Công dụng thuốc Lotafran

Mục lục

Thuốc Lotafran là một loại thuốc kê đơn được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý tim mạch. Vậy thuốc Lotafran có công dụng gì và cách sử dụng loại thuốc này như thế nào?

1. Công dụng thuốc Lotafran

Thuốc Lotafran được bào chế dưới dạng viên nén, với thành phần chính trong mỗi viên thuốc là 20mg Lisinopril (dưới dạng Lisinopril dihydrate).

Hoạt chất lisinopril thuộc nhóm thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin, có tác dụng làm giảm lượng angiotensin II và aldosteron trong huyết tương. Qua đó làm giảm sức kháng mao mạch ngoại biên, cung lượng tim có thể tăng, nhưng nhịp tim không đổi, lưu thông máu qua thận có thể tăng.

Thuốc Lotafran được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị tăng huyết áp: Có thể sử dụng đơn độc thuốc Lotafran hoặc phối hợp với các loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác như là thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc chẹn alpha hoặc chẹn kênh calci...
  • Điều trị suy tim: Sử dụng thuốc Lotafran kết hợp với các glycosid tim và các loại thuốc lợi tiểu để điều trị tình trạng suy tim sung huyết ở bệnh nhân đã dùng glycosid tim hoặc thuốc lợi tiểu đơn thuần nhưng không đỡ.
  • Nhồi máu cơ tim cấp có huyết động ổn định: Sử dụng thuốc Lotafran phối hợp với các thuốc làm tan huyết khối, aspirin, và/hoặc các loại thuốc chẹn beta để tăng thời gian sống ở bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp có huyết động ổn định. Nên sử dụng thuốc Lotafran ngay trong vòng 24 giờ sau khi cơn nhồi máu cơ tim xảy ra.
  • Bệnh thận do đái tháo đường.

Thuốc Lotafran chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Hẹp van động mạch chủ
  • Bệnh cơ tim tắc nghẽn
  • Hẹp động mạch thận hai bên hoặc ở một thận đơn độc.
  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

2. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Lotafran

Thuốc Lotafran được sử dụng bằng đường uống. Do thuốc có tác dụng kéo dài, nên chỉ sử dụng 1 lần/ngày. Liều lượng thuốc Lotafran cần tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Liều thuốc tham khảo cho các trường hợp cụ thể như sau:

  • Điều trị tăng huyết áp:
    • Liều khởi đầu: Sử dụng 5 – 10mg/ngày, điều chỉnh liều theo đáp ứng trên lâm sàng của từng bệnh nhân.
    • Liều duy trì: Có thể sử dụng liều 20 – 40mg/ngày.
  • Điều trị suy tim sung huyết:
    • Sử dụng liều khởi đầu từ 2, 5 – 5 mg/ngày, sau đó điều chỉnh liều theo đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân.
    • Liều duy trì từ 10 – 20 mg/ngày.
  • Nhồi máu cơ tim:
    • Sử dụng 5mg Lotafran trong vòng 24 giờ sau khi các triệu chứng của nhồi máu cơ tim xuất hiện, tiếp theo sau 24 và 48 giờ sử dụng liều tương ứng 5 và 10 mg.
    • Sử dụng liều duy trì 10mg/ngày liên tục trong 6 tuần tiếp theo; nếu có suy cơ tim thì đợt điều trị có thể kéo dài trên 6 tuần.
  • Điều trị tăng huyết áp kèm suy thận:
    • Độ thanh thải creatinin từ 10 – 30 ml/phút, sử dụng liều khởi đầu 2, 5 – 5 mg/lần/ngày.
    • Độ thanh thải creatinin < 10 ml/phút, sử dụng liều khởi đầu 2,5mg/lần/ngày. Sau đó điều chỉnh liều thuốc Lotafran dựa vào sự dung nạp thuốc và đáp ứng của từng bệnh nhân, liều tối đa là 40mg/lần/ngày.
  • Điều trị suy tim, có giảm natri huyết:
  • Nồng độ natri huyết thanh < 130 mEq/lít, hoặc độ thanh thải creatinin < 30ml/phút hoặc creatinin huyết thanh > 3mg/decilit, liều ban đầu phải giảm xuống 2, 5 mg. Sau liều đầu tiên, phải theo dõi người bệnh trong 6 – 8 giờ cho tới khi huyết áp ổn định.
  • Điều trị nhồi máu cơ tim và suy thận: (nồng độ creatinin huyết thanh > 2 mg/decilit), nên dùng lisinopril khởi đầu thận trọng (việc điều chỉnh liều ở người bệnh nhồi máu cơ tim và suy thận nặng chưa được lượng giá).
  • Nếu suy thận (nồng độ creatinin huyết thanh > 3 mg/decilit) hoặc nếu nồng độ creatinin huyết thanh tăng 100% so với bình thường trong khi điều trị thì phải ngừng lisinopril.
  • Nếu chế độ điều trị cần phải phối hợp với thuốc lợi tiểu ở người bệnh suy thận nặng thì nên dùng thuốc lợi tiểu quai như furosemid sẽ tốt hơn lợi tiểu thiazid.

Trường hợp sử dụng quá liều thuốc Lotafran có thể gây tụt huyết áp. Cách điều trị trong trường hợp này là truyền tĩnh mạch dung dịch muối đẳng trương. Có thể loại bỏ lisinopril trong máu bằng thẩm tách máu.

Nếu bạn quên một liều thuốc Lotafran, hãy uống ngay khi bạn nhớ ra. Nhưng nếu bạn nhớ ra khi đã gần đến thời điểm sử dụng liều thuốc tiếp theo, bạn hãy bỏ qua liều thuốc đã quên và sử dụng liều thuốc Lotafran kế tiếp theo lịch dùng thuốc bình thường, không được uống gấp đôi liều thuốc quy định.

3. Tác dụng phụ của thuốc Lotafran

Trong quá trình sử dụng thuốc Lotafran, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc.

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc Lotafran bao gồm:

Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Lotafran bao gồm:

  • Buồn nôn
  • Mất vị giác
  • Tiêu chảy.
  • Hạ huyết áp.
  • Ban da, rát sẩn, mày đay có thể ngứa hoặc không ngứa.
  • Mệt mỏi
  • Protein niệu
  • Sốt
  • Đau khớp

Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Lotafran bao gồm:

  • Phù mạch.
  • Tăng kali huyết.
  • Lú lẫn, kích động
  • Cảm giác tê bì hoặc như kim châm ở môi, tay và chân.
  • Thở ngắn, khó thở, đau ngực.
  • Giảm bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt.
  • Vàng da, ứ mật, hoại tử gan và tổn thương tế bào gan.
  • Viêm tụy

Cách xử trí khi gặp phải các tác dụng phụ của thuốc Lotafran:

  • Ho: Phản ứng này thường gặp trong tuần đầu điều trị, có thể kéo dài suốt thời gian điều trị, đôi khi buộc phải ngừng điều trị. Tác dụng phụ này có thể do thuốc Lotafran đã gián tiếp gây tích lũy bradykinin, chất P và/hoặc prostaglandin ở phổi. Thông thường tác dụng phụ gây ho sẽ mất trong vòng vài ngày sau khi ngừng thuốc Lotafran.
  • Phù mạch: Biểu hiện là bệnh nhân nhanh chóng bị sưng phồng mũi, môi, miệng, họng, thanh quản, thanh môn và phù lưỡi. Tác dụng phụ này thường không liên quan tới liều lượng thuốc và gần như luôn luôn xảy ra trong tuần đầu điều trị bằng thuốc Lotafran, thường xuất hiện trong vài giờ đầu sau khi bắt đầu dùng thuốc.

Phù mạch có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp, suy hô hấp, thậm chí là gây tử vong. Mặc dù cơ chế tác dụng phụ này chưa được biết rõ nhưng có thể do tích lũy bradykinin, chất P và/hoặc prostaglandin, có thể do cảm ứng tự kháng thể đặc hiệu của mô hoặc là do ức chế yếu tố bất hoạt bổ thể 1 – esterase.

Khi thấy xuất hiện các triệu chứng phù mạch, bạn phải ngừng sử dụng thuốc Lotafran ngay lập tức, tác dụng phụ này sẽ mất dần sau vài giờ. Trường hợp cấp cứu phải sử dụng adrenalin, thuốc kháng histamin, và/hoặc corticoid để điều trị.

  • Hạ huyết áp: Tác dụng phụ này thường xảy ra khi sử dụng liều thuốc Lotafran đầu tiên ở bệnh nhân có tăng hoạt tính renin huyết tương. Cần phải thận trọng về tác dụng phụ này ở bệnh nhân ăn ít muối, bệnh nhân đang điều trị phối hợp nhiều loại thuốc hạ huyết áp và bệnh nhân bị suy tim sung huyết. Ở những bệnh nhân này nên khởi đầu điều trị với liều rất thấp hoặc khuyến cáo bệnh nhân tăng ăn muối và ngừng sử dụng thuốc lợi tiểu 2 – 3 ngày trước khi bắt đầu điều trị bằng Lotafran.
  • Tăng kali huyết: Thuốc Lotafran gây tăng kali huyết ở bệnh nhân suy thận, bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu giữ kali, sử dụng các chất bổ sung kali, dùng thuốc chẹn beta hoặc sử dụng các thuốc chống viêm không steroid.
  • Protein niệu thường xảy ra với bệnh nhân suy thận.
  • Ban da rát sẩn, mày đay thường mất đi khi giảm liều thuốc Lotafran hoặc ngừng thuốc. Trường hợp nặng nên sử dụng một thuốc kháng histamin.
  • Giảm bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt thường gặp ở bệnh nhân suy thận hoặc bệnh collagen mạch.
  • Giảm bạch cầu trung tính dường như có liên quan đến liều lượng thuốc Lotafran và có thể bắt đầu xuất hiện trong vòng 3 tháng đầu kể từ khi bắt đầu điều trị.

Khi gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc Lotafran, bạn nên ngừng dùng thuốc và báo cho bác sỹ biết để được tư vấn xử lý kịp thời.

4. Tương tác thuốc Lotafran với các loại thuốc khác

  • Các thuốc cường giao cảm và thuốc chống viêm không steroid, đặc biệt là indomethacin khi sử dụng chung có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của thuốc Lotafran.
  • Ciclosporin, thuốc lợi tiểu giữ kali và các thuốc bổ sung kali khi sử dụng cùng thuốc Lotafran có thể gây nặng thêm tình trạng tăng kali huyết.
  • Thuốc Lotafran có thể làm tăng nồng độ và độc tính của lithi và digoxin khi sử dụng đồng thời.
  • Estrogen gây ứ dịch có thể làm tăng huyết áp khi sử dụng cùng Lotafran.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ