Vị trí và tác dụng huyệt chiên trung

Huyệt chiên trung là một trong những huyệt vị nằm ở vùng ngực. Tác động lên huyệt đạo này có thể điều trị nhiều bệnh lý như giảm đau tức ngực, điều trị hen suyễn, ít sữa,...

1. Huyệt chiên trung là gì?

Huyệt chiên trung còn được gọi là huyệt đàn trung, đản trung, hung đường, nguyên kiến, thượng khí hải, nguyên nhi. Đây là huyệt thứ 17 của mạch nhâm, huyệt hội của khí, huyệt mộ của tâm bào, huyệt hội của mạch nhâm với kinh tiểu trường, tam tiêu, tỳ và thận.

Về ý nghĩa, “chiên” có nghĩa là mùi tanh hôi của con chiên, cừu; ở đây được dùng là ý nghĩa cung điện của trái tim, tức là màng bảo vệ tim. Còn “trung” là từ chỉ vị trí ở giữa. Theo lý giải của Trung Y Cương Mục thì huyệt nằm ở giữa ngực - nơi có trái tim nên được gọi là chiên trung. Theo lý giải của Kinh Huyệt Thích Nghĩa Hội Giải: Vị trí giữa 2 vú ở ngực gọi là chiên, huyệt ở giữa 2 đầu vú nên gọi là chiên trung.

2. Vị trí huyệt chiên trung

Huyệt nằm ở điểm giao nhau của đường đi dọc giữa xương ức với đường đi ngang qua 2 đầu núm vú (nam giới) hoặc nằm ngang qua bờ trên 2 khớp xương ức thứ 5 (nữ giới). Về giải phẫu, dưới da ở vị trí huyệt chiên trung chính là xương ức, da vùng huyệt bị chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D4.

3. Tác dụng huyệt chiên trung

Huyệt chiên trung có tác dụng điều khí, thanh phế, thông ngực, hóa đàm, giáng nghịch, lợi cách (mô). Tác động lên huyệt chiên trung chủ trị: Đau tức ngực, thở kém, hen suyễn, nấc, ít sữa, đau thần kinh liên sườn, viêm màng ngực.

Ứng dụng huyệt chiên trung trong trị liệu như sau:

3.1 Trị đau ngực

Khi cơ thể xuất hiện các cơn đau nhức vùng ngực thì có thể bệnh nhân gặp các vấn đề sức khỏe liên quan tới tim mạch, trong đó có nhồi máu cơ tim. Nếu không điều trị nhanh chóng và kịp thời thì tình trạng này có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm về sức khỏe cho bệnh nhân.

Một trong những giải pháp giúp giảm đau ngực nhanh chóng là bấm huyệt chiên trung. Khi tác động lên huyệt đạo này, ngoài giảm đau tức ngực thì còn giúp điều chỉnh lượng máu để không ép vào tim.

Lưu ý: Nếu bị đau nhiều, các cơn đau tăng theo cường độ, bị toát mồ hôi, da tím tái,... thì không nên ứng dụng phương pháp bấm huyệt. Trường hợp này bệnh nhân nên được chuyển ngay tới bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.

huyet-chien-trung-4a.png
Huyệt chiên trung có tác dụng trong điều trị đau ngực

3.2 Điều trị đau dây thần kinh liên sườn

Đau dây thần kinh liên sườn khiến bệnh nhân bị đau đớn, khó chịu, khó thở, tức ngực,... Cơn đau thường tăng khi người bệnh ho nhiều, chấn thương, thay đổi thời tiết,... Để giảm triệu chứng này, bệnh nhân có thể bấm huyệt chiên trung.

Cách thực hiện: Bấm huyệt chiên trung 2 lần/ngày để giảm cơn đau nhức và co thắt tại vị trí liên sườn.

Lưu ý: Biện pháp này không thể điều trị dứt điểm các triệu chứng bệnh nhưng giúp giảm đau hiệu quả, an toàn trong các trường hợp khẩn cấp. Trường hợp bệnh nhân đau không giảm, kéo dài nhiều ngày thì nên đi thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế.

3.3 Giảm căng thẳng và tức giận

Áp lực công việc và cuộc sống khiến con người dễ mắc các chứng lo âu, căng thẳng. Thường xuyên lo âu và nổi nóng sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, ngoại hình, khiến da lên mụn và mắt thâm quầng. Bấm huyệt chiên trung có thể giải quyết tình trạng này.

Cách bấm huyệt: Dùng ngón tay cái ép lên huyệt chiên trung cho tới khi cảm thấy tê tức tại vùng huyệt. Vừa ép vừa xoay ngón tay theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 5 giây, ngừng 3 giây rồi lại thực hiện tiếp trong 2 phút.

Lưu ý: Tuyệt đối không được ấn huyệt theo chiều từ dưới lên trên, khi ấn huyệt bằng ngón tay cái nên nắm bàn tay lại.

3.4 Tăng cường miễn dịch

Theo một số nghiên cứu, nếu thực hiện bấm huyệt chiên trung hằng ngày thì sẽ giúp cơ thể tăng cường hệ thống miễn dịch hiệu quả. Khi day ấn huyệt, bạn sẽ tác động lên tuyến ức, giúp biến đổi tế bào miễn dịch lympho T từ tế bào non thành tế bào trưởng thành. Ở giai đoạn trưởng thành, tế bào lympho T được biệt hóa thành 3 dòng chính, giúp tăng cường hệ miễn dịch cơ thể:

  • Lympho T trợ giúp: Điều hòa hệ thống miễn dịch, kích thích sự sản sinh và hoạt động của các tế bào miễn dịch;
  • Lympho T ức chế: Kiểm soát miễn dịch và chống lại hiện tượng tự miễn trong cơ thể;
  • Lympho T gây độc: Chống lại những tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn, virus, tế bào ung thư,...

Lưu ý: Tuyến ức là bộ phận phía sau xương ức - nơi huyệt chiên trung trực tiếp đi qua.

3.5 Điều trị các cơn hen suyễn

Hen suyễn là bệnh xuất hiện do rối loạn hoặc suy yếu các tạng của con người. Bệnh nhân có biểu hiện đau tức ngực, khó thở, ho nhiều, ho có đờm. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp một số bệnh lý về hô hấp như khí phế thũng, viêm phế quản, suy hô hấp, ngừng hô hấp kèm tổn thương não, tràn khí màng phổi, xẹp phổi,...

Ngoài các cách điều trị theo tây y, bệnh nhân còn có thể áp dụng biện pháp bấm huyệt chiên trung để trị các cơn hen suyễn. Đây là giải pháp giúp điều trị triệu chứng tức thời, bệnh nhân có thể bấm huyệt ngay khi cơn hen suyễn tái phát. Cách thực hiện là: Dùng ngón cái day huyệt chiên trung trong khoảng 2 phút để làm giảm triệu chứng bệnh.

4. Cách phối các huyệt với huyệt chiên trung để trị bệnh

Huyệt chiên trung có thể phối hợp với một số huyệt khác để điều trị bệnh. Cụ thể:

  • Phối huyệt chiên trung với huyệt hoa cái để trị khó thở, hơi thở ngắn, không muốn nói chuyện;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt công tôn, phong long, trung khởi để trị chứng nôn ra đờm dãi;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt kỳ môn, trung quản để trị chứng khí nghịch xông lên họng;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt liệt khuyết, phế du, xích trạch để trị hen suyễn;
  • Phối huyệt chiên trung với huyệt thiên tỉnh để trị đau ngực, tê tim;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt hoa cái, thiên đột để trị ho suyễn;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt đại lăng, trung quản để trị ho, ợ hơi;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt chi câu, đại lăng, phế du để trị phế ung;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt du phủ, phế du, thiên đột, túc tam lý để trị ho, hen suyễn;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt chi câu, khí hải, nhũ căn, trung quản, túc tam lý để trị thổ huyết;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt đại lăng, kỳ môn, lao cung để trị thương hàn kèm đau hông sườn;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt hợp cốc, bổ thiếu trạch để trị thiếu sữa;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt nhũ căn, thiếu trạch để trị sữa ra ít;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt du phủ, đại lăng, thiếu trạch, ủy trung để trị nhũ ung;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt khí hải, hạ tam lý để trị mai hạch khí;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt du phủ, liệt khuyết, hợp cốc, khuyết bồn, phù đột, thập tuyên, thiên đột, thiên song để trị bướu cổ;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt bách hội, khí hải, nhân trung để trị quyết nghịch;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt nhũ căn, thiếu trạch để trị viêm tuyến vú cấp;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt định suyễn, nội quan, thiên đột để trị hen suyễn;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt nhũ căn, thiếu trạch, túc tam lý để trị thiếu sữa;
  • Phối huyệt chiên trung với các huyệt hợp cốc, khúc trì để trị viêm tuyến vú.
huyệt chiên trung
Huyệt chiên trung (đản trung) cần xác định chính xác trước khi phối hợp huyệt

5. Cách châm cứu, bấm huyệt chiên trung

Thực hiện châm cứu, bấm huyệt đúng theo tác thì mới mang lại hiệu quả điều trị bệnh. Do đó, khi tác động lên huyệt vị để trị bệnh, cần lưu ý những điều sau:

5.1 Châm cứu huyệt chiên trung

  • Châm luồn kim dưới da, hướng lên huyệt hoa cái để điều trị suyễn, xiên châm ngang nếu muốn trị bệnh về vú;
  • Thực hiện châm sâu 0.3 - 1.5 thốn, trong khoảng 5 - 20 phút.

Lưu ý: Xương ức rất mềm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ nên khi châm không được để thẳng góc kim để tránh kim đi xuyên qua xương ức vào trong nội tạng, gây đau buốt và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

5.2 Bấm huyệt chiên trung

Thông thường, có 2 cách bấm huyệt là:

  • Cách 1: Dùng 2 ngón tay cái liên tục xoa ấn tại huyệt chiên trung theo chiều dọc tới khi cảm nhận thấy lồng ngực nóng lên. Cần thực hiện nhanh và mạnh mới thấy hiệu quả;
  • Cách 2: Dùng ngón tay cái ép mạnh lên huyệt chiên trung cho tới khi cảm thấy tê tức tại huyệt. Ngón tay cái vừa ép vừa day ấn theo chiều kim đồng hồ. Mỗi lần ép kéo dài 5 giây, ngừng lại trong 3 giây. Thực hiện bấm huyệt liên tục khoảng 2 phút thì dừng lại.

Lưu ý: Bấm huyệt cần thực hiện tuần tự các bước để tránh biến chứng đau tức ngực.

Đồng thời, chú ý phụ nữ đang mang thai giai đoạn đầu hoặc cuối không nên châm cứu, bấm huyệt để tránh gây ảnh hưởng tới thai nhi. Bên cạnh đó, không thực hiện châm cứu, bấm huyệt cho người thường xuyên sử dụng chất kích thích, uống rượu bia. Ngoài ra, không nên tác động lên huyệt khi cơ thể quá no hoặc quá đói vì sẽ gây tổn hại dạ dày.

Huyệt chiên trung nằm ở vị trí quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con người. Do đó, khi phối huyệt chiên trung hoặc châm cứu, bấm huyệt cần thực hiện đúng quy trình. Tốt nhất người bệnh nên tìm đến những cơ sở châm cứu, bấm huyệt uy tín để được trị liệu bởi các lương y có chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan