Đau lưng trên có phải dấu hiệu ung thư hay không đang là một câu hỏi được nhiều người bệnh quan tâm. Đau lưng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như căng cơ, chấn thương hoặc bệnh lý cột sống, nhưng cũng có thể là triệu chứng tiềm ẩn của một số loại ung thư như ung thư phổi hoặc ung thư vú.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tại sao bị đau lưng trên?
Đau lưng là một vấn đề thường gặp nhưng đau lưng trên lại ít xảy ra, khiến bệnh nhân cảm thấy lo lắng khi gặp phải. Đau lưng trên có thể là dấu hiệu cho thấy ung thư đã di căn đến cột sống. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây đau ở khu vực này.

Một số bệnh như viêm khớp hoặc thoát vị đĩa đệm cũng khiến người bệnh mắc phải các cơn đau ở lưng. Ngoài ra, những cơn đau này có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
2. Đau lưng trên có phải dấu hiệu ung thư không?
Ung thư di căn xương là tình trạng mà tế bào ung thư từ các bộ phận khác, như phổi, lan đến xương, đặc biệt là xương sống. Khi điều này xảy ra, bệnh nhân có thể cảm thấy đau lưng ở cột sống ngực.
Theo một nghiên cứu năm 2023, khoảng 30% bệnh nhân ung thư sẽ có di căn đến cột sống, trong đó 70% xuất hiện ở vùng cột sống ngực.
Ngoài ra, có loại ung thư gọi là ung thư cột sống nguyên phát, phát triển ngay trong tế bào của cột sống hoặc các khu vực xung quanh. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc loại ung thư này rất hiếm và hầu hết các khối u ở cột sống đều lành tính.
Đau lưng cũng có thể do một số khối u khác gây ra. Ví dụ, ung thư tụy đôi khi cũng gây đau lưng trên vì tế bào ung thư có thể chèn ép các dây thần kinh gần đó. Tuy nhiên, người bệnh thường cảm thấy đau nhiều hơn ở lưng dưới hoặc giữa.

3. Các nguyên nhân khác có thể gây đau lưng trên
U tủy là một loại ung thư phát triển từ các tế bào trong tủy xương – mô nằm bên trong các xương lớn. Triệu chứng của u tủy có thể bao gồm đau lưng và vai.
Các loại ung thư khác cũng có thể lan đến cột sống, gây áp lực lên khu vực này và làm gián đoạn hoạt động của các dây thần kinh. Tình trạng này được gọi là chèn ép tủy sống (SCC). Đau lưng là triệu chứng phổ biến của chèn ép tủy sống, có thể xuất hiện ở bất kỳ phần nào của lưng, cột sống hoặc cổ.
Theo nghiên cứu, khoảng 3 đến 5% bệnh nhân ung thư sẽ bị chèn ép tủy sống. Mặc dù nhiều loại ung thư có thể lan đến cột sống, một số loại có khả năng cao hơn, bao gồm: ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư phổi và u tủy.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác không phải ung thư cũng có thể gây đau lưng trên như:
- Viêm, rách cơ, gân, dây chằng ở lưng trên
- Viêm khớp.
- Thoát vị đĩa đệm.
- Hẹp ống sống.
- Sai lệch cột sống ngực hoặc cổ.
- Tư thế không đúng trong thời gian dài.
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ nếu có các dấu hiệu như:
- Đau lưng sau chấn thương hoặc té ngã.
- Đau lưng kèm theo sốt hoặc khó tiểu.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Yếu, đau, tê chân.
- Đau lưng dữ dội không thuyên giảm khi uống thuốc.
Ngoài ra, nếu có các triệu chứng như yếu chân, tê liệt, mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột, người bệnh cần tìm sự chăm sóc y tế khẩn cấp ngay lập tức.
4. Kiểm soát và phòng tránh bệnh
Bên cạnh nhận biết đau lưng trên có phải dấu hiệu ung thư không, người bệnh cần nắm rõ thêm các thông tin như:
- Đau lưng trên nghiêm trọng: Nếu đau lưng trên kèm theo các triệu chứng khác, đặc biệt là sau khi bị chấn thương hoặc tai nạn, người bệnh nên gặp bác sĩ ngay lập tức.
- Thử dùng thuốc tại nhà: Nếu bạn quyết định tự điều trị tại nhà mà cơn đau không giảm trong vòng vài tuần, hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra.
- Đau tim: Mặc dù ít gặp, đau lưng cũng có thể là dấu hiệu của cơn đau tim. Nếu cảm thấy đau lưng kèm theo các triệu chứng khác của đau tim, hãy tìm sự giúp đỡ khẩn cấp ngay lập tức.

Nhìn chung, đau lưng trên có phải ung thư hay không vẫn phụ thuộc khá nhiều vào tình trạng sức khoẻ của người bệnh. Bệnh ung thư phát triển ở cột sống rất hiếm nhưng tình trạng này cũng có thể gây đau lưng trên.
Một số bệnh ung thư có thể gây chèn ép tuỷ sống và đây là trường hợp nghiêm trọng. Chèn ép tuỷ sống sẽ gây ra tình trạng đau lưng trên, thế nên người bệnh cần phải đặc biệt chú ý. Người bệnh cũng nên tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt y tế để có được cái nhìn rõ ràng nhất về tình trạng của mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.