Bệnh gút và nguyên nhân gây ra bệnh

Mục lục

Nguyên nhân gây ra bệnh gút chủ yếu là do sự tích tụ axit uric trong máu vượt quá ngưỡng cơ thể có thể đào thải, dẫn đến hình thành các tinh thể tại khớp. Đây là một dạng viêm khớp phổ biến, có thể gây đau dữ dội, sưng đỏ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Biểu hiện của gout (gút)

Trước khi tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, hãy cùng tìm hiểu xem bệnh gút thường biểu hiện như thế nào.

Bệnh gút là một dạng viêm khớp xảy ra khi nồng độ axit uric trong máu tăng cao, dẫn đến sự hình thành các tinh thể sắc nhọn tại một hoặc nhiều khớp. Tình trạng này thường xảy ra ở ngón chân cái nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các vị trí khác như đầu gối, mắt cá chân, bàn chân, bàn tay, cổ tay hoặc khuỷu tay.

Cơn gout thường bùng phát đột ngột và gây đau dữ dội, kèm theo sưng đỏ xung quanh khớp. Mỗi cơn thường kéo dài từ 3 đến 10 ngày, với 36 giờ đầu tiên là giai đoạn đau nhất. Sau cơn gout đầu tiên, một số người có thể không tái phát cơn đau trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.  

Vậy đâu là nguyên nhân gây ra bệnh gút?  

2. Nguyên nhân gây ra bệnh gút

Cơ thể sản sinh axit uric trong quá trình phân hủy một hợp chất hóa học được gọi là purin. Purin có sẵn trong cơ thể và cũng được tìm thấy trong một số loại thực phẩm như thịt đỏ, hải sản, đồ uống có đường như nước ngọt có ga hoặc nước ép trái cây.

Thông thường, axit uric hòa tan trong máu và được đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Tuy nhiên, nếu cơ thể sản sinh quá nhiều axit uric (tăng axit uric máu) hoặc không thể đào thải lượng dư thừa, các tinh thể axit uric sẽ hình thành, tích tụ trong khớp và gây ra bệnh gút.

Khi axit uric dư thừa tích tụ sẽ tạo thành các hạt tophi - những cục u biến dạng xuất hiện quanh các khớp bị tổn thương. Ngoài ra, nếu tinh thể axit uric lắng đọng trong đường tiết niệu, có thể dẫn đến sỏi thận, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.  

Rượu bia là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh gút.
Rượu bia là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh gút.

3. Đối tượng dễ mắc bệnh gút

Số lượng nam giới mắc bệnh gút cao gấp 3 lần so với nữ giới và bệnh thường xuất hiện phổ biến ở nam giới trên 40 tuổi. Đối với phụ nữ, nguy cơ mắc bệnh gút tăng cao sau giai đoạn mãn kinh.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút bao gồm:

  • Thừa cân và thường xuyên sử dụng rượu bia.
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh gút.
  • Sử dụng một số loại thuốc lợi tiểu (thuốc nước) để điều trị huyết áp cao hoặc một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp hay bệnh vẩy nến.
  • Mắc các bệnh lý như huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường hoặc bệnh tim mạch.
  • Đã từng thực hiện phẫu thuật nối tắt dạ dày.

4. Bị gout nên làm gì?  

4.1 Uống nhiều nước  

Người bệnh gút thường gặp phải tình trạng sưng và viêm nghiêm trọng ở các khớp. Vậy bị gout nên làm gì? Một trong những cách giúp giảm bớt các triệu chứng này là uống nhiều nước. Tăng cường lượng chất lỏng có thể kích thích thận làm việc thêm hiệu quả, giúp đào thải chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, từ đó giảm bớt tình trạng sưng cho người bệnh gút. Tuy nhiên, những người mắc suy tim sung huyết hoặc bệnh thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tăng lượng nước uống.

Ngoài nước, một số loại chất lỏng khác như trà thảo dược cũng là lựa chọn tốt cho người bệnh gút. Một nghiên cứu tổng hợp và đánh giá vào năm 2016 chỉ ra rằng, những người tiêu thụ nhiều cà phê có nguy cơ bị bệnh gout thấp hơn. Tác dụng này có thể do cà phê giúp giảm nồng độ axit uric trong máu. Tuy nhiên, người bệnh gút nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng cà phê để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

4.2 Chườm lạnh

Chườm lạnh là một phương pháp hỗ trợ giảm đau hiệu quả trong điều trị bệnh gút. Tuy nhiên, khi thực hiện chườm lạnh, người bệnh cần lưu ý một số điểm quan trọng:  

  • Không áp trực tiếp đá lên da để tránh tổn thương da, thay vào đó, hãy bọc đá trong một chiếc khăn mỏng hoặc sử dụng túi chườm.  
  • Không nên giữ túi chườm ở một vị trí cố định quá lâu để tránh tình trạng tê cóng.  
  • Thời gian chườm lạnh mỗi lần không nên vượt quá 15 đến 20 phút và nên thực hiện nhiều lần trong ngày để đạt hiệu quả tối ưu.

4.3 Chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn uống cân bằng gồm các loại thực phẩm ít chế biến và giàu chất dinh dưỡng có thể giúp làm giảm mức axit uric trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ tái phát bệnh.

Đặc biệt, chế độ ăn kiêng chủ yếu dựa vào thực vật mang lại nhiều lợi ích cho những người bị gout. Việc bổ sung các loại trái cây và rau quả giàu chất chống oxy hóa không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp giảm viêm hiệu quả, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.

4.4 Hạn chế uống rượu, bia

Theo Tổ chức Viêm khớp, việc uống hơn hai loại đồ uống có cồn hoặc hai cốc bia mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút. Bia, rượu và các đồ uống có cồn khác chứa một lượng purin cao - yếu tố làm tăng mức axit uric trong cơ thể, từ đó có thể dẫn đến việc dễ bộc phát các cơn gout.

4.5 Dùng thuốc giảm đau

Nếu gặp phải tình trạng gút cấp, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Trong trường hợp cần thiết, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc kháng viêm như aspirin hoặc ibuprofen để giảm đau sưng.

Thuốc giảm đau chống viêm không kê đơn như ibuprofen và naproxen sodium là những lựa chọn hiệu quả để giảm đau, viêm do bệnh gút. Tuy nhiên, người bệnh không nên sử dụng vượt quá liều lượng khuyến cáo và cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo thuốc không tương tác với các loại thuốc khác mà bệnh nhân đang sử dụng.

4.6 Hạn chế căng thẳng

Căng thẳng tăng cao có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh gút. Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn tất cả các nguyên nhân gây căng thẳng, nhưng một số biện pháp sau đây có thể giúp giảm bớt căng thẳng và hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh:  

  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Nếu công việc quá căng thẳng, hãy xin nghỉ từ 1-2 ngày để nghỉ ngơi.
  • Đọc sách, ngồi thiền hoặc thực hành các phương pháp thư giãn
  • Đặc biệt là nghỉ ngơi đầy đủ, hợp lý. 
Dùng một số loại thuốc lợi tiểu (thuốc nước) giúp điều trị huyết áp là một trong những khả năng gây ra bệnh gút.
Dùng một số loại thuốc lợi tiểu (thuốc nước) giúp điều trị huyết áp là một trong những khả năng gây ra bệnh gút.

Tóm lại, bệnh gút không trực tiếp đe dọa tính mạng nhưng lại gây ra những cơn đau kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Một trong những yếu tố quan trọng cần lưu ý là nguyên nhân gây ra bệnh gút như rối loạn chuyển hóa purin, chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc lối sống thiếu vận động. Vì vậy, mỗi người cần chủ động khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, đặc biệt là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao, để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd

Chia sẻ