Cỏ xạ hương có tác dụng gì?

Cỏ xạ hương là một cây có nguồn gốc từ các nước châu Âu. Nó không chỉ xuất hiện, tạo nên hương vị đặc trưng cho ẩm thực phương Tây mà còn là thảo dược có giá trị lớn. Cùng tìm hiểu xem cỏ xạ hương có tác dụng gì?

1. Đặc điểm của cỏ xạ hương

Cỏ xạ hương là loại cây phổ biến, thường dễ phân biệt nhờ đặc điểm bên ngoài cũng như mùi hương đặc trưng. Đây là giống cây bụi, cao khoảng 30 - 70cm. Thân cây được phủ bởi một lớp lông mềm mịn, có thể mọc thành khóm thẳng hoặc ngang.

cây xạ hương rất nhỏ, ngắn, hình ngọn giáo dài từ 5 - 9mm. Mép lá cuốn lại và có lớp lông ở dưới. Hoa của cỏ xạ hương nở vào khoảng tháng 6 - 10 hàng năm, có màu trắng hồng hoặc tím nhạt. Điểm đặc biệt nhất của loài cây này chính là mùi thơm nồng nàn, chỉ cần đi ngang qua cũng có thể ngửi thấy.

Vốn bắt nguồn từ miền Nam châu Âu hay vùng phía Tây Địa Trung Hải và ở miền Nam nước Ý. Cỏ xạ hương là loài cây ưa khí hậu ôn đới, mọc nhiều ở những vách núi cheo lao. Ngày nay, cỏ xạ hương bắt đầu được du nhập nhiều hơn vào nước ta. Có thể tự trồng cây xạ hương bằng phương pháp tách cành hay dùng hạt. Nhưng do đặc điểm thời tiết nên phổ biến nhất vẫn là trồng ở Sapa hay Tam Đảo.

cỏ xạ hương
Cỏ xạ hương là giống cây bụi, có mùi hương đặc trưng

2. Cỏ xạ hương có tác dụng gì?

Có khá nhiều thắc mắc xoay quanh tác dụng của cỏ xạ hương, cỏ xạ hương dùng làm gì hay cỏ xạ hương trị ho được không? Trong ẩm thực, cỏ xạ hương là loại gia vị phổ biến, điểm nhấn không thể thiếu trong các món ăn Tây Âu. Dầu xạ hương ở nồng độ thấp còn có thể sử dụng như một loại chất bảo quản, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trong thực phẩm.

Tác dụng của cỏ xạ hương trong đời sống hàng ngày và điều trị bệnh lý như:

  • Cỏ xạ hương trị ho: Tinh dầu chiết xuất từ ​​lá cỏ xạ hương được sử dụng như một loại thuốc giảm ho tự nhiên. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự kết hợp của lá thường xuân và cỏ xạ hương có thể làm giảm cơn ho và cải thiện nhanh các dấu hiệu của bệnh viêm phế quản cấp tính.
  • Giảm mụn: Các thành phần hóa học có trong cỏ xạ hương đều có khả năng kháng viêm, chống khuẩn. Chính vì vậy nó có tác dụng điều trị mụn trứng cá.
  • Hỗ trợ phát triển hệ thống miễn dịch: Trong cỏ xạ hương chứa nhiều vitamin C, A cũng như các khoáng chất giúp hệ miễn dịch cơ thể ngày càng khỏe mạnh hơn.
  • Thuốc đuổi côn trùng có hại: Chất Thymol trong cỏ xạ hương có khả năng xua đuổi côn trùng gây bệnh. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, tinh dầu cỏ xạ hương có thể đuổi muỗi rất hiệu quả.
  • Giúp thư giãn: Tinh dầu cỏ xạ hương có tác dụng tốt với hệ thần kinh. Thêm một vài giọt tinh dầu trong phòng ngủ có thể giúp thư giãn, an thần, giải tỏa những căng thẳng hay lo âu.
  • Chữa các bệnh tiêu hóa: Ở các nước châu Âu, cỏ xạ hương lâu nay vẫn được dùng như một loại gia vị kích thích sự thèm ăn. Dược liệu này còn được dùng như một vị thuốc chữa rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, nhiễm giun sán.
  • Chất khử trùng: Tinh dầu cỏ xạ hương có khả năng loại bỏ sự hình thành và phát triển của nấm mốc.
  • Hạ huyết áp: Theo một số nghiên cứu tại trường đại học Belgrade thì mùi hương tự nhiên của cỏ xạ hương có thể tác động giúp hạ huyết áp. Tuy nhiên, để ứng dụng sâu hơn thì cần phải có thêm những thí nghiệm khác trên con người.
  • Chất Thymol còn có thể ức chế elastase giúp kháng viêm, chống khuẩn. Đồng thời hạn chế hoạt động của vi khuẩn, hỗ trợ tác dụng của kháng sinh.
  • Tăng cường đề kháng cho người già và trẻ nhỏ, chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa và kéo dài tuổi thọ.
cỏ xạ hương
Cỏ xạ hương có nhiều tác dụng trong đời sống hàng ngày và điều trị bệnh lý

3. Cách sử dụng giúp tác dụng của cỏ xạ hương tốt nhất?

Tùy vào từng mục đích sử dụng mà có thể dùng cỏ xạ hương tươi, sấy khô hay với một số hình thức khác. Đối với mục đích chữa bệnh, có thể sử dụng cỏ xạ hương tươi hoặc khô để làm thuốc sắc, cồn thuốc hoặc trà. Ngoài ra, có thể sử dụng các chế phẩm dược phẩm như chiết xuất tinh dầu rất tiện lợi để chữa bệnh.

  • Trà cỏ xạ hương: Dùng 2 thìa cỏ xạ hương tươi hoặc 1 thìa khô và ngâm trong bình với 300ml nước. Đổ nước vào cốc và thêm một chút mật ong để tăng hương vị. Ngày uống 3 lần, mỗi lần khoảng 100 ml.
  • Sắc thuốc: Có thể dùng riêng cỏ xạ hương hoặc phối hợp với các dược liệu khác sắc thành thuốc uống.
  • Chiết xuất tinh dầu cỏ xạ hương: Nhỏ 2-3 giọt tinh dầu vào đèn, máy hơi nước, máy tạo ẩm,... hoặc bạn có thể tự sơ chế rồi cho 2-3 cành lên muối rang nóng già để chiết xuất ra mùi thơm.
  • Ngâm rượu: Ngâm một ít cỏ xạ hương trong rượu trắng vài tuần trước khi dùng.

Cỏ xạ hương an toàn cho cơ thể khi dùng ở liều lượng vừa phải, trong thời gian ngắn. Nếu dùng ở liều cao có thể gây ra một số tác dụng phụ lên đường tiêu hóa. Vì vậy, người dùng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng cỏ xạ hương điều trị bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan