Dấu hiệu nhận biết nhiễm HPV (Human Papillomavirus) thường không rõ ràng trong giai đoạn đầu, khiến nhiều người dễ bỏ qua. Tuy nhiên, một số biểu hiện như mụn cóc sinh dục, các triệu chứng bất thường ở cổ tử cung hoặc họng có thể là dấu hiệu cảnh báo. Việc nhận diện sớm và điều trị kịp thời rất quan trọng trong việc phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Dấu hiệu nhận biết nhiễm HPV
Nếu đã từng quan hệ tình dục, khả năng tiếp xúc với vi-rút HPV là rất cao. Tùy thuộc vào chủng loại HPV, có thể không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc có thể có mụn cóc sinh dục hoặc các mụn cóc xuất hiện ở những nơi khác trên cơ thể. Hệ miễn dịch của cơ thể thường sẽ loại bỏ vi-rút này trong vòng 1-2 năm trước khi các dấu hiệu nhiễm trùng xuất hiện.
1.1 HPV gây mụn cóc ở xung quanh vùng sinh dục
Các khối u này có nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau. Một số khối u nhô lên khỏi bề mặt da, trong khi những khối khác lại phẳng. Màu sắc của khối u có thể là hồng, giống màu thịt hoặc gần giống màu da. Một số khối u còn có hình dạng giống như bông súp lơ nhỏ. Số lượng và kích thước cũng rất đa dạng, có thể từ một khối u nhỏ cho đến nhiều khối u lớn.
Mụn cóc sinh dục là dấu hiệu nhận biết nhiễm HPV có thể phát hiện ở những khu vực như:
- Hậu môn.
- Cổ tử cung.
- Hậu môn.
- Bìu tinh hoàn.
- Háng.
- Đùi.
- Dương vật.
Mụn cóc sinh dục có thể xuất hiện sau khi quan hệ tình dục với người mang virus HPV. Thời gian từ lúc nhiễm virus đến khi xuất hiện mụn cóc có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, thậm chí nhiều năm. Điều đáng chú ý là người mang virus HPV có thể không hề biết mình bị nhiễm bệnh.

1.2 HPV và mụn cóc ở tay, chân cùng những bộ phận khác trên cơ thể
HPV có thể gây ra nhiều loại mụn cóc da khác nhau, xuất hiện ở hầu hết các vị trí trên cơ thể. Các mụn cóc này thường do các chủng HPV khác ngoài những loại gây mụn cóc sinh dục.
Ngoài mụn cóc sinh dục, HPV còn có thể gây ra các loại mụn cóc như:
- Mụn cóc thông thường: Những mụn cóc cứng và thô, thường xuất hiện ở tay, đầu gối hoặc những vùng khác trên cơ thể.
- Mụn cóc ở lòng bàn chân: Mụn cóc phẳng xuất hiện ở lòng bàn chân hoặc các vị trí khác.
- Mụn cóc phẳng: Loại mụn cóc nhỏ, nhẵn, có thể mọc thành từng cụm ở nhiều vị trí khác nhau.
- Mụn cóc Mosaic: Mụn cóc nhỏ xuất hiện trên mu bàn chân, dưới ngón chân hoặc khu vực mu bàn chân.
- Mụn cóc dạng sợi: Những mụn cóc hình sợi chỉ, thường mọc trên hoặc xung quanh khuôn mặt.
Hầu hết các trường hợp nhiễm virus HPV ở nam giới không gây ra triệu chứng rõ ràng. Virus HPV có thể tồn tại trong cơ thể nam giới, bao gồm vùng dương vật và tinh hoàn, mà không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu nào. Tuy nhiên, việc sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục là một biện pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HPV, dù không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ.

2. Dấu hiệu nhận biết nhiễm HPV ở nam giới
Nam giới nhiễm HPV có thể xuất hiện các dấu hiệu nhận biết nhiễm HPV như mụn cóc, khối u bất thường, vết sưng hoặc vết loét xuất hiện ở các khu vực như:
- Dương vật.
- Bìu tinh hoàn.
- Hậu môn.
- Miệng.
- Họng.
Các triệu chứng này có thể liên quan đến một số chủng HPV nguy cơ cao hoặc thấp, tùy thuộc vào loại virus và vị trí bị nhiễm.
3. Các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HPV
3.1 Khi nào cần xét nghiệm HPV
Xét nghiệm HPV thường không được yêu cầu đối với những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, xét nghiệm HPV được khuyến nghị trong một số trường hợp nhất định, đặc biệt là đối với nữ giới.
Đối với những người có cổ tử cung từ 30-65 tuổi:
- Nên xét nghiệm HPV mỗi 5 năm một lần.
- Có thể làm xét nghiệm HPV và Pap kết hợp mỗi 5 năm một lần.
- Hoặc thực hiện xét nghiệm Pap mỗi 3 năm một lần.
Đối với những người có cổ tử cung từ 21-29 tuổi:
- Nên làm xét nghiệm Pap mỗi 3 năm một lần.
Khi kết quả xét nghiệm Pap cho thấy tế bào cổ tử cung có dấu hiệu bất thường, bác sĩ thường sẽ yêu cầu làm thêm xét nghiệm HPV để tìm hiểu rõ hơn.
Đối với phụ nữ trên 65 tuổi vẫn còn cổ tử cung, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để quyết định có nên tiếp tục làm xét nghiệm HPV hay không. Mặc dù đã tiêm vắc-xin HPV, việc tuân thủ lịch trình sàng lọc ung thư cổ tử cung theo khuyến cáo vẫn rất quan trọng, vì vắc-xin không thể bảo vệ hoàn toàn.
3.2 Xét nghiệm HPV ở phụ nữ
Bác sĩ có thể chỉ định kết hợp xét nghiệm HPV và Pap trong một lần khám hoặc chỉ yêu cầu làm xét nghiệm HPV riêng biệt. Dù thực hiện theo cách nào, quy trình lấy mẫu xét nghiệm vẫn không thay đổi.
Trước khi xét nghiệm HPV:
- Người thực hiện sẽ cởi hết quần áo từ phần eo trở xuống.
- Nằm ngửa và cong gối.
- Đặt gót chân vào các điểm hỗ trợ, gọi là bàn đạp.
Trong khi kiểm tra, bác sĩ sẽ:
- Đưa một dụng cụ y tế gọi là mỏ vịt vào âm đạo.
- Dùng một chiếc bàn chải dài, mềm để lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung.
Để chuẩn bị cho xét nghiệm HPV, chị em nên:
- Tránh quan hệ tình dục và không thụt rửa âm đạo bằng dung dịch vệ sinh trước khi xét nghiệm.
- Không nên sử dụng thuốc đặt hoặc các sản phẩm diệt khuẩn trong âm đạo trong ít nhất 2 ngày trước khi xét nghiệm
Việc xét nghiệm HPV trong kỳ kinh nguyệt vẫn có thể thực hiện được, tuy nhiên, để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác và đáng tin cậy nhất, chị em dời lịch xét nghiệm vào những ngày khác.
3.3 Xét nghiệm HPV ở nam giới
Hiện nay, xét nghiệm HPV chủ yếu được thực hiện để tầm soát ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Nam giới chưa có xét nghiệm HPV chuyên biệt như nữ giới. Tuy nhiên, nếu là nam giới và thuộc nhóm có nguy cơ cao như người nhiễm HIV hoặc thường xuyên quan hệ tình dục không an toàn, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm Pap qua đường hậu môn để kiểm tra ung thư hậu môn.

4. Những loại mụn cóc nào là dấu hiệu nhận biết nhiễm HPV?
Mụn cóc được phân loại theo hình dáng, vị trí trên cơ thể và loại virus HPV gây ra nhiễm trùng. Các nhóm mụn cóc này bao gồm:
4.1 Mụn cóc sinh dục
Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) do virus HPV gây ra. Khi nhiễm virus HPV, trên da của người bệnh sẽ xuất hiện những nốt sần nhỏ li ti hoặc lớn hơn. Những nốt sần này được gọi là mụn cóc và số lượng có thể khác nhau ở mỗi người.
Mặc dù không gây đau, nhưng các mụn cóc sinh dục có thể khiến người bệnh ngứa và khó chịu. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ mụn cóc, nhưng hiện tại không có phương pháp điều trị HPV hoàn toàn. Đặc biệt là mụn cóc có thể tái phát sau khi điều trị.
Khoảng 90% mụn cóc sinh dục là do hai loại HPV: loại 6 và 11 gây ra. Các chủng HPV này có nguy cơ thấp và không liên quan đến ung thư. Tuy nhiên, mụn cóc do virus HPV này sẽ xuất hiện ở các khu vực như cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, bìu, dương vật hoặc hậu môn. Đôi khi, chủng này cũng có thể gây mụn cóc ở miệng hoặc cổ họng.
4.2 Verruca Vulgaris (mụn cóc thông thường)
Mụn cóc thông thường thường xuất hiện trên tay, nhưng cũng có thể phát triển ở các khu vực khác như ngón tay, đầu gối, khuỷu tay hoặc thậm chí dưới móng tay (mụn cóc quanh móng). Verruca Vulgaris có kích thước khác nhau, nhưng thường có hình tròn và nhỏ. Đôi khi, nhiều mụn cóc có thể mọc gần nhau.
Các mụn cóc này thường có bề mặt thô ráp và có thể xuất hiện những đốm đen nhỏ bên trong. Những đốm đen hoặc đỏ này giống như hạt, nhưng thực chất là các mao mạch nhỏ bị tắc nghẽn (mạch máu chết). Một điều lưu ý là không nên cố gắng gãi hay bóc những mụn cóc này, vì điều này có thể làm tổn thương da.
Mụn cóc thông thường thường do các chủng HPV 2 và 4 gây ra, cùng với các loại HPV khác như 1, 3, 7, 27, 29 và 57.
4.3 Mụn cóc ở lòng bàn chân
Mụn cóc ở lòng bàn chân thường phẳng và mọc vào trong da. Giống như mụn cóc thông thường và có thể có những chấm đen nhỏ. Mụn cóc ở lòng bàn chân có thể phát triển to và gây đau đớn khi đứng hoặc đi bộ. Các mụn cóc này chủ yếu do các chủng HPV loại 1, 2, 4, 27 và 57 gây ra.
4.4 Mụn cóc khảm
Mụn cóc Mosaic là những mụn cóc nhỏ, có kích thước bằng đầu kim và màu trắng, thường xuất hiện ở mu bàn chân hoặc dưới ngón chân. Khác với mụn cóc ở lòng bàn chân, mụn cóc khảm thường không đau khi đi lại. Mụn cóc Mosaic thường do chủng HPV loại 2 gây ra.
4.5 Bệnh Heck (Tăng sản biểu mô khu trú)
Đây là một loại bệnh khiến các mô trong miệng như nướu, lưỡi hoặc môi bị sưng lên. Những chỗ sưng này thường mềm và có màu trắng hoặc màu giống với phần mô xung quanh.
Bệnh Heck thường xuất hiện ở trẻ em và thanh niên có sức đề kháng kém. Loại bệnh này do virus HPV 13 và 32 gây ra và khiến các mô trong miệng bị sưng lên.

Hy vọng qua bài viết này, mọi người đã nắm được những dấu hiệu nhận biết nhiễm HPV và tầm quan trọng của việc phòng ngừa. Nhiễm virus HPV có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Vì vậy, hãy chú ý đến an toàn tình dục và thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ để phát hiện và xử lý kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.