Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Hậu - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Cách đếm răng, cách đọc răng và tên các răng trên cung hàm là những kiến thức cơ bản về răng miệng mà mọi người thường bỏ qua, do hầu hết mọi người chỉ thường quan tâm đến các dịch vụ như lấy cao răng, tẩy trắng răng, làm răng sứ khi tìm hiểu các vấn đề liên quan đến răng.
1. Cách đếm răng trên cung hàm
Hàm răng của một người trưởng thành bình thường gồm 28 - 32 chiếc răng và được chia làm 4 phần cung hàm, từ 1 đến 4 đối với người lớn theo chiều kim đồng hồ.
Để dễ dàng đếm các răng ở 4 phần cung hàm, chúng ta lấy 4 răng cửa đại diện cho 4 răng đầu tiên của mỗi cung hàm làm cột mốc ở giữa. Răng cửa được gọi là răng số 1 trong mỗi cung hàm. Từ răng cửa, đếm từng răng một về phía sau bạn sẽ biết số thứ tự các răng của mình.
Ví dụ về cách đếm răng:
Ở hàm trên, phần hàm trên bên tay phải sẽ là phần hàm thứ nhất (kí hiệu I). Răng cửa giữa bên phải sẽ có thứ tự là răng số 1, răng bên phải răng cửa là răng cửa bên có số thứ tự là số 2, tương tự là răng số 3. Áp dụng tương tự với phần cung hàm trên bên trái và hàm dưới.
2. Cách đọc răng
Khi đã nắm được cách đếm răng cơ bản thì đọc răng cũng là một việc hoàn toàn dễ dàng. Cách đọc răng không khó như mọi người thường nghĩ là phải đọc 28 - 32 chiếc răng với từng tên gọi khác nhau. Để đọc răng chính xác, bạn chỉ cần áp dụng công thức sau: R + cung hàm (số thường) + thứ tự răng.
Trong đó, R là viết tắt của Răng, thứ tự răng là cách đếm răng đã được đề cập ở phần trên. Về phần cung hàm cũng đã được đề cập ở trên, phần cung hàm ở phía trên bên phải sẽ là phần cung hàm 1, 3 phần cung hàm còn lại sẽ được đánh dấu theo chiều kim đồng hồ.
Ví dụ:
- Răng thứ 3 hàm trên bên trái có cách đọc là: R23
- Răng thứ 6 hàm dưới bên phải có cách đọc là: R46
- Răng thứ 5 hàm trên bên phải có cách đọc là: R15
- Răng thứ 2 hàm dưới bên trái có cách đọc là: R32.
Đối với răng sữa, cách đọc răng là chỉ thay đổi các phần cung hàm 1 2 3 4 bởi các số 5 6 7 8, và được hiểu như sau:
- Phần cung hàm 1 của răng người lớn sẽ tương đương với số 5
- Phần cung hàm 2 của răng người lớn sẽ tương đương với số 6
- Phần cung hàm 3 của răng người lớn sẽ tương đương với số 7
- Phần cung hàm 4 của răng người lớn sẽ tương đương với số 8.
3. Tên các răng
Bộ răng của người được chia làm các loại răng như sau:
- Răng cửa: Gồm các răng ở phía trước, bao gồm răng cửa giữa, răng cửa bên. Đối với các răng cửa, theo cách đếm răng thì chúng là các răng có số thứ tự 1, 2 trong các cung hàm với thứ tự lần lượt là răng cửa giữa, răng cửa bên. Ví dụ, R22 là ký hiệu của răng cửa bên ở phần cung hàm thứ 2.
- Răng nanh: là răng số 3
- Răng cối nhỏ: Gồm các răng kế cận răng nanh về phía sau, thường gọi là răng cối nhỏ thứ nhất và thứ hai. Đối với các răng cối nhỏ, theo cách đếm răng thì chúng thường là các răng có số thứ tự 4, 5 trong các cung hàm. Với răng số 4 là răng cối nhỏ thứ nhất và răng 5 là răng cối nhỏ thứ 2. Ví dụ, răng 44 là răng cối nhỏ thứ nhất ở phần cung hàm thứ 4.
- Răng cối lớn: Là tên các răng để ăn nhai chính, dùng để nhai và nghiền nát thức ăn, thường gọi là răng cối lớn thứ nhất và răng cối lớn thứ 2. Đối với các răng cối lớn, thường là răng thứ 6, 7 ở các cung hàm. Ví dụ, R46, R47 lần lượt là ký hiệu của hai răng cối lớn thứ nhất và thứ hai của phần cung hàm thứ 4.
- Răng khôn: Là các răng mọc sau cùng, thường xuất hiện ở độ tuổi từ 17 - 26 hoặc có thể muộn hơn. Cũng được liệt kê vào răng cối lớn nhưng răng khôn không có hình dạng xác định và không ảnh hưởng đến sự ăn nhai.
Răng khôn ở đa số mọi người thường hay mọc ngầm và ảnh hưởng đến các răng bên cạnh nên hay thường có chỉ định nhổ. Khi có cảm giác đau nhức các vùng góc hàm hay soi gương thấy một chiếc răng đang lấp ló mọc lên ở phía sau cùng thì nên tìm tới các nha sĩ có uy tín để được tư vấn.
Những thông tin bổ ích về cách đếm răng, đọc răng, và cách gọi tên các răng trong bộ răng hoàn chỉnh của người trưởng thành. Các kiến thức cung cấp tuy đơn giản nhưng sẽ rất hữu ích trong việc chăm sóc răng miệng.
BSCK I Nguyễn Trung Hậu đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành Răng Hàm Mặt, bác sĩ Hậu đặc biệt có nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật hàm mặt, nha khoa thẩm mỹ, cấy ghép Implant. Hiện là Bác sĩ Răng Hàm Mặt tại Phòng khám Liên Chuyên khoa Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.