Hiểu và điều trị hội chứng ruột kích thích thể táo bón (IBS-C)

Các biện pháp điều trị hội chứng ruột kích thích thể táo bón hiện nay chủ yếu tập trung vào việc giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường vận động và giảm căng thẳng là những yếu tố cốt lõi trong quá trình điều trị. Ngoài ra, các loại thuốc cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Hội chứng ruột kích thích thể táo bón (IBS-C) là gì?

Hội chứng ruột kích thích là gì? Hội chứng ruột kích thích là một dạng rối loạn tiêu hóa mãn tính, biểu hiện bằng những cơn đau bụng tái phát, thay đổi tần suất và tính chất phân, kèm theo các triệu chứng khó chịu như chướng bụng, đầy hơi.  

IBS-C, hay hội chứng ruột kích thích thể táo bón, là một dạng rối loạn tiêu hóa mãn tính. Tình trạng này thường gây đầy hơi, đau bụng liên tục và khó đi ngoài. Dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, hội chứng này có thể làm chúng ta cảm thấy rất khó chịu và cản trở sinh hoạt hàng ngày.

Hội chứng ruột kích thích thể táo bón là một chứng rối loạn tiêu hóa mãn tính.
Hội chứng ruột kích thích thể táo bón là một chứng rối loạn tiêu hóa mãn tính.

Không có cách điều trị hội chứng ruột kích thích thể táo bón dứt điểm, việc điều trị chủ yếu dựa vào điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống và dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng.

Nếu mọi người lo lắng rằng mình có thể đang mắc hội chứng ruột kích thích thể táo bón, hãy tìm hiểu thêm các dấu hiệu đặc trưng và cách kiểm soát tình trạng này.

2. Dấu hiệu và triệu chứng của IBS-C là gì?

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn tiêu hóa khá thường gặp, với tỷ lệ mắc phải ở khoảng 7 - 21% dân số Hoa Kỳ.

Thể táo bón (IBS-C) là một dạng của hội chứng này, trong đó có các loại khác như thể tiêu chảy (IBS-D). Dù cả hai dạng đều có đặc điểm chung là đau bụng và rối loạn nhu động ruột, thể táo bón thường có những biểu hiện rõ nét hơn.

Các triệu chứng hội chứng ruột kích thích thể táo bón thường gặp bao gồm:

  • Đau bụng.
  • Chướng bụng.
  • Cảm giác như có tảng đá hoặc khối cứng trong dạ dày.
  • Đi ngoài ít hơn bình thường (dưới ba lần mỗi tuần).
  • Phân rắn hoặc vón cục.
  • Cảm giác đi tiêu chưa hết.

Dấu hiệu hội chứng ruột kích thích thể táo bón như đầy hơi và đau bụng thường giảm bớt sau khi người bệnh đi đi vệ sinh, nhưng chúng thường tái phát sau đó.

Hội chứng ruột kích thích khác với táo bón thông thường bởi vì hội chứng này thường gây đầy hơi và đau đớn nghiêm trọng, điều mà người bệnh có thể không gặp phải khi chỉ bị táo bón. Tuy nhiên, hội chứng này không làm xuất hiện máu trong phân hoặc dẫn đến sụt cân không mong muốn.

3. Nguyên nhân

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra thể táo bón vẫn chưa được xác định rõ ràng. Có khả năng hội chứng này mang tính di truyền, vì vậy nếu gia đình có người mắc phải hội chứng này, mọi người cũng có nguy cơ cao mắc bệnh hơn.

Hội chứng này gây viêm tiềm ẩn trong hệ tiêu hóa, đồng thời có thể liên quan đến các nhiễm trùng do vi khuẩn trước đây hoặc sự biến đổi trong hệ miễn dịch của cơ thể.

Một khả năng khác là sự thay đổi trong mối quan hệ giữa não và ruột của người bệnh, khiến cho não không gửi các tín hiệu cần thiết để điều chỉnh hoạt động của ruột.

4. IBS-C được chẩn đoán như thế nào?

Cho đến thời điểm hiện nay, Hội chứng ruột kích thích thể táo bón hoặc những thể khác không thể chẩn đoán thông qua các xét nghiệm hình ảnh hay xét nghiệm máu. Tuy nhiên, những phương pháp này có thể được sử dụng để loại trừ các bệnh lý khác.

Xét nghiệm máu không thể chẩn đoán hội chứng ruột kích thích.
Xét nghiệm máu không thể chẩn đoán hội chứng ruột kích thích.

Thay vì dựa vào các xét nghiệm cụ thể, bác sĩ chủ yếu sẽ đưa ra chẩn đoán về tình trạng của người bệnh dựa trên các triệu chứng họ gặp phải. Việc theo dõi các triệu chứng táo bón, thời gian và mức độ đau bụng, chướng bụng là rất quan trọng. Những yếu tố này sẽ giúp phân biệt giữa IBS thể táo bón và táo bón thông thường.

Khám sức khỏe có thể hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán IBS thể táo bón. Tình trạng này thường dẫn đến cảm giác chướng bụng rõ rệt. Bác sĩ có thể nhẹ nhàng ấn vào bụng của người bệnh để xác định mức độ đau liên quan.

5. Điều trị hội chứng ruột kích thích thể táo bón như thế nào?

Mục tiêu của việc điều trị hội chứng ruột kích thích thể táo bón là giảm thiểu các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Dù không thể chữa khỏi, nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp giảm đầy hơi, đau đớn và cải thiện tình trạng táo bón.

Mục tiêu của việc điều trị hội chứng ruột kích thích thể táo bón là giảm thiểu các triệu chứng.
Mục tiêu của việc điều trị hội chứng ruột kích thích thể táo bón là giảm thiểu các triệu chứng.

5.1 Điều trị hội chứng ruột kích thích thể táo bón bằng thuốc

Bác sĩ có thể sẽ khuyến nghị người bệnh sử dụng các phương pháp điều trị táo bón không cần kê đơn (OTC) trước tiên. Những phương án này bao gồm bổ sung chất xơ, thuốc nhuận tràng và các chất làm mềm phân.

Thuốc nhuận tràng hiện nay rất đa dạng, với nhiều loại thuốc có cơ chế hoạt động khác nhau. Việc lựa chọn loại thuốc phù hợp là rất quan trọng để điều trị hội chứng ruột kích thích thể táo bón hiệu quả và an toàn.

  • Thuốc nhuận tràng kích thích: Đây là nhóm thuốc phổ biến, dễ mua, tăng nhu động ruột, giúp đẩy phân ra ngoài. Các ví dụ điển hình bao gồm bisacodyl, sennosides, dầu thầu dầu và cascara thực vật. Tuy nhiên, việc lạm dụng nhóm thuốc này có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn như tiêu chảy, đau bụng, nôn,...
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách kéo nước vào ruột kết, làm mềm phân và tăng nhu động ruột. Các ví dụ tiêu biểu là lactulose, polyethylene glycol, magie citrate và sorbitol. So với thuốc nhuận tràng kích thích, thuốc nhuận tràng thẩm thấu thường được đánh giá là an toàn hơn và ít gây tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc này lâu dài và không đúng cách vẫn có thể gây mất cân bằng điện giải và các vấn đề khác.

Các loại trà “giải độc” cũng có thể hỗ trợ làm mềm phân và tăng cường nhu động ruột, giúp giảm các triệu chứng khó chịu. Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về điều này.

Nếu các lựa chọn thuốc không kê đơn không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể cần phải sử dụng thuốc theo đơn. Thuốc chống co thắt giúp giãn cơ trong hệ tiêu hóa của người bệnh.

Điều trị hội chứng ruột kích thích thể táo bón bằng thuốc.
Điều trị hội chứng ruột kích thích thể táo bón bằng thuốc.

Một lựa chọn khác là dùng các chất tăng tiết, một nhóm thuốc mới giúp làm mềm phân trong ruột, từ đó cải thiện tình trạng này. Người dùng sẽ có thể đi vệ sinh dễ dàng và thường xuyên hơn.

Linaclotide, Lubiprostone và Plecanatide là những dược chất được chỉ định trong điều trị ở bệnh nhân khi các biện pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả.

  • Linaclotide hoạt động bằng cách tăng tiết dịch niêm mạc ruột, từ đó làm mềm phân và tăng nhu động ruột. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang, nên uống nguyên viên, không nhai hoặc bẻ vỡ. Thời điểm dùng thuốc lý tưởng là trước bữa ăn sáng khoảng 30 phút để đạt hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, thuốc này không được khuyến cáo sử dụng ở trẻ em dưới 17 tuổi. Tác dụng phụ thường gặp nhất là tiêu chảy.
  • Lubiprostone là một loại thuốc khác có cơ chế hoạt động tương tự, giúp tăng tiết dịch niêm mạc ruột và tăng nhu động ruột. Thuốc này đặc biệt hiệu quả ở phụ nữ mắc hội chứng này dạng táo bón. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng.
  • Plecanatide cũng là một lựa chọn điều trị khác. Thuốc này hoạt động bằng cách kích thích các thụ thể trên niêm mạc ruột, tăng tiết dịch và tăng nhu động ruột.  

Các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), thuộc nhóm thuốc điều trị trầm cảm, giúp cải thiện tương tác giữa não và ruột. Loại thuốc này cũng có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng phụ của IBS-C, như lo âu và trầm cảm.

5.2 Thay đổi lối sống

Để điều trị hội chứng ruột kích thích thể táo bón, các biện pháp điều chỉnh lối sống cần duy trì lâu dài. Ngủ đủ giấc và tập thể dục mỗi ngày là cách giúp cân bằng nhu động ruột, giảm căng thẳng và hạn chế viêm nhiễm tiềm ẩn.

5.3 Chế độ ăn uống

Trước khi quyết định bổ sung chất xơ, người mắc IBS-C có thể thử tăng cường chất xơ hòa tan trong thực đơn của mình. Yến mạch, lúa mạch và hạt lanh là những nguồn cung cấp chất xơ hòa tan. Người bệnh cũng nên thử làm bài kiểm tra để kiểm tra độ nhạy cảm với thực phẩm.

Bác sĩ có thể khuyến cáo bệnh nhân nên tránh những loại thực phẩm như rượu, cafein, các đồ uống có ga, gluten và đường.

Nếu người bệnh cần một kế hoạch ăn uống cụ thể hơn, họ có thể thử chế độ ăn kiêng FODMAP thấp (chứa ít oligosaccharides, disaccharides, monosaccharide và polyols). Mục tiêu của chế độ ăn này là giảm thiểu các loại carbohydrate gây rối loạn tiêu hóa.

Chế độ ăn FODMAP thấp sẽ yêu cầu mọi người loại bỏ một số loại thực phẩm khỏi chế độ ăn trong tối đa 6 tuần. Sau thời gian này, mọi người sẽ từ từ đưa chúng trở lại để kiểm tra xem có thực phẩm nào gây ra triệu chứng IBS-C không.

Các thực phẩm chứa FODMAP cao nên tránh bao gồm: Chất ngọt (đường fructose, mật ong, siro ngô), một vài loại trái cây (như táo, mơ, bơ, dưa), lactose trong sữa, lúa mì, hành và tỏi, cũng như đậu và các loại đậu khác.

Tóm tắt lại, hội chứng ruột kích thích thể táo bón là một dạng rối loạn tiêu hóa thường gặp và có liên quan trực tiếp đến chế độ dinh dưỡng và sức khỏe tinh thần của người bệnh. Việc quan sát các triệu chứng của bệnh nhân, bao gồm cả số lần đi vệ sinh, sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng này.

Quản lý IBS-C thường bao gồm việc thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt, kết hợp với việc sử dụng các loại thuốc để điều trị triệu chứng. Nếu mọi người gặp phải triệu chứng bất thường, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay. Những dấu hiệu như sụt cân, phân có máu và nôn mửa có thể báo hiệu một biến chứng nguy hiểm hơn của IBS.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  • Congenital sucrase-isomaltase deficiency (CSID). (2019). iffgd.org/other-disorders/congenital-sucrase-isomaltase-deficiency-csid.html
  • IBS with constipation. (2016). aboutibs.org/ibs-with-constipation.html
  • Low FODMAP diet. (n.d.). stanfordhealthcare.org/medical-treatments/l/low-fodmap-diet.html
  • Mayo Clinic Staff. (2018). Irritable bowel syndrome. mayoclinic.org/diseases-conditions/irritable-bowel-syndrome/symptoms-causes/syc-20360016
  • Peyton L, et al. (2014). Irritable bowel syndrome: Current and emerging treatment options. ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4123807/
  • Understanding irritable bowel syndrome with constipation (IBS-C). (n.d.). asge.org/home/for-patients/patient-information/understanding-irritable-bowel-syndrome-with-constipation-ibs-c
Chia sẻ