Chữa mất ngủ bằng Đông y: Những điều cần biết

Mất ngủ là căn bệnh phổ biến xảy ra không chỉ ở tuổi già - lứa tuổi sau tiền mãn kinh mà còn xảy ra ở cả những người trẻ. Cũng vì thế, phòng ngừa và điều trị mất ngủ đang là mối quan tâm của rất nhiều người. Ngoài các phương pháp điều trị hiện đại. Chữa mất ngủ bằng đông y cũng được nhiều người lựa chọn.

1. Bệnh mất ngủ là gì ?

Bệnh mất ngủ - thất miên là một tình trạng rối loạn giấc ngủ bao gồm các dấu diệu: không ngủ được, thiếu ngủ hoặc ngủ không sâu giấc, giấc ngủ kém chất lượng. Điều này gây ảnh hưởng xấu tới tình trạng sức khỏe người bệnh. Theo Y Học Cổ Truyền, mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân như: tâm tỳ hư, thận âm hư, tâm thận bất giao...

2. Phân biệt các dạng bệnh mất ngủ

2.1. Mất ngủ cấp tính

Đây là tình trạng mất ngủ tạm thời thường gặp nhất, xảy ra trong một vài đêm cũng có thể một vài tuần rồi lại hết. Nguyên nhân của tình trạng này bao gồm:

  • Do gặp các vấn đề về mặt tâm lý cảm xúc tạm thời như đau buồn hay có sự tác động ở các yếu tố ngoại cảnh như gia đình, bạn bè.
  • Không thích nghi với địa điểm ngủ lạ, không thoải mái.
  • Thói quen lối sống không lành mạnh, giờ giấc không tuân thủ (ngủ trưa nhiều, sử dụng chất kích thích trước khi ngủ, dùng điện thoại hay làm việc quá giấc, qua cơn buồn ngủ,..).
  • Một số bệnh khác ảnh hưởng như đau bụng, đau răng, ho, sốt...

2.2. Mất ngủ mãn tính

Mất ngủ mãn tính là tình trạng mất ngủ kéo dài trên 1 tháng. Người bệnh thường vào giấc rất khó và rất lâu (30p – 1,5h). Giấc ngủ chỉ đạt được khoảng 3-4 giờ trong giấc ngủ có thể bị tỉnh giấc nhiều lần hoặc sau khi tỉnh thì khó vào lại giấc ngủ tiếp. Chất lượng giấc ngủ kém không đạt được đủ các thành phần trong giấc ngủ, khi tỉnh dậy người thường mệt mỏi.

chữa mất ngủ bằng đông y
Người bệnh mất ngủ có thể tham khảo cách chữa mất ngủ bằng đông y

3. Nguyên nhân của bệnh mất ngủ

Một số nguyên nhân gây bệnh mất ngủ có thể kể đến như sau:

  • Khi gặp các trường hợp mất ngủ cấp tính mà không điều trị ngay dứt điểm hoặc yếu tố stress tâm lý rối loạn lo âu kéo dài quá lâu
  • Các bệnh thực thể gây đau đớn kéo dài như Gout, viêm khớp dạng thấp, đau dạ dày... xảy ra lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ.
  • Dùng các chất kích thích kéo dài quá liều lượng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra mất ngủ.
  • Mất ngủ mãn tính mà không được điều trị kịp thời sẽ có thể dẫn tới một số mặt bệnh khác như: giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, đau nửa đầu, bệnh về tim mạch...

4. Cách điều trị và cải thiện bệnh mất ngủ theo y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, bệnh mất ngủ chia làm nhiều thể. Mỗi thể bệnh sẽ có các triệu chứng cũng như phương pháp dược khác nhau để điều trị.

4.1. Mất ngủ do tâm tỳ hư

Suy nghĩ lo lắng quá độ làm tổn thương tâm tỳ, từ đó tỳ kém không sinh huyết, huyết hư không nuôi dưỡng được tâm.

Pháp: Bổ tâm dưỡng tỳ sinh huyết.

Phương: Quy tỳ thang

Nhân sâm 12g Quế chi 8g
Táo đỏ 3g Mộc hương 2g
Hoàng kỳ 12g Cam thảo 2g
Bạch truật 12g Đương quy 8g
Phục thần 12g Viễn chí 4g
Toan táo nhân 12g Sinh khương 3g

4.2.Mất ngủ do âm hư hỏa vượng, tâm hỏa thượng cang

Người bệnh khó ngủ dễ tỉnh giấc, người phiền muộn bứt rứt, ngũ tâm phiền nhiệt, miệng khô tai ù đầu váng, lưỡi đỏ mạch tế sác.

Pháp: Tư âm thanh nhiệt, an thần.

Phương: Chu sa an thần hoàn.

Chu sa 4g Hoàng liên 6g
Cam thảo 2g Sinh địa 2g
Đương quy 2g

4.3. Mất ngủ do tâm thận bất giao

Mất ngủ, đầu váng ù tai, khát nước, lưng đau, hay mộng, triều nhiệt, tiểu đỏ, lưỡi đỏ không rêu mạch tế sác.

Pháp: Giao thông tâm thận

Phương: Giao thái hoàn

Hoàng liên 4g Nhục quế 2g

4.4. Mất ngủ do vị bất hòa

Ăn uống không điều độ gây thực tích không tiêu sinh đàm thấp gây ủng trệ. Ngủ không được vì ngực bụng căng tức, đầy hơi khó chịu, bụng đau, mạch hoạt.

Pháp: Tiêu đạo hòa vị hóa đờm

Phương: Bảo hòa hoàn.

Sơn tra 6g Thần khúc 2g
Bán hạ 3g Phục linh 3g
Trần bì 1g Liên kiều 1g
La bặc tử 1g

Ngoài việc dùng thuốc, để điều trị bệnh mất ngủ thì vai trò và sự phối kết hợp của bệnh nhân là khá quan trọng trong việc điều trị. Trong giai đoạn điều trị cần tuân thủ một số điều sau đây:

  • Tạo lịch ngủ khoa học, luyện tập bản thân lên giường và dậy đúng giờ
  • Không gian ngủ: Sạch sẽ mát mẻ, yên tĩnh, để tối hoặc dùng đèn ngủ. Trước khi ngủ 1-2 tiếng nên giảm ánh sáng trong phòng hoặc dùng đèn mờ.
  • Thay đổi thói quen ăn uống: ăn quá no, ăn uống đồ có chất kích thích thần kinh như cà phê, trà, nước ngọt...
  • Thực hiện các hoạt động: Thiền, đọc sách, nghe nhạc nhẹ, ngâm chân tắm nước ấm. Không nên sử dụng máy tính điện thoại trên giường.
  • Tập thể dục thường xuyên mỗi ngày để có một sức khỏe tốt ổn định.

Bệnh mất ngủ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe chúng ta, vì vậy ngay từ bây giờ hãy thiết lập một lối sống khoa học và duy trì thường xuyên để phòng tránh căn bệnh này. Các vấn đề về tình trạng mất ngủ cần điều trị kịp thời, tránh để diễn biến lâu dài dẫn tới các tình trạng nặng nề hơn và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hoàng Bảo Châu. Nội khoa y học cổ truyền, Thất miên, trang 131-140. Nhà xuất bản Y học Hà Nội, 1997.
  2. Khoa Y học cổ truyền, Bộ môn bệnh học, Trường ĐH Y Dược Hồ Chí Minh. Nội khoa y học cổ truyền; Thất miên, trang 423-428. Nhà xuất bản Y học, 2001.
  3. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/song-khoe/nao-la-mot-giac-ngu-tot-co-chat-luong/
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan