Cách chữa khô khớp bằng đậu bắp và một số lưu ý

Mục lục

Cách chữa khô khớp bằng đậu bắp được nhiều người tìm kiếm bởi lầm tưởng chất nhầy trong đậu bắp chính là chất nhầy trong khớp. Thực tế nhờ hàm lượng dồi dào các chất dinh dưỡng, đậu bắp vẫn có khả năng chữa bệnh khớp. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về phương pháp này, cùng tìm hiểu nhé.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Cách chữa khô khớp bằng đậu bắp có hiệu quả không?

Thực chất, các bệnh về khớp bắt nguồn từ việc sụn khớp bị thoái hóa, khiến bề mặt sụn trở nên sần sùi và dịch khớp không còn khả năng bôi trơn hiệu quả cho các khớp.

Hai đầu xương được bảo vệ bởi sụn khớp. Tuy nhiên theo thời gian, sụn khớp không tránh khỏi sự bào mòn do tuổi tác, thói quen xấu hoặc việc mang vác nặng.  

Collagen type 2 là thành phần chủ yếu cấu tạo nên sụn khớp. Khi Collagen type 2 bị thiếu hụt sẽ khiến các khớp yếu đi, phát ra tiếng kêu khi vận động, gây khó khăn trong việc di chuyển và hình thành các gai xương.

Nhiều người lầm tưởng rằng chất nhầy bôi trơn khớp chính là chất nhầy có trong đậu bắp. Thực tế, đậu bắp có khả năng chữa bệnh khớp là nhờ dồi dào các chất dinh dưỡng như canxi, axit folic, chất xơ và các loại vitamin A, C, K... giúp xương chắc khỏe, hỗ trợ điều trị và cải thiện tình trạng đau nhức khớp hiệu quả. 

Nhiều người tìm kiếm cách chữa khô khớp bằng đậu bắp do tình trạng đau nhức thường xuyên xảy ra.
Nhiều người tìm kiếm cách chữa khô khớp bằng đậu bắp do tình trạng đau nhức thường xuyên xảy ra.

2. Tác dụng của đậu bắp đối với sức khỏe

2.1 Hỗ trợ tiêu hóa

Chất xơ dồi dào trong đậu bắp giúp hỗ trợ tiêu hóa thức ăn tốt hơn, hạn chế táo bón và rất tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích hay khó tiêu.

2.2 Kiểm soát cholesterol

Chất xơ pectin trong đậu bắp có thể làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu, rất tốt cho bệnh nhân tim mạch và cao huyết áp.

2.3 Ổn định đường huyết

Bằng cách làm chậm quá trình hấp thụ đường từ ruột non, hàm lượng chất nhầy và chất xơ dồi dào trong đậu bắp giúp lượng đường trong máu không tăng đột ngột, rất có lợi cho người bệnh tiểu đường.

2.4 Tăng cường miễn dịch

Chất xơ nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong đường ruột cùng với vitamin C dồi dào trong đậu bắp giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể trước virus, vi khuẩn và các tác nhân gây nhiễm trùng.

2.5 Tốt cho mắt và da

Đậu bắp chứa vitamin A và C rất tốt cho mắt và da.

2.6 Hỗ trợ xương chắc khỏe

Vitamin K và axit folic có trong đậu bắp chính là lý do khiến loại rau này được xem là thực phẩm tốt cho xương, giảm thiểu nguy cơ loãng xương.

2.7 Tốt cho phụ nữ mang thai

Folate có trong đậu bắp là một trong những dưỡng chất thiết yếu mà bà bầu cần bổ sung. Chất dinh dưỡng này không chỉ giúp thai nhi phát triển toàn diện mà còn giảm thiểu nguy cơ sảy thai và dị tật bẩm sinh. 

Để giảm nguy cơ sảy thai và dị tật bẩm sinh, mẹ bầu nên bổ sung đậu bắp vào chế độ ăn.
Để giảm nguy cơ sảy thai và dị tật bẩm sinh, mẹ bầu nên bổ sung đậu bắp vào chế độ ăn.

2.8 Hỗ trợ giảm cân

Người bệnh có thể thêm loại rau này vào chế độ ăn của mình nếu đang ăn kiêng giảm cân. Đậu bắp có tác dụng giúp no lâu và hạn chế thèm ăn nhờ hàm lượng chất xơ cao và lượng calo thấp, từ đó hỗ trợ quá trình giảm cân.

2.9 Chống ung thư

Hàm lượng lectin dồi dào trong đậu bắp đã được chứng minh là có khả năng kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư vú tới 65%. Đồng thời, chất xơ không hòa tan có trong loại rau này còn có tác dụng cải thiện đường tiêu hóa, từ đó giảm nguy cơ ung thư ruột kết.

So với hầu hết các loại rau khác, đậu bắp chứa lượng chất chống oxy hóa dồi dào hơn, giúp bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các gốc tự do, từ đó ngăn chặn sự hình thành và phát triển của tế bào ung thư.

3. Cách chữa khô khớp bằng đậu bắp đơn giản nhất

Uống nước đậu bắp ngâm là một trong những cách đơn giản nhất để chữa khô khớp.

Cách thực hiện:

  • Sau khi rửa sạch và ngâm qua nước muối pha loãng, người bệnh dùng dao cắt bỏ đầu và đuôi khoảng 10 quả đậu bắp tươi, non, không bị sâu.
  • Đậu bắp thái mỏng được cho vào lọ thủy tinh sạch, sau đó thêm nước nóng và đậy nắp lại.
  • Người bệnh có thể chắt lấy nước đậu bắp uống sau khoảng 1 ngày. Để tăng mật độ khoáng cho xương và bổ sung dịch khớp, người bệnh nên uống trước bữa ăn sáng khoảng 30 phút hàng ngày.
  • Để nhận thấy những thay đổi của xương khớp, người bệnh cần uống nước đậu bắp ngâm thường xuyên ít nhất 2 - 3 tháng.

4. Lưu ý khi chữa khớp bằng đậu bắp

Người bệnh cần chú ý những điều sau đây để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi chữa khớp bằng đậu bắp:  

  • Đậu bắp chỉ hỗ trợ giảm nhẹ tình trạng khô khớp, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Để điều trị hiệu quả, người bệnh cần đi khám bác sĩ.
  • Để có hệ cơ xương khỏe mạnh, người bệnh cần bổ sung đa dạng các loại rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu axit amin, chất chống oxy hóa bên cạnh đậu bắp.
  • Cần tránh việc làm việc quá sức và mang vác nặng.
  • Để có một cơ thể khỏe mạnh và giảm tốc độ lão hóa, người bệnh cần loại bỏ thuốc lá, rượu và các chất kích thích.
  • Chú ý cường độ hợp lý và tập thể thao phù hợp với thể trạng để xương và cơ bắp chắc khỏe, linh hoạt hơn. 
Người bệnh cần đi khám bác sĩ để được hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn.
Người bệnh cần đi khám bác sĩ để được hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn.

Trên đây là tất cả các thông tin về “cách chữa khô khớp bằng đậu bắp”. Ngoài việc tốt cho tiêu hóa, đậu bắp còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của xương. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý loại rau này chỉ mang tính chất hỗ trợ chứ không chữa bệnh.  

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ