Điều trị loãng xương ở phụ nữ 42 tuổi như thế nào?

Mục lục

Điều trị loãng xương ở phụ nữ 42 tuổi như thế nào là câu hỏi nhiều người thắc mắc, đặc biệt ở phụ nữ bị mãn kinh sớm. Ở phụ nữ 42 tuổi, tình trạng giảm estrogen bắt đầu xuất hiện và làm tăng nguy cơ loãng xương. Việc chữa trị loãng xương ở độ tuổi này rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng. Bài viết này sẽ giải đáp các phương pháp trị loãng xương phù hợp cho phụ nữ 42 tuổi.

Được giải đáp bởi BSCK II Hoàng Thị Hiền - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Hỏi

Chào bác sĩ,

Tôi thường bị đau nhức xương, đi khám thì bác sĩ kết luận bị loãng xương. Tôi đã dùng thuốc, sữa theo đơn của bác sĩ cả năm mà vẫn không khá hơn. Bác sĩ cho tôi hỏi điều trị loãng xương cho phụ nữ ở độ tuổi 42 như thế nào? Cảm ơn bác sĩ tư vấn.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Chào bạn,

Với câu hỏi “Điều trị loãng xương ở phụ nữ 42 tuổi như thế nào?”, bác sĩ giải đáp như sau:

Loãng xương (còn gọi là xốp xương, giòn xương) là tình trạng xương ngày càng mỏng, mất dần mật độ khoáng chất, trở nên giòn và dễ gãy ngay cả khi chỉ gặp chấn thương nhẹ.

Loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người già. Trường hợp của bạn mới 42 tuổi, là nữ giới được chẩn đoán loãng xương ít gặp - thường gặp trong trường hợp mãn kinh sớm trước 45 tuổi. Nếu bạn bị loãng xương do mãn kinh sớm thì ngoài phác đồ điều trị loãng xương, tập luyện, bạn cần phải bổ sung liệu pháp thay thế estrogen. Bạn vẫn tái khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được thăm khám lại và điều chỉnh phác đồ điều trị cho từng trường hợp cụ thể.

Hãy tìm hiểu thêm những thông tin dưới đây để hiểu rõ hơn về các phương pháp chữa trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.

1. Loãng xương ở phụ nữ mãn kinh là gì?

Loãng xương là tình trạng phổ biến, đặc biệt ở người già và phụ nữ mãn kinh. Đối với phụ nữ, loãng xương chủ yếu do yếu tố tuổi tác và thay đổi nội tiết trong giai đoạn mãn kinh. Khi bước vào giai đoạn này, hàm lượng hormone estrogen trong cơ thể suy giảm, làm ảnh hưởng đến tế bào khung xương khiến xương trở nên yếu và dễ gãy.  

So với nam giới, phụ nữ thường bị loãng xương nhanh và sớm hơn, nguyên nhân loãng xương ở phụ nữ mãn kinh là do tuổi tác và sự thiếu hụt estrogen.

2. Triệu chứng của bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

Các dấu hiệu loãng xương ở phụ nữ mãn kinh bao gồm:  

  • Đau cột sống là triệu chứng của loãng xương, có thể kèm theo tiếng rắc rắc khi vận động và gây đau, thậm chí cơn đau khiến người bệnh cần nghỉ ngơi.
  • Cột sống biến dạng là hậu quả nặng của loãng xương, gây còng lưng, xẹp đốt sống và giảm chiều cao.
  • Loãng xương làm xương yếu, dễ gãy ngay cả với va chạm nhẹ, đặc biệt ở các vị trí như xương sườn, cẳng tay và cột sống.  

3. Điều trị loãng xương ở phụ nữ 42 tuổi như thế nào?

Để điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh sẽ cần một khoảng thời gian dài kết hợp giữa dùng thuốc và thay đổi lối sống cụ thể như sau:

3.1. Trị loãng xương bằng thuốc

Mỗi bệnh nhân loãng xương có tình trạng khác nhau, vì vậy bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị phù hợp. Điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh giúp giảm nguy cơ gãy xương và tăng khối lượng xương nhưng cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc. Các loại thuốc thường dùng để trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh bao gồm:

  • Canxi: Phụ nữ mãn kinh nên bổ sung 600 IU vitamin D mỗi ngày để cải thiện tình trạng loãng xương hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý không nên cung cấp canxi dư thừa để tránh gây ra các tác dụng không mong muốn.
  • Các thuốc trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh: Bisphosphonate, Calcitonin, Estrogen chủ vận/đối kháng, Estrogen và liệu pháp hormone.

3.2. Thay đổi lối sống

Ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân nên kết hợp một lối sống lành mạnh để cải thiện tình trạng loãng xương hiệu quả. Các biện pháp giúp thay đổi lối sống bao gồm:

  • Duy trì cân nặng hợp lý là biện pháp quan trọng trong điều trị loãng xương, đặc biệt đối với phụ nữ mãn kinh thường dễ tăng cân.
  • Hạn chế rượu bia, thuốc lá để giảm nguy cơ loãng xương.
  • Tập thể dục giúp điều trị loãng xương, cải thiện sức khỏe, làm xương khỏe mạnh và tăng cường sức mạnh cơ bắp.
  • Hạn chế đi giày cao gót, chọn giày đế thấp, đi chậm và cẩn thận tránh chướng ngại vật để đề phòng té ngã.
  • Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời buổi sáng giúp kích thích sản xuất vitamin D, hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.
Đối với vấn đề điều trị loãng xương ở phụ nữ 42 tuổi như thế nào, phụ nữ mãn kinh sớm nên tập thể dục thường xuyên để cải thiện tình trạng bệnh.
Đối với vấn đề điều trị loãng xương ở phụ nữ 42 tuổi như thế nào, phụ nữ mãn kinh sớm nên tập thể dục thường xuyên để cải thiện tình trạng bệnh.

Nếu bạn còn thắc mắc về bệnh loãng xương là gì cũng như việc điều trị loãng xương ở phụ nữ 42 tuổi, bạn có thể đến cơ sở y tế thuộc Hệ thống Y tế Vinmec thăm khám và điều trị sớm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ