Đau khớp gối đã điều trị vẫn tái phát nhiều lần nên làm gì?

Mục lục

Đau khớp gối đã điều trị vẫn tái phát nhiều lần là tình trạng khiến nhiều người lo lắng và mệt mỏi. Dù đã trải qua nhiều phương pháp điều trị khác nhau, bệnh đau khớp gối vẫn tái phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Điều này đặt ra thách thức lớn cho cả bệnh nhân và bác sĩ, đòi hỏi một quá trình điều trị kiên trì và phức tạp.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chào bác sĩ. Mẹ cháu bị bệnh đau khớp gối, đau mấy năm rồi. Mẹ cháu có đi khám và điều trị đau khớp gối bằng cách lấy dịch, uống thuốc, bôi thuốc nhưng chỉ được một thời gian rồi lại đau lại. Bác cho cháu xin ý kiến người bệnh đau khớp gối đã điều trị vẫn tái phát nhiều lần nên làm gì? Cháu cảm ơn bác rất nhiều.

Đỗ Thanh Tuyền (2004)

Chào em,  

Trường hợp mẹ em bị bệnh đau khớp gối vẫn tái phát nhiều lần dù đã điều trị, em hãy đưa mẹ đến bác sĩ chuyên khoa nội cơ xương khớp. Bác sĩ sẽ xác định mức độ thoái hóa, nếu khớp bị thoái hoá nặng quá, thay khớp gối sẽ là giải pháp hiệu quả bền vững.

Tuy nhiên, để em có thêm thông tin về bệnh đau khớp gối của mẹ, dưới đây sẽ là phần giải đáp chi tiết về nguyên nhân khớp gối bị tái phát các cơn đau dù đã điều trị cùng một số thắc mắc thường gặp về tình trạng này.

1. Nguyên nhân đau khớp gối đã điều trị vẫn tái phát nhiều lần

Trong khi đau đầu gối cấp tính thường xuất hiện do chấn thương hoặc tai nạn, thì đau đầu gối mãn tính lại có xu hướng kéo dài và ít khi tự khỏi nếu không được điều trị. Đặc biệt, cơn đau mãn tính không phải lúc nào cũng xuất phát từ một yếu tố cụ thể, mà thường liên quan đến nhiều yếu tố hoặc bệnh lý khác nhau.

Các nguyên nhân gây đau đầu gối mãn tính rất đa dạng, bao gồm:

  • Viêm khớp: Viêm khớp là nguyên nhân đau khớp gối phổ biến. Bệnh này làm tổn thương khớp và suy giảm chức năng, dẫn đến đau nhức và viêm khớp kéo dài.
  • Viêm gân: Đây là tình trạng viêm ở gân đầu gối, thường gây đau nhiều hơn khi người bệnh leo cầu thang, leo núi hoặc di chuyển trên bề mặt dốc.
  • Viêm bao hoạt dịch khớp: Viêm bao hoạt dịch khớp thường xảy ra sau khi khớp gối bị chấn thương hoặc hoạt động quá mức. Bệnh gây sưng viêm và đau đầu gối.
  • Nhuyễn sụn bánh chè (Chondromalacia patella): Tình trạng này xảy ra khi sụn dưới xương bánh chè bị tổn thương, dẫn đến đau nhức và cảm giác khó chịu ở đầu gối, đặc biệt khi vận động.
  • Bệnh Gout: Gout là một loại viêm khớp do sự tích tụ của axit uric trong cơ thể, gây đau dữ dội ở đầu gối và các khớp khác, bệnh thường tái phát theo từng đợt.
  • U nang hoạt dịch khoeo chân (hay còn gọi là u nang Baker): Tình trạng này liên quan đến sự tích tụ chất lỏng hoạt dịch phía sau đầu gối, gây sưng và cảm giác khó chịu.
  • Viêm khớp dạng thấp (RA): Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mãn tính gây viêm và sưng đau đầu gối. Nếu không được kiểm soát, bệnh đau khớp gối này có thể dẫn đến biến dạng khớp và tổn thương xương.
  • Trật khớp: Xương bánh chè có thể bị trật do chấn thương, gây đau đớn nghiêm trọng và làm hạn chế khả năng vận động của khớp.
  • Rách sụn chêm khớp gối: Sụn chêm ở đầu gối rất dễ bị rách khi chịu áp lực lớn, ví dụ như trong các hoạt động thể thao, khiến khớp gối sưng đau và khó di chuyển.
  • Rách dây chằng: Dây chằng chéo trước (ACL) là dây chằng dễ bị tổn thương nhất. Rách dây chằng này thường xảy ra trong các hoạt động có cường độ cao, gây đau và mất ổn định khớp.
  • Khối u xương: Tình trạng này gây đau nhức dai dẳng và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động.

2. Triệu chứng bệnh đau khớp gối

Khi tình trạng đau khớp gối đã điều trị vẫn tái phát nhiều lần, triệu chứng thường rất đa dạng và tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bệnh nhân có thể mô tả cơn đau bằng nhiều cách khác nhau, từ đau âm ỉ đến đau nhói, đau lan tỏa. Ngoài ra, cảm giác sưng, nóng, đỏ và cứng khớp cũng thường gặp. 

Triệu chứng đau khớp gối đã điều trị vẫn tái phát nhiều lần rất đa dạng, từ đau âm ỉ đến đau nhói, đau lan tỏa.
Triệu chứng đau khớp gối đã điều trị vẫn tái phát nhiều lần rất đa dạng, từ đau âm ỉ đến đau nhói, đau lan tỏa.

3. Cách chữa đau khớp gối

Cách chữa đau khớp gối mãn tính đa dạng và được lựa chọn tùy thuộc vào nguyên nhân gốc rễ. Vật lý trị liệu, thuốc, tiêm và phẫu thuật là những phương pháp can thiệp phổ biến.

Đối với viêm bao hoạt dịch - một nguyên nhân thường gặp gây bệnh đau khớp gối, các biện pháp bảo tồn thường được ưu tiên.  

  • Chườm lạnh trong thời gian ngắn, nhiều lần mỗi ngày có thể giúp giảm sưng và đau.  
  • Nghỉ ngơi, thay đổi tư thế ngủ và đi giày hỗ trợ cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục.  
  • Giảm cân là điều cần thiết cho những người thừa cân mắc bệnh đau khớp gối, nhằm giảm áp lực lên khớp gối.

4. Bị đau khớp gối có nên xoa bóp không?

Xoa bóp, một liệu pháp vật lý trị liệu, đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm đau và cải thiện chức năng khớp gối.  

Các nghiên cứu về bị đau khớp gối có nên xoa bóp không (như nghiên cứu tại Trung tâm Sức khỏe Lourdes), cho thấy việc tự xoa bóp có thể giúp làm giảm viêm và cứng khớp ở những người mắc bệnh đau khớp gối. Bằng cách kích thích tuần hoàn máu và giảm căng cơ, xoa bóp không chỉ mang lại hiệu quả giảm đau tức thời mà còn hỗ trợ cải thiện tâm lý, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.

Em có thể đưa mẹ đến các cơ sở y tế gần nhất trong Hệ thống Y tế Vinmec để được khám, tư vấn và tìm ra phương pháp điều trị bệnh đau khớp gối phù hợp. Cảm ơn em đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ