Tác động của bệnh suy giáp đến phụ nữ mang thai theo từng giai đoạn thai kỳ là vấn đề sức khỏe mà nhiều phụ nữ cần lưu ý. Suy giáp - khi tuyến giáp hoạt động kém, có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai và duy trì thai kỳ ở các giai đoạn khác nhau. Từ ảnh hưởng đến rụng trứng, thụ thai đến nguy cơ biến chứng trong thai kỳ, bệnh suy giáp cần được theo dõi và điều trị kịp thời để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tác động của bệnh suy giáp đến phụ nữ mang thai - Giai đoạn trước khi mang thai
Chức năng tuyến giáp và nồng độ hormone giảm có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt cũng như quá trình rụng trứng. Nếu chỉ số thyroxine (T4) thấp hoặc hormone tuyến giáp (TRH) cao, hormone prolactin tăng, làm cho trứng không rụng hoặc rụng không đều, dẫn đến khó thụ thai.
Suy giảm chức năng tuyến giáp ngăn trứng thụ tinh và bám vào tử cung. Tình trạng này cũng gây ra các vấn đề khác như hạ nhiệt độ cơ thể, nồng độ kháng thể peroxidase tuyến giáp (TPO) cao và u nang buồng trứng, ngoài ra còn tăng nguy cơ sảy thai hoặc khó thụ thai.

Phụ nữ có dự định mang thai nên kiểm tra nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và T4, nhất là nếu bệnh nhân có hormone tuyến giáp thấp hoặc từng bị sảy thai. Các yếu tố nguy cơ cao bao gồm tiền sử gia đình có vấn đề về tuyến giáp hoặc các bệnh tự miễn khác.
Phát hiện và điều trị sớm các triệu chứng của suy giảm tuyến giáp trong quá trình mang thai có thể cải thiện tỷ lệ thành công khi mang thai.
2. Tác động của suy giáp trong thời gian mang thai
Các dấu hiệu của suy giáp thường giống với dấu hiệu mang thai sớm. Những biểu hiện của bệnh suy giáp giai đoạn đầu bao gồm:
- Mệt mỏi cực độ.
- Tăng cân mất kiểm soát.
- Nhạy cảm với nhiệt độ lạnh.
- Chuột rút cơ bắp.
- Khó tập trung.

Việc điều trị suy giáp trong khi mang thai thường tương tự như trước khi mang thai. Tuy nhiên, thai phụ cần thông báo ngay cho bác sĩ về tình hình mang thai để có thể nhận được liệu pháp thích hợp và điều chỉnh nếu cần thiết.
Bác sĩ sẽ theo dõi chỉ số TSH trong phòng thí nghiệm từ 4 đến 6 tuần để đảm bảo rằng mức hormone của bệnh nhân đang bình thường hay không.
Vitamin dành cho phụ nữ mang thai thường chứa sắt và canxi, có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng liệu pháp hormone thay thế tuyến giáp. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc thay thế tuyến giáp và vitamin vào thời điểm cách biệt từ 4 đến 5 tiếng.
Bác sĩ cần tập trung vào tác động của bệnh suy giáp đến phụ nữ mang thai. Nếu không kiểm soát tốt, suy giáp có thể dẫn đến những vấn đề như:
- Mẹ bầu bị thiếu máu.
- Mẹ bầu tăng huyết áp.
- Sảy thai hoặc thai nhi tử vong.
- Trẻ sơ sinh thiếu cân.
- Sinh non.
- Sự phát triển và tăng trưởng trí não của em bé bị ảnh hưởng.

3. Tác động sau khi sinh
Sau khi sinh, viêm tuyến giáp là một vấn đề phổ biến, nhất là với phụ nữ mắc bệnh tự miễn về tuyến giáp. Viêm tuyến giáp sau sinh thường xuất hiện trong khoảng ba đến sáu tháng đầu sau sinh và có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
Triệu chứng của viêm tuyến giáp sau sinh thường diễn ra qua hai giai đoạn:
- Ở giai đoạn đầu, dấu hiệu có thể tương tự như bệnh cường giáp. Ví dụ, phụ nữ có thể cảm thấy lo lắng, cáu kỉnh, nhịp tim đập nhanh, sụt cân đột ngột, phản ứng khó chịu với nhiệt độ, mệt mỏi hoặc khó ngủ.
- Ở giai đoạn sau, các dấu hiệu của suy giáp có thể tái phát. Phụ nữ có thể cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng, khó chịu khi đối mặt với nhiệt độ lạnh, táo bón, da khô, đau nhức và khó tập trung.
Suy giáp cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa. Tuy nhiên, với liệu pháp hormone thay thế, tình trạng này vẫn có thể giải quyết được.
Mỗi người phụ nữ có thể trải qua các triệu chứng khác nhau khi bị viêm tuyến giáp sau sinh. Nguy cơ mắc bệnh này cao hơn đối với những người phụ nữ có kháng thể TPO cao trong giai đoạn đầu, có thể do hệ thống miễn dịch yếu đi.
Việc nhận thức và quản lý tác động của bệnh suy giáp đến phụ nữ mang thai theo từng giai đoạn thai kỳ là vô cùng quan trọng để đảm bảo một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Suy giáp có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, sự phát triển của thai nhi và quá trình sinh nở. Bằng cách theo dõi chức năng tuyến giáp và điều chỉnh kịp thời các phương pháp điều trị, phụ nữ mang thai có thể giảm thiểu rủi ro, bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé. Đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ để có kế hoạch chăm sóc toàn diện trong suốt thai kỳ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.