Chỉ số loãng xương và những ai nên đo loãng xương?

Mục lục

Chỉ số loãng xương là thước đo quan trọng để phát hiện sớm bệnh lý này, từ đó có thể ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Thông thường, loãng xương không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu nhưng khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, xương sẽ yếu đi và dễ gãy. Do đó, việc theo dõi chỉ số loãng xương, đặc biệt ở nhóm người có nguy cơ cao là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe xương.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Loãng xương là bệnh gì?

Loãng xương là một bệnh lý thường không bộc lộ nhiều triệu chứng cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Bệnh làm suy yếu cấu trúc và giảm khối lượng xương khiến xương trở nên yếu, giòn cũng như dễ gãy. Trong đó, gãy xương chính là hậu quả cuối cùng và cũng là biến chứng vô cùng nghiêm trọng của loãng xương.

Trong vòng 6 tháng đầu sau khi gãy cổ xương đùi, 20% bệnh nhân sẽ tử vong, 50% mất khả năng di chuyển và 25% phải cần đến y tá chăm sóc tại nhà, gây tốn kém chi phí.

Trước tuổi 30, cơ thể tạo xương nhanh hơn phá hủy xương, giúp xương phát triển chắc khỏe và đạt được mật độ tối đa. Tuy nhiên, sau tuổi 30, quá trình này chậm lại trong khi quá trình phá hủy xương dần chiếm ưu thế. Điều này khiến xương yếu hơn, trở nên mỏng và xốp hơn theo thời gian, đặc biệt nếu không được chăm sóc tốt.

Tình trạng loãng xương thường ít biểu hiện triệu chứng cho đến khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Tình trạng loãng xương thường ít biểu hiện triệu chứng cho đến khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Cấu trúc và khối lượng xương tốt khi còn trẻ giúp hạn chế nguy cơ loãng xương khi về già. Đồng thời, mật độ xương và hoạt động chu chuyển xương còn bị tác động bởi các yếu tố như hormone nội tiết tố, khoáng chất trong xương và cytokin.

Do đó, khi xương thiếu hụt canxi và các khoáng chất cần thiết thì sự phát triển, tái tạo xương cũng như mật độ xương sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tình trạng suy giảm hormone estrogenandrogen cũng là một yếu tố khiến quá trình mất xương diễn ra nhanh hơn. Vì lý do này, phụ nữ mãn kinh sớm và nam giới bị thiểu năng sinh dục thường có nguy cơ cao đối mặt với tình trạng loãng xương.

Tình trạng loãng xương trong cộng đồng ngày nay có tỷ lệ khá cao. Ở nhóm phụ nữ trên 50 tuổi, cứ 3 người thì có 1 người mắc. Trong khi đó ở nam giới tỷ lệ là 1/10.

Chính vì những biến chứng nghiêm trọng mà việc sớm phát hiện và điều trị loãng xương trở nên vô cùng quan trọng. Do đó, không ít người quan tâm đến chỉ số loãng xương là bao nhiêu.

Phụ nữ trên 50 tuổi có tỷ lệ bị loãng xương khá cao, với cứ 3 người thì có 1 người mắc.
Phụ nữ trên 50 tuổi có tỷ lệ bị loãng xương khá cao, với cứ 3 người thì có 1 người mắc.

2. Chỉ số loãng xương là bao nhiêu?

Bác sĩ thường chỉ định đo mật độ xương thông qua T-score và Z-score để xác định nguy cơ loãng xương. Dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1994, mật độ xương sẽ được đo tại cổ xương đùi và cột sống thắt lưng bằng phương pháp DXA.

Đối với chỉ số T-score:

  • T-score từ -1 SD trở lên đồng nghĩa với việc mật độ xương ở trạng thái bình thường và không có tình trạng loãng xương.
  • T-score từ -1 SD đến -2.5 SD cho thấy tình trạng thiếu xương.
  • T-score dưới -2.5 SD là chỉ số báo hiệu tình trạng loãng xương.
  • Khi T-score thấp hơn -2.5 SD và người bệnh có tiền sử hoặc hiện tại bị gãy xương thì đồng nghĩa với việc đang gặp tình trạng loãng xương nặng.

Chỉ số Z-score là một thước đo quan trọng để so sánh mật độ xương của người được đo với mật độ xương trung bình của những người khỏe mạnh có cùng độ tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng và chủng tộc, giúp đánh giá tình trạng xương một cách chính xác hơn.

Đối với chỉ số Z-score:

  • Z-score = 0: Mật độ xương đang bằng với giá trị trung bình của độ tuổi.
  • Z-score > 0: Mật độ xương đang cao hơn giá trị trung bình của độ tuổi.
  • Z-score < 0: Mật độ xương đang thấp hơn giá trị trung bình của độ tuổi.
  • Z-score dưới -1.5 yêu cầu sự can thiệp của chuyên gia để chẩn đoán và xác định liệu có bệnh lý thứ phát nào gây mất xương.
  • Khi Z-score dưới -2.0 kèm theo tình trạng gãy xương hoặc có tiền sử gãy xương thì sẽ được chẩn đoán là loãng xương.

3. Những ai nên đo chỉ số loãng xương?

Đo mật độ xương là phương pháp giúp phát hiện sớm tình trạng loãng xương và mất xương, từ đó có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa cũng như điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

Người cao tuổi nên thực hiện đo chỉ số loãng xương.
Người cao tuổi nên thực hiện đo chỉ số loãng xương.

Chính vì vậy, việc đo chỉ số loãng xương rất quan trọng. Để giúp phát hiện và chẩn đoán sớm các bệnh lý, chúng ta cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định đo mật độ xương trong một số tình huống đặc biệt như:

  • Người cao tuổi, đặc biệt là trên 65 tuổi.
  • Phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh từ độ tuổi 45 - 50 và người bị mãn kinh sớm.
  • Những người có xương nhỏ cũng có nguy cơ cao bị loãng xương, vì vậy cần thực hiện đo mật độ xương định kỳ.
  • Người bị các bệnh lý như thiểu năng tuyến sinh dục, cường giáp tiến triển, cường vỏ thượng thận và cường giáp tiên phát.
  • Những người có lối sống không lành mạnh, ít vận động, nghiện rượu, hút thuốc hoặc thiếu canxivitamin D trong chế độ ăn.
  • Người đã phẫu thuật xương khớp.
  • Mắc bệnh mãn tính và đang sử dụng các loại thuốc có tác dụng phụ làm tổn hại đến xương, dẫn đến loãng xương thứ cấp như thuốc điều trị rối loạn nội tiết, thuốc chữa rối loạn collagen, thuốc điều trị suy tủy…
Mọi người nên đi đo chỉ số loãng xương định kỳ để sớm phát hiện tình trạng bệnh.
Mọi người nên đi đo chỉ số loãng xương định kỳ để sớm phát hiện tình trạng bệnh.

Nhìn chung, việc phát hiện và điều trị sớm loãng xương rất quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ gãy xương và các biến chứng nghiêm trọng. Do đó, đo mật độ xương định kỳ và duy trì lối sống lành mạnh là cần thiết, giúp bảo vệ sức khỏe xương, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như phòng ngừa các bệnh lý liên quan.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ