Công dụng thuốc Vafocin

Vafocin thuộc nhóm thuốc hỗ trợ điều trị ký sinh trùng, kháng virus, kháng nấm và chống nhiễm khuẩn do trực tiếp Kyung Dong Pharm Co., Ltd - HÀN QUỐC sản xuất. Thuốc Vafocin được bào chế dạng viên nén, đựng trong hộp 1 vỉ x 10 viên, thành phần chính là Levofloxacin hàm lượng 100 mg.

1. Thuốc Vafocin có tác dụng gì?

Thuốc Vafocin được chỉ định để hỗ trợ điều trị tình trạng nhiễm trùng mức độ nhẹ đến nặng ở người lớn trên 18 tuổi. Các trường hợp dưới đây nên sử dụng thuốc:

  • Bệnh nhân bị viêm xoang cấp;
  • Bệnh nhân bị kịch phát cấp tính của viêm phế quản mãn tính;
  • Bệnh nhân bị viêm phổi lây nhiễm trong cộng đồng;
  • Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiểu đã xuất hiện biến chứng, trong đó có cả viêm bể thận;
  • Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn ở da, ở phần mềm.

2. Trường hợp không được dùng thuốc Vafocin

Thuốc Vafocin chống chỉ định cho những đối tượng sau:

  • Bệnh nhân bị mẫn cảm hoặc dị ứng với các thành phần có trong thuốc Thuốc Vafocin;
  • Bệnh nhân bị động kinh;
  • Bệnh nhân có tiền sử đau gân cơ;
  • Bệnh nhân là trẻ em hoặc thiếu niên (cụ thể là dưới 18 tuổi);
  • Bệnh nhân là phụ nữ đang có thai hoặc phụ nữ đang cho con bú.

Lưu ý: Chống chỉ định cần được hiểu là chống chỉ định tuyệt đối. Có nghĩa là không vì bất kỳ lý do nào bệnh nhân bị chống chỉ định lại được linh động dùng thuốc Vafocin.

3. Hướng dẫn cách dùng và liều lượng dùng thuốc Vafocin

Cách dùng và liều dùng thuốc Vafocin tùy thuộc nguyên nhân gây nhiễm khuẩn, mức độ nặng – nhẹ của bệnh.

3.1. Cách dùng thuốc Vafocin

  • Thuốc Vafocin được bào chế dưới dạng viên nén bao phim nên uống trọn viên với nhiều nước
  • Không nhai thuốc, không nghiền nát thuốc, không uống thuốc với nước chè, bia, nước ngọt có gas,...
  • Bệnh nhân có thể uống thuốc Vafocin trong bữa ăn hoặc giữa 2 bữa ăn

Lưu ý: Tùy thuộc mức độ bệnh và nguyên nhân bệnh có thể bẻ thuốc Vafocin theo đường khía để phân chia liều lượng.

3.2. Liều lượng dùng thuốc Vafocin

Liều lượng sử dụng thuốc Vafocin với bệnh nhân có chức năng thận bình thường:

  • Đối với bệnh viêm xoang cấp tính: Mỗi ngày 1 lần uống 500 mg, liệu trình kéo dài 10 – 14 ngày.
  • Trường hợp kịch phát cấp tính của viêm phế quản mãn tính: Mỗi ngày 1 lần uống khoảng 250 – 500 mg, liệu trình kéo dài 7 – 10 ngày.
  • Trường hợp viêm phổi lây nhiễm trong cộng đồng: Uống 500 mg mỗi ngày, chia 1 – 2 lần, liệu trình kéo dài 7 – 14 ngày.
  • Trường hợp nhiễm khuẩn đường tiểu đã xuất hiện biến chứng, trong đó có cả viêm bể thận: Mỗi ngày 1 lần uống khoảng 250 mg, liệu trình kéo dài 7 – 10 ngày.
  • Trường hợp nhiễm khuẩn ở da, ở phần mềm: Uống 250 mg/ngày/lần hoặc uống 500 mg mỗi ngày 1 – 2 lần, liệu trình kéo dài 7 – 14 ngày.

Liều lượng sử dụng thuốc Vafocin với bệnh nhân bị suy thận: Tùy thuộc mức độ nặng – nhẹ của tình trạng nhiễm khuẩn bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng thích hợp.

Những đối tượng đặc biệt như bệnh nhân suy chức năng gan, bệnh nhân cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều lượng. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân cao tuổi nên theo dõi chức năng thận để có liều lượng phù hợp.

Lưu ý: Bệnh nhân tuân thủ đúng chỉ định liều lượng và cách dùng thuốc Vafocin từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự thay đổi, tự tăng – giảm liều lượng.

4. Nên làm gì nếu quên liều hoặc quá liều Vafocin?

Trường hợp quên liều Vafocin: Nếu vừa quên liều, uống ngay khi nhớ ra. Nếu quên liều gần liều tiếp theo, bỏ qua liều quên và uống liều tiếp theo như bình thường.

Trường hợp quá liều Vafocin: Khi sử dụng quá liều lượng cho phép, bệnh nhân thông báo ngay cho bác sĩ/dược sĩ chuyên môn để được tư vấn cách xử lý. Trường hợp xuất hiện các triệu chứng bất thường, bệnh nhân nhờ người nhà đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra, thăm khám, cấp cứu kịp thời.

5. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Vafocin

Thông thường, tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Vafocin sẽ mất đi khi người bệnh ngừng uống thuốc. Trường hợp gặp tác dụng phụ hiếm gặp không có trong tờ hướng dẫn, bệnh nhân thông báo ngay cho bác sĩ/dược sĩ chuyên môn.

Tác dụng phụ lên hệ tiêu hóa:

  • Thường gặp: Bệnh nhân tiêu chảy, buồn nôn;
  • Ít gặp: Bệnh nhân ói mửa, chán ăn, nặng bụng, đau bụng;
  • Hiếm gặp: Bệnh nhân bị tiêu chảy kèm máu;
  • Rất hiếm gặp: Bệnh nhân bị hạ đường huyết, đặc biệt những bệnh nhân đang mắc bệnh tiểu đường.

Tác dụng phụ ngoài da và dị ứng:

  • Ít gặp: Bệnh nhân bị nổi mẩn ở da, ngứa da;
  • Hiếm gặp: Bệnh nhân bị co thắt phế quản, khó thở, nổi mề đay;
  • Rất hiếm gặp: Bệnh nhân bị phù mặt, phù lưỡi, phù họng hay thanh quản, bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp, sốc phản vệ, nhạy cảm với ánh sáng,... Một số trường hợp bệnh nhân còn bị nổi mụn rộp nặng, hoại tử thượng bì nhiễm độc, viêm đỏ da,...

Tác dụng phụ lên hệ thần kinh:

  • Ít gặp: Bệnh nhân bị ù tai, nhức đầu, chóng mắt, mất ngủ;
  • Hiếm gặp: Bệnh nhân có thể bị trầm cảm, loạn thần kèm ảo giác, lo sợ, dị cảm, run, lú lẫn, kích động, co giật,...
  • Rất hiếm gặp: Bệnh nhân bị nhược cảm, rối loạn vị giác, thị giác, khứu giác, thính giác.

Tác dụng phụ lên hệ tim mạch:

  • Hiếm gặp: Bệnh nhân bị hạ huyết áp, nhịp tim đập nhanh;
  • Rất hiếm gặp: Bệnh nhân bị sốc phản vệ.

Tác dụng phụ lên cơ và xương:

  • Hiếm gặp: Bệnh nhân bị đau cơ, đau khớp, rối loạn gân cơ, viêm gân,...
  • Rất hiếm gặp: Bệnh nhân đứt gân, yếu cơ, thậm chí tiêu cơ vân.

Tác dụng phụ với gan và thận:

  • Thường gặp: Bệnh nhân bị tăng enzym gan;
  • Ít gặp: Bệnh nhân xét nghiệm đều tăng chỉ số creatinin huyết thanh và bilirubin;
  • Rất hiếm: Bệnh nhân bị suy thận cấp tính, viêm gan.

Tác dụng phụ với máu:

  • Ít gặp: Bệnh nhân giảm bạch cầu và tăng bạch cầu ái toan;
  • Hiếm gặp: Bệnh nhân giảm tiểu cầu và bạch cầu trung tính;
  • Rất hiếm gặp: Bệnh nhân bị mất bạch cầu hạt, thậm chí bị thiếu máu tán huyết, thiếu máu toàn dòng,...

Tác dụng phụ khác:

  • Ít gặp: Bệnh nhân bị nhiễm nấm, suy nhược cơ thể, tăng sinh một số loại vi khuẩn kháng thuốc;
  • Rất hiếm gặp: Bệnh nhân bị sốt, viêm phổi dị ứng, viêm mạch máu dị ứng,...

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Vafocin

  • Đối với phụ nữ đang có thai và đang cho con bú: Tuyệt đối không được sử dụng thuốc Vafocin vì gây khuyết tật xương khớp thai nhi và trẻ sơ sinh.
  • Không uống kết hợp thuốc Vafocin với thuốc chứa sắt, calci, kẽm, magie, chất chống acid,... vì làm cản trở hấp thu thuốc từ đường tiêu hóa vào máu. Nếu bắt buộc phải uống, nên uống cách nhau ít nhất 2 tiếng.
  • Không sử dụng kết hợp thuốc Vafocin với thuốc chống viêm phi steroid (NSAID) vì tăng nguy cơ kích thích hệ thần kinh trung ương, tăng hưng phấn quá mức.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Vafocin với bệnh nhân: Người già, phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ dưới 15 tuổi, người suy gan, suy thận, người bị nhược cơ, viêm loét dạ dày, hôn mê gan,...
  • Không sử dụng thuốc Vafocin chung với đồ uống chứa cồn như rượu bia, đồ uống lên men, thuốc lá,... vì có thể làm giảm hoặc mất tác dụng của thành phần trong thuốc.
  • Bảo quản thuốc Vafocin ở nhiệt độ dưới 30 °C, nơi cao ráo, không ẩm thấp, không bị nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào thuốc.

Bài viết đã tổng hợp chi tiết công dụng thuốc Vafocin cũng như cách sử dụng hiệu quả. Trường hợp xuất hiện tác dụng phụ ngoài ý muốn, bệnh nhân thông báo ngay cho bác sĩ/dược sĩ chuyên môn để được khắc phục kịp thời.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe