Cây mơ lông có tác dụng gì?

Cây mơ lông là một trong những loại cây có tác dụng thanh nhiệt, sát khuẩn, trị các bệnh đường tiêu hóa rất tốt như kiết lỵ, sôi bụng, khó tiêu, tiêu chảy, đau dạ dày... Tìm hiểu đúng đặc điểm và công dụng của loại cây này sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh và cải thiện triệu chứng.

1. Đặc điểm của dây mơ lông

Cây mơ lông hay mơ tam thể có tên khoa học là Paederia tomentosa và Paederia foetida, gồm hai loại đó là lá mơ tía và lá mơ xanh.

Với đặc trưng là cả hai mặt của lá đều có nhiều lông, rất mịn nên nó mới được gọi là cây mơ lông.

Thành phần hóa học trong cây: Mơ lông có tinh dầu rất hăng, có mùi bisunfua cacbon. Ngoài ra có hai chất ancaloit paderin, trong đó một chất tan trong ête kết tinh ở dạng kim nhỏ và một chất vô định hình, hơi tan trong rượu amylic, đó là clorofoc và benzen.

Ở nước ta, mơ lông là loại thực phẩm đi kèm không thể thiếu trong món thịt cầy. Ở các nước châu Á khác như Ấn Độ, Philippine, Malaysia, người dân còn dùng mơ lông để hỗ trợ làm mát máu, giảm đau, kích thích sự ngon miệng và thèm ăn.

cây mơ lông
Cây mơ lông vơi đặc điểm nhận dạng lá cây có rất nhiều lông

2. Công dụng của mơ lông trong Đông y

Trong Y Học Cổ Truyền, mơ lông có đặc tính như sau:

  • Có vị đắng và tính mát
  • Giúp thanh nhiệt, sát trùng, trừ phong hoạt huyết, chỉ thống giải độc, trừ thấp tiêu thũng và tiêu thực đạo trệ
  • Hỗ trợ chữa các chứng phong thấp; đau nhức; chậm tiêu; đau bụng; kiết lỵ; phù thũng; đầy bụng; trẻ nhỏ suy dinh dưỡng với triệu chứng như cam tích, gan, lách sưng to; trúng độc, sa trực tràng, mụn nhọt mọc ở lưng, bạch đới, tổn thương do trật đả...

Theo kinh nghiệm dân gian từ ông cha ta, cây mơ lông có công dụng là giúp thanh nhiệt, sát khuẩn và đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa rất tốt, với liều dùng 20 – 30g/ngày, có thể dùng đến 50g vẫn an toàn. Khi ăn với số lượng ít, thì loại cây này có tác dụng thanh nhiệt và chống dị ứng.

Lá mơ lông ăn với thịt cầy cũng như đúc trứng là hai món ăn phối hợp hai tác dụng vị công từ lá mơ và vị bổ từ thịt cầy và trứng, vừa phù chính và vừa khu tà, là một sự kết hợp khoa học khi ăn uống cũng như khi phối hợp các bài thuốc trong ứng dụng để chữa bệnh.

Ngoài ra, thịt cầy là một loại protein lạ đối với cơ thể do đó có thể gây dị ứng, nên khi sử dụng kèm với lá mơ có công dụng chống dị ứng. Như vậy, thịt cầy ăn với lá mơ lông là một sự kết hợp về mặt dược lý rất hay mà người xưa đã áp dụng.

Một số bài thuốc từ cây mơ lông thường dùng

Trị kiết lỵ do amip: Chuẩn bị 30g lá mơ thái chỉ, trộn với lòng đỏ trứng gà, sau đó gói vào lá chuối rồi nướng chín. Ngày ăn 2 lần và duy trì liên tục trong vòng 5 – 8 ngày. Kiểm tra, xét nghiệm phân nếu còn trứng amip thì ăn thêm một liệu trình nữa.

Trị kiết lỵ giai đoạn khởi phát: Khi bị lỵ, người bệnh phải đi đại tiện nhiều lần với đặc điểm phân là phân lẫn máu và chất nhầy. Nếu có kèm sốt, lấy một nắm lá mơ thái nhỏ, đập một quả trứng gà và trộn đều, sau đó bọc hỗn hợp này bằng lá chuối, đem nướng chín. Duy trì ăn ngày ba lần, liên tục vài ngày sẽ cải thiện triệu chứng.

Trị lỵ do đại tràng tích nhiệt: Chuẩn bị lá mơ 20g, lá phèn đen 20g, rửa sạch các nguyên liệu rồi dội qua nước sôi để ráo, sau đó giã nát và vắt lấy nước cốt uống 2 – 3 lần.

Trị chứng sôi bụng, ăn khó tiêu: Chuẩn bị một nắm lá mơ tươi, rửa sạch rồi ăn kèm với cơm như rau hoặc giã nát lấy nước uống. Sử dụng liên tục trong 2 – 3 ngày sẽ có hiệu quả.

Trị tiêu chảy do nóng: Khi bị tiêu chảy do nhiệt sẽ có các triệu chứng như phân khẳm, bụng quặn đau, đầy hơi, nước tiểu vàng, khát nước nhiều và cảm giác hậu môn nóng rát, chuẩn bị 16g lá mơ, 8g nụ sim sắc cùng với 500ml nước cho đến khi cô lại 200ml, sau đó chia uống hai lần trong ngày.

cây mơ lông
Cây mơ lông có công dụng điều trị một số bệnh lý trong Y Học Cổ Truyền

Trị đau dạ dày: Chuẩn bị 20 – 30g lá mơ rửa sạch sau đó giã nát lấy nước uống mỗi ngày một lần. Kiên trì dùng đều đặn sẽ có cải thiện triệu chứng và hiệu quả chữa đau dạ dày rất hiệu quả.

Trị đại tiện thất thường, tiêu chảy phân lổn nhổn: Chuẩn bị 30g lá mơ lông thái nhuyễn, đem trộn với một quả trứng gà cùng vài hạt muối, đánh đều rồi dàn mỏng trên lá chuối và gói lại rồi lót thêm một lần lá chuối. Đặt hỗn hợp đã chuẩn bị trên chảo, rang hoặc nướng cho chín, đến khi thấy lá chuối dưới sém vào lá gói, tiến hành lót thêm lá và lật trên xuống dưới như đúc chả trứng cho chín mà ăn. Duy trì ăn ngày 2 lần, trong vòng 3 ngày sẽ khỏi bệnh.

Trị giun đũa: Chuẩn bị lá mơ lông, sau đó giã nhỏ và cho tí muối ăn sống hoặc vắt lấy nước uống, uống liền 3 buổi sáng vào lúc đói thì giun sẽ ra ngoài.

Trị giun kim: Chuẩn bị lá mơ lông 30g, cho vào 50ml nước nóng, sau đó vắt lấy nước cốt rồi bơm thụt vào hậu môn, giữ lại khoảng 20 phút vào lúc 19 – 20 giờ trước khi đi ngủ, giun sẽ bò ra ngoài.

Trị trẻ nhỏ bị chứng cam tích hay suy dinh dưỡng: Chuẩn bị 15 – 20g rễ mơ lông khô, 1 cái dạ dày heo thái vụn, sau đó nấu với 1 lít nước cho đến khi cô lại còn 2 chén, bỏ phần bã, lấy nước và chia 2 lần uống.

Trị chứng bí tiểu tiện: Chuẩn bị lá mơ sau đó sắc uống ngày 2 – 3 lần để trị bệnh sỏi thận dẫn đến bí tiểu tiện.

Trị phong tê thấp (đau nhức xương khớp, luôn có cảm giác nặng nề, bứt rứt):

  • Cách 1: Chuẩn bị rễ hoặc dây mơ lông khoảng 30 – 50g, sau khi sắc xong thì pha vào một ít rượu, uống lúc thuốc còn ấm.
  • Cách 2: Dùng cả lá và dây, cắt nhỏ mỗi đoạn chừng 1 – 2cm, sau đó đem đi sao vàng. Mỗi lần dùng 50g sắc với 200ml cho đến khi còn 100ml, chia đều, uống 3 lần trong ngày, duy trì liên tục và đều đặn trong vòng 10 – 15 ngày.
  • Cách 3: Chuẩn bị cả lá và thân, sau đó thái nhỏ, phơi khô rồi đem đi sao vàng. Ngâm phần đã chuẩn bị trong rượu trên 40 độ rồi lắc đều mỗi ngày, sau 5 ngày là có thể dùng được để xoa tại các vùng đau nhức.

Chống co giật: Nghiền nát khoảng 15-60g lá mơ lông tươi, thêm vào 1 chén nước ấm và một tí muối, khuấy đều rồi lọc để lấy nước và uống trước bữa tối.

Làm lành vết thương: Chuẩn bị một nắm lá mơ lông, sau đó xay thật mịn và đắp vào vết thương.

Chữa cảm lạnh: Chuẩn bị 25 lá mơ lông, rồi dùng để ăn sau khi hấp chín hoặc ăn sống.

Chống viêm loét: Nghiền nát 1 nắm lá mơ lông rồi vắt lấy một chén nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Bệnh đậu mùa: Nghiền lá mơ lông rồi thêm vào nước và ít muối, sau đó đem đắp lên những nốt đậu mùa.

Bệnh Herpes: Thực hiện tương tự như trên và lấy dịch bôi vào chỗ bị đau.

Ghẻ phỏng, mụn nước: Chuẩn bị lá mơ lông rửa sạch, sau đó đập dập nát và vắt lấy nước, chấm vào các nốt ghẻ.

Nấm da, chàm, eczema, giời leo: Chuẩn bị một nắm cây mơ lông, sau đó rửa sạch, nghiền mịn rồi bôi vào chỗ ngứa.

Giảm đau trong các trường hợp đau bụng, sình bụng, đầy hơi, bí tiểu: Chuẩn bị 15-60g lá mơ lông tươi, sau đó đem đi đun sôi với 3 chén nước, gạn lọc sau đó cho thêm vào dung dịch một ly nước trái cây. Uống hỗn hợp này mỗi ngày 1 lần giúp giảm đau, nhuận tràng, lợi tiểu giúp thanh lọc cơ thể và kích thích sự ngon miệng, thèm ăn.

Trên đây là các công dụng của cây mơ lông. Những bài thuốc này sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh và mang lại hiệu quả tốt cho sức khỏe một cách an toàn và tiết kiệm chi phí.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan