Điều trị các khối u vàng trên mi mắt

Mục lục

U vàng trên mi mắt là tình trạng thường gặp. Mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị giác, tuy nhiên chúng gây ảnh hưởng nhiều về mặt thẩm mỹ. Hãy cùng tìm hiểu phương pháp điều trị các khối u vàng trên mi mắt trong bài viết dưới đây.

1. U vàng trên mi mắt là gì?

U vàng trên mi mắt là tên gọi khác của ban vàng mi mắt (tên tiếng anh: Xanthelasma palpebrum), một tình trạng lắng đọng Cholesterol dưới da.

U vàng trên mi mắt là một tổn thương lành tính, có màu vàng hoặc thâm nhiễm màu vàng, phẳng, không đau. Chúng thường xuất hiện ở các mô liên kết xung quanh mắt, mi trên khóe mắt trong.

Tổn thương được hình thành do các mô bào, đại thực bào có chứa lipid, thường là Cholesterol; chúng thường giữ nguyên kích thước hoặc phát triển chậm.

Mí mắt có u vàng có tính chất di truyền, thường gặp phụ nữ 15 – 73 tuổi, nhiều nhất ở tuổi trung niên; người bệnh rối loạn mỡ máu type II và IV.

Theo nhiều nghiên cứu, u vàng trên mi mắt là yếu tố tiên lượng nguy cơ thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và tử vong độc lập với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác (triglycerid máu, nồng độ cholesterol,...).

Một số yếu tố liên quan đến u vàng trên mi mắt là rối loạn lipoprotein máu có tính chất gia đình, thiếu hụt lipoprotein lipase, tăng triglyceride máu.

2. Nguyên nhân của u vàng trên mi mắt

Lipid không tan trong nước, vì vậy chúng sẽ được vận chuyển trong máu ở dạng kết hợp là lipoprotein. Các loại lipoprotein trong cơ thể là: Chylomicrons, Lipoprotein tỉ trọng rất thấp – VLDL, Lipoprotein tỉ trọng thấp – LDL, Lipoprotein tỉ trọng cao – HDL, tất cả chúng đều có vai trò gây rối loạn chuyển hóa lipid, trong đó có u vàng trên mặt.

Trong một số bệnh khiếm khuyết di truyền như tăng lipid máu tiên phát hoặc thứ phát sau đái tháo đường, hội chứng thận hư, suy giáp, nghiện cứu có xảy ra sự biến đổi của các , Lipoprotein.

Tuy nhiên trong một số trường hợp u vàng trên mi mắt nhưng nồng độ lipid máu vẫn bình thường, điều này có thể do sự rối loạn chuyển hóa tại chỗ. Các phản ứng viêm và tăng tính thấm thành mạch có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

3. Chẩn đoán u vàng trên mi mắt

U vàng trên mi mắt có thể được chẩn đoán dựa vào hình dáng, vị trí, kích thước. Ngoài ra, sinh thiết da có thể được thực hiện để kiểm tra sự tăng sinh mô của u vàng và định lượng thành phần lipid bị rối loạn trong mẫu sinh thiết.

Thêm vào đó, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ lipid để xem xét liệu bệnh nhân có nguy cơ rối loạn lipid máu hay không, đánh giá chức năng gan và bệnh tiểu đường.

Việc khai thác tiền sử cũng hết sức quan trọng, được tiến hành trước khi điều trị u vàng trên mặt nhằm phát hiện nguyên nhân rối loạn lipid máu và yếu tố di truyền của u vàng.

4. Điều trị các khối u vàng trên mi mắt

U vàng trên mi mắt không đau và không gây hại, không làm suy yếu chức năng mí mắt và hiếm khi gây sụp mí. Tuy nhiên, u vàng trên mặt sẽ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có thể cắt bỏ. Các phương pháp điều trị u vàng bao gồm:

  • Bóc bỏ ban vàng bằng hóa chất: Là phương pháp được ưu tiên sử dụng khi điều trị u vàng trên mi mắt vì ít nguy cơ và bóc bỏ được hoàn toàn u vàng, có thể thực hiện ở nhà. Các tiến hành: Áp hóa chất tẩy trên mảnh giấy thấm có sẵn. Sau đó, da sẽ chuyển thành màu trắng trong khoảng 30 phút, rồi hơi đỏ và bắt đầu tróc vảy. Lưu ý: Trong quá trình điều trị, người bệnh cần giữ yên mảnh giấy đến khi khô để không tiếp xúc với mắt. Sau 1 tuần, phần vảy sẽ tróc ra, có chứa một phần da và toàn bộ, hoặc một phần u vàng.
  • Phương pháp cắt bỏ truyền thống: Bác sĩ sẽ sử dụng dao mổ và các mũi khâu để loại bỏ u vàng. Đây là phương pháp điều trị u vàng trên mặt hiệu quả nhưng cần phải gây tê, để lại sẹo quanh vùng mắt gây mất thẩm mĩ và có nguy cơ nhiễm trùng.
  • Phương pháp sử dụng laser: Là phương pháp được dùng phổ biến hiện nay để điều trị u vàng trên mặt. Ưu điểm của laser là không để lại sẹo, ít chảy máu và ít có nguy cơ nhiễm trùng, mắt được bảo vệ trong suốt quá trình phẫu thuật. Tia laser không đi sâu và lớp dưới da mà chỉ lấy đi phần ngoài nhất của da. Người bệnh được gây tê tại chỗ và quá trình này được tiến hành từ từ cho đến khi lấy được hoàn toàn u vàng.
  • Đóng băng mảng bám cholesterol: Liệu pháp đông lạnh để đóng băng mảng bám cholesterol có thể được sử dụng để điều trị mí mắt có u vàng.

Ngoài ra, sau phẫu thuật người bệnh cần kiểm tra nồng độ lipid máu. Những người có tăng lipid máu cần được khảo sát nguy cơ bệnh mạch vành và điều trị khi có chỉ định.

5. Phòng ngừa u vàng trên mi mắt

Để ngăn ngừa xuất hiện và giảm tốc độ phát triển của u vàng trên mi mắt, chúng ta cần duy trì lối sống và chế độ ăn uống khoa học, bao gồm:

  • Tập thể dục đều đặn để làm giảm mức cholesterol máu, nên duy trì tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Các bài tập đơn giản như đạp xe, đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, ... có thể giúp cải thiện chức năng tim mạch và duy trì cân nặng ổn định.
  • Nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ hòa tan để làm giảm cholesterol máu như các loại đậu, gạo lứt, yến mạch, cam, quýt, ... Đồng thời, giảm tiêu thụ chất béo bão hòa (trong thịt, bơ, dầu dừa, dầu cọ, các sản phẩm từ sữa khác, ...), giảm lượng đường trong đồ uống có gas, bánh ngọt, kẹo, bánh quy, ...
  • Nếu có thừa cân, béo phì thì giảm cân bằng tập thể dục và giảm tiêu thụ calo.

Mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị giác, tuy nhiên u vàng trên mi mắt gây ảnh hưởng nhiều về mặt thẩm mỹ. Do đó, nếu nghi ngờ bị u vàng trên mi mắt, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ