Một số dấu hiệu nhận biết viêm mao mạch dị ứng phổ biến bao gồm ban xuất huyết sờ thấy được trên da, đau bụng và viêm khớp. Trong đó, bệnh thường xuất hiện sau nhiễm khuẩn hô hấp gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như da, khớp, ruột và thận. Tuy nhiên, dù triệu chứng có thể tự thuyên giảm nhưng bệnh viêm mao mạch dị ứng lại dễ tái phát và tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
1. Bệnh viêm mao mạch dị ứng là gì?
Viêm mao mạch dị ứng là một bệnh tự dị ứng, trong đó vi mạch tại nhiều cơ quan trong cơ thể bị tổn thương, chủ yếu ở da, thận, ruột và khớp. Dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định nhưng bệnh thường xuất hiện sau các đợt nhiễm khuẩn đường hô hấp. Một số tác nhân vi khuẩn được cho là có nguyên nhân gây bệnh bao gồm tụ cầu khuẩn, trực khuẩn lao, adenovirus và nấm.
Thông thường, tỷ lệ mắc viêm mao mạch dị ứng cao nhất ở trẻ em 5 tuổi và phổ biến hơn ở trẻ trai so với bé gái. Bệnh thường khởi phát vào mùa Xuân và Thu. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Vì vậy, việc theo dõi và điều trị triệu chứng từ sớm sẽ giúp giảm nhẹ và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

2. Dấu hiệu nhận biết viêm mao mạch dị ứng
Các cơ quan quan trọng như khớp, thận, da và ruột sẽ chịu tổn thương vi mạch lan tỏa khi mắc viêm da mao mạch dị ứng. Cụ thể:
2.1 Triệu chứng trên da
Khoảng một nửa số trường hợp viêm mao mạch dị ứng ban đầu biểu hiện trên da, với các đám xuất huyết xuất hiện ở mặt duỗi của tay, chân, khu vực quanh mắt cá, đùi, mông và cánh tay…
Các ban này thường không gây ngứa, có dạng chấm và nhô cao hơn bề mặt da. Trong một số trường hợp, các ban này sẽ tạo thành mề đay, bọng nước, tụ máu hoặc thậm chí ban hoại tử. Do đó, người bệnh cần chú ý phân biệt triệu chứng này với xuất huyết giảm tiểu cầu hoặc lupus ban đỏ do rất dễ nhầm lẫn nhằm định hướng điều trị chính xác.
Trong vòng 10 ngày, màu sắc của ban sẽ dần chuyển từ tím sang rỉ sét rồi biến mất mà không để lại bất kỳ di chứng nào.
2.2 Triệu chứng tại khớp
Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm mao mạch dị ứng bao gồm đau nhức khớp, hạn chế vận động hoặc có dấu hiệu phù quanh khớp kèm theo đau gân. Trong đó, các ban xuất huyết thường xuất hiện tại khu vực cổ chân, đầu gối hoặc khuỷu tay.
2.3 Triệu chứng tiêu hóa
Ở những người bị viêm mao mạch dị ứng, triệu chứng đau bụng quanh rốn thường xuất hiện cùng với buồn nôn và nôn. Cơn đau có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày và dễ tái phát. Ngoài ra, bệnh nhân còn có khả năng gặp tình trạng xuất huyết với biểu hiện đi tiêu phân đen, nôn ra máu kèm theo đau bụng dữ dội.
2.4 Triệu chứng tại thận
Trong giai đoạn cấp tính, tổn thương tại thận là biến chứng nặng nề nhất, thường xảy ra khi bệnh nhân có biểu hiện đái ra máu vi thể hay đại thể.
Ở người lớn, bệnh biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nghiêm trọng hơn, cụ thể:
- Tim phổi: Nhồi máu cơ tim, tràn dịch màng phổi hoặc xuất huyết phổi.
- Hệ tiêu hóa: Nhồi máu ruột, xuất huyết tiêu hóa hoặc lồng ruột do tụ máu thành ruột.
- Hệ thần kinh: Viêm cầu thận cấp hình trăng lưỡi liềm, co giật hoặc tổn thương một sợi thần kinh riêng lẻ.
- Thận: Tiểu máu, protein niệu và suy thận là những biểu hiện thường thấy.
- Ở nam giới: Viêm tinh hoàn hoặc xoắn thừng tinh.
3. Bệnh viêm mao mạch dị ứng bao lâu thì khỏi?
Thực tế, các triệu chứng có xu hướng giảm dần trong vòng một tháng nhưng bệnh lại dễ tái phát. Thậm chí, một số trường hợp có thể gặp biến chứng nguy hiểm từ bệnh ban xuất huyết Schonlein-Henoch như tổn thương thận hoặc tắc ruột.

Nhìn chung, các triệu chứng của bệnh viêm mao mạch dị ứng rất đa dạng và thay đổi theo từng giai đoạn. Để dễ nhận biết bệnh, mọi người nên ghi nhớ ba đặc điểm quan trọng sau: Ban xuất huyết sờ thấy được ở chi, đau bụng hoặc có tổn thương tại thận và viêm khớp. Khi nhận thấy các dấu hiệu nhận biết viêm mao mạch dị ứng này, nhất là các tổn thương dạng sẩn ngoài da, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.