Phương pháp điều trị thoái hóa cột sống hiện nay rất đa dạng. Mỗi phương pháp có hiệu quả riêng, phù hợp với từng giai đoạn và mức độ bệnh. Để tìm ra giải pháp tốt nhất, người bệnh cần hiểu rõ các lựa chọn điều trị và cân nhắc dựa trên tình trạng cụ thể của mình.
Được tư vấn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Hiền - Bác sĩ Đa khoa - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Mẹ em năm nay đã ngoài 60 tuổi và đã bị bệnh thoái hoá cột sống hơn 30 năm. Mẹ em đã đi khám nhiều và chữa trị nhiều nhưng vẫn không được gì vẫn đau ê ẩm thường xuyên, đặt biệt là những ngày trở trời bệnh nặng hơn đi lại khó khăn. Em muốn nhờ bác sĩ tư vấn giúp em phương pháp điều trị thoái hoá cột sống? Xin cảm ơn bác sĩ.
Hồng (1989)
Chào bạn,
Để bạn có đủ thông tin về các phương pháp điều trị thoái hoá cột sống, bác sĩ sẽ giải đáp chi tiết thoái hoá cột sống là bệnh gì cũng như những cách điều trị hiệu quả hiện nay.
1. Thoái hoá cột sống là gì?
Thoái hóa cột sống là một thuật ngữ y khoa bao gồm hai tình trạng là gai cột sống và thoái hóa đĩa đệm. Đây là bệnh lý xương khớp phổ biến, thường gặp ở người từ 35 tuổi trở lên, đặc biệt ở cột sống cổ, cột sống lưng và cột sống thắt lưng. Trong đó, thoái hóa cột sống cổ và thắt lưng là phổ biến nhất.
Bệnh này xảy ra do nhiều yếu tố như:
- Tuổi tác: Quá trình lão hóa tự nhiên của con người.
- Giới tính: Nữ giới dễ bị thoái hoá hơn nam giới.
- Công việc: Lao động nặng hoặc duy trì tư thế sai trong thời gian dài.
- Các yếu tố khác: Tiền sử chấn thương, bất thường trục chi dưới, loãng xương, yếu cơ, di truyền hoặc phẫu thuật cột sống.
- Người thừa cân, béo phì: Trọng lượng cơ thể lớn gây ra nhiều áp lực hơn lên cột sống.
Áp lực lặp đi lặp lại lên sụn khớp và đĩa đệm trong thời gian dài sẽ dẫn đến tổn thương sụn, làm mất tính đàn hồi đĩa đệm, xơ cứng dây chằng và một vài biến chứng khác. Bệnh thường phát triển âm thầm nhưng có thể gây ra những triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

2. Các phương pháp điều trị thoái hoá cột sống
Có một số phương pháp điều trị thoái hoá cột sống phổ biến như sau:
2.1 Tập luyện thể chất
Tập luyện thể chất có vai trò hỗ trợ việc điều trị thoái hóa đốt sống. Các bài tập này giúp kéo giãn cột sống tự nhiên, thúc đẩy phục hồi tổn thương ở đốt sống và tăng cường sự linh hoạt, dẻo dai của hệ thống khớp. Ngoài ra, tập luyện thường xuyên còn giúp cải thiện tinh thần, mang lại cảm giác thoải mái cho người bệnh.
Một số bài tập mà người bệnh có thể thực hiện gồm:
- Yoga: Hỗ trợ kéo giãn cơ và tăng cường sức mạnh cột sống.
- Đi bộ, chạy bộ: Tăng cường tuần hoàn máu và cải thiện độ linh hoạt của cơ thể.
- Bơi lội: Giúp giảm áp lực lên cột sống nhờ môi trường nước xung quanh.
Tuy nhiên, tập luyện không đúng cách hoặc lựa chọn bài tập không phù hợp có thể làm tăng áp lực lên cột sống, khiến bệnh nặng thêm và kéo dài cơn đau. Vì vậy, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
2.2 Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa sẽ tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng lâm sàng. Bác sĩ thường sẽ cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc sau:
- Thuốc giảm đau (ví dụ như paracetamol).
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) giúp giảm đau, giảm viêm.
- Thuốc giãn cơ.
- Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm, ví dụ như Glucosamine Sulfate.
- Thuốc ức chế IL1
- Tiêm corticoid tại chỗ.
Tuy nhiên, các loại thuốc này chỉ giúp giảm đau tạm thời và không thể phục hồi tổn thương cột sống đã bị thoái hóa. Khi ngừng thuốc, các cơn đau có thể tái phát và diễn biến nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, bệnh nhân không nên tự ý tăng liều lượng thuốc với mong muốn nhanh khỏi bệnh. Điều này có thể gây ra nhiều tác hại như suy gan, suy thận, loét hoặc xuất huyết trong dạ dày. Do đó, bệnh nhân nên sử dụng thuốc đúng theo chỉ định nhằm hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

2.3 Phương pháp điều trị thoái hoá cột sống bằng phẫu thuật
Phẫu thuật được coi như một phương pháp được áp dụng để điều trị các vấn đề nghiêm trọng của bệnh như thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống hoặc hẹp ống sống kéo dài. Những tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, do đó cần có biện pháp điều trị mạnh hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phẫu thuật cột sống là một phương pháp tương đối nguy hiểm và có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người bệnh. Do đó, phẫu thuật trị thoái hoá đốt sống nên được thực hiện sau cùng, khi mà các cách điều trị phía trước không đạt được hiệu quả như mong đợi. Vì vậy, mọi người cần cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ thực hiện khi có chỉ định cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể kết hợp một số phương pháp khác như châm cứu, trị liệu thần kinh cột sống kết hợp với các bài vật lý trị liệu để tăng hiệu quả điều trị bệnh.
Nếu còn thắc mắc về thoái hóa cột sống, bạn hãy đưa mẹ đến bệnh viện trong Hệ thống Y tế Vinmec để được kiểm tra và tư vấn chi tiết hơn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến bệnh viện Vinmec, chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.