Chuẩn bị cho phẫu thuật cột sống: Những thắc mắc thường gặp

Mục lục

Chuẩn bị cho phẫu thuật cột sống là một bước quan trọng để đảm bảo ca mổ diễn ra thành công và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều người thường băn khoăn về các vấn đề như quá trình chuẩn bị, những điều cần lưu ý trước khi phẫu thuật, các rủi ro có thể xảy ra và cách chăm sóc sau mổ.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tổng quan về phương pháp phẫu thuật cột sống

Thông thường, các vấn đề về lưng và cổ được điều trị bằng cách uống thuốc giảm đau, chườm nóng hoặc lạnh, và thực hiện vật lý trị liệu. Phẫu thuật ít khi được áp dụng trừ khi tình trạng bệnh nghiêm trọng.

Phẫu thuật cột sống có thể cần thiết trong các trường hợp sau:

  • Gai xương: Chèn ép lên dây thần kinh hoặc tủy sống.
  • Thoát vị đĩa đệm: Khi khối thoát vị chèn ép nặng lên dây thần kinh.
  • Thoái hóa cột sống: Gây đau kéo dài hoặc hạn chế vận động.
  • Nhiễm trùng khớp: Gây tổn thương cấu trúc cột sống.
  • Khối u hoặc chấn thương nặng: Cần can thiệp để bảo vệ tủy sống và duy trì chức năng vận động.

Trong những trường hợp này, phẫu thuật có thể là giải pháp tốt nhất để giảm đau và cải thiện khả năng vận động của người bệnh.

Tình trạng đau đốt sống cổ nếu nghiêm trọng có thể phải tiến hành phẫu thuật.
Tình trạng đau đốt sống cổ nếu nghiêm trọng có thể phải tiến hành phẫu thuật.

Phương pháp phẫu thuật luôn đi kèm với những rủi ro nhất định, đồng thời cũng yêu cầu người bệnh phải đảm bảo về mặt sức khỏe, tinh thần và kiến thức để phục hồi sau phẫu thuật. Do đó, quá trình chuẩn bị cho phẫu thuật cột sống rất quan trọng, cần được người bệnh nắm rõ trước khi thực hiện.

2. Những thắc mắc lưu ý người bệnh cần biết để chuẩn bị cho phẫu thuật cột sống

2.1. Phẫu thuật cột sống xong có bị đau không?

Sau phẫu thuật cột sống, người bệnh có thể gặp phải một số cơn đau, đây là hiện tượng bình thường trong quá trình hồi phục và hoàn toàn có thể kiểm soát được. Để giảm đau, người bệnh có thể:

  • Sử dụng thuốc giảm đau: Dùng theo hướng dẫn của bác sĩ, bao gồm các loại thuốc như NSAIDs, acetaminophen hoặc thuốc kê đơn mạnh hơn nếu cần.
  • Áp dụng các phương pháp hỗ trợ: Chườm nóng/lạnh hoặc thực hiện vật lý trị liệu để giảm đau và cải thiện khả năng vận động.

Người bệnh nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để lựa chọn phương pháp giảm đau phù hợp, giúp quá trình phục hồi diễn ra thoải mái và thuận lợi hơn.

2.2. Phẫu thuật cột sống mất bao lâu để phục hồi?

Thời gian phục hồi sau phẫu thuật cột sống còn tùy thuộc vào mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh. Tuy vậy, theo thống kê trung bình, người thực hiện phẫu thuật cột sống thường mất từ vài tuần đến vài tháng để phục hồi hoàn toàn.

Tùy vào mức độ tổn thương và loại hình phẫu thuật cột sống mà mỗi người sẽ có thời gian phục hồi khác nhau.
Tùy vào mức độ tổn thương và loại hình phẫu thuật cột sống mà mỗi người sẽ có thời gian phục hồi khác nhau.

2.3. Người bệnh cần đeo nẹp, đai cổ hoặc vật lý trị liệu sau phẫu thuật không?

Một số người bệnh trong quá trình chuẩn bị cho phẫu thuật cột sống sẽ muốn biết về những dụng cụ y tế hỗ trợ và yêu cầu về vật lý trị liệu sau đó. Theo chuyên gia, việc có phải dùng nẹp hoặc đai cổ hay không sẽ tùy vào loại hình phẫu thuật và kiến nghị của bác sĩ, người bệnh. Vật lý trị liệu cũng là một hình thức thường được khuyến khích, nhưng vẫn phải tùy theo từng trường hợp cụ thể.

2.4. Người bệnh cần làm gì sau mổ cột sống?

Sau phẫu thuật cột sống, người bệnh thường được khuyến khích đi bộ thường xuyên để hỗ trợ quá trình phục hồi. Ban đầu, nên đi bộ ngắn vài lần mỗi ngày, sau đó tăng dần quãng đường và tần suất khi sức khỏe cải thiện.

Trong sinh hoạt và làm việc hàng ngày, người bệnh cần tránh vặn mình hoặc xoay người ở khu vực phẫu thuật như eo hoặc cổ để tránh gây áp lực lên cột sống và ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương.

Để chuẩn bị cho phẫu thuật cột sống, người bệnh không thể bỏ qua kế hoạch tập luyện để phục hồi.
Để chuẩn bị cho phẫu thuật cột sống, người bệnh không thể bỏ qua kế hoạch tập luyện để phục hồi.

Người bệnh nên tránh mang vác đồ nặng để phòng ngừa chấn thương cột sống tại vị trí phẫu thuật, đồng thời không nên thực hiện các bài tập nặng hoặc quá sức khi chưa được bác sĩ cho phép.

Ngoài ra, người bệnh có thể cần nhờ người thân hoặc bạn bè hỗ trợ trong một số công việc như dọn dẹp nhà cửa, mua nhu yếu phẩm hoặc đưa đi tái khám trong giai đoạn hồi phục.

2.5. Người bệnh cần nghỉ làm việc trong bao lâu sau phẫu thuật?

Thời gian nghỉ ngơi trước khi quay lại làm việc phụ thuộc vào loại phẫu thuật đã thực hiện và tính chất công việc của người bệnh.

Bệnh nhân làm công việc nhẹ nhàng, ít đòi hỏi thể lực có thể trở lại làm việc sớm hơn. Tuy nhiên, ngay cả với công việc văn phòng, ngồi làm việc từ 8 đến 10 tiếng mỗi ngày cũng có thể gây khó chịu, đặc biệt trong giai đoạn hồi phục sau phẫu thuật.

2.6. Người bệnh có thể tự vệ sinh cá nhân sau phẫu thuật không?

Vệ sinh cá nhân sau khi phẫu thuật cột sống không phải là vấn đề quá phức tạp, mặc dù trong một số trường hợp có thể cần đến sự hỗ trợ của người thân trong gia đình. Đối với vấn đề tắm rửa, sử dụng thêm ghế tắm sẽ là phương pháp hữu ích. Tuy vậy, người bệnh có khả năng cần nhờ người thân hỗ trợ thay băng đối với vết mổ trên lưng hoặc sau gáy.

2.7. Người bệnh cần chuẩn bị ghế ngồi và giường ngủ thế nào sau phẫu thuật?

Chuẩn bị cho phẫu thuật cột sống cũng cần chú ý đến giường ngủ và ghế ngồi:

  • Giường ngủ: Chiều cao của giường nên phù hợp để người bệnh dễ dàng lên xuống. Nếu giường hiện tại quá cao hoặc quá thấp, có thể đổi giường với thành viên trong gia đình.
  • Ghế ngồi: Cần ghế đủ thoải mái và hỗ trợ người bệnh ngồi xuống, đứng lên dễ dàng.
Chiều cao của giường nên phù hợp để người bệnh dễ dàng lên xuống.
Chiều cao của giường nên phù hợp để người bệnh dễ dàng lên xuống.

Nhìn chung, chuẩn bị cho phẫu thuật cột sống giúp người bệnh để có được tâm lý ổn định hơnư. Người bệnh không nên cảm thấy ngại khi đặt ra bất kỳ câu hỏi nào cho bác sĩ vì mỗi người sẽ có tính chất công việc, nhu cầu tập luyện thể dục thể thao cũng như vấn đề sức khỏe riêng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ