Gai đôi cột sống s1 là một tình trạng bệnh xương khớp bẩm sinh, thường xuất hiện những dấu hiệu ban đầu ở tuần đầu tiên của thai kỳ. Nếu không được phát hiện ngay từ khi còn là thai nhi, bệnh có khả năng gây ra những biến chứng cột sống ở độ tuổi trưởng thành, và có thể phải phẫu thuật để điều trị.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh gai đôi cột sống s1
Trong quá trình phát triển của thai nhi, có một số trường hợp ống thần kinh không đóng kín hoàn toàn, khiến cho xương sống ở phần đốt sống s1 bị tách làm hai phần. Tình trạng đó thường được gọi là gai đôi cột sống S1, hoặc nứt đốt sống S1, chủ yếu do bẩm sinh và thường xảy ra trong tháng đầu tiên của thai kỳ.
Đốt sống S1 ảnh hưởng nhiều đến quá trình vận động sau này, do đó việc phát hiện và điều trị kịp thời rất quan trọng. Bệnh lý này hiện nay được chia làm ba thể là gai đôi cột sống có nang, thoát vị màng não bảo vệ tủy sống và gai đôi cột sống ẩn.

Nguyên nhân chính dẫn tới nứt đốt sống S1 chưa được xác định rõ, nhưng có một số yếu tố nguy cơ thường gặp như có tiền sử bị tiểu đường, từng sinh con bị tật nứt đốt sống, trong quá trình mang thai từng dùng một số loại thuốc gây co giật hoặc không nạp đủ Acid Folic cần thiết.
Ngoài ra, phụ nữ lớn tuổi có thể bị tổn thương đốt sống S1 do tình trạng lão hóa xương khớp, hoặc phải lao động nặng, mang vác nhiều. Những bệnh lý viêm khớp mãn tính hoặc tác động từ chất thương cũng tăng khả năng hình thành gai xương ở đốt sống S1.
2. Triệu chứng của nứt đốt sống S1
Bị gai cột sống S1 bẩm sinh thường sẽ không có triệu chứng cụ thể, mặc dù vậy có một số dấu hiệu khác được đánh giá là có liên quan đến nứt đốt sống S1.
- Bị tê chân tay: Khi đốt sống nứt thì dây thần kinh tọa cũng bị ảnh hưởng, gây ra những cơn tê bì chân tay, khiến cho khả năng vận động trở nên kém hơn.
- Đau nhiều vị trí: Bên cạnh những cơn đau ở đốt sống S1, trẻ cũng có thể bị đau ở vùng thắt lưng, xương chậu và những vùng lân cận, hoặc có trường hợp đau từ bắp chân trở xuống.
- Mất đường cong sinh lý cột sống: Có khoảng 10% trường hợp nứt đốt sống S1 bị mất đường cong sinh lý cột sống, dẫn đến cong vẹo cột sống và hông không đều.
- Đau thắt lưng S1: Thể hiện qua những cơn đau nhói đặc trưng ở khu vực đốt sống L5-S1 xương cùng, khi nhấn vào sẽ tăng cảm giác đau, đồng thời mỗi khi đứng lên ngồi xuống cũng bị đau.
- Khó vận động: Bị nứt đốt sống S1 khiến cho khả năng vận động giảm đi đáng kể, đặc biệt là những động tác cúi người, xoạc chân, đồng thời bắp chân cũng yếu hơn.
3. Những biến chứng của tình trạng gai đôi cột sống S1 và phương pháp chẩn đoán bệnh
Hiện nay, có khoảng 0,2% tỷ lệ trẻ em mắc phải bệnh nứt đốt sống S1 bẩm sinh. Dù không phổ biến nhưng khả năng để lại biến chứng ở độ tuổi trưởng thành từ 20 đến 55 là rất cao. Một số biến chứng thường gặp có thể kể đến như cong vẹo cột sống, liệt chi, đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn, thoát vị đĩa đệm hoặc viêm màng não.

Để xác định nguy cơ xảy ra dị tật gai đôi cột sống s1 ở thai nhi, bác sĩ có thể thực hiện một số chẩn đoán với thai phụ như:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra dấu hiệu của Protein AFP có khả năng gây ra nứt đốt sống S1.
- Thực hiện kiểm tra nước ối để xác định những bệnh lý liên quan tới xương khớp.
- Siêu âm để kiểm tra các dấu hiệu bất thường ở cột sống thai nhi, thường là hình ảnh túi nhỏ nhô ra ở thắt lưng và mông.
- Thực hiện những chẩn đoán hình ảnh bao gồm chụp cộng hưởng từ MRI, chụp X-Quang và chụp CT khi trẻ ra đời và có dấu hiệu gai cột sống lúc lớn để có kết luận chính xác hơn.
4. Những biện pháp điều trị phổ biến
Bệnh gai đôi cột sống S1 đa phần là dị tật bẩm sinh, do đó chủ yếu tập trung vào việc khắc phục những triệu chứng đau nhức, hoặc tiến hành phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ nếu các cơn đau không thuyên giảm.
4.1. Uống thuốc Tây y để giảm triệu chứng
Mục tiêu chính của việc uống thuốc theo chỉ định bác sĩ là để giảm đau, giúp giãn cơ và làm chậm quá trình thoái hóa khớp, đồng thời hạn chế tác dụng phụ.
- Thuốc làm chậm quá trình thoái hóa đốt sống như Chondroitin, Glucosamine, MSM.
- Thuốc giảm đau chống viêm không Steroid (NSAID) như Indomethacin, Meloxicam, Ibuprofen, Diclofenac, có thể kết hợp chung với Paracetamol.
- Thuốc làm giãn cơ như Myonal, Mydocalm, Decontractyl.

4.2. Áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu
Tùy vào tình trạng gai đôi đốt sống S1 mà bác sĩ có thể đề xuất một số biện pháp vật lý trị liệu bên cạnh việc uống thuốc để làm giảm cơn đau, tăng khả năng phục hồi xương khớp. Phổ biến nhất là tiến hành chườm nóng để giúp lưu thông máu, giãn cơ và giảm đau.
Các biện pháp chườm nóng chủ yếu bao gồm chườm bằng thảo dược, đắp nến Parafin hoặc nước ấm từ 40 đến 50 độ. Ngoài ra, trường hợp cần lấy lại đường cong sinh lý có thể được khuyên sử dụng nẹp cố định cột sống, nhưng cần sử dụng kiên trị trong thời gian dài. Cuối cùng là áp dụng biện pháp vật lý trị liệu bằng đèn chiếu hồng ngoại, máy tạo sóng âm, sóng ngắn hoặc tia laser để kích thích lưu thông máu, giúp giảm đau và làm lành tổn thương ở đốt sống S1.
Tuy vậy, biện pháp này cần được thực hiện tại các bệnh viện lớn, uy tín với kỹ thuật viên có tay nghề chuyên môn cao và trang thiết bị thích hợp, đồng thời người bệnh cũng phải đảm bảo quá trình điều trị theo phác đồ của bác sĩ, kết hợp chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý.
4.3. Phẫu thuật điều trị gai đôi cột sống S1
Nếu cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi áp dụng những liệu pháp điều trị kể trên, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện phẫu thuật nhằm bảo tồn dây thần kinh, làm co vết nứt đốt sống, với quá trình phẫu thuật được thực hiện thông qua màn hình phóng đại vị trí tổn thương. Biện pháp này còn có tác dụng giảm nguy cơ nhiễm trùng và nguy cơ tàn tật về lâu dài của người bệnh.

5. Các lưu ý để phòng tránh nứt đốt sống S1
Vì có nhiều yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng nứt đốt sống S1 như gen di truyền, tác động môi trường, tuổi tác và những bệnh lý khác nhau, do đó phụ nữ mang thai cần lưu ý một số biện pháp hạn chế khả năng thai nhi mắc bệnh như:
- Bổ sung đầy đủ 400mcg Acid Folic mỗi ngày trước khi mang thai và trong thời gian đầu của thai kỳ.
- Duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát các vấn đề sức khỏe như béo phì hoặc tiểu đường.
- Hạn chế các loại thực phẩm dầu mỡ chiên xào, đồ nhiều ga hoặc chất kích thích vì chúng gây ảnh hưởng đến xương khớp.
- Tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng để giúp máu được lưu thông, giữ sức khỏe cho xương khớp.
- Nghỉ ngơi hợp lý để tinh thần luôn thoải mái, đồng thời không nên ngồi một chỗ quá lâu.
- Đảm bảo lịch tái khám định kỳ, luôn trao đổi ý kiến với bác sĩ điều trị về những loại thuốc, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược đang dùng.
Ở trên là những điều phụ nữ mang thai cần biết về bệnh lý gai đôi cột sống S1 bẩm sinh ở thai nhi cũng như khi trưởng thành để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.