệnh nhân

4. Chăm sóc bệnh nhân sau ca ghép tế bào gốc chữa bại não

Phẫu thuật ghép tế bào gốc là một cuộc phẫu thuật lớn, bao gồm gây mê lấy tủy xương và truyền ghép tế bào gốc nên sức khỏe của trẻ bại não sau phẫu thuật rất yếu. Chưa kể, trẻ bị bại não vốn có sức đề kháng kém hơn so với bình thường. Chăm sóc trẻ sau khi ghép tế bào gốc chữa bại não cần lưu ý:

  • 1 - 2 ngày đầu sau phẫu thuật kiêng tắm để tránh nhiễm lạnh gây viêm phổi. Chỉ nên lau người cho trẻ bằng nước ấm
  • Cho trẻ nghỉ ngơi tại phòng bệnh sạch sẽ, thoáng mát, không quá nóng, không quá lạnh, tránh nằm trực tiếp dưới quạt gió hoặc điều hòa
  • Không nên đưa trẻ di chuyển xa
  • Chú ý chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa

5. Theo dõi trẻ bại não sau ghép tế bào gốc

Trẻ bại não sau khi ghép tế bào gốc được xuất viện về nhà thì phụ huynh cần chú ý theo dõi các vấn đề sau:

  • Theo dõi sốt: kiểm tra nhiệt độ của trẻ khi thấy có biểu hiện nóng bất thường. Kiểm tra trán bằng mu bàn hay hoặc chạm nhẹ môi lên trán của trẻ.
  • Theo dõi đau: nếu thấy trẻ đột nhiên quấy khóc bất thường, gồng cứng nhiều, ngủ kém thì có thể là trẻ đang cảm thấy đau ở một vị trí nào đó. Các vị trí đau thường là vùng lấy tủy xương, vùng lưng đưa kim truyền tế bào gốc. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu khó chịu hãy ghi chép lại số lần xuất hiện biểu hiện khó chịu đó, các diễn biến bất thường và trao đổi ngay với bác sĩ.
  • Theo dõi nôn: Trẻ có thể bị nôn sau khi ghép tế bào gốc. Khi trẻ nôn nên cho trẻ nằm nghiêng để tránh dịch nôn đi vào mũi gây sặc phổi, viêm phổi. Sau khi trẻ nôn có nguy cơ mất nước cao nên cho trẻ uống nhiều nước, oresol bù chất điện giải. Ghi lại thời gian, số lần trẻ nôn mỗi ngày. Nếu trẻ nôn cần chia nhỏ bữa ăn hàng ngày, cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu.
  • Theo dõi hô hấp: Lưu ý xem nhịp thở của trẻ có ổn định không, trẻ có bị ho hay thở khò khè, rút lõm ngực không.
  • Các biểu hiện bất thường khác như: Trẻ kích thích, quấy khóc hơn, ngủ kém, thậm chí là động kinh (hiếm gặp) do não bị kích thích trong những ngày đầu sau ghép

6. Thời gian tái khám

Ghép tế bào gốc chữa bại não
Sau 3 tháng, trẻ sẽ được thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm công thức máu, đánh giá chức năng gan, thận, kiểm tra đáp ứng ban đầu của cơ thể trẻ với tế bào gốc

Sau khi ra viện, trẻ cần được tái khám để đánh giá và theo dõi các vấn đề phát sinh sau ghép như: đau, sốt, nôn, nhiễm trùng... Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn và điều chỉnh thuốc điều trị phù hợp với trẻ.

Sau 3 tháng thực hiện phẫu thuật cần đưa trẻ đi tái khám lần 2. Tại lần tái khám này, trẻ sẽ được thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm công thức máu, đánh giá chức năng gan, thận, kiểm tra đáp ứng ban đầu của cơ thể trẻ với tế bào gốc.

Cứ định kỳ 3 tháng/lần cho đến khi được 12 tháng, trẻ cần đi tái khám để đánh giá tình trạng bệnh, hiệu quả của quá trình điều trị.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bại não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan