Thuốc chống dị ứng mề đay là giải pháp cần thiết để điều trị mề đay nhanh chóng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về cách chọn lựa và sử dụng thuốc đúng cách. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về các loại thuốc chống dị ứng mề đay hiệu quả, cùng với những lưu ý quan trọng khi sử dụng để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Miễn Dịch Dị Ứng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Biểu hiện dị ứng nổi mề đay
Mề đay là một loại phản ứng dị ứng do các dị nguyên kích thích tế bào miễn dịch trong cơ thể, gây ra sự phóng thích của các hoạt chất trung gian như histamin, bradykinin... Những chất này làm co bóp mạch máu, dẫn đến sự giãn nở của mạch máu và gây phù nề trong da.
Biểu hiện của mề đay thường xuất hiện đột ngột với những đốm phù có kích thước từ 1-8cm, màu trắng hoặc đỏ, có vành đỏ xung quanh, hình dạng oval hoặc tròn kèm theo cảm giác ngứa. Những đốm phù thường lan rộng ra thành các vùng lớn hơn. Thời gian tồn tại của chúng thường ngắn, thường dưới 24 giờ. Có thể xuất hiện các triệu chứng khác như cảm giác ngứa, sưng nề ở môi, mắt, lưỡi và các phần khác của cơ thể do phản ứng dị ứng nặng. Vì thế, khi gặp các dấu hiệu này nên dùng ngay thuốc chống dị ứng mề đay để điều trị.
2. Các loại thuốc chống dị ứng mề đay
Mề đay là một bệnh dị ứng, vì vậy cần sử dụng các loại thuốc như thuốc trị ngứa da, thuốc chống dị ứng mề đay và thuốc ức chế miễn dịch để giảm nhẹ các phản ứng của hệ miễn dịch. Khi gặp phải dị ứng nổi mề đay uống thuốc gì? Dưới đây là một số thuốc dị ứng mề đay dạng uống bao gồm:
2.1. Thuốc kháng histamin
Các loại thuốc kháng histamin H1 có tác dụng giảm ngứa nhưng cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như khô miệng, buồn ngủ, tim đập nhanh, rối loạn tiết niệu và nhìn mờ. Ngoài ra, thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 còn có thể tương tác với một số loại thuốc khác, làm tăng hoặc giảm tác dụng, vì vậy ít được sử dụng hơn. Các loại thuốc histamin H1 thế hệ 2 như levocetirizine, cetirizine, desloratadine, loratadine, fexofenadine được ưa chuộng hơn vì giảm thiểu tác dụng phụ như buồn ngủ.
Mặc dù thuốc kháng histamin thường được sử dụng để giảm triệu chứng dị ứng nhưng chỉ giảm triệu chứng mà không xử lý nguyên nhân gây ra dị ứng. Do đó, việc sử dụng thuốc cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và khi triệu chứng hết thì cần ngừng sử dụng, tránh việc lạm dụng.
Đối với các trường hợp mày đay nặng, liều thuốc kháng histamin có thể tăng lên tối đa gấp 4 lần nhưng điều này cần được quyết định và giám sát bởi bác sĩ.
2.2. Thuốc corticoid toàn thân
Thuốc corticoid toàn thân dưới dạng uống hoặc tiêm chỉ nên được sử dụng trong trường hợp dị ứng nổi mề đay nặng và cấp tính, đặc biệt là khi có phù thanh quản gây ra khó thở. Ngoài ra, thuốc chống dị ứng mề đay này cũng có thể được áp dụng trong một số trường hợp mề đay do viêm mạch hoặc mày đay mạn tính không đáp ứng với các loại thuốc kháng histamin thông thường. Tuy nhiên, việc sử dụng corticoid toàn thân cần tuân thủ theo chỉ định cụ thể của bác sĩ vì có các chỉ định chặt chẽ. Do đó, người bệnh không nên tự ý sử dụng mà cần được hướng dẫn và theo dõi từ bác sĩ.
Ngoài ra, đối với những bệnh nhân mắc phải mề đay nặng và không phản ứng với các biện pháp điều trị thông thường, có thể được chỉ định sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
2.3. Leukotriene modifier
Các thuốc điều trị leukotriene hoạt động bằng cách ngăn chặn sản xuất leukotriene - một loại chất gây ra sự co thắt đường hô hấp và kích thích quá trình viêm. Các chất này hiệu quả trong điều trị một số dạng mề đay cấp tính, đặc biệt là các trường hợp gây ra bởi thức ăn hoặc aspirin cũng như các dạng mề đay mãn tính khác như mề đay cholinergic. Thuốc điều trị leukotriene có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với thuốc kháng histamin.
2.4. Doxepin
Doxepin là một loại thuốc chống trầm cảm, có tác dụng như một chất kháng histamin mạnh. Khi được sử dụng ở liều lượng thấp, doxepin có hiệu quả cao trong việc chống lại dị ứng nổi mề đay, tuy nhiên cũng đi kèm với một số tác dụng phụ như buồn ngủ, khô miệng, đau đầu, mất nước, chóng mặt và thay đổi tâm trạng...
2.5. Omalizumab
Đó là một loại kháng thể đơn dòng chống IgE, được đề xuất trong việc điều trị mày đay mạn khi không phản ứng với thuốc kháng histamin ở liều tối đa. Thuốc chống dị ứng mề đay này có hiệu quả cao và được xem là an toàn khi sử dụng, kể cả cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
2.6. Thuốc ức chế miễn dịch cyclosoprine
Thuốc được dùng để điều trị mày đay mạn khi không phản ứng với kháng histamin và omalizumab. Với nhiều tác dụng phụ, việc sử dụng thuốc cần được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa dị ứng.
2.7. Thuốc bôi phenergan
Thuốc Phenergan bôi (hay còn gọi là Promethazine) là một phương pháp điều trị mề đay được sử dụng dưới dạng kem hoặc thuốc bôi trực tiếp lên da. Thuốc này chứa promethazine - một loại chất có tác dụng chống dị ứng và chống viêm.
Khi sử dụng để điều trị mề đay, thuốc Phenergan bôi giúp giảm ngứa, viêm và sưng phù trên da bằng cách ngăn chặn tác động của histamin - một chất tự nhiên gây ra các triệu chứng dị ứng trong cơ thể.
2.8. Thuốc bôi da eumovate
Khi triệu chứng của mề đay trở nặng và lan rộng, người bệnh có thể kết hợp sử dụng thuốc uống với việc áp dụng thuốc dị ứng mề đay bôi ngoài da.
Đối với các vùng da mắc phải mày đay và ngứa lan rộng, việc sử dụng thuốc Eumovate có thể hữu ích và có thể giảm dần liều dùng khi triệu chứng được kiểm soát.
2.9. Thuốc dexamethason
Trong trường hợp bị dị ứng gây ra mề đay và ngứa, thuốc Dexamethason được áp dụng để nhanh chóng giảm các triệu chứng viêm sưng và ngứa bằng cách ức chế hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Ngoài ra người bệnh nên sử dụng thuốc kèm với thức ăn hoặc sữa để bảo vệ dạ dày.
3. Một số loại thảo dược có tác dụng trị mề đay dị ứng
3.1. Nghệ/lô hội (nha đam)
Nghệ được biết đến như một loại gia vị tự nhiên thường được sử dụng như một phương pháp truyền thống trong việc điều trị mề đay dị ứng. Tuy nhiên, chất curcumin - thành phần chính mang lại màu vàng cho nghệ, có thể gây ra viêm da tiếp xúc ở một số người. Trong trường hợp này, việc sử dụng gel lô hội được xem như là một loại thuốc chống dị ứng mề đay có thể giúp làm dịu cơn ngứa hoặc áp dụng chườm mát để giảm các triệu chứng không thoải mái.

3.2. Sữa tắm bột yến mạch
Việc tắm bằng nước mát có thể giảm các triệu chứng ngứa ngáy và sưng tấy bằng cách hạn chế sự giãn nở của các mạch máu và kiềm chế các tín hiệu thần kinh gây ngứa. Ngoài ra, một số chất phụ gia như bột yến mạch dạng keo, gel hoặc kem có thể giúp làm giảm tình trạng viêm tại chỗ, giảm độ nghiêm trọng của ngứa và đồng thời làm mềm da bị viêm.
3.3. Lá chè xanh
Lá chè xanh chứa nhiều hoạt chất như tanin, flavonoid, cùng các loại vitamin và khoáng chất có khả năng thanh nhiệt và giải độc. Nhờ đó, lá chè xanh thường được sử dụng để tắm trong việc điều trị các bệnh ngoài da, bao gồm cả mề đay. Bên cạnh đó, lá chè xanh còn được dùng để pha nước uống, giúp thanh lọc cơ thể và giải độc hiệu quả.
3.4. Cao quả nhàu
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng quả nhàu chứa nhiều thành phần hóa học có lợi cho sức khỏe và có khả năng điều trị các triệu chứng của mề đay mãn tính, bao gồm các loại vitamin, khoáng chất, tinh dầu và axit hữu cơ. Theo quan điểm Đông y, quả nhàu có vị chát, nồng, và tính mát, đồng thời có lợi cho sức khỏe. Một số cách sử dụng quả nhàu là loại thuốc chống dị ứng mề đay như uống nước ép, ngâm trong rượu hoặc sử dụng rượu quả nhàu để bôi lên vùng da bị ảnh hưởng.
Có một xu hướng phổ biến là kết hợp các sản phẩm thảo dược để cải thiện các triệu chứng của mề đay mẩn ngứa và dị ứng, vì tính an toàn và hiệu quả của chúng khi sử dụng trong thời gian dài. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe thường kết hợp ba thành phần chính để ảnh hưởng tổng thể đến bệnh mề đay, bao gồm:
- Cao gan: Hỗ trợ chức năng gan, đặc biệt là khả năng thải độc.
- Cao nhàu: Cân bằng hệ miễn dịch và hỗ trợ chức năng thải độc qua thận, giảm viêm và ngứa da.
- L-carnitine fumarate: Tăng cường năng lượng và đề kháng cho cơ thể.
Nhờ có những thành phần này, sản phẩm có khả năng ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị hiệu quả các trường hợp mề đay và mẩn ngứa, bao gồm cả cấp tính và mãn tính. Sản phẩm được làm từ thành phần thiên nhiên nên an toàn và phù hợp cho nhiều đối tượng.
4. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc chống dị ứng mề đay
Việc sử dụng thuốc mề đay có thể gây ra một số tác dụng phụ, tuy nhiên, phần lớn chúng thường là nhẹ và tạm thời. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến có thể xảy ra khi sử dụng thuốc trị mề đay:
- Buồn nôn và ói mửa.
- Mệt mỏi
- Khô miệng
- Mờ mắt
- Rối loạn tiêu hóa
- Tăng cân
- Rối loạn giấc ngủ
- Rối loạn tâm trạng
- Giảm huyết áp
- Phản ứng dị ứng
Lưu ý rằng không phải tất cả mọi người đều trải qua tác dụng phụ khi sử dụng thuốc chống dị ứng mề đay và mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau giữa các cá nhân. Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều chỉnh liều lượng hoặc đổi sang loại thuốc khác nếu cần thiết.
5. Những lưu ý cần biết khi dùng thuốc điều trị mề đay
Khi sử dụng thuốc mề đay, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn sau:
- Không tự ý mua thuốc, chỉ nên sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
- Sử dụng thuốc chống dị ứng mề đay đúng cách, với liều lượng và thời gian được chỉ định.
- Tránh lạm dụng thuốc Corticosteroid, bao gồm cả thuốc uống, thuốc tiêm và thuốc bôi ngoài da. Việc sử dụng không đúng cách và trong thời gian dài có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau như đái tháo đường, đục thuỷ tinh thể, loãng xương,...
- Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khi sử dụng thuốc, cần ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức.
Tóm lại, mề đay là một loại phản ứng dị ứng do kích thích tế bào miễn dịch phóng thích các hoạt chất như histamin và bradykinin. Điều trị thường bao gồm sử dụng các loại thuốc chống dị ứng mề đay như kháng histamin, corticoid,... Tuy nhiên, nổi mề đay uống thuốc gì và sử dụng như thể nào cần phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.