Điều trị viêm đường tiết niệu không khỏi phải làm sao? Đây là câu hỏi mà nhiều người mắc phải căn bệnh này băn khoăn. Viêm đường tiết niệu nếu không được điều trị đúng cách và triệt để có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Để giải quyết vấn đề này, việc tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây bệnh là vô cùng quan trọng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị bệnh nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chào bác sĩ ạ. Em được chẩn đoán là bị viêm đường tiết niệu. Em đã uống thuốc nhưng mãi chưa thấy đỡ, em phải làm sao ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Cảm ơn bác sĩ.
Lương Dương (1994)
Trả lời
Chào em Lương Dương,
Viêm đường tiết niệu thường có nguy cơ tái phát nhiều lần, đặc biệt phổ biến ở phụ nữ. Em nên đi khám tại chuyên khoa tiết niệu để xác định nguyên nhân. Nếu cần, có thể thực hiện siêu âm và cấy nước tiểu nhằm xác định loại vi khuẩn gây bệnh, từ đó sử dụng kháng sinh phù hợp để điều trị dứt điểm.
Em nên đi khám phụ khoa để phát hiện và điều trị dứt điểm nếu có bệnh, vì các bệnh phụ khoa có thể là nguyên nhân dẫn đến tái phát nhiễm trùng tiết niệu.
Để cung cấp thêm thông tin cho em, dưới đây là giải đáp về điều trị viêm đường tiết niệu không khỏi phải làm sao.
1. Trị viêm đường tiết niệu như thế nào?
Điều trị viêm đường tiết niệu mãi không khỏi có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như người bệnh không uống đủ nước, chế độ ăn hàng ngày thiếu vitamin C, do nhịn tiểu thường xuyên hoặc lạm dụng đồ uống có chứa chất kích thích.
Vì vậy, để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, việc tăng cường lượng nước uống hàng ngày lên khoảng 2-3 lít là vô cùng quan trọng. Ngoài nước lọc, người bệnh cũng có thể sử dụng nước sắc từ các loại thảo dược như râu ngô, bông mã đề, rễ cỏ tranh hay tua rễ đa để giúp lợi tiểu, hỗ trợ quá trình phục hồi.
Song song đó, một số biện pháp hỗ trợ tại nhà có thể được áp dụng cho các trường hợp viêm nhẹ, bao gồm:
- Đi tiểu thường xuyên, ngay cả khi lượng nước tiểu ít, cũng giúp loại bỏ một số vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu. Tuy nhiên, cần tránh các thực phẩm và đồ uống có thể kích thích bàng quang, như cà phê, rượu, thức ăn cay và đồ uống có ga.
- Khi bị viêm đường tiết niệu, người bệnh có thể cảm thấy đau vùng bụng dưới hoặc lưng. Để làm dịu cảm giác khó chịu này, việc sử dụng túi chườm nóng có thể mang lại hiệu quả giảm đau và giúp giảm a bàng quang.
- Ngoài ra, sữa chua cũng là một biện pháp hỗ trợ hiệu quả, vì chứa các vi khuẩn có lợi giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Ăn sữa chua thường xuyên có thể giúp giảm thiểu tác động của các vi khuẩn có hại sau khi sử dụng thuốc kháng sinh, đồng thời hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu.
- Vitamin C là một chất giúp làm tăng tính axit trong nước tiểu, từ đó chống lại vi khuẩn trong đường tiết niệu. Người bệnh có thể bổ sung vitamin C thông qua thực phẩm như kiwi, ớt chuông đỏ, súp lơ trắng, cà chua và dâu tây,... hoặc sử dụng thuốc bổ sung vitamin C để hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu.
Lưu ý: Các biện pháp trên chỉ mang tính hỗ trợ và không thể thay thế điều trị bằng thuốc. Đối với các trường hợp viêm nhiễm nặng, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp như Midasol, TanaMisolBlue, Micfasoblue, Mictasol Blue, Domitazol...
2. Điều trị viêm đường tiết niệu không khỏi phải làm sao?
Như đã trả lời ở trên, nếu bệnh nhân đã điều trị viêm đường tiết niệu nhưng không khỏi bệnh thì bệnh nhân nên đi khám tại chuyên khoa tiết niệu để bác sĩ xác định nguyên nhân và điều trị dứt điểm.

3. Viêm đường tiết niệu bao lâu thì khỏi?
Viêm đường tiết niệu bao lâu thì khỏi hoặc viêm đường tiết niệu uống thuốc bao lâu khỏi ở mỗi bệnh nhân là khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nghiêm trọng của bệnh, loại vi khuẩn gây bệnh, tình trạng sức khỏe tổng quát và khả năng đáp ứng của cơ thể với thuốc trị viêm tiết niệu.
Sau khi khám và đánh giá toàn diện, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Đối với các trường hợp viêm đường tiết niệu nhẹ, thời gian điều trị thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, đối với những trường hợp bệnh nặng hơn hoặc có nguy cơ tái phát cao, thời gian điều trị có thể kéo dài hơn, thậm chí lên đến 10-15 ngày để đảm bảo việc tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh và ngăn ngừa các biến chứng như viêm bể thận.
Việc tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ là vô cùng quan trọng, việc tự ý điều trị hoặc ngưng thuốc giữa chừng có thể làm bệnh trở nên phức tạp hơn và kéo dài thời gian hồi phục.
Cảm ơn em đã đặt câu hỏi tới website Vinmec.com. Trân trọng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.