Dị ứng ở người lớn tuổi là tình trạng tuổi tác ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị dị ứng hơn. Ngoài ra, các triệu chứng của tình trạng này cũng dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Do đó, người bệnh cần đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết này nhé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Miễn Dịch Dị Ứng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Những loại dị ứng nào thường gặp ở người lớn tuổi?
Không chỉ người trẻ, người cao tuổi cũng thường xuyên đối mặt với các dị ứng phổ biến như bụi trong nhà, lông thú cưng hay phấn hoa ngoài trời.
- Phấn hoa: Hắt hơi, nghẹt mũi và ngứa mắt có thể là do dị ứng theo mùa gây ra bởi phấn hoa từ cây, cỏ và cỏ dại.
- Mạt bụi: Trong bụi bẩn nhà cửa, những sinh vật siêu nhỏ sinh sôi nảy nở gây ra nhiều phiền toái như hắt hơi, ho và ngứa da.
- Nấm mốc: Những khu vực ẩm ướt trong nhà có thể chứa bào tử nấm mốc. Chúng gây ra các vấn đề về hô hấp như ho, thở khò khè và làm trầm trọng thêm các bệnh như hen suyễn.
- Gàu vật nuôi: Ngứa mắt, chảy nước mũi và khó thở là những triệu chứng phổ biến khi dị ứng với gàu của mèo và chó.
- Một số loại thực phẩm: Dị ứng ở người lớn tuổi cũng có thể do thực phẩm mặc dù tình trạng này thường bắt đầu từ thời thơ ấu. Trong đó, các loại hạt, sữa và động vật có vỏ là những thủ phạm phổ biến.
- Thuốc: Các loại thuốc mà một số người lớn tuổi đã dùng trong nhiều năm hoặc các loại thuốc mới được kê đơn có thể gây ra dị ứng.

2. Dị ứng ở người lớn tuổi có thể khác biệt như thế nào?
Tình trạng dị ứng ở người lớn tuổi có thể biểu hiện khác biệt do quá trình lão hóa và những thay đổi trong hệ thống miễn dịch.
- Các triệu chứng khác nhau: Thay vì hắt hơi hoặc ngứa mắt, người lớn tuổi có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa khiến việc phát hiện dị ứng trở nên khó khăn hơn.
- Làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe mãn tính:Các tình trạng như hen suyễn, bệnh tim mạch hoặc tiểu đường có thể trở nên nghiêm trọng hơn ở những người lớn tuổi bị dị ứng.
- Phản ứng miễn dịch giảm: Theo tuổi tác, hệ thống miễn dịch sẽ suy yếu. Điều này làm thay đổi các triệu chứng dị ứng và khiến việc hồi phục sau các phản ứng dị ứng nghiêm trọng trở nên khó khăn hơn.
- Nhiều loại thuốc (polypharmacy): Tương tác thuốc và phản ứng dị ứng mới là những rủi ro tiềm ẩn khi người lớn tuổi dùng nhiều loại thuốc khác nhau. Do đó, việc phân biệt giữa tác dụng phụ của thuốc và phản ứng dị ứng là rất khó khăn.
- Dị ứng bắt đầu muộn hơn trong cuộc sống: Quá trình chẩn đoán có thể bị nhầm lẫn và chậm trễ do dị ứng ở người lớn tuổi phát triển muộn hơn.
3. Những điều người lớn tuổi nên biết về thuốc dị ứng
Các loại thuốc dị ứng thường được sử dụng bởi cả người trẻ tuổi và người lớn tuổi. Tuy nhiên, người lớn tuổi cần đặc biệt chú ý đến các tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc có thể xảy ra. Trong đó, các phương pháp điều trị bao gồm điều trị toàn thân hoặc điều trị triệu chứng.
- Thuốc kháng histamin: Loratadine (Claritin), cetirizine (Zyrtec) và diphenhydramine (Benadryl) là những loại thuốc phổ biến giúp làm giảm các triệu chứng như hắt hơi, ngứa và sổ mũi. Tuy nhiên, người lớn tuổi cần lưu ý khi sử dụng các loại thuốc kháng histamin này vì chúng có thể tương tác với một số loại thuốc khác như thuốc điều trị huyết áp và thuốc hỗ trợ giấc ngủ.
- Corticosteroid dạng xịt mũi: Các loại thuốc như fluticasone (Flonase) và budesonide (Rhinocort) thuộc nhóm corticosteroid có tác dụng làm giảm tình trạng viêm ở đường mũi. Mặc dù corticosteroid thường an toàn nhưng vẫn có khả năng gây ra tương tác với một số loại thuốc khác, đặc biệt là những thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch hoặc lượng đường trong máu như thuốc điều trị viêm khớp hoặc bệnh tiểu đường.
- Thuốc thông mũi: Các loại thuốc như pseudoephedrine (Sudafed) và phenylephrine có trong thuốc này giúp giảm tình trạng nghẹt mũi. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng thuốc thông mũi sẽ gây tăng huyết áp và có thể tương tác với các loại thuốc điều trị các bệnh như cao huyết áp, tim mạch và trầm cảm.
- Thuốc đối kháng thụ thể Leukotriene :Để kiểm soát các bệnh như hen suyễn và dị ứng, bác sĩ thường sử dụng các loại thuốc như montelukast (Singulair). Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng những loại thuốc này có thể tương tác với các loại thuốc khác, đặc biệt là những loại thuốc tác động lên gan như một số loại thuốc kháng sinh và chống nấm.

Ngoài ra, nguy cơ té ngã và quá liều có khả năng tăng lên ở người lớn tuổi khi sử dụng thuốc dị ứng không kê đơn. Các loại thuốc như diphenhydramine và nhiều loại khác lại gây buồn ngủ dù được dán nhãn là không gây buồn ngủ. Vì vậy, người bệnh cần hết sức thận trọng khi sử dụng những loại thuốc này.
Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc dị ứng nào, kể cả thuốc không kê đơn, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe và loại thuốc người bệnh định dùng để xem có vấn đề gì xảy ra hay không.
Để kiểm soát tốt các tình trạng bệnh lý khi dùng thuốc dị ứng, người bệnh nên:
- Danh sách tất cả các loại thuốc bao gồm thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng nên được cập nhật thường xuyên để chia sẻ với bác sĩ.
- Để biết những tương tác và tác dụng phụ có thể xảy ra, người bệnh hãy đọc kỹ nhãn và hướng dẫn sử dụng thuốc dị ứng.
- Sau khi bắt đầu dùng thuốc dị ứng mới, người bệnh cần chú ý đến các triệu chứng hoặc tác dụng phụ có thể xảy ra.
- Để dược sĩ theo dõi và tư vấn tốt nhất, người bệnh hãy mua thuốc tại một nơi.
- Việc thay đổi lối sống hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà sẽ giúp người bệnh kiểm soát dị ứng hiệu quả hơn và giảm thiểu việc sử dụng thuốc.

Nhìn chung, hệ thống miễn dịch thay đổi theo tuổi tác có thể khiến người bệnh dễ bị dị ứng hơn hoặc làm thay đổi các phản ứng dị ứng đã có. Do đó, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ khi có các triệu chứng dị ứng ở người lớn tuổi khó chịu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.