Vị thuốc từ cây thầu dầu

Cây thầu dầu hay đu đủ tía là loại cây được trồng phổ biến ở nhiều nơi tại Việt Nam. Bên cạnh là một vị thuốc chữa được nhiều bệnh, cây thầu dầu tía còn được ứng dụng trong các ngành công nghiệp kỹ nghệ, chủ yếu là ép hạt lấy dầu. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc cây thầu dầu có độc không và cây thầu dầu tía chữa bệnh gì?

1. Đặc điểm của cây thầu dầu tía

Cây thầu dầu hay còn gọi là đu đủ tía có tên khoa học Ricinus Communis, thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae). Một số đặc điểm nhận dạng cây thầu dầu như:

  • Cây có chiều cao khoảng 3 – 4 m, đôi khi có thể cao hơn;
  • Thân và cành cây thầu dầu tía đều có dạng hình trụ, bề mặt trơn nhẵn, màu xanh lục hoặc đỏ tía. Riêng những cành non lại có màu phấn trắng;
  • Lá thầu dầu mọc so le với nhau, xẻ sâu hình chân vịt, phân chia thành 7 thùy. Phần đầu lá nhọn, mép hình răng cưa, 2 mặt lá trơn nhẵn và có cuống dài;
  • Hoa cây thầu dầu mọc thành cụm ở kẽ lá hoặc ngọn cây, đặc biệt những cụm hoa được bao bọc bởi nhiều lá bắc. Hoa cái mọc ở trên, hoa đực mọc ở dưới. Phần đài hoa đực bao gồm 3 đến 5 răng cưa, nhiều nhị và phân nhánh. Hoa cái có 5 lá đài rụng sớm, vòi nhụy màu đỏ, bầu 3 và có nhiều gai mềm. Mua ra hoa khoảng tháng 3 đến tháng 6;
  • Quả thầu dầu dạng quả nang, màu tím nhạt hoặc lục, có gai mềm xung quanh. Mùa ra quả thường là tháng 8-10;
  • Hạt thầu dầu dạng hạt 3, hình bầu dục dẹt, bề mặt nhẵn bóng và có những đốm đen hoặc xám.

2. Phân bố và đặc điểm sinh thái của cây thầu dầu

Cây thầu dầu nguồn gốc từ các nước Châu Phi, bên cạnh đó còn ghi nhận xuất hiện ở một số vùng cận nhiệt đới như Himalaya, Ấn Độ. Hiện nay, cây thầu dầu đã được trồng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, một số nước Trung Á... Riêng tại Việt Nam cây thầu dầu đã xuất hiện lâu đời, trước đây trồng phổ biến ở vùng đồng bằng sông Hồng, sông Đuống và sông Lô. Tuy nhiên, thời gian gần đây sự phân bố của cây đã bị thu hẹp dần.

Về đặc điểm sinh thái, cây thầu dầu tía ưa thích sống ở những nơi sáng sủa, rộng rãi và thoáng. Tùy đặc điểm mỗi loài mà cây thầu dầu có thể thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu như nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao hoặc khí hậu hơi khô. Các giống trồng ở vùng Trung Á và Trung Quốc có khả năng chịu được nhiệt độ thấp và có thể chịu ngập úng trong thời gian lên đến 3 ngày.

Cây thầu dầu ra hoa, kết quả hằng năm. Thầu dầu có giá trị sử dụng rất cao, hạt được dùng để ép lấy dầu béo, lá là thực ăn nuôi tằm hoặc làm phân xanh, thân cây lấy làm củi đun.

cây thầu dầu
Cây thầu dầu nguồn gốc từ các nước Châu Phi

3. Thành phần hóa học trong hạt cây thầu dầu

Hạt cây thầu dầu có đến 40 – 50% là dầu béo, 25% albuminoid (một hợp chất chứa albumin), đường, muối, axit malic, xenluloza, ricinin, ricin và axit undecylenic.

Chất ricin trong hạt chiếm tỷ lệ khoảng 3 – 5%, đây là một protein rất độc. Còn chất ricinin ngoài có trong hạt (tỷ lệ 0.15%) còn xuất hiện trong lá non (tỷ lệ 1.3%), lá úa (2.5%). Ngoài ra, trong lá cây thầu dầu còn chứa một số loại axit như axit tactric, axit xitric, axit corydalic và nhiều axit amin...

4. Tác dụng của cây thầu dầu

Dầu ép từ hạt cây thầu dầu có tác dụng nhuận tràng rất tốt khi uống lúc bụng đói với liều từ 10-30g. Sau sử dụng khoảng 3 đến 4 giờ sẽ gây đại tiện nhiều mà không gây đau bụng. Với liều khoảng 30-50g, việc đại tiện có thể kéo dài khoảng 5-6 giờ. Dầu thầu dầu có đặc điểm là không gây hiện tượng sót phân trong lòng đại tràng. Khi theo dõi bằng cách chụp phim X quang, người ta nhận thấy nhu động ruột non và ruột già tăng lên khi sử dụng dầu thầu dầu. Ngoài ra, tác dụng nhuận tràng này không ảnh hưởng co bóp tử cung nên rất phù hợp cho đối tượng phụ nữ đang mang thai bị táo bón. Tuy nhiên, việc sử dụng kéo dài có thể gây ra hiện tượng chán ăn (anorexia), lưỡi trắng và đôi khi sốt. Lý giải cho hiện tượng này có thể là do quá trình tiêu hóa không tốt chứ không ghi nhận bất kỳ tổn thương nào niêm mạc đường tiêu hóa. Theo Valette và Salvanet (1936), tác dụng nhuận tràng của dầu thầu dầu là do axit ricinoleic giải phóng trong lòng ruột.

5. Cây thầu dầu có độc không?

Chất ricin trong hạt thầu dầu một chất độc. Với liều 0.002mg/1kg cân nặng có thể giết chết một con thỏ. Tác dụng độc của ricin tương tự độc tố của các loại vi khuẩn. Cần lưu ý chất ricin này có khả năng tạo miễn dịch, nếu cho súc vật ăn với liều nhỏ, nhiều lần thì sau đó chúng có thể ăn với liều cao hơn mà không gây chết.

Một tin tốt là ricin có thể bị phá hủy ở nhiệt độ cao, cho nên nhiều nơi đem hạt cây thầu dầu phơi khô hoặc hấp nóng ở 115 độ C cho lợn ăn. Và có thể nhờ vào khả năng này mà ở nước ta, người dân xào nấu hạt cây thầu dầu để ăn mà không thấy hiện tượng ngộ độc. Nếu không bị phá huỷ, độ độc của ricin rất cao:

  • 3g hạt thầu dầu khô đủ giết chết một con bò nặng 100kg;
  • Tiêm 0.03mg/1kg cân nặng có thể giết chết chó;
  • Liều độc đối với một con chuột bạch nặng 500g là 6 phần triệu gam, nghĩa là đối ricin độc gấp 7 lần chất aconitin, là một chất thuộc loại độc nhất có trong ô đầu (Aconitum);
  • Liều độc với người là 3mg tiêm dưới da hoặc 180mg theo đường uống, cụ thể hơn 1 hạt đã đủ gây nôn mửa, 3 - 4 hạt đủ làm trẻ con chết, 14 - 15 hạt làm chết người trưởng thành. Ricin trong thầu dầu sẽ là làm vón hồng cầu và bạch cầu.

Bên cạnh đó, chất ricinin trong hạt thầu dầu đến nay chưa ghi nhận tài liệu về tác dụng dược lý.

cây thầu dầu
Cây thầu dầu chữa liệt thần kinh mặt

6. Cây thầu dầu tía chữa bệnh gì?

Sa tử cung và trực tràng: Dùng hạt cây thầu dầu giã ra đắp lên đầu.

Ðẻ khó, sót nhau: Dùng hạt cây thầu dầu (khoảng 14 hạt) giã nát đắp vào lòng bàn chân, khi sinh xong hay nhau đã bong ra thì bỏ thuốc ngay lập tức và rửa sạch.

Liệt thần kinh mặt: Giã hạt cây thầu dầu và đắp vào nửa mặt đối diện.

Chữa bệnh trĩ:

  • Cách 1: Dùng lá cây thầu dầu tía đem rửa sạch, rồi đun với nước đến khi đặc lại thì để nguội và sử dụng dung dịch này để rửa hậu môn. Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp lá cây thầu dầu tía và lá vông đem rửa sạch và đun với nước, dùng nước này để ngâm hậu môn hoặc sử dụng lá thầu dầu tía và lá vông theo tỉ lệ 1:1, giã nát, rồi lấy miếng vải sạch bọc lại và đem đắp hậu môn trong vòng 5 phút rồi dùng khăn lau sạch. Thực hiện một trong 3 cách trên 1 lần/ngày, chỉ sau 1 tuần sẽ thấy các triệu chứng bệnh trĩ thuyên giảm rõ rệt;
  • Cách 2: Lấy 9 hạt cây thầu dầu tía và 9 con học trò nước (là con vật có chân dài như nhện thường chạy trên mặt nước). Giã nát 2 nguyên liệu với nhau, rồi đem xào với dấm thanh cho nóng, sau đó sử dụng miếng vải sạch bọc lại, vạch tóc ra và đắp vào huyệt Bách hội ở giữa đỉnh đầu. Lưu ý khi thấy búi trĩ dần rút lên thì gỡ bỏ thuốc đi vì để lâu sẽ rất nguy hiểm.

7. Lưu ý khi dùng cây thầu dầu chữa bệnh?

Hiện nay, ngoài tự nhiên có rất nhiều loại thầu dầu khác nhau tuy nhiên chỉ có loại cây thầu dầu lá màu tía là sử dụng để làm thuốc.

Cả lá và hạt cây thầu dầu tía đều chứa độc tố (đặc biệt là hạt), khi sử dụng trên 10 hạt có thể gây chết người. Vì lẽ đó mà các bài thuốc Đông y không sử dụng hạt thầu dầu để làm thuốc uống mà chỉ sử dụng để bào chế thuốc đắp ngoài.

Thầu dầu là vị thuốc thường dùng để lấy dầu ép từ hạt, rễ và lá để chữa phong thấp, đau xương khớp, mụn nhọt viêm mủ, tẩy xổ nhuận tràng... Tuy nhiên cây thầu dầu có chứa chất rất độc, vì vậy bệnh nhân cần được tư vấn các bác sĩ chuyên khoa để có thông tin chính xác nhất và những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

58.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan