Chuột rút bàn chân là một hiện tượng khá phổ biến, xảy ra khi các cơ trong bàn chân co rút đột ngột. Tình trạng này thường gây ra cơn đau đớn và khó chịu, có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút. Chuột rút bàn chân có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nhưng thường gặp nhất là vào ban đêm hoặc sau khi tập luyện thể dục thể thao.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Chuột rút bàn chân là gì?
Bàn chân là khu vực chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh quan trọng. Bất kỳ bộ phận nào trong khu vực này cũng có thể bị tổn thương trong các hoạt động thể thao hoặc sinh hoạt hằng ngày.
Chuột rút ở bàn chân xảy ra khi các cơ dưới bàn chân bị co thắt mạnh mẽ và đột ngột vì một số nguyên nhân, gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu cho người bị. Thông thường, bàn chân là một trong những nơi dễ bị chuột rút nhất trên cơ thể, tương tự như đùi và bắp chân.
Khi bị chuột rút, cơ bàn chân không thể tự co hoặc giãn ra một cách bình thường. Những người thường xuyên bị chuột rút ở bàn chân bao gồm vận động viên, người lớn tuổi, những người có nguy cơ thừa cân hoặc béo phì và người ít vận động.
Mặc dù chuột rút bàn chân hiếm khi dẫn đến các tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng nhưng nếu xảy ra liên tục có thể gây khó chịu và bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. Để có thể khắc phục tình trạng này một cách hiệu quả, người mắc phải nên tìm hiểu nguyên nhân gây nên.

2. Nguyên nhân gây chuột rút bàn chân
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chuột rút ở bàn chân có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, đồng thời cũng có thể là một hiện tượng không rõ nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
- Vận động quá sức: Đây là nguyên nhân thường gặp ở vận động viên hoặc những người luyện tập thể thao quá mức. Sự căng thẳng kéo dài trên cơ bắp có thể dẫn đến chuột rút, đặc biệt là vào ban đêm.
- Máu lưu thông kém: Khi máu không lưu thông tốt đến bàn chân, các cơ có thể co cứng và gây chuột rút. Điều này thường xảy ra với những người luyện tập hoặc hoạt động mạnh mà không có sự lưu thông máu xuống chân kịp thời, dẫn đến thiếu oxy ở các cơ và tế bào.
- Tâm trạng căng thẳng: Stress và lo lắng có thể gây mất cân bằng hormone, dẫn đến các cơn chuột rút không mong muốn ở bàn chân.
- Thiếu hụt khoáng chất: Chế độ ăn uống thiếu các khoáng chất cần thiết hoặc luyện tập quá sức mà không bổ sung đủ điện giải có thể làm tăng nguy cơ bị chuột rút. Một số loại thuốc cũng có thể gây ra tác dụng phụ tương tự.
- Ít vận động: Những người thường xuyên ngồi lâu một chỗ như nhân viên văn phòng, có nguy cơ bị chuột rút ở bàn chân cao hơn. Hãy đứng lên và di chuyển thường xuyên, thực hiện các động tác vặn cơ cơ bản trong thời gian làm việc có thể giúp tăng cường lưu thông máu và phòng ngừa chuột rút.

3. Triệu chứng khi bị chuột rút bàn chân
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của chuột rút bàn chân là cảm giác đau nhức do co thắt cơ dưới bàn chân. Người mắc phải thường không thể kiểm soát các cơ vùng này. Các cơn đau này có thể kéo dài từ vài chục giây đến vài phút. Nếu tình trạng này kéo dài hơn bình thường, nên đến bệnh viện để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
4. Biện pháp xử lý khi bị chuột rút bàn chân
Khi gặp phải tình trạng chuột rút bàn chân, bạn không cần quá hoang mang. Có một số biện pháp có thể áp dụng ngay tại nhà để giảm bớt cơn đau:
- Kéo căng cơ bàn chân: Mặc dù có thể gây đau đớn ban đầu, việc duỗi thẳng và kéo căng các cơ bị chuột rút sẽ giúp giảm bớt sự co thắt. Sau khi duỗi căng, hãy tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng khu vực đó, có thể sử dụng thêm dầu ấm để làm dịu và thư giãn cơ bắp, cải thiện lưu thông máu.
- Chườm nhiệt để giảm chuột rút: Chườm ấm có thể giúp giảm các cơn chuột rút hiệu quả. Nếu không có túi chườm, bạn có thể dùng khăn bông mềm, nhúng vào nước ấm áp nhẹ lên vùng bị ảnh hưởng. Lặp lại cho đến khi cảm thấy cơn đau giảm bớt. Phương pháp này không chỉ giảm đau mà còn giúp cơ bắp thư giãn và phục hồi, từ đó giảm nguy cơ tái phát chuột rút.
5. Cách ngăn ngừa chuột rút ở bàn chân
- Uống đủ lượng nước cần thiết: Một người trưởng thành nên uống từ 2 đến 2.5 lít nước mỗi ngày. Nếu bạn có chơi các môn thể thao, hãy uống thêm nước để bù lại lượng mồ hôi và giữ cho cơ thể mát mẻ. Thay vì uống nhiều nước cùng một lúc, hãy chia nhỏ và uống đều đặn suốt ngày.
- Khởi động và căng cơ đầy đủ: Bỏ qua khởi động trước khi tập và căng cơ sau khi tập thể dục có thể dẫn đến chuột rút và chấn thương. Thực hiện các động tác căng cơ trước khi đi ngủ cũng có thể giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn và ngăn ngừa chuột rút bàn chân vào ban đêm.
- Giảm stress: Việc giải tỏa căng thẳng không chỉ giúp phòng ngừa chuột rút bàn chân mà còn giữ cho bạn luôn vui vẻ và hứng khởi trong cuộc sống.
- Bổ sung chế độ ăn giàu canxi và kali: Tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu canxi và kali như hải sản, khoai lang, sữa chua,... giúp phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng chuột rút bàn chân.

Chuột rút bàn chân không phải là một bệnh lý nghiêm trọng, nhưng nếu bạn thấy đi kèm với các triệu chứng bất thường khác, hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.