Bệnh gout và gan nhiễm mỡ: Mối liên hệ và cách điều trị bệnh

Mục lục

Bệnh gout và gan nhiễm mỡ vốn là hai căn bệnh hoàn toàn khác nhau. Phần lớn các trường hợp bị gout đều sẽ tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ và ngược lại, người mắc gan nhiễm mỡ cũng có nguy cơ bị gout. Chính vì thế việc điều trị hai căn bệnh này thường được khuyến khích thực hiện cùng lúc.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Gout ảnh hưởng đến nguy cơ gan nhiễm mỡ như thế nào?

Bệnh gout và gan nhiễm mỡ có liên quan mật thiết với nhau. Người mắc một trong hai bệnh này thường có nguy cơ cao mắc bệnh còn lại. Mối liên hệ này làm cho quá trình điều trị trở nên phức tạp hơn vì cần phải quản lý cả hai bệnh cùng lúc.

1.1. Tổng quan về bệnh gout

Bệnh gout là một loại viêm khớp do sự tích tụ các tinh thể axit uric trong khớp. Sự tích tụ này dẫn đến đau dữ dội, sưng tấy và đỏ ở vùng bị ảnh hưởng. Bệnh gout thường ảnh hưởng đến khớp ở gốc ngón chân cái nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp khác. 

Bệnh gout thường ảnh hưởng đến khớp ngón tay, ngón chân hoặc các vị trí khác.
Bệnh gout thường ảnh hưởng đến khớp ngón tay, ngón chân hoặc các vị trí khác.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh gout bao gồm béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao và chế độ ăn giàu purin (có trong thịt đỏ, hải sản và rượu). Ngoài ra còn phải kể đến tính di truyền, khiến cho nhiều người dù rất khỏe mạnh vẫn có thể mắc phải.

1.2. Thế nào là gan nhiễm mỡ

Hiểu một cách cơ bản thì đây là tình trạng chất béo tích tụ ở trong gan, có thể dẫn đến viêm, sẹo và cuối cùng là suy gan. Có hai loại bệnh gan nhiễm mỡ chính, một là do bia rượu, hai là do các tình trạng khác như béo phì, hội chứng chuyển hóa và kháng sinh Insulin, được gọi chung lại là NAFLD.

Hai loại bệnh gan nhiễm mỡ chính là bệnh do rượu hoặc không liên quan đến rượu (NAFLD, liên quan đến hội chứng chuyển hóa, béo phì và kháng Insulin).

1.3. Mối liên hệ giữa bệnh gout và gan nhiễm mỡ

Các nghiên cứu gần đây đã tiết lộ mối liên hệ giữa tình trạng bệnh gout cùng bệnh gan nhiễm mỡ, đặc biệt là nhóm bị gan nhiễm mỡ NALFD. Nghiên cứu đã chứng minh rằng, những người mắc bệnh Gout có nhiều khả năng phát triển NAFLD hơn và ngược lại.  

Cụ thể, trong số 239 bệnh nhân mắc bệnh gout sẽ có 60,3% là mắc bệnh NAFLD. Một nghiên cứu khác cũng cho rằng, người mắc gan nhiễm mỡ không do rượu sẽ tăng nguy cơ bị gout, đặc biệt là khi có các yếu tố nguy cơ chuyển hóa khác.

2. Nguyên nhân

Lý do cơ bản nhất tạo nên mối liên hệ giữa hai bệnh lý này chính là cả hai đều liên quan tới tình trạng kháng Insulin, béo phì và hội chứng chuyển hóa. Hơn nữa, chúng còn chịu ảnh hưởng bởi việc axit uric tích tụ trong máu. 

Bệnh gout và gan nhiễm mỡ đều bắt nguồn từ thói quen ăn uống không lành mạnh.
Bệnh gout và gan nhiễm mỡ đều bắt nguồn từ thói quen ăn uống không lành mạnh.

Axit uric sau khi phân hủy sẽ tạo thành muối urat và nếu tích tụ trong cơ thể, có thể gây viêm khớp dẫn đến bệnh gout. Axit uric cũng có thể gây căng thẳng oxy hóa, viêm và xơ hóa gan, tăng nguy cơ tổn thương gan.

3. Quản lý tình trạng bệnh gout và gan nhiễm mỡ

Do mối liên hệ giữa hai bệnh lý, tốt nhất là phải giải quyết đồng thời hai bệnh thông qua điều chỉnh lối sống và can thiệp y tế.

3.1. Thay đổi lối sống

Chế độ ăn kiêng và tập thể dục đóng một vai trò quan trọng trong kiểm soát cả bệnh gout lẫn bệnh gan nhiễm mỡ. Một chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm nồng độ axit uric và cải thiện chức năng gan. Các khuyến nghị về chế độ ăn uống chính bao gồm:

  • Hạn chế thực phẩm giàu purine: Giảm ăn thịt đỏ, hải sản và rượu vì có thể góp phần sản xuất axit uric.
  • Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng: Tập trung vào trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và các sản phẩm từ sữa ít béo.
  • Giảm lượng đường bổ sung: Cắt giảm đồ uống có đường và thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung để giúp kiểm soát tình trạng kháng insulin và hội chứng chuyển hóa.
  • Giữ nước: Uống nhiều nước giúp cho thận lọc axit uric hiệu quả hơn, đồng thời hỗ trợ chức năng gan.

Ngoài những sự thay nói nói trên, việc tập thể dục thường xuyên cũng rất quan trọng để duy trì cân nặng, tránh bị thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ bệnh gout. Tốt hơn hết là có những mục tiêu cụ thể như tập thể dục cường độ vừa phải 150 phút hoặc tập cường độ mạnh 75 phút mỗi tuần. Bên cạnh đó, người bệnh nên kết hợp là các bài tập tăng cường cơ bắp từ hai ngày trở lên.

3.2. Tìm đến sự can thiệp y tế

Điều trị bệnh gout chủ yếu tập trung vào việc giảm đau và viêm trong các đợt bùng phát, ngăn ngừa tái phát. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), colchicine và corticosteroid thường được sử dụng để giảm triệu chứng.

Điều trị bệnh gan nhiễm mỡ tập trung vào giải quyết các nguyên nhân cơ bản như thừa cân, tiểu đường và cao huyết áp. Nếu có biến chứng như bệnh tim mạch hoặc động mạch vành, sẽ cần thêm sự hướng dẫn từ bác sĩ để điều trị phù hợp. 

Thảo luận với bác sĩ để giải quyết đồng thời cả hai tình trạng bệnh này.
Thảo luận với bác sĩ để giải quyết đồng thời cả hai tình trạng bệnh này.

Các loại thuốc kê đơn như Pioglitazone hoặc Vitamin E có thể được sử dụng để cải thiện chức năng gan. Ngoài ra, việc dùng thuốc điều trị các vấn đề liên quan sẽ được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Một số trường hợp có thể cần hỗ trợ tâm lý và theo dõi định kỳ để đảm bảo quá trình điều trị hiệu quả và phục hồi sớm.

Tóm lại, bệnh gout và gan nhiễm mỡ có mối liên hệ chặt chẽ với những yếu tố nguy cơ và quá trình trao đổi chất tương tự. Để cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ biến chứng, cần thay đổi lối sống và điều trị y tế cho cả hai bệnh. Việc tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ là rất quan trọng để quản lý hiệu quả cả hai tình trạng này cùng lúc. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ