Cách giảm đau trong viêm tụy cấp

Mục lục

Giảm đau trong viêm tụy cấp là một trong những ưu tiên hàng đầu trong điều trị bệnh. Cơn đau bụng dữ dội, thường lan ra phía sau lưng là dấu hiệu đặc trưng của viêm tụy cấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để giảm thiểu cơn đau này, các bác sĩ thường áp dụng nhiều phương pháp khác nhau.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Sơ lược về triệu chứng đau trong viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp là một bệnh lý khá phổ biến, thường thấy ở nam giới nhiều hơn nữ giới, đặc biệt là ở độ tuổi từ 30 đến 60. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh này bao gồm lạm dụng rượu bia, nồng độ calci trong máu tăng, sỏi mật, mức triglyceride trong máu tăng và do sử dụng các loại thuốc. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân viêm tụy cấp dao động từ 1% đến 35%, tùy thuộc vào nguyên nhân.

Việc xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm tụy cấp là vô cùng quan trọng. Bởi vì, tỷ lệ tử vong ở những trường hợp viêm tụy cấp nhẹ rất thấp, chỉ khoảng 1%. Tuy nhiên, đối với những trường hợp nặng, nguy cơ tử vong có thể tăng lên đáng kể, dao động từ 10-15% nếu không xảy ra nhiễm trùng và có thể lên tới 30-35% nếu có biến chứng nhiễm trùng.

Đặc biệt, người mắc viêm tụy cấp do sỏi mật có nguy cơ tử vong cao hơn so với mắc viêm tụy cấp do các nguyên nhân khác. Phần lớn các trường hợp tử vong ở bệnh nhân viêm tụy cấp là do suy đa tạngnhiễm trùng hoại tử tụy.

Những dấu hiệu điển hình của viêm tụy cấp là:

  • Đau dữ dội ở vùng bụng trên, cơn đau có thể lan ra sau lưng.
  • Bị sốt và mạch đập nhanh.
  • Xuất hiện cảm giác buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng và ăn uống không ngon miệng.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm tụy cấp là đau. Bệnh này thường biểu hiện với cảm giác đau âm ỉ ở vùng thượng vị, có thể là những cơn đau ngắn hạn hoặc kéo dài dữ dội.  

Cơn đau thường xuất hiện đột ngột và gia tăng sau khi ăn. Những cơn đau do viêm tụy cấp rất nghiêm trọng, vì chúng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng như thận và gan, dẫn đến nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp kịp thời.

2. Biện pháp giảm đau trong viêm tụy cấp

2.1 Cách điều trị viêm tụy cấp tại nhà

Các bác sĩ khuyên rằng, khi bệnh nhân nôn, hãy để họ nôn ra hoàn toàn, không nên giữ chặt ngực hay cổ để cản trở việc nôn. Đặc biệt, ở những người bị viêm tụy cấp, nôn có thể giúp giảm áp lực trong dạ dày và làm giảm cơn đau. Ngoài ra, việc này còn giảm lượng thức ăn trong dạ dày - tá tràng, từ đó hạn chế kích thích sản sinh men tụy trong các cơn đau.

Ngoài ra, một trong những cách điều trị viêm tụy cấp tại nhà hiệu quả là đặt bệnh nhân nằm ngang trên giường, tránh để đầu cao hơn thân người. Nếu huyết áp tụt, não sẽ không được cung cấp đủ máu, bệnh nhân có nguy cơ hôn mê.

Lưu ý không nên xoa bụng, đặt tay lên bụng hay đặt bất cứ vật nào lên bụng của người bệnh để tránh kích thích tụy, dẫn đến xuất huyết tụy và tăng nguy cơ tử vong. Hãy để bệnh nhân tự điều chỉnh tư thế để giảm đau trong viêm tụy cấp và hạn chế ảnh hưởng xấu đến hệ tim mạch. Bất kỳ sự tác động nào lên thành bụng, dù là nhỏ, cũng có thể gây ra kích thích ở vùng bị tổn thương.

2.2 Sử dụng thuốc giảm đau trong viêm tụy cấp

Xử lý viêm tụy cấp bắt đầu bằng việc dùng thuốc giảm đau, kết hợp với việc bù dịch và chống sốc cho bệnh nhân. Các thuốc điều trị viêm tụy cấp thường được chỉ định để giảm đau là Paracetamol, nhóm opioid, thuốc chống viêm không steroid và những loại thuốc giảm đau nhờ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Tùy thuộc vào mức độ đau của từng người mà chỉ định thuốc sẽ khác nhau.

Nếu bệnh nhân gặp phải cơn đau dữ dội do viêm tụy cấp, họ có thể cần sử dụng các loại thuốc opioid tiêm tĩnh mạch như hydromorphone hoặc fentanyl để giảm đau hiệu quả.

Ngoài ra, để giảm đau trong viêm tụy cấp, bệnh nhân thường được khuyến nghị sử dụng các loại thuốc điều trị viêm tụy cấp, giúp giảm bài tiết từ tuyến tụy (như Atropin, Sandostatin,...), điều trị nhiễm trùng, thực hiện hồi sức chống sốc, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, nội tiết và điện giải. Người bệnh cũng cần được truyền dịch qua đường tĩnh mạch (tạm thời nhịn ăn) và theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh.

Trong vòng 1-2 ngày đầu khi mắc viêm tụy cấp, bệnh nhân sẽ được cung cấp dinh dưỡng bằng đường tiêm truyền. Lượng calo, đường và đạm ban đầu sẽ được cung cấp ở mức 30 calo/kg/ngày, sau đó tăng dần lên 50-60 calo/kg/ngày.

Sau giai đoạn này, bệnh nhân sẽ được chuyển dần sang phương pháp nuôi ăn qua đường miệng, bắt đầu từ các thức ăn lỏng như nước đường, sau đó là cháo loãng, cơm nhão và cuối cùng là cơm bình thường. Trong quá trình này, bệnh nhân cần kiêng tuyệt đối các loại thức ăn chứa sữa, mỡ và chất béo.

Khi bệnh nhân bị sốc nhiễm độc, ngay cả sau khi đã được bù đủ dịch, người bệnh cần phải sử dụng thêm thuốc vận mạch để hỗ trợ tuần hoàn. Các thuốc vận mạch thường được sử dụng là Dobutamin với liều khởi đầu từ 2-5 microgram/kg/phút (có thể tăng liều dần dần) và Nor-Epinephrin với liều 4-15 microgram/phút. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thêm chất ức chế Kallikrein như Trasylol hoặc Zymogen với liều 1-3 MUI/24 giờ, truyền tĩnh mạch trong vòng 1-2 tuần.

2.3 Can thiệp phẫu thuật

Bệnh nhân mắc viêm tụy cấp có khả năng cần can thiệp phẫu thuật nếu bệnh diễn biến xấu, kèm theo những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ hoại tử tổ chức tụy như:

  • Cơn đau vẫn không thuyên giảm và có dấu hiệu tăng phản ứng cơ thành bụng.
  • Tình trạng nhiễm độc cũng gia tăng.  
  • Các xét nghiệm Amylase trong máu và nước tiểu không thuyên giảm mà còn tăng hơn, dù đã điều trị nội khoa tích cực.  
  • Mặc dù Amylase trong máu và nước tiểu có giảm, nhưng tình trạng nhiễm độc và phản ứng thành bụng lại gia tăng, cho thấy tế bào tụy đang bị hoại tử nặng nề trên diện rộng.  
  • Viêm tụy cấp có thể do các bệnh lý về đường mật như tắc mật.  
  • Có dấu hiệu nghi ngờ viêm túi mật hoại tử, thủng dạ dày - tá tràng hoặc tắc ruột.  
  • Viêm tụy cấp có thể dẫn đến các biến chứng như hoại tử xuất huyết hoặc áp xe tụy. 
Để giảm đau trong viêm tụy cấp và tránh để bệnh diễn biến xấu, bệnh nhân cần được can thiệp phẫu thuật.
Để giảm đau trong viêm tụy cấp và tránh để bệnh diễn biến xấu, bệnh nhân cần được can thiệp phẫu thuật.

Để giảm đau trong viêm tụy cấp, bác sĩ cần phải thực hiện các phương pháp điều trị tích cực. Nếu bệnh nhân vẫn không thấy giảm đau sau khi dùng thuốc điều trị viêm tuỵ cấp, bác sĩ cần có các biện pháp can thiệp thích hợp. Việc tuân thủ các hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ là điều thiết yếu trong quá trình điều trị viêm tụy cấp. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ