Chữa đau xương khớp không dùng thuốc như các biện pháp vật lý trị liệu, chườm nóng, tập thể dục nhẹ nhàng và thay đổi lối sống có thể mang lại hiệu quả trong việc giảm triệu chứng đau và cứng khớp. Những phương pháp này không chỉ giúp giảm đau mà còn làm giảm nguy cơ lạm dụng thuốc giảm đau, đặc biệt trong các trường hợp đau nhẹ.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau, nhức xương khớp phổ biến
Đau nhức xương khớp là tình trạng phổ biến mà ai cũng có thể gặp phải với nhiều nguyên nhân khác nhau. Đôi khi, cơn đau có thể xuất hiện đột ngột do thay đổi thời tiết, ngồi làm việc sai tư thế hoặc vận động quá sức. Nhiều người mắc phải thường chọn uống thuốc giảm đau để giảm triệu chứng tạm thời nhưng không điều trị dứt điểm nguyên nhân, dẫn đến tình trạng cơn đau thường xuyên tái phát.

Trên thực tế, hiện nay có nhiều phương pháp chữa đau xương khớp không dùng thuốc rất hiệu quả. Những phương pháp này có thể giúp giảm đau hoặc thậm chí chấm dứt cơn đau trong trường hợp cấp tính và chưa nghiêm trọng.
2. Các phương pháp chữa đau xương khớp không dùng thuốc
2.1 Chườm nóng hoặc chườm lạnh
2.1.1 Chườm nóng
Phương pháp chườm nóng giúp giãn mạch máu và cải thiện lưu thông máu đến vùng bị đau hoặc căng cứng. Người bệnh có thể sử dụng túi chườm nóng, đệm sưởi hoặc đai quấn nóng khi gặp tình trạng đau nhức xương khớp do bệnh lý như thoái hóa khớp, bệnh Gout hoặc sau chấn thương.
Một phương pháp chữa đau xương khớp không dùng thuốc khác là sử dụng sáp paraffin: đun nóng sáp rồi để nguội, sau đó đắp lên vùng bị đau. Đối với trường hợp đau nhức tay chân, có thể nhúng trực tiếp vào sáp paraffin nóng nhưng cần có sự hướng dẫn của chuyên gia. Ngoài ra, ngâm mình trong nước nóng cũng là một phương pháp tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý không áp dụng nếu vùng đau có bầm tím, sưng tấy hoặc có vết thương hở.
Khi chườm nóng, thời gian nên giới hạn trong khoảng 20 phút. Ngâm mình trong nước ấm có thể lâu hơn, từ 30 phút đến 2 giờ.
2.1.2 Chườm lạnh
Chườm lạnh thường được sử dụng cho đau cổ vai gáy, đau đầu gối hoặc chấn thương do chơi thể thao. Phương pháp này giúp co mạch máu, giảm lưu lượng máu đến vùng tổn thương, hạn chế viêm và sưng tấy. Người bệnh có thể dùng túi chườm lạnh y tế hoặc túi gel lạnh, chườm từ 15 đến 20 phút, khoảng 3 đến 4 lần mỗi ngày. Nếu không có thiết bị chuyên dụng, có thể sử dụng khăn mềm làm lạnh hoặc bọc đá trong khăn mềm và nhẹ nhàng chà lên vùng đau.
Lưu ý: Không nên đặt đá lạnh trực tiếp lên da hoặc chườm quá lâu. Không sử dụng phương pháp này cho những vùng có vết thương hở hoặc khi đau cơ do co thắt mạch.
2.2 Xoa bóp các vị trị bị đau nhức đúng cách
Khi bị đau nhức xương khớp ở các khu vực như cổ vai gáy, lưng, tay hoặc chân, người bệnh có thể áp dụng xoa bóp để giúp giảm đau. Nếu làm đúng cách, xoa bóp có thể giúp làm giảm tình trạng căng cơ và hỗ trợ chữa đau xương khớp không dùng thuốc.
2.2.1 Cách xoa bóp cổ vai gáy
- Đầu tiên, chà hai lòng bàn tay lên vùng phía sau cổ để làm ấm.
- Sau đó, dùng ngón tay cái và các ngón khác để bóp nắn các cơ quanh cổ và vai.
- Tiếp tục xoa bóp cho đến khi phần cổ vai có dấu hiệu ửng đỏ thì ngừng lại.
2.2.2 Cách xoa bóp lưng
- Nhờ người khác giúp xoa bóp.
- Bắt đầu bằng cách dùng ngón tay và gốc bàn tay xoa tròn lên vùng lưng bị đau.
- Dùng cả hai bàn tay xát mạnh lên vùng lưng theo hướng ngược nhau để làm ấm da.
- Sau đó, day tay lên lưng và đấm nhẹ vào hai bên thắt lưng khoảng ba lần.
- Lăn tay dọc theo hai khối cơ cạnh cột sống xuống hông, rồi từ hông xuống chân.
- Bóp và ấn vào những chỗ đau trên lưng từ nhẹ đến mạnh, kéo dài khoảng 20 phút.
2.2.3 Cách xoa bóp bàn chân
- Xoa mạnh hai lòng bàn chân với nhau khoảng 10 đến 20 lần, sau đó đổi bên.
- Thực hiện các bước này sẽ giúp giảm cơn đau nhức xương khớp một cách hiệu quả.
2.3 Nghiên cứu các bài tập vận động nhẹ
Một chế độ tập luyện đúng cách là các động tác kết hợp với thở sâu, nhịp nhàng. Điều này không chỉ giúp giảm đau xương khớp mà còn tăng cường tính linh hoạt cho các khớp, sức mạnh và độ dẻo dai cho cơ bắp cũng như dây chằng ở vùng lưng. Dưới đây là một số hình thức tập luyện hiệu quả:
- Đi bộ: Là hình thức tập luyện đơn giản và thích hợp để phòng ngừa thoái hóa khớp.
- Yoga: Giúp cơ xương khớp uyển chuyển, linh hoạt và hỗ trợ phục hồi sụn khớp thoái hóa. Lưu ý cần có người hướng dẫn để tập đúng động tác, tư thế.
- Đạp xe: Giúp kích thích những nhóm cơ lớn ở phần chân, vận động cơ tối đa và ít tác động đến khớp.
- Thái cực quyền: Vận động tại chỗ với một số động tác giúp lưu thông khí huyết trong cơ thể, duy trì sự linh hoạt cho khớp. Các động tác này thường bao gồm giãn hông, gập eo, áp đùi,… đồng thời phải phân chia thời gian nghỉ hợp lý.

2.4. Vật lý trị liệu kết hợp trị liệu thần kinh cột sống
Để chữa đau xương khớp không dùng thuốc, người bị đau có thể tham khảo kết hợp vật lý trị liệu với phương pháp trị liệu thần kinh cột sống (Chiropractic). Vật lý trị liệu có thể sử dụng những thiết bị hiện đại hoặc thực hiện các bài tập thể lực, còn Chiropractic là một phương pháp nắn chỉnh cột sống để kích thích khả năng tự chữa lành của cơ thể.
2.5. Nghỉ ngơi, bổ sung chất dinh dưỡng
Sau khi thực hiện những bài tập thể dục như đi bộ, đạp xe, tập yoga, bơi lội,… người bị đau xương khớp nên dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt là các trường hợp viêm khớp mạn tính, tổn thương dây chằng,…
Bên cạnh đó là một chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung thêm nhiều thực phẩm giàu Canxi, Vitamin D, Axit béo, chất xơ và Magie để có thể giữ được độ dẻo dai của xương khớp và kiểm soát tốt cân nặng.

Người bị đau có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để bổ sung thêm các hoạt chất Chondroitin, Glucosamine để tăng khả năng giảm đau, giảm viêm, thúc đẩy tiến trình tái tạo sụn và xương dưới sụn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.