Can thiệp điều trị rối loạn nhịp bằng RF qua ống thông là một trong những phương pháp điều trị tình trạng rối loạn nhịp tim và thường được chỉ định sau khi bệnh nhân đã điều trị bằng các phương pháp khác nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn. Phương pháp này sử dụng năng lượng sóng cao tần để tạo ra các vết sẹo trên cơ tim, ngăn chặn tín hiệu điện bất thường dẫn truyền đến mô cơ tim.
1. Can thiệp điều trị rối loạn nhịp bằng RF qua ống thông là gì?
Can thiệp điều trị rối loạn nhịp bằng RF qua đường ống thông là một phương pháp sử dụng năng lượng sóng cao tần, thông qua ống thông, tạo ra những vết sẹo nhỏ trong khu vực cơ tim. Phương pháp này điều trị các rối loạn nhịp tim bằng cách ngăn chặn các tín hiệu dẫn truyền không đều đến mô cơ tim.

Can thiệp RF qua ống thông thường được áp dụng cho những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim đã thử nghiệm điều trị bằng những phương pháp khác, nhưng không đạt được kết quả như mong muốn.
Phương pháp này được chỉ định để điều trị các tình trạng bệnh:
- Rung nhĩ (AFib): khi bị Afib, các buồng tâm nhĩ của tim sẽ bị rung lên và đập không đều. Nếu co bóp không đủ mạnh, tim sẽ không thể bơm máu tốt. Khi máu không lưu thông đến tim đúng cách, nguy cơ hình thành cục máu đông sẽ tăng lên và bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ nếu cục máu đông di chuyển đến não hoặc tắc bất kỳ động mạch nào khác do cục máu đông từ tim di chuyển đến.
- Cuồng nhĩ: tâm nhĩ của bệnh nhân bị cuồng nhĩ co bóp rất nhanh khi bơm máu, làm tăng nguy cơ đông máu và đột quỵ.
- Nhịp tim nhanh trên thất (SVT): khi SVT xảy ra thường xuyên hoặc trong thời gian dài, hội chứng rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến tổn thương tim và gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác.
- Nhịp nhanh thất (VT): VT khiến tim bệnh nhân đập rất nhanh và không đủ thời gian để máu lưu thông khắp cơ thể, dẫn đến tình trạng tụt huyết áp.
2. Bệnh nhân cần làm gì trước khi thực hiện can thiệp RF qua ống thông?
Phương pháp can thiệp điều trị rối loạn nhịp bằng RF qua ống thông sẽ được thực hiện bởi các bác sĩ và chuyên gia tim mạch. Trước khi đưa ra chỉ định điều trị RF, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng tim mạch và sức khoẻ tổng thể của bệnh nhân để xem có thực hiện phương pháp này hay không.

Trước khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể các bước cần thực hiện. Bệnh nhân phải tuân thủ để đạt được kết quả điều trị tốt nhất. Thông thường, các việc bạn cần làm là:
- Trao đổi với bác sĩ về những loại thuốc đang sử dụng. Nếu có chỉ định từ bác sĩ, bệnh nhân cần phải dừng sử dụng các loại thuốc làm loãng máu (như aspirin, warfarin) hoặc thuốc điều trị rối loạn nhịp tim.
- Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì vào đêm trước khi làm thủ thuật. Bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho từng bệnh nhân về vấn đề này.
- Bệnh nhân nên đi cùng người thân. Trong trường hợp không nhập viện để theo dõi, bệnh nhân cần sắp xếp để có người chở về nhà, tuyệt đối không tự lái xe.
3. Quy trình can thiệp RF qua đường ống thông và quá trình hồi phục sau đó
3.1 Quy trình thực hiện
Vì quá trình thực hiện can thiệp điều trị rối loạn nhịp bằng RF qua ống thông kéo dài trong khoảng thời gian khá lâu nên bác sĩ sẽ sử dụng gây mê toàn thân để đảm bảo bệnh nhân duy trì trạng thái ngủ suốt quá trình thực hiện đốt điện tim. Quy trình gây mê được thực hiện bằng cách thiết lập một đường truyền tĩnh mạch trên cánh tay của bệnh nhân.

Bác sĩ tim mạch sẽ đưa một ống nhỏ xuyên qua da và đi vào tĩnh mạch của bệnh nhân (thường sẽ là tĩnh mạch ở bẹn). Sau đó, bác sĩ sẽ luồn các sonde điện cực vào ống thông để đến tim của bệnh nhân (có một màn hình hiển thị đường đi của ống thông trên đường đến tim).
Ống thông sẽ sử dụng tần số vô tuyến điện ( Radio frequency - RF) để làm nóng và tạo ra các vết sẹo nhỏ trên mô tim. Cũng có trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp triệt đốt lạnh làm đông lạnh mô và phá huỷ cấu trúc mô tim.
3.1 Quá trình hồi phục
Bệnh nhân sau thực hiện thủ thuật can thiệp RF thường không cần nhiều thời gian để hồi phục như các phương pháp phẫu thuật khác.

Quá trình thủ thuật mất từ hai đến bốn giờ để hoàn thành. Sau khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ và y tá sẽ tháo ống thông và đường dẫn truyền khỏi tĩnh mạch của bệnh nhân.
Sau đó, bệnh nhân sẽ được chuyển đến phòng hồi sức, ở lại đó vài giờ (có trường hợp sẽ ở qua đêm), y tá sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng của bệnh nhân cho đến khi hồi phục và không còn nguy hiểm.
Trước khi về nhà, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn chi tiết về cách chăm sóc tại nhà. Bác sĩ điều trị sẽ kê đơn thuốc, bao gồm aspirin hoặc các loại thuốc làm loãng máu khác trong vài tháng. Những loại thuốc này có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong quá trình hồi phục của bệnh nhân.
Bệnh nhân có thể sẵn sàng quay trở lại công việc sau khi thực hiện can thiệp điều trị rối loạn nhịp bằng RF qua ống thông khoảng 1 hoặc 2 ngày. Nếu công việc của bệnh nhân đòi hỏi phải lao động tay chân và cần dùng nhiều sức lực, bệnh nhân nên nghỉ ngơi thêm vài ngày trước khi quay trở lại làm việc.

Sau khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân nên tránh vác các nâng vật nặng và tập thể dục gắng sức trong ít nhất ba ngày. Trước khi quay trở lại với các hoạt động thể chất, bệnh nhân nên trao đổi trước với bác sĩ điều trị.