Bệnh trĩ là một trong những căn bệnh phổ biến ở hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người. Bệnh thường xuất phát từ các thói quen sinh hoạt không lành mạnh như ít vận động, chế độ ăn thiếu chất xơ hoặc tình trạng táo bón kéo dài. Việc hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng ngừa là chìa khóa giúp kiểm soát và cải thiện sức khỏe hiệu quả.
Bài viết được giải đáp bởi GS Mario Pescatori - Chuyên gia về phẫu thuật hậu môn, trực tràng và BS Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, BV ĐK QT Vinmec.
1. Bị bệnh trĩ 3 năm chỉ uống thuốc mà không cắt thì có khỏi được không?
Thưa bác sĩ, tôi bị bệnh trĩ 3 năm nay và đã đi khám. Bác sĩ chỉ kê thuốc uống và thuốc bôi mà không yêu cầu phẫu thuật. Tuy nhiên, gần đây tôi thấy khi đi ngoài xong, máu đỏ tươi chảy ra nhiều. Dù tôi đã ăn nhiều rau củ và hoa quả nhưng tình trạng táo bón không giảm. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên.
Nguyễn Ngọc Linh (Nữ, 34 tuổi)
Trả lời từ BS Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, BV ĐK QT Vinmec
Một điểm rất quan trọng là em cần phân biệt nguyên nhân đi ngoài ra máu do trĩ hay do các bệnh lý ác tính khác. Nếu mình đã thực hiện nội soi đại tràng bằng ống mềm và không phát hiện tổn thương nào khác, xác định nguyên nhân chảy máu chỉ do bệnh trĩ, thì em hoàn toàn có thể điều trị bằng thuốc, kết hợp với chế độ ăn giàu chất xơ và uống nhiều nước để giảm táo bón.
Trong trường hợp đã áp dụng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn mà tình trạng không cải thiện, hoặc bệnh trĩ vẫn gây chảy máu, em có thể cân nhắc các phương pháp điều trị khác như thắt trĩ bằng vòng cao su hoặc phẫu thuật. Việc lựa chọn phương pháp điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh trĩ và tình trạng sức khỏe của em, sau khi bác sĩ khám trực tiếp.
2. Phẫu thuật búi trĩ 1 lần có khỏi hẳn hay có khả năng tái phát không?
Chào bác sĩ! Tôi được chẩn đoán mắc bệnh trĩ nội và nghe nói có phương pháp thắt búi trĩ một lần để điều trị dứt điểm. Liệu phương pháp này có khỏi hoàn toàn không và có khả năng tái phát không?
Hoàng Hải Ân (Nam, 36 tuổi)
Trả lời từ GS Mario Pescatori - Chuyên gia về phẫu thuật hậu môn, trực tràng
Thắt trĩ bằng vòng cao su là một phương pháp hiệu quả, có thể cần thực hiện 1, 2 hoặc 3 lần tùy vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Tỷ lệ thành công là khoảng 30% đối với những bệnh nhân kèm triệu chứng táo bón, nhưng lên đến 90% ở những bệnh nhân không bị táo bón.
3. Đi ngoài ra máu tươi sau khi ăn tiết canh có phải đã mắc bệnh trĩ không?
Chào bác sĩ, tôi là nhân viên văn phòng, trung bình mỗi ngày ngồi làm việc khoảng 8-10 tiếng, nhưng sau mỗi tiếng tôi đều đứng dậy vận động vài phút. Khoảng 10 ngày trước, tôi ăn 2 bát tiết canh, sau đó mỗi lần đi ngoài đều thấy máu tươi chảy ra, đôi khi nhỏ thành giọt và có một ít giống như "vảy da". Việc đi ngoài không đau, phân mềm và tôi cảm thấy thoải mái. Tôi thường xuyên đi bộ, chạy bộ 30-45 phút mỗi ngày và đá bóng hàng tuần. Hiện tại tôi cao 1m72, nặng 64kg. Xin nhờ bác sĩ tư vấn!
Nguyễn Minh Quân (Nam, 29 tuổi)
Trả lời từ BS Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, BV ĐK QT Vinmec
Việc em đi ngoài ra máu tươi không liên quan đến việc ăn tiết canh. Máu từ tiết canh khi xuống hậu môn sẽ chuyển sang màu đen, không giữ nguyên màu đỏ tươi. Vì vậy, máu đỏ tươi em thấy thực sự là hiện tượng chảy máu tại hậu môn.
Tôi khuyên em nên kiểm tra kỹ nguyên nhân gây chảy máu bằng cách nội soi đại tràng. Nguyên nhân có thể là do trĩ hoặc các bệnh lý khác cần được chẩn đoán chính xác để điều trị kịp thời.
4. Mổ điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp Longo có an toàn không?
Chào bác sĩ! Áp dụng mổ điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp Longo có an toàn không? Hiện nay, phương pháp nào là hiệu quả nhất? Xin cảm ơn.
Nguyễn Xuân Long (Nam, 48 tuổi)
Trả lời từ GS Mario Pescatori - Chuyên gia về phẫu thuật hậu môn, trực tràng
Phương pháp Longo không phải là cắt trĩ truyền thống mà thực chất là phương pháp nâng búi trĩ lên và ghim lại. Do đó, phương pháp này có tỷ lệ tái phát cao hơn gấp 5 lần so với các phương pháp khác. Ngoài ra, do cần cắt bỏ một phần nhỏ trực tràng, thủ thuật có nguy cơ gây thủng trực tràng.
Phương pháp Longo còn có nhược điểm là chi phí cao và khả năng xảy ra biến chứng nguy hiểm, nên không được khuyến cáo sử dụng rộng rãi. Phương pháp này chỉ phù hợp trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh trĩ nội (trĩ vòng) kèm sa niêm mạc trực tràng và chỉ áp dụng ở những bệnh nhân không bị táo bón.
Đối với trĩ nội nhỏ: Phương pháp thắt búi trĩ bằng vòng cao su là lựa chọn phù hợp.
Đối với sa búi trĩ ra ngoài hậu môn: Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ là cần thiết.
Phương pháp tối ưu, ít biến chứng nhất: Thắt động mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler qua hậu môn, giúp giảm nguy cơ tái phát và biến chứng.
5. Ung thư đại tràng có khó chữa không?
Chào bác sĩ! Em được chẩn đoán ung thư đại tràng. Cho em hỏi đây có phải là loại ung thư khó chữa và tỉ lệ sống sau chẩn đoán thấp?
Nguyễn Thị Lương (Nữ, 30 tuổi)
Trả lời từ GS Mario Pescatori, chuyên gia phẫu thuật hậu môn - trực tràng
Một trong những khó khăn lớn trong điều trị là 70% bệnh nhân sau phẫu thuật cần điều trị xạ để loại bỏ hoàn toàn các khối u còn sót lại. Tỉ lệ chữa khỏi có thể đạt khoảng 80% nếu ung thư chưa lan đến các hạch. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, phòng bệnh là yếu tố quan trọng nhất.
Những người trên 45 tuổi nên thực hiện nội soi đại tràng định kỳ 5 năm một lần. Với những người có người thân từng mắc ung thư, việc nội soi cần bắt đầu từ sớm hơn tuổi 30. Thói quen ăn uống lành mạnh như tăng cường ăn cá, rau, hạn chế thịt đỏ, kết hợp vận động như đi bộ thường xuyên, có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Ngoài ra, cuộc sống căng thẳng hoặc không hạnh phúc có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc tái phát sau phẫu thuật.
6. Bị nứt hậu môn phải làm gì để giảm đau và khi nào có thể phẫu thuật?
Chào bác sĩ! Em mới sinh con được 3 tháng, hiện đang bị nứt hậu môn mãn tính. Sau khi khám, bác sĩ khuyên phẫu thuật, nhưng do em đang cho con bú nên chưa thể tiến hành. Em cảm thấy đau đớn mỗi ngày và không biết phải làm sao để giảm bớt tình trạng này, cũng như thắc mắc đến khi nào mới có thể phẫu thuật.
Vân Hà (Nữ, 30 tuổi)
GS Mario Pescatori, chuyên gia về phẫu thuật hậu môn - trực tràng
Bước đầu tiên để điều trị nứt hậu môn mãn tính là sử dụng miếng dán Nitroglycerin hoặc thuốc bôi trơn đặt hậu môn, miễn là chúng không gây đau đầu hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, vì em đang cho con bú, tác dụng của thuốc cần được tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa để đảm bảo an toàn cho bé.
Trong một số trường hợp, các thủ thuật nhỏ như mở cơ thắt hậu môn có thể được thực hiện nếu em bị co thắt cơ thắt. Tuy nhiên, cần thận trọng đặc biệt với người đã sinh thường nhiều lần, có cơ vòng yếu hoặc gặp vấn đề đại tiện không tự chủ, vì những tình trạng này có thể làm tăng rủi ro khi tiến hành thủ thuật.
Em nên trao đổi chi tiết với bác sĩ về kế hoạch điều trị phù hợp nhất và xác định thời điểm an toàn để phẫu thuật sau khi ngừng cho con bú. Trong thời gian này, việc kiểm soát cơn đau và giữ vệ sinh vùng hậu môn sẽ giúp giảm bớt khó chịu.
7. Điều trị bệnh trĩ nội độ 2 nhưng sau 1 tháng không cải thiện cần phải làm gì?
Chào bác sĩ! Cách đây một tháng, tôi phát hiện bị chảy máu khi đi đại tiện. Sau đó, tôi đã đến cơ sở y tế kiểm tra và được chẩn đoán mắc bệnh trĩ nội độ 2. Bác sĩ kê đơn một số loại thuốc uống và tôi đã sử dụng trong một tháng. Tuy nhiên, tình trạng táo bón của tôi vẫn nghiêm trọng. Ban đầu, phân rất cứng, sau đó trở lại bình thường, nhưng mỗi lần đi đại tiện vẫn gặp nhiều khó khăn.
Tình trạng táo bón không chỉ xuất hiện khi dùng thuốc mà đã kéo dài từ trước đó, mặc dù tôi luôn duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: ăn nhiều rau củ quả, uống đủ nước và thường xuyên vận động thể thao.
Hà Huy Tuấn (Nam, 28 tuổi)
Nguyễn Ngọc Khánh, khoa Tiêu hóa, BV ĐKQT Vinmec
Táo bón là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh trĩ. Nếu chế độ sinh hoạt đã tốt mà táo bón vẫn không cải thiện, anh nên đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra thêm và xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị bệnh trĩ phù hợp.
8. Làm thế nào để giúp trẻ đại tiện mỗi ngày?
Chào bác sĩ! Tôi có con gái sinh ngày 25/01/2012. Cháu gặp phải tình trạng đi đại tiện 3 đến 4 ngày một lần, mỗi lần đi phải rặn rất khó khăn. Cháu có chế độ ăn sáng ăn cháo, sau đó uống nước cam, trưa ăn một nửa bát cơm, chiều uống sữa công thức, tối ăn một nửa bát cơm rồi ăn chuối tiêu sau nửa tiếng. Vậy khẩu phần ăn của cháu có hợp lý không và làm thế nào để cháu có thể đi đại tiện mỗi ngày?
Đinh Thị Bảo Ngọc (Nữ, 35 tuổi)
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện ĐK QT Vinmec
Trẻ nhỏ có thể gặp tình trạng không đi đại tiện hàng ngày vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước tiên, cần có chế độ ăn giàu chất xơ từ rau củ quả và uống đủ nước. Chế độ ăn của cháu hiện tại có nhiều thực phẩm tinh chế như cháo, sữa và nước cam, nhưng lại thiếu chất xơ. Bên cạnh đó, bố mẹ cần tạo thói quen đi vệ sinh đúng giờ, đều đặn cho trẻ. Đôi khi trẻ cũng có thể sợ nhà vệ sinh vì mùi hoặc cảm giác không sạch sẽ, điều này có thể khiến trẻ ngại đi ngoài. Nếu sau khi đã điều chỉnh chế độ ăn và thói quen sinh hoạt mà tình trạng vẫn không cải thiện, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để kiểm tra thêm.
9. Cách trị nứt kẽ hậu môn và cần lưu ý gì?
Chào bác sĩ! Cháu bị nứt và có cục lồi ở hậu môn, khi đi đại tiện rất đau. Cho cháu xin phép hỏi bác sĩ cách chữa trị và lời khuyên đối với tình trạng này.
Nguyễn Thị Tân (26 tuổi)
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện ĐK QT Vinmec:
Theo mô tả triệu chứng của em, có thể em đang gặp phải tình trạng nứt kẽ hậu môn. En nên đi khám tại các cơ sở y tế để bác sĩ có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng nứt kẽ và từ đó quyết định phương pháp điều trị thích hợp, có thể là điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật tùy theo mức độ.
10. Cách phân biệt bệnh trĩ và ung thư đại tràng
Chào bác sĩ! Tôi được biết bệnh trĩ rất dễ bị nhầm với ung thư đại tràng – căn bệnh ác tính. Vậy làm sao có thể phân biệt được 2 căn bệnh này?
Tô Thị Bích Ngọc (Nữ, 26 tuổi)
GS Mario Pescatori, chuyên gia về phẫu thuật hậu môn và trực tràng
Cả bệnh trĩ và ung thư đại tràng đều có thể có triệu chứng giống nhau, như chảy máu trực tràng và táo bón. Tuy nhiên, máu chảy trong trường hợp bệnh trĩ thường là máu tươi, còn máu trong ung thư đại tràng có màu sẫm hơn. Để xác định chính xác bệnh, phương pháp nội soi đại tràng là cách chẩn đoán hiệu quả nhất.
11. Bệnh trĩ sau khi mang thai có cần điều trị không?
Chào bác sĩ! Sau khi sinh con em đã gặp tình trạng táo bón trầm trọng, kèm theo đau rát và máu tươi khi đi đại tiện. Sau 3 tháng sinh, tình trạng táo bón đã hết, nhưng xuất hiện một cục thịt nhỏ gần hậu môn, không gây đau đớn. Em thắc mắc liệu đây có phải bệnh và cần chữa trị như thế nào?
Tô Thị Bích Ngọc (Nữ, 26 tuổi)
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện ĐK QT Vinmec
Trong thời kỳ mang thai, nhiều phụ nữ gặp phải táo bón và bệnh trĩ, hoặc nếu đã có bệnh trĩ từ trước thì các triệu chứng sẽ nặng hơn. Sau khi sinh, các triệu chứng này thường giảm hoặc biến mất. Các búi trĩ trong thai kỳ sẽ teo lại và nếu có búi trĩ ngoại có thể để lại các nếp da thừa quanh hậu môn. Những nếp da thừa này lành tính, đôi khi có thể gây ngứa hoặc rát nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu nếp da thừa không gây phiền toái cho em, thì không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, thì phương pháp cắt bỏ là cách giải quyết hiệu quả.
12. Bệnh trĩ ngoại có nên phẫu thuật không?
Chào bác sĩ! Sau khi cắt trĩ nội được 1 tháng, em gặp phải tình trạng trĩ ngoại và mặc dù đã uống thuốc nhuận tràng và có chế độ ăn hợp lý, bệnh trĩ ngoại vẫn không co lại. Em đã tham khảo ý kiến của bác sĩ và nhận được những lời khuyên khác nhau như một bác sĩ nói rằng trĩ ngoại sẽ tự co lại khi bệnh trĩ nội khỏi đau, trong khi bác sĩ khác nói cần phải cắt trĩ ngoại khi bệnh trĩ nội đã lành. Hiện tại, bệnh trĩ ngoại vẫn chưa co lại, nhưng búi trĩ đã ít đau hơn.
Thu Oanh (Nữ, 45 tuổi)
GS Mario Pescatori, chuyên gia về phẫu thuật hậu môn và trực tràng
Nếu búi trĩ ngoại gây đau đớn hoặc khó chịu trong cuộc sống hàng ngày, thì cần làm phẫu thuật để cắt trĩ ngoại. Ngược lại nếu bệnh trĩ ngoại không gây ảnh hưởng, người bệnh có thể không cần phẫu thuật. Phẫu thuật cắt trĩ ngoại là một thủ thuật đơn giản, thực hiện gây mê tại chỗ và không cần ở lại bệnh viện.

13. Nên mổ trĩ ở đâu và chi phí là bao nhiêu?
Chào bác sĩ, Tôi đang bị bệnh trĩ, mỗi lần đại tiện, búi trĩ lòi ra ngoài hậu môn. Tôi muốn biết nên mổ trĩ ở đâu và chi phí là bao nhiêu?
Do Van Thang (Nam, 55 tuổi)
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện ĐK QT Vinmec
Theo mô tả của anh, nếu sau đại tiện búi trĩ tự co lên thì có thể là bệnh trĩ độ 2, hoặc nếu anh phải dùng tay đẩy búi trĩ mới vào thì có thể là bệnh trĩ độ 3. Trong trường hợp bệnh trĩ độ 2, anh có thể điều trị bằng phương pháp thắt trĩ bằng vòng cao su, đây là phương pháp đơn giản, an toàn, chi phí hợp lý và có thể về nhà trong ngày. Đối với bệnh trĩ độ 3, bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp thắt trĩ hoặc phẫu thuật, tùy theo tình trạng cụ thể khi khám. Về chi phí, anh cần tham khảo trực tiếp tại bệnh viện nơi anh điều trị, vì chi phí có thể thay đổi tùy theo cơ sở y tế và phương pháp điều trị.
14. Táo bón trong thai kỳ có ảnh hưởng đến quá trình sinh không?
Thưa bác sĩ, tôi bị táo bón kèm theo rò hậu môn, gây rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Dù đã ăn nhiều rau và hoa quả, nhưng tình trạng không cải thiện. Tôi đang mang thai và lo lắng liệu điều này có ảnh hưởng gì khi sinh không?
Maica (Nữ, 28 tuổi)
BS Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, BV ĐK QT Vinmec
Chào em! Táo bón và bệnh trĩ thường trở nên nghiêm trọng hơn trong thời kỳ mang thai, nhưng sau khi sinh, các triệu chứng này thường được cải thiện đáng kể. Để giảm tình trạng táo bón, ngoài việc ăn nhiều rau và hoa quả, em cần uống đủ nước mỗi ngày, duy trì thói quen vận động thường xuyên. Khi nghỉ ngơi, em nên chọn tư thế nằm nghiêng một bên để hỗ trợ tuần hoàn máu và giảm áp lực lên hậu môn. Hy vọng những biện pháp này sẽ giúp em thoải mái hơn trong thời gian mang thai.
15. Nứt kẽ hậu môn, chảy máu có phải là bệnh trĩ không?
Thưa bác sĩ, hơn 10 năm trước, khi mang thai cháu thứ hai, tôi thường xuyên bị táo bón. Sau đó, mỗi lần đi ngoài tôi lại bị nứt kẽ hậu môn, chảy máu và thời gian sau còn bị rách hậu môn, gây đau buốt. Tôi thường xuyên phải uống thuốc nhuận tràng nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi phân cứng hoặc xoay ngang. Xin hỏi bác sĩ, tình trạng này có phải là bệnh trĩ không? Và cách điều trị ra sao? Tôi rất mong nhận được lời khuyên từ bác sĩ.
Nguyễn Thị Vân (Nữ, 42 tuổi)
BS Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, BV ĐK QT Vinmec
Chào em, nứt kẽ hậu môn và táo bón thường đi kèm với nhau và trong trường hợp của em, đây có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng khó chịu. Khi hậu môn bị nứt, việc đi ngoài sẽ rất đau, khiến người bệnh có xu hướng nhịn đi ngoài. Tuy nhiên, điều này lại làm tăng nguy cơ táo bón, tạo thành một vòng luẩn quẩn khiến bệnh nặng hơn.
Để điều trị, việc quan trọng nhất là kiểm soát táo bón. em cần bổ sung đủ chất xơ qua chế độ ăn, uống nhiều nước, vận động thường xuyên và có thể sử dụng thuốc nhuận tràng theo chỉ định của bác sĩ.
Về việc liệu em có mắc bệnh trĩ hay không, điều này cần được khám trực tiếp. Ngoài trĩ, nứt kẽ hậu môn và các bệnh lý hậu môn trực tràng khác cũng có thể gây chảy máu. Do đó, em nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra và tư vấn chi tiết hơn. Chúc em sớm cải thiện tình trạng sức khỏe!
16. Nếu bị bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ cần làm gì để cải thiện?
Thưa bác sĩ, tôi thường xuyên bị táo bón, mỗi lần đi vệ sinh phải ngồi rất lâu mà vẫn không đi được. Tôi có thói quen sử dụng cà phê và chè. Xin hỏi bác sĩ cách điều trị và phòng ngừa táo bón như thế nào? Nếu tôi bị trĩ nhưng ở giai đoạn nhẹ thì có cách nào điều trị không? Cảm ơn bác sĩ.
Trịnh Thị Như Quỳnh (Nữ, 27 tuổi)
BS Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, BV ĐK QT Vinmec
Chào em, để phòng và điều trị táo bón, trước tiên em cần hạn chế sử dụng các loại đồ uống như cà phê, ca cao, socola... vì có thể làm tình trạng táo bón nặng thêm. Thay vào đó, em nên:
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.
- Uống đủ nước hàng ngày để hỗ trợ hệ tiêu hóa.
- Tăng cường vận động thể lực để kích thích nhu động ruột.
Nếu em chỉ bị bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ, việc điều trị chủ yếu dựa vào thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt. Mục tiêu là ngăn ngừa táo bón để tránh làm bệnh nặng hơn. Một số lưu ý trong sinh hoạt:
- Tránh rặn quá mức khi đi vệ sinh.
- Không ngồi lâu trong nhà vệ sinh.
- Xây dựng thói quen đi vệ sinh đúng giờ.
Có câu nói vui rằng: "Nếu em không đi vệ sinh trong thư viện, thì cũng đừng đọc sách trong nhà vệ sinh." Điều này nhắc nhở rằng việc ngồi lâu không chỉ gây khó chịu mà còn làm tăng áp lực lên hậu môn, khiến bệnh nặng hơn. Chúc em sớm cải thiện tình trạng sức khỏe!
17. Nếu cắt polyp hậu môn mà không cần cắt trĩ trước không?
Thưa bác sĩ, em thường xuyên bị táo bón và vừa đi nội soi đại tràng. Bác sĩ kết luận em bị polyp hậu môn và bệnh trĩ độ 1. Tuy nhiên, bác sĩ nói không thể cắt polyp hậu môn vì trĩ còn nhỏ, nhưng yêu cầu em tái khám sau 6 tháng vì polyp có nguy cơ chuyển thành ung thư. Em muốn hỏi liệu có thể cắt polyp hậu môn mà không cần cắt trĩ trước không? Nếu để trĩ phát triển và cắt sau có được không? Em xin cảm ơn!
Bùi Thị Ngân (Nữ, 35 tuổi)
GS Mario Pescatori - Chuyên gia về phẫu thuật hậu môn, trực tràng
Chào em, nếu polyp được chẩn đoán nằm trong ống hậu môn và không gây triệu chứng nguy hiểm như chảy máu hoặc đau, thì không nhất thiết phải phẫu thuật ngay. Tuy nhiên, em cần theo dõi định kỳ, thường là mỗi năm một lần, để đảm bảo polyp không có dấu hiệu tiến triển xấu.
Điều quan trọng là cần xác định chính xác vị trí của polyp. Nếu polyp nằm trong trực tràng thay vì ống hậu môn, nguy cơ chuyển thành ung thư sẽ cao hơn và lúc đó cần có kế hoạch điều trị sớm hơn.
Về câu hỏi của em, việc cắt polyp hậu môn mà không can thiệp vào trĩ là hoàn toàn có thể thực hiện, đặc biệt khi bệnh trĩ ở mức độ nhẹ (độ 1). Bệnh trĩ có thể được điều trị sau nếu bệnh tiến triển. Điều quan trọng là em cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ và tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe một cách cẩn thận. Chúc em sức khỏe!
18. Bệnh trĩ độ 4 mà không điều trị có ảnh hưởng gì không?
Dạ, em chào bác sĩ và chương trình. Trước đây, em bị táo bón do thói quen sinh hoạt nên đã phát triển thành bệnh trĩ độ 4. Tuy nhiên, hiện tại em không thấy đau, rát hay khó chịu gì vì em đã chú ý phòng tránh táo bón. Xin hỏi bác sĩ, nếu để lâu không điều trị, liệu có ảnh hưởng gì không? Em xin cảm ơn!
Trần Thị Kim Ánh (Nữ, 29 tuổi)
BS Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, BV ĐK QT Vinmec
Chào em! Theo miêu tả thì tình trạng trên dường như chưa phù hợp với bệnh trĩ độ 4. Ở giai đoạn này, bệnh trĩ nội thường sa ra ngoài và không thể tự đẩy vào, dễ dẫn đến các biến chứng như tắc mạch, vỡ búi trĩ hoặc chảy máu, gây khó chịu nghiêm trọng. Có thể chỉ bị các nếp da thừa, chứ không phải bệnh trĩ độ 4.
Một lời khuyên là nên đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra lại và xác định chính xác tình trạng bệnh. Nếu không điều trị dứt điểm táo bón, lâu dài có thể dẫn đến tổn thương thần kinh tại vùng hậu môn, làm táo bón nặng hơn. Ở phụ nữ, việc rặn nhiều do táo bón còn có nguy cơ gây sa trực tràng, sa sinh dục hoặc sa bàng quang. Chăm sóc sức khỏe sớm sẽ giúp phòng tránh các biến chứng nguy hiểm. Chúc sức khỏe!
19. Người lớn tuổi có tiền sử cao huyết áp có nên phẫu thuật bệnh trĩ độ 2 không?
Thưa bác sĩ, bà nội tôi năm nay 83 tuổi, có tiền sử cao huyết áp (150/95) và bị táo bón. Bác sĩ khám kết luận bà bị bệnh trĩ độ 2. Ở độ tuổi này, bà tôi nên điều trị bằng phương pháp nào là tốt nhất? Liệu bà có thể phẫu thuật trĩ không? Xin bác sĩ cho lời khuyên cách điều trị phù hợp.
Lê Danh Lam (Nam, 20 tuổi)
GS Mario Pescatori - Chuyên gia về phẫu thuật hậu môn, trực tràng
Chào em! Đối với bà, trước tiên cần tập trung vào việc điều trị táo bón, vì đây là yếu tố quan trọng gây ra bệnh trĩ. Bà nên áp dụng chế độ ăn uống giàu chất xơ (rau xanh, trái cây), uống nhiều nước và sử dụng các sản phẩm hỗ trợ từ thiên nhiên có chứa psyllium để làm mềm phân. Đồng thời, bà không nên cố rặn khi đi đại tiện, vì điều này có thể làm bệnh trĩ nặng hơn.
Về điều trị bệnh trĩ, phương pháp thắt vòng cao su có thể được xem xét nếu búi trĩ chảy máu, gây thiếu máu hoặc sa xuống thường xuyên. Tuy nhiên, vì bà của em đã lớn tuổi và có tiền sử cao huyết áp, các bác sĩ sẽ ưu tiên lựa chọn phương pháp điều trị ít xâm lấn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
20. Điều trị bệnh trĩ hiệu quả
Thưa bác sĩ, vợ tôi bị bệnh trĩ ngoại đã nhiều năm. Hiện tại, búi trĩ lòi ra ngoài khoảng 1cm. Tôi đã thử điều trị bằng cả thuốc tây y và đông y nhưng không thấy cải thiện. Xin hỏi bác sĩ, nên làm thế nào để điều trị hiệu quả?
Nguyễn Ngọc Ước (Nam, 31 tuổi)
BS Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, BV ĐK QT Vinmec
Trước tiên, cần xác định rõ liệu tình trạng của vợ em là búi trĩ hay chỉ là nếp da thừa ở hậu môn.
- Nếu đó là bệnh trĩ ngoại, việc điều trị bằng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp búi trĩ co lại.
- Nếu đó chỉ là nếp da thừa, các phương pháp điều trị bằng thuốc hay ăn uống sẽ không có tác dụng. Trong trường hợp này, cách duy nhất để giải quyết nếp da thừa là phẫu thuật cắt bỏ.
21. Điều trị bệnh trĩ ở đâu là hiệu quả?
Thưa bác sĩ, tôi bị táo bón hơn 20 năm rồi. Năm 2011, tôi đã mổ trĩ hỗn hợp nhưng đến nay vẫn không đi cầu được bình thường. Tôi phải uống thuốc làm mềm phân và bơm hậu môn. Hiện tôi đang điều trị bệnh trĩ tại Bệnh viện Phạm Văn TPHCM, nhưng tôi rất mong được đến Bệnh viện Vinmec để điều trị dứt điểm bệnh trĩ. Khổ lắm bác sĩ ơi!
Ngô Thị Ngọc Anh (Nữ, 55 tuổi)
BS Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, BV ĐK QT Vinmec
Chào em! Để được tư vấn và điều trị bệnh trĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, em có thể gọi đến tổng đài theo số 04.39743556 để đăng ký khám với các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và hậu môn trực tràng.
22. Đại tiện 2 ngày/ lần có phải táo bón không?
Thưa bác sĩ, tôi năm nay 36 tuổi, hiện tại đi đại tiện 2 ngày/lần. Chế độ ăn uống của tôi rất đầy đủ, ăn nhiều rau xanh, hoa quả và uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Như vậy, tôi có bị táo bón không? Cách phòng chống như thế nào là tốt nhất? Tình trạng này đã kéo dài 10 năm nay. Rất mong được bác sĩ phản hồi. Xin chân thành cảm ơn!
Nguyễn Lê Anh (Nữ, 36 tuổi)
BS Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, BV ĐK QT Vinmec
Chào em, việc đi đại tiện 2 ngày/lần không nhất thiết là dấu hiệu của táo bón. Để xác định rõ, mình cần mô tả thêm về đặc điểm của phân, như độ cứng, kích thước hoặc cảm giác khó khăn khi đi ngoài. Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác hơn về tình trạng sức khoẻ.
23. Điều trị dứt điểm bệnh trĩ tái phát
Thưa bác sĩ, tôi bị bệnh trĩ từ năm 16 tuổi và đã phẫu thuật 3 lần, nhưng đến nay vẫn còn búi trĩ. Hàng ngày, tôi cảm thấy rất khó chịu và ngứa vùng hậu môn. Tôi rất mong nhận được tư vấn để có hướng điều trị dứt điểm bệnh trĩ.
Đỗ Duy Khánh (Nam, 30 tuổi)
GS Mario Pescatori - Chuyên gia về phẫu thuật hậu môn, trực tràng
Chào em! Tôi chưa rõ cụ thể tình trạng của em là bệnh trĩ nội hay bệnh trĩ ngoại. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, có thể mình đã trải qua các ca phẫu thuật chưa thực sự triệt để hoặc nếu đã điều trị triệt để mà bệnh trĩ vẫn tái phát thì có khả năng nguyên nhân chính là táo bón kéo dài.
Nếu em có dấu hiệu táo bón, việc đầu tiên cần làm là điều trị táo bón. Để giảm ngứa và khó chịu, mình có thể dùng các loại kem bôi trơn có chiết xuất từ thiên nhiên, dễ tìm mua ở các hiệu thuốc. Đồng thời, cần giữ vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ và khô ráo, chẳng hạn như rửa sạch bằng nước sau khi đi đại tiện.
Em cũng nên tránh sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, trà, cà phê và sô cô la. Ngoài ra, không nên quan hệ tình dục qua đường hậu môn để tránh làm tổn thương thêm vùng này.
24. Bệnh trĩ có tái phát sau khi mổ không?
Thưa bác sĩ, tôi đã mổ trĩ cách đây 3 năm tại TPHCM. Liệu tôi có khả năng bị tái phát không? Nếu bị lại, tôi sẽ phải điều trị bệnh trĩ như thế nào?
Phương Hạnh (Nữ, 32 tuổi)
GS Mario Pescatori - Chuyên gia về phẫu thuật hậu môn, trực tràng
Trước tiên, mình nên đến khám bác sĩ chuyên khoa hậu môn trực tràng để xác định rõ tình trạng hiện tại. Em chưa đề cập cụ thể là bệnh trĩ nội hay bệnh trĩ ngoại nhưng trong mọi trường hợp, nếu có hiện tượng táo bón, cần ưu tiên điều trị táo bón trước.
Nếu bệnh trĩ tái phát, em có thể phải thực hiện phẫu thuật lại. Tuy nhiên, phương pháp điều trị cụ thể sẽ được bác sĩ tư vấn sau khi khám chi tiết.
25. Dùng thuốc trị táo bón thời gian dài an toàn không?
Xin chào bác sĩ. Bố tôi năm nay 69 tuổi, mắc bệnh Parkinson. Do ảnh hưởng của bệnh, bố tôi bị táo bón nặng, thông thường mất khoảng 7 ngày mới đi cầu được, mỗi lần rất khó khăn. Mặc dù đã ăn nhiều rau và uống nhiều nước nhưng tình trạng không cải thiện.
Gia đình tôi đã mua một loại thực phẩm chức năng tên Ayulax (thành phần gồm các thảo mộc như phan tả diệp, gừng…) để sử dụng. Nhờ đó, bố tôi dùng đều đặn 2 ngày một lần mới đi cầu dễ dàng. Hiện tại, ông đã dùng thuốc được gần 1 năm. Tôi muốn hỏi có cách nào chữa khỏi tình trạng này không? Và việc dùng thuốc lâu dài như vậy có an toàn không? Xin bác sĩ tư vấn, tôi xin chân thành cảm ơn!
Nguyễn Thị Lương (Nữ, 30 tuổi)
BS Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, BV ĐK QT Vinmec
Chào em! Trường hợp của bố em là một thách thức lớn trong điều trị táo bón, nhất là ở người lớn tuổi và bệnh nhân Parkinson. Ở tuổi này, nhạy cảm của hậu môn - trực tràng giảm, các cơ co thắt cũng yếu đi. Đồng thời, bệnh Parkinson khiến hoạt động hàng ngày giảm, làm táo bón trở nên nghiêm trọng hơn.
Việc điều trị cần tuân theo từng bước:
- Chế độ ăn uống: Bổ sung nhiều chất xơ và uống đủ nước.
- Hỗ trợ từ các chế phẩm: Sử dụng các sản phẩm giúp tăng khối lượng phân và làm mềm phân.
- Thuốc nhuận tràng: Có thể dùng các thuốc kích thích đại tiện nếu cần.
- Các biện pháp cuối cùng: Sử dụng thuốc thụt hoặc xổ nếu các phương pháp trên không hiệu quả.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sẽ không có phương pháp nào giúp chữa khỏi hoàn toàn tình trạng táo bón của bố em. Loại thực phẩm chức năng mà bố em đang sử dụng với thành phần thảo dược hiện đang có tác dụng tốt, vì vậy em có thể tiếp tục cho ông dùng. Chúc em và gia đình sức khỏe!
26. Cách điều trị bệnh trĩ mà không cần phẫu thuật và dùng thuốc kháng sinh
Thưa bác sĩ, em bị bệnh trĩ ngoại và hiện đang nuôi con bú. Xin hỏi có cách nào điều trị khỏi bệnh trĩ mà không cần phẫu thuật hay dùng thuốc kháng sinh không? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn!
Nguyễn Thị Nhung (24 tuổi)
BS Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, BV ĐK QT Vinmec
Chào em! Trước tiên cần hiểu rằng trĩ là một cấu trúc giải phẫu bình thường trong vùng hậu môn. Khi những cấu trúc này bị sưng to, tắc mạch, chảy máu hoặc sa ra ngoài gây khó chịu, lúc đó được gọi là bệnh trĩ.
Các phương pháp điều trị bệnh trĩ chỉ giúp giảm bớt và chấm dứt các triệu chứng, nhưng nếu chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý, bệnh có thể tái phát. Ngoài ra, cần lưu ý rằng điều trị bệnh trĩ không sử dụng kháng sinh.
27. Bệnh viện Vinmec có làm việc vào chủ nhật không?
Chào bác sĩ! Con trai tôi hiện nay 6 tuổi, bị táo bón từ khi 4 tháng tuổi. Lúc cháu 4 tháng, do một lần bị tiêu chảy, tôi đã cho cháu uống thuốc bột của thầy lang gần nhà. Sau khi uống, cháu hết tiêu chảy nhưng lại xuất hiện tình trạng 10 ngày mới đi tiêu một lần, kéo dài đến tận bây giờ.
Tôi đã đưa cháu đi khám tại nhiều bệnh viện, làm các xét nghiệm như X-quang đại tràng, xét nghiệm phân và nước tiểu, tất cả đều bình thường. Bác sĩ đã kê thuốc nhuận tràng và men tiêu hóa nhưng không hiệu quả. Hiện tại, tôi phải cho cháu uống thuốc Nam (phan tả diệp) để đi tiêu. Nếu không uống, cháu vẫn phải 10 ngày mới đi một lần.
Xin hỏi bác sĩ, con tôi có khả năng bị bệnh gì? Tôi muốn bác sĩ trực tiếp khám và điều trị cho cháu thì phải làm thế nào? Bệnh viện Vinmec có làm việc vào chủ nhật không?
Tôi rất mong nhận được hồi âm từ bác sĩ. Xin chân thành cảm ơn!
Đỗ Thị Huệ (Nữ, 34 tuổi)
BS Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, BV ĐK QT Vinmec
Chào em! Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu và buổi sáng thứ Bảy. Mình có thể gọi đến số tổng đài 04.39743556 để đặt hẹn khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - hậu môn trực tràng trong thời gian làm việc nói trên.
Chúc sức khỏe!
28. Làm thế nào để cải thiện tình trạng táo bón
Chào bác sĩ! Tôi năm nay 26 tuổi, hiện là nhân viên văn phòng làm việc tại một cơ quan nhà nước. Gần một năm trở lại đây, tôi cảm thấy cơ quan tiêu hóa của mình có vấn đề. Nhiều khi cả tuần tôi không thể đi vệ sinh, nếu đi thì rất khó khăn. Sức khỏe của tôi giảm sút rõ rệt, chỉ cần vận động nhẹ là thấy mệt mỏi, không có cảm giác thèm ăn và ăn rất ít. Xin hỏi tôi nên có chế độ sinh hoạt, ăn uống và làm việc như thế nào để cải thiện tình trạng sức khỏe? Xin cảm ơn.
Nguyễn Văn Nam (Nam, 26 tuổi)
GS Mario Pescatori - Chuyên gia phẫu thuật hậu môn, trực tràng
Với tình trạng táo bón mà em đang gặp phải, mình có thể cải thiện bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt như sau:
Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
Uống nhiều nước mỗi ngày.
Hạn chế chất kích thích.
Tình trạng phải rặn nhiều khi đi đại tiện có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó tâm lý đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, người bệnh nên đến khám tại các bác sĩ chuyên khoa hậu môn - trực tràng và bác sĩ tâm lý để được đánh giá kỹ lưỡng.
Khám hậu môn - trực tràng: Các bác sĩ có thể thực hiện siêu âm hậu môn để kiểm tra xem cơ hậu môn có co lại khi em rặn hay không. Nếu cơ hậu môn không giãn, cần tham vấn bác sĩ chuyên về phục hồi chức năng để thực hiện các bài tập nhằm cải thiện chức năng cơ hậu môn.
Tư thế đi đại tiện: Nên áp dụng tư thế ngồi xổm khi đi đại tiện, điều này giúp quá trình diễn ra dễ dàng hơn.
Ngoài ra, mình có thể áp dụng một số phương pháp hỗ trợ như:
Sử dụng một lượng nhỏ xà phòng để bôi trơn hậu môn.
Ngâm nước ấm hoặc sử dụng nước ấm để làm giãn cơ hậu môn, giúp việc đi đại tiện trở nên dễ dàng hơn.
Hy vọng các thông tin trên sẽ giúp em cải thiện tình trạng sức khỏe.
29. Búi trĩ sa xuống nên làm gì?
Tôi bị bệnh trĩ nhưng chưa đi khám bao giờ. Gần đây, tôi cảm thấy đau ở hậu môn và khi đi đại tiện, có cảm giác sa búi trĩ xuống. Tôi đã uống Tràng Vị Khang, nước diếp cá và đi bộ, thấy có cải thiện một chút. Tuy nhiên, do công việc văn phòng, tôi phải ngồi lâu. Tôi nên làm gì?
Trang (Nữ, 38 tuổi)
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Chào em! Việc cần làm đầu tiên là đến bệnh viện để khám cụ thể nhằm xác định tình trạng và mức độ của bệnh. Từ đó, bác sĩ mới có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
30. Công dụng của chất xơ trong việc giải quyết táo bón
Chào bác sĩ! Tại sao nhiều người khuyên nên dùng chất xơ khi bị táo bón? Xin bác sĩ giải thích công dụng cụ thể của chất xơ và liệu dùng chất xơ có giải quyết tận gốc vấn đề táo bón không?
Trần Thị Anh Phương (Nữ, 30 tuổi)
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Cơ chế đi đại tiện phụ thuộc vào việc trực tràng có đủ khối lượng phân để tạo áp lực lên thành trực tràng, kích thích cảm giác buồn đại tiện. Nếu ăn ít chất xơ, khối lượng phân sẽ ít, không đủ áp lực, dẫn đến phân lưu lại lâu trong đại tràng và trực tràng. Trong thời gian đó, niêm mạc đại tràng và trực tràng sẽ hấp thu nước từ phân, khiến phân trở nên cứng, chắc, gây táo bón. Bổ sung chất xơ là một nguyên tắc cơ bản trong việc điều trị táo bón
31. Táo bón và chảy máu là bệnh trĩ nội hay ngoại?
Chào bác sĩ! Khi đi đại tiện tôi bị lồi thịt từ hậu môn, có lúc tự thụt vào được, nhưng đôi khi phải dùng tay ấn vào. Hôm nào khó đi thì bị chảy máu. Xin hỏi đây là bệnh trĩ nội hay bệnh trĩ ngoại? Cách chữa trị như thế nào? Nếu cần phẫu thuật, có phương pháp nào không dùng dao kéo mà nhanh chóng không? Và nếu dùng thuốc, nên dùng loại nào để chữa dứt điểm? Tôi xin cảm ơn!
Phan Ngọc Xuân Anh (Nam, 25 tuổi)
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Theo mô tả của em, tình trạng này có thể là trĩ nội độ 2 hoặc độ 3. Mình nên đi khám để được bác sĩ đánh giá và xác định chính xác. Từ đó, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị tối ưu nhất. Bệnh trĩ nội độ 2 hoàn toàn có thể được điều trị bệnh trĩ an toàn, hiệu quả và tiết kiệm mà không cần phẫu thuật.
32. Phẫu thuật có ảnh hưởng mẹ bỉm trong giai đoạn cho con bú không?
Chào bác sĩ, tôi được chẩn đoán là bệnh trĩ nội độ IV và bác sĩ khuyên nên phẫu thuật vì không thể điều trị bằng thuốc. Xin hỏi, sau phẫu thuật trĩ có tái phát không? Có để lại di chứng gì không? Tôi đang cho con bú, liệu phẫu thuật có ảnh hưởng đến bé không? Xin cảm ơn.
Phạm Minh Xuân (Nữ, 27 tuổi)
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Trĩ độ IV là trường hợp cần điều trị bằng phẫu thuật. Hiện nay, tất cả các phương pháp phẫu thuật trĩ đều có một tỷ lệ tái phát nhất định, cũng như khả năng để lại di chứng. Về việc em đang cho con bú, có thể yên tâm vì phẫu thuật trĩ thường chỉ cần nằm viện 1-2 ngày với thời gian sử dụng thuốc ngắn, gần như không ảnh hưởng đến việc chăm con.
33. Bị lồi búi trĩ khi nào cần phẫu thuật?
Chào bác sĩ! Cháu bị lồi búi trĩ ra ngoài, không chảy máu nhưng thỉnh thoảng bị ngứa và khó chịu khi ngồi. Cháu có nên đi cắt không? Có phương pháp nào cắt mà không gây đau không? Xin bác sĩ tư vấn.
Hoàng Thị Thu Hiền (Nữ, 32 tuổi)
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Triệu chứng cháu mô tả có thể là biểu hiện của bệnh trĩ ngoại hoặc nếp da thừa ở hậu môn. Hiện nay, các phương pháp phẫu thuật trĩ rất ít gây tổn thương mô, do đó cháu không cần quá lo lắng về việc đau trong quá trình điều trị.
34. Bị són tiểu sau phẫu thuật u xơ tử cung nên làm gì?
Tôi mắc bệnh u xơ tử cung và lạc nội mạc tử cung. Vì không có nhu cầu sinh con nữa, bác sĩ đã quyết định cắt bỏ tử cung. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, tôi thường bị són tiểu. Xin hỏi bác sĩ, tại sao tôi lại gặp tình trạng này và nên điều trị như thế nào?
Nguyễn Thị Ngọc Anh (Nữ, 40 tuổi)
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh - Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Sau khi cắt bỏ tử cung, một số trường hợp có thể gặp tình trạng sa mỏm âm đạo vào lòng âm đạo hoặc sa bàng quang vào thành trước âm đạo. Đây có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng són tiểu hoặc tiểu không tự chủ. Để chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, em nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa.
35. Khuyết tật phải ngồi xe lăn có thể khám và chữa bệnh trĩ không?
Tôi là người khuyết tật do chất độc da cam di truyền từ bố, phải ngồi xe lăn cả ngày. Hơn 10 năm nay, tôi bị bệnh trĩ nhưng do không thể đi lại và ít có cơ hội đi khám, nên bệnh ngày càng nặng, gây khó chịu và đau đớn. Xin hỏi bác sĩ, tôi có thể được khám và chữa bệnh trĩ không? Xin cảm ơn.
Hoàng Hương (Nữ, 38 tuổi)
GS Mario Pescatori - Chuyên gia phẫu thuật hậu môn, trực tràng
Chào em! Em có thể gửi cho tôi hình ảnh chụp hậu môn, gồm một ảnh trong trạng thái bình thường và một ảnh khi rặn hết sức. Ngoài ra, vui lòng cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng bệnh của mình, chế độ ăn uống hàng ngày, thói quen đi đại tiện và mô tả cụ thể về cơn đau: đau trước hay sau khi đi đại tiện, cường độ đau có tăng dần không, v.v. Mình có thể gửi thông tin và hình ảnh qua email info@vimec.com hoặc liên hệ tổng đài theo số 04 3974 3556 để được tư vấn và kết nối với bác sĩ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang áp dụng phương pháp phẫu thuật Longo để điều trị các trường hợp bệnh trĩ độ 2, 3, 4 và bệnh trĩ vòng. Phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội so với phẫu thuật truyền thống, bao gồm:
- Giảm đau đáng kể so với phương pháp cắt trĩ kinh điển.
- Không để lại vết thương hở ở hậu môn, giúp dễ dàng chăm sóc sau phẫu thuật.
- Thời gian nằm viện ngắn hơn (thường chỉ khoảng 2 ngày), đồng thời đảm bảo yếu tố thẩm mỹ.
Vinmec sử dụng máy cắt trĩ PPHO3 hiện đại của hãng Johnson & Johnson (Mỹ). Thiết bị này có khả năng cầm máu tốt, đường khâu vững chắc và khoang chứa lớn, giúp loại bỏ triệt để khoanh niêm mạc kèm bệnh trĩ nội. Nhờ đó, bệnh nhân ít đau hơn và hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.