Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Để kết luận chụp MRI và CT cái nào tốt hơn cái còn tùy thuộc vào tiêu chí đánh giá của mỗi phương pháp và căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ chỉ định sử dụng phương pháp nào cho hợp lý.
1. Chụp MRI là gì?
Chụp MRI hay còn gọi là chụp cộng hưởng từ. Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại trong y học sử dụng từ trường và sóng radio.
- Ưu điểm của chụp MRI là: Hình ảnh có độ tương phản cao, chi tiết giải phẫu tốt nên phát hiện chính xác các tổn thương; khả năng tái tạo hình ảnh 3D, không có tác dụng phụ nên ngày càng được chỉ định rộng rãi; đặc biệt không gây nhiễm xạ cho người bệnh.
- Nhược điểm của chụp MRI: Thời gian chụp dài (15 - 60 phút) nên bệnh nhân mắc hội chứng sợ không gian kín sẽ khó thực hiện; Quá trình chụp không mang thiết bị hồi sức cấp cứu; các tổn thương xương hoặc những tổn thương có canxi kết quả thường hạn chế khi đánh giá.
2. Chụp CT là gì?

Chụp CT hay còn gọi là chụp cắt lớp vi tính. Đây là phương pháp sử dụng chùm tia X qua cơ thể người bệnh, rồi thu nguồn dữ liệu để xử lý và cho ra kết quả hình ảnh. Các tổn thương ở bên trong cơ thể sẽ được hình ảnh diễn tả bằng mức độ đậm nhạt tùy theo độ cản của tia X.
- Ưu điểm của chụp CT: Hình ảnh chụp CT rõ nét; Chụp được nhiều lát cắt và nhiều góc độ nên các tổn thương trong cơ thể; chụp được các bệnh lý về xương khá cao; thời gian chụp CT rất nhanh và có thể chụp cho bệnh nhân có máy trợ thính cố định, có máy tạo nhịp, van tim bằng kim loại.
- Nhược điểm của chụp CT: Chụp CT có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm tia X; nếu có sử dụng thuốc cản quang thì có tỷ lệ nhỏ gây hiện tượng dị ứng hoặc sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng; chụp CT khó có thể phát hiện những tổn thương nhỏ ở khu vực khó khảo sát.
3. Chụp MRI và CT cái nào tốt hơn?

Vậy Chụp MRI và CT cái nào tốt hơn? Để so sánh cần đánh giá dựa trên tiêu chí sau:
- Thời gian chụp: Chụp CT nhanh hơn chụp MRI nên thường được sử dụng trong cấp cứu, chấn thương sọ não, ổ bụng.
- Chụp MRI thường được sử dụng trong đánh giá giải phẫu và tổn thương trong não vì mô tả rõ nét và độ phân giải cao hơn.
- Chụp CT được chỉ định sau khi bệnh nhân bị va đập hay chấn thương còn MRI được chỉ định khi bệnh nhân bị đau đầu, co giật, động kinh...
- Ảnh hưởng của kim loại: Chụp CT ít bị bị ảnh hưởng bởi kim loại. Còn chụp MRI hạn chế áp dụng cho một số bệnh nhân có kim loại trong người.
- Nhiễm bức xạ tia X: Chụp MRI không nhiễm xạ như chụp CT nên MRI thường dùng cho bệnh nhân phải chụp nhiều lần.
- Thuốc cản quang: Chụp CT thuốc cản quang là hợp chất với I-ốt có thể gây ra dị ứng nên bệnh nhân suy thận không thể chụp. Còn MRI an toàn hơn nên rất hiếm xảy ra tính trạng dị ứng.
- Giá thành chụp: Chụp MRI có giá thành cao hơn chụp CT.