Tuổi dậy thì với nhiều thay đổi về nội tiết làm cơ thể phát triển vượt bậc về thể chất cũng như tâm sinh lý. Trong đó, trẻ cũng xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tim mạch trong giai đoạn này.
1. Bệnh lý tim mạch ở tuổi dậy thì là gì?
- Các bệnh lý tim mạch thường gặp ở những người trung niên và lớn tuổi, do đó ở người trẻ các triệu chứng tim mạch dễ bị bỏ qua gây ra những tổn thương nặng nề do phát hiện và điều trị muộn.
- Bệnh tim ở tuổi dậy thì là tình trạng chức năng tim hoạt động bất thường trong độ tuổi dậy thì của trẻ. Thông thường các bệnh lý này là do bẩm sinh, mắc phải khi trẻ chào đời nhưng đến tuổi dậy thì mới bắt đầu khởi phát triệu chứng. Các bệnh lý tim mạch trong giai đoạn này được tìm ẩn rất nhiều nguy cơ nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh lý tim ở tuổi dậy thì là:
- Các yếu tố di truyền từ kiểu gen của bố hoặc mẹ hoặc cả hai.
- Bất thường trong quá trình phân bào trong giai đoạn bào thai, dẫn đến hình thành các bệnh lý tim mạch lúc trẻ chào đời.
- Trẻ em thừa cân, béo phì cũng làm tăng nguy cơ phát sinh các bệnh lý tim mạch.
2. Một số dấu hiệu bệnh tim ở tuổi dậy thì
Bệnh tim tuổi dậy thì hay bệnh tim ở người trẻ thường có các triệu chứng như:
- Xuất hiện cơn đau thắt ngực không rõ nguyên nhân: bệnh nhân đau thắt ở vùng ngực, có thể lan ra xong vai và xuống thắt lưng. Cơn đau thường kéo dài vài phút, có thể xuất hiện lúc bệnh nhân nghỉ ngơi hoạt đang hoạt động. Nguyên nhân thường do sự tắc nghẽn mạch vành.
- Khó thở: Cảm giác như có vật nặng đè lên ngực, khó khăn khi hít thở sâu, khó thở tăng khi nằm và vào ban đêm. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do chức năng tim giảm hoặc rối loạn làm máu bị ứ đọng trong phổi gây khó thở.
- Rối loạn chức năng hệ tiêu hóa gây buồn nôn, khó tiêu, đau thượng vị, ợ chua: đây là biểu hiện đi kèm trong cơn đau tim. Trẻ em trong giai đoạn phát triển thường hay có những biểu hiện đau bụng, viêm dạ dày, đặc biệt là trẻ nữ có các cơn đau bụng kinh làm che lấp các dấu hiệu bệnh tim tuổi dậy thì.
- Đau vùng cổ gáy lan xuống vai và cánh tay trái: triệu chứng đặc trưng của cơn đau tim.
- Choáng váng: Ngoài những nguyên nhân do hoạt động thể chất quá mức, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, bệnh lý thiếu máu, hay mất máu quá nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt,... đây còn là triệu chứng báo hiệu một số bệnh lý tim không đủ khả năng bơm máu cho tế bào.
- Thể lực yếu, nhanh kiệt sức so với bạn bè cùng trang lứa. mệt mỏi sau như hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, leo cầu thang, vui đùa, chạy nhảy,...
- Đổ mồ hôi lạnh: Dấu hiệu báo trước cơn đau tim.
- Ho dai dẳng: Đây không phải là dấu hiệu của bệnh tim mạch, tuy nhiên nếu trẻ bị tình trạng này mà không tìm thấy nguyên nhân ở đường hô hấp thì nên nghĩ đến các bệnh lý tim bẩm sinh.
- Phù ở phần dưới cơ thể (bàn cân, cẳng chân): Quá trình tống máu của tim không hiệu quả sẽ gây ứ đọng dịch ở chân. Hoặc suy tim là chức năng đào thải nước và Na của thận bị suy giảm gây phù.
- Hồi hộp, tăng nhịp tim, nhịp tim không đều: Nếu các triệu chứng xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi thì có thể là dấu hiệu bệnh tim ở người trẻ tuổi.
3. Các phương pháp giúp chẩn đoán bệnh tim tuổi dậy thì
Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như trên, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra, đánh giá tình trạng bệnh lý ở hệ tim mạch. Ngoài khai thác bệnh sử, tiền sử gia đình, thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng để xác định chẩn đoán như sau:
- Đo điện tâm đồ để ghi lại các tín hiệu điện trong tim, từ đó giúp phát hiện các bất thường về nhịp hay tình trạng tổn thương cơ tim.
- Nếu trẻ không có triệu chứng cụ thể trên lâm sàng có thể đo Holter điện tâm đồ, giúp ghi lai các tín hiệu tim trong 24 - 72 giờ.
- Siêu âm tim: Phương pháp không xâm lấn giúp xác định các tổn thương tại buồng tim, cơ tim hay chức năng các van tim.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) tim hoặc Chụp Cộng hưởng từ (MRI) tim để xác định rõ các tổn thương về cấu trúc tim.
- Các Test gắng sức bằng thuốc, thảm đi bộ, xe đạp có gắn lực kế,...: Mục đích kiểm tra hoạt động bơm tống máu và phản ứng của tim.
4. Điều trị và dự phòng bệnh lý tim mạch tuổi dậy thì
Giống như các bệnh lý tim mạch ở người lớn tuổi, điều trị bệnh tim mạch ở tuổi dậy thì tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các điều trị chính bao gồm thay đổi lối sống, sử dụng thuốc điều trị triệu chứng (thuốc lợi tiểu, thuốc chống loan nhip, thuốc chống đông máu,...), cấy máy phá rung, máy tạo nhịp nhân tạo cuối cùng là ghép tim.
Dự phòng bệnh lý tim mạch ở tuổi dậy thì:
- Tầm soát, sàng lọc trước và trong quá trình mang thai để xác định sớm và có hướng điều trị các bất thường ở tim.
- Nuôi trẻ bằng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tránh các loại thức ăn nhiều muối, nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga.
- Kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân, béo phì.
- Khuyến khích trẻ hoạt động thể chất hàng ngày, thực hiện các bài tập nhẹ nhàng ở nhà và ở trường học.
Như vậy, dấu hiệu bệnh tim ở tuổi dậy thì rất dễ bị bỏ qua do các triệu chứng không rõ ràng và xuất hiện với tần suất thấp, dễ nhầm lẫn với các thay đổi trong quá trình phát triển của trẻ. Do đó, kiểm tra sức khỏe định kỳ là biện pháp tốt nhất giúp phát hiện sớm, chẩn đoán sớm bệnh lý tim mạch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.