Điểm khác biệt giữa bệnh Gout và bệnh giả Gout chủ yếu xoay quanh các triệu chứng có thể gặp phải, nguyên nhân dẫn đến tình trạng của hai căn bệnh, thời điểm bùng phát cơn đau cũng như thời gian diễn biến bệnh trước khi bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm. Nhìn chung có một số đặc điểm không quá khó để người bệnh nhận ra.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Giải đáp bệnh Gout và bệnh giả Gout
Hầu hết chúng ta đều biết bệnh Gout là tình trạng đau khớp đột ngột, sưng tấy đỏ tại các khớp ngón tay hoặc ngón chân. Nhưng bên cạnh đó cũng có một tình trạng bệnh có khả năng gây ra các triệu chứng tương tự và cũng liên quan đến Gout, đó là bệnh giả Gout (Pseudogout).

Vì hai căn bệnh này có nhiều điểm chung về triệu chứng nên việc phân biệt chúng cần dựa vào một vài yếu tố như phần khớp bị ảnh hưởng, nguyên nhân, độ nghiêm trọng, thời điểm bùng phát và kéo dài trong bao lâu. Đó được xem là các điểm khác biệt giữa bệnh Gout và bệnh giả Gout rất quan trọng cần đặc biệt lưu ý để có phương án điều trị thích hợp.
2. Những điểm khác biệt giữa bệnh Gout và bệnh giả Gout
2.1. Khác nhau về các khớp bị ảnh hưởng
Đây là điểm khác biệt nhỏ nhưng đặc biệt quan trọng để có thể phân biệt bệnh Gout với bệnh giả Gout. Tuy rằng cả hai bệnh lý này đều có khả năng ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể, nhưng các cơn đau Gout thường tập trung vào một khớp, trong khi đó bệnh giả Gout ảnh hưởng từ một đến bốn khớp khác nhau. Ngoài ra, vị trí bùng phát cơn đau cũng có xu hướng khác nhau giữa hai loại bệnh.
Theo y khoa cho biết, có khoảng 50% các cơn gút đầu tiên ở nam giới xảy ra với ngón chân cái, còn nữ giới là ở đầu gối, mặc dù phụ nữ thường có xu hướng ít mắc bệnh Gout hơn. Các vị trí ảnh hưởng khác có thể gặp phải bao gồm mu bàn chân, gót chân và mắt cá chân. Trong khi đó, bệnh giả Gout thường sẽ gây ảnh hưởng đến phần đầu gối, cổ tay và/hoặc các đốt ngón tay lớn của bàn tay (Khớp xương bàn tay), ngoài ra còn có khả năng tác động đến hông, vai và/hoặc cột sống. Khác với bệnh Gout, bệnh Pseudogout ít khi nào ảnh hưởng tới ngón chân cái.

2.2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh Gout và bệnh giả Gout
Đây là một chi tiết quan trọng trong số những điểm khác biệt giữa bệnh Gout và bệnh giả Gout. Cả hai bệnh lý này đều bắt nguồn từ sự tích tụ tinh thể trong khớp nhưng loại tinh thể là hoàn toàn khác nhau. Trong khi bệnh Gout bắt nguồn từ tinh thể Axit Uric (hay Urat Monosodium), thì bệnh giả Gout được xác định là do tinh thể Canxi Pyrophosphate (CPP) gây ra. Ngoài ra, còn có một số trường hợp có tinh thể Urat hoặc CPP trong khớp nhưng lại không xuất hiện các triệu chứng viêm và đau. Đây là điều mà các nhà nghiên cứu chưa thể tìm được câu trả lời.
2.3. Mức độ nghiêm trọng, thời điểm bùng phát và thời gian kéo dài
Cả bệnh Gout lẫn bệnh giả Gout đều có khả năng gây ra những cơn đau khớp bất ngờ không báo trước, nhưng cơn đau của bệnh Gout thường có xu hướng dữ dội cũng như nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, cơn đau gout đa phần sẽ xảy ra vào ban đêm, còn bệnh giả Gout có thể bùng phát vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Các cơn đau của bệnh Gout hoàn toàn có khả năng biến mất sau khoảng từ vài ngày cho đến vài tuần dù không áp dụng bất kỳ biện pháp điều trị nào. Trong khi đó, bệnh giả Gout có thời gian kéo dài lâu hơn, thường là trong nhiều tuần hoặc thậm chí là nhiều tháng. Tuy vậy, cả hai loại bệnh này đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, do đó nên thực hiện điều trị sớm nhất có thể để hạn chế nguy cơ gây ra những tổn thương khớp nguy hiểm.

2.4. Mối liên hệ giữa bệnh Gout và bệnh giả Gout với phần gân
Đối với các trường hợp mắc bệnh giả Gout, tinh thể CPP có thể tích tụ ở phần gân của khớp bị ảnh hưởng, thường được gọi là tình trạng vôi hóa. Tình trạng này bắt nguồn từ Canxi có trong các tinh thể CPP, gây ra tình trạng viêm dẫn tới đau nhức gân. Những dấu hiệu của bệnh khi thực hiện xét nghiệm X-Quang sẽ thể hiện dưới dạng các đường mỏng, chạy theo cùng hướng với gân.
Trong khi đó ở bệnh nhân Gout, các tinh thể Axit Uric thường sẽ ứ đọng bên trong gân, và được phát hiện thông qua những liệu pháp xét nghiệm hình ảnh như siêu âm cơ xương. Tình trạng này kéo dài dẫn đến viêm, từ đó gây ra các tổn thương cho gân và khiến chúng ta bị đau.
Tóm lại, các điểm khác biệt giữa bệnh Gout và bệnh giả Gout thường được xác định dựa vào phần khớp bị ảnh hưởng, thời điểm bộc phát các cơn đau, thời gian kéo dài bệnh và quan trọng nhất là nguyên nhân dẫn đến bệnh. Mặc dù có thể tự mình xác định dựa vào một vài dấu hiệu ban đầu, nhưng tốt hơn hết hãy liên hệ với bệnh viện gần nhất để được bác sĩ tiến hành chẩn đoán, xét nghiệm, từ đó xác định rõ ràng và chính xác hơn bệnh lý đang gặp phải để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.