Được giải đáp bởi Bác sĩ CKI Võ Khắc Khôi Nguyên - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Xin chào bác sĩ! Hiện nay mẹ con đang mắc phải căn bệnh về xương khớp khoảng 10 năm rồi ạ. Bệnh đã từng phục hồi và bây giờ tái phát lại. Cụ thể là mẹ con bị thoái hóa khớp gối màng sụn bị bào mòn, khô khớp thiếu chất nhờn. Chân mẹ con ngày càng bị teo cơ đi. Với bệnh tình nặng như vậy thì có phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối nào mà không cần thay khớp không bác sĩ ? Mong chờ câu trả lời của bác sĩ, con xin cảm ơn trước ạ!
Nguyễn Lê Mỹ Tiên (2002)
Trả lời
Chào bạn! Thoái hóa khớp gối là một bệnh lý mạn tính, tiến triển kéo dài, thường tái phát và nặng dần theo thời gian. Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ thoái hóa, từ sử dụng thuốc uống, thuốc tiêm cho đến các biện pháp phẫu thuật nội soi. Trong trường hợp nặng hơn, có thể cần phải thay khớp gối.
Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang áp dụng phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) – một giải pháp điều trị hiện đại, không sử dụng thuốc và không cần phẫu thuật. Đây là phương pháp an toàn và hiệu quả cho người bệnh. Bạn có thể tìm hiểu thêm về phương pháp này và đưa mẹ đến các cơ sở của Vinmec trên toàn quốc để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn chi tiết.
Dưới đây là một số thông tin hữu ích giúp bạn tham khảo thêm về cách điều trị thoái hóa khớp gối bằng thay khớp và bệnh thoái hóa khớp gối có cần thay khớp không.
1. Thay khớp gối là gì?
Thay khớp gối là một phương pháp phẫu thuật hiện đại trong điều trị thoái hóa khớp gối, được thực hiện để thay thế lớp sụn khớp đã bị bào mòn bằng khớp nhân tạo làm từ nhựa cao phân tử. Theo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa, khớp nhân tạo làm từ nhựa cao cấp có thể có tuổi thọ kéo dài đến 15 năm.
Khớp nhân tạo này sẽ hoàn toàn thay thế vai trò của lớp sụn khớp cũ, chịu trách nhiệm hỗ trợ và chống đỡ trọng lượng cơ thể trong các hoạt động hàng ngày, giúp cải thiện đáng kể khả năng vận động và giảm đau cho người bệnh.
Khớp gối nhân tạo được chia thành ba dạng chính là khớp không hạn chế, khớp hạn chế một phần và khớp hạn chế toàn phần. Trong đó, để mang lại cảm giác tự nhiên và chân thật nhất cho người bệnh, các bác sĩ thường khuyến nghị sử dụng loại khớp gối không hạn chế. Loại khớp này cho phép người bệnh xoay khớp một cách linh hoạt, giúp cải thiện đáng kể khả năng vận động và mang lại sự thoải mái trong sinh hoạt hàng ngày.
2. Bệnh thoái hóa khớp gối có cần thay khớp?
Thay khớp gối là một giải pháp điều trị thoái hóa khớp gối được xem xét cho người trưởng thành ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người trong độ tuổi 60-80, khi có dấu hiệu thoái hóa khớp gối tiến triển nặng.
Phương pháp này thường được chỉ định trong trường hợp người bệnh đau khớp gối nhiều và không đáp ứng với các biện pháp điều trị nội khoa hoặc bảo tồn như uống thuốc điều trị thoái hóa khớp gối, tiêm, hay vật lý trị liệu.
Bên cạnh đó, nếu khớp gối bị biến dạng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi lại và chất lượng cuộc sống, phẫu thuật sẽ là lựa chọn cần thiết. Một số phương pháp phẫu thuật phổ biến bao gồm nội soi khớp, thay khớp nhân tạo hoặc tạo hình khớp, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý cụ thể của từng người.
3. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là một liệu pháp tiên tiến sử dụng tiểu cầu được chiết tách từ chính máu của người bệnh để thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương khớp.
Khi được tiêm trực tiếp vào vùng tổn thương, tiểu cầu có vai trò quan trọng trong việc ức chế phản ứng viêm, làm chậm tiến triển của thoái hóa khớp và kích thích tái tạo sụn mới. Đồng thời, phương pháp này còn giúp tăng sản xuất dịch bôi trơn tự nhiên trong khớp, giảm ma sát giữa các bề mặt khớp, từ đó hạn chế đau khi vận động.
Bên cạnh đó, các protein trong tiểu cầu còn giúp điều chỉnh cơ quan thụ cảm đau, giảm đáng kể cảm giác đau đớn cho người bệnh, mang lại hiệu quả cải thiện chức năng vận động và chất lượng cuộc sống.
4. Lưu ý cần biết khi thay khớp
Ngoài việc nắm rõ vấn đề bệnh thoái hóa khớp gối có cần thay khớp, người bệnh cần quan tâm đến các lưu ý khi thay khớp để việc điều trị diễn ra thuận lợi. Dưới đây là những lưu ý cần biết:
- Bệnh nhân hãy giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng hoặc lo lắng, đồng thời hạn chế các yếu tố làm tăng nhịp tim và huyết áp bất thường trước khi phẫu thuật.
- Sau khi thay khớp, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, chỉ chịu trọng lượng dần dần lên chân đã phẫu thuật.
- Tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu dinh dưỡng để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, hỗ trợ quá trình lành vết thương nhanh hơn.
- Cần đến bác sĩ để khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường ở vết mổ như tấy đỏ, nhức, có tiết dịch, sốt cao, thay đổi về màu sắc và nhiệt độ ở chân bên đã phẫu thuật…

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Hệ thống Y tế Vinmec. Chúc mẹ bạn luôn có sức khỏe tốt. Đồng thời, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, đánh giá cần thiết để có được kết luận chính xác về tình trạng thoái hoá khớp gối và cách điều trị phù hợp nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.