Điều trị viêm gan B cần dựa trên kết quả xét nghiệm để xác định chính xác tình trạng bệnh. Các xét nghiệm này giúp bác sĩ đánh giá tải lượng virus, mức độ tổn thương gan và chức năng gan của người bệnh. Điều này sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát tốt tình trạng bệnh và bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tạ Quế Phương - Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Hỏi
Chào bác sĩ! Tôi có đi làm xét nghiệm tại một bệnh viện và có kết quả bị nhiễm viêm gan B, GGT 131 và hình như đã chuyển qua thể mãn tính nên tôi rất lo lắng. Vậy bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi về chữa trị viêm gan B như thế nào hay không?
Câu hỏi khách hàng ẩn danh
Trả lời
Chào bạn! Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm, được chia thành hai dạng chính là viêm gan B cấp tính và viêm gan B mãn tính. Nguyên nhân bị viêm gan B là do virus HBV (Hepatitis B Virus). Virus này có hình dạng hình cầu, với lớp vỏ bao ngoài là lipoprotein chứa kháng nguyên bề mặt HBsAg. Hiện nay, virus HBV được phân loại thành 8 tuýp kháng nguyên khác nhau. Thời gian ủ bệnh của HBV kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Ở giai đoạn đầu, virus gây viêm gan B cấp tính. Nếu sau 6 tháng cơ thể không tự sản sinh được miễn dịch chống lại virus, bệnh sẽ tiến triển thành viêm gan B mãn tính.
Hiện tại, em đã được chẩn đoán nhiễm virus viêm gan B. Tuy nhiên, để nhận được tư vấn chi tiết về phương pháp điều trị, cần tiến hành thăm khám và đánh giá cụ thể tình trạng bệnh. Việc đánh giá bao gồm xem xét các biểu hiện lâm sàng (nếu có) cùng các chỉ số xét nghiệm như men gan AST, ALT, GGT, tải lượng virus trong máu (HBV-DNA), HBeAg, anti-HBe và siêu âm ổ bụng để kiểm tra nhu mô gan. Dựa trên những thông tin này, bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn về việc theo dõi định kỳ hoặc áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
Bạn nên đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để khám chuyên khoa tiêu hóa gan mật. Sau đó các bác sĩ sẽ tư vấn và phác đồ điều trị hiệu quả.
Để giúp bạn hiểu rõ hơn về “Điều trị viêm gan B như thế nào?”, hãy tham khảo thêm những thông tin dưới đây.
1. Có mấy loại viêm gan B?
Trước khi tìm hiểu về việc điều trị viêm gan B như thế nào, bệnh nhân cần hiểu rõ về các phân loại của bệnh lý này. Viêm gan B được chia thành hai thể chính, gồm:
1.1. Viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính là nhiễm trùng ngắn hạn, xảy ra trong 6 tháng sau khi tiếp xúc với virus HBV. Phần lớn trường hợp không có triệu chứng hoặc biểu hiện của bệnh viêm gan B chỉ ở mức nhẹ. Trong đó, khoảng 90% người trưởng thành có thể tự khỏi nhờ hệ miễn dịch. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch không loại bỏ được virus, bệnh có thể chuyển sang mãn tính, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
1.2. Viêm gan B mãn tính
Viêm gan B mãn tính là tình trạng nhiễm virus HBV tồn tại trong cơ thể hơn 6 tháng, tiếp tục có mặt trong máu và gan. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như viêm gan kéo dài, suy gan, xơ gan, ung thư gan và thậm chí đe dọa đến tính mạng.
2. Các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B
Viêm gan B có các triệu chứng tương tự như viêm gan do các loại virus khác, nên không thể xác định bệnh chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu về viêm gan B. Những xét nghiệm này giúp xác định tình trạng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là những xét nghiệm viêm gan B phổ biến thường được sử dụng.
- Xét nghiệm kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (HBsAg): Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, người bệnh đã nhiễm virus viêm gan B và cần thực hiện thêm các xét nghiệm để đánh giá mức độ nhiễm cũng như tổn thương gan.
- Xét nghiệm kháng thể chống kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAb hay Anti HBs): Kết quả xét nghiệm dương tính cho thấy người bệnh đã phát triển kháng thể chống virus viêm gan B, chứng tỏ đã tiêm ngừa hoặc từng mắc viêm gan B cấp tính.
- Xét nghiệm kháng nguyên vỏ virus viêm gan B (HBeAg): HBeAg hiện diện cho thấy virus đang hoạt động và khả năng lây lan cao.
- Xét nghiệm kháng thể chống kháng nguyên lõi virus viêm gan B (Anti HBc): Kết quả xét nghiệm dương tính cho thấy người bệnh đã hoặc đang nhiễm virus HBV.
- Xét nghiệm HBV-DNA: Nồng độ HBV-DNA cao cho thấy virus đang nhân lên mạnh và dễ lây truyền.
3. Điều trị viêm gan B như thế nào?
Theo Quyết định số 3310/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 29/07/2019, điều trị viêm gan B bao gồm:
3.1. Điều trị viêm gan B cấp tính
Hơn 95% người lớn nhiễm bệnh có thể phục hồi mà không cần thuốc kháng virus. Tuy nhiên, bệnh nhân cần thực hiện các phương pháp hỗ trợ điều trị sau:
- Nghỉ ngơi hợp lý.
- Hạn chế làm việc nặng, quá sức.
- Kiêng tiêu thụ rượu bia và giảm chất béo trong chế độ ăn.
- Không dùng thuốc chuyển hóa qua gan.
- Nếu bệnh nặng hơn, cần ổn định hô hấp, tuần hoàn, tiêm vitamin K1, điều chỉnh phù não hoặc lọc huyết tương theo chỉ định của bác sĩ.

3.2. Điều trị viêm gan B mãn tính
Nhóm thuốc kháng virus (NAs) là lựa chọn điều trị viêm gan B ban đầu và có thể kéo dài. Việc điều trị phụ thuộc vào ba yếu tố: nồng độ ALT, tải lượng HBV-DNA và mức độ xơ hóa gan.
Đối với người bệnh viêm gan B không có xơ gan, việc điều trị chỉ cần thiết khi xuất hiện tổn thương tế bào gan hoặc khi virus tăng sinh mạnh trong cơ thể. Ở phụ nữ mang thai và trẻ em, điều trị viêm gan B mạn tính cần được thực hiện thận trọng, đồng thời loại trừ các yếu tố khác có thể gây tổn thương gan. Việc điều trị trong những trường hợp này cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp được thắc mắc “Điều trị viêm gan B như thế nào?” và các xét nghiệm chẩn đoán cần thực hiện. Đồng thời, người bệnh nên theo dõi định kỳ và tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát bệnh và tránh các biến chứng nguy hiểm.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Mong một ngày gần nhất có thể gặp bạn để được tư vấn chuyên sâu. Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.