Các dấu hiệu polyp đại tràng có thể không rõ rệt nhưng nếu xuất hiện sẽ thường bao gồm đau bụng, thay đổi thói quen đi vệ sinh, máu trong phân và dịch nhầy...Tuy nhiên, những triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, việc kiểm tra qua nội soi đại tràng là cách duy nhất để xác định có polyp hay không.
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương- Trưởng Đơn nguyên Nội Tiêu Hóa - Nội soi - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Chào bác sĩ! Cháu bị đau vùng hậu môn, hay buồn đi vệ sinh nhưng không đi được, có lần đi được thì ra ít và có kèm theo máu, dịch màu trắng đục nữa. Vậy xin hỏi bác sĩ khó đi ngoài, đi phân ít kèm máu và dịch trắng đục có phải dấu hiệu polyp đại tràng không ạ? Rất mong bác sĩ tư vấn, cảm ơn bác sĩ!
Câu hỏi ẩn danh
Chào cháu, bác sĩ xin được giải đáp câu hỏi: “Khó đi ngoài, đi phân ít kèm máu và dịch trắng đục có phải dấu hiệu polyp đại tràng không?” như sau:
Hầu hết các polyp đại tràng không có triệu chứng. Bác sĩ có thể phát hiện nó khi đang kiểm tra định kỳ hoặc cố gắng để chẩn đoán một bệnh khác. Tuy nhiên, khi các triệu chứng xuất hiện có thể bao gồm:
- Chảy máu từ trực tràng: Máu có thể dính trên đồ lót hoặc giấy vệ sinh sau khi đi cầu. Đây có thể là một dấu hiệu của polyp đại tràng hoặc ung thư hoặc các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh trĩ hay nứt hậu môn.
- Thay đổi thói quen đại tiện: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn một tuần có thể chỉ ra sự hiện diện của một polyp to ở đại tràng. Tuy nhiên, một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra những thay đổi trong thói quen đi cầu.
- Thay đổi màu phân: Máu có thể biểu hiện thành những vệt đỏ trong phân hoặc làm cho phân có màu đen. Một sự thay đổi về màu sắc cũng có thể gây ra bởi các loại thực phẩm, thuốc men.
- Đau, buồn nôn hoặc nôn (hiếm): Một polyp đại tràng lớn có thể gây cản trở đường ruột, dẫn đến quặn đau bụng, buồn nôn và ói mửa (tắc ruột).
- Thiếu máu: Chảy máu từ polyp có thể xảy ra từ từ theo thời gian mà không thể nhìn thấy máu trong phân. Chảy máu mạn tính gây thiếu sắt để sản xuất các chất cho phép hồng cầu mang oxy đến cơ thể của bạn (hemoglobin). Kết quả là thiếu máu do thiếu sắt, có thể làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi và khó thở.
Đi ngoài thấy có máu lẫn với phân cháu cần nội soi đại tràng mới xác định được có polyp đại tràng hay không. Cháu nên đến bệnh viện để được tư vấn thêm.
Tuy nhiên, để giúp người bệnh có thêm thông tin tham khảo, dưới đây là phần giải đáp chi tiết về dấu hiệu polyp đại tràng và cách điều trị.
1. Polyp đại tràng là gì?
Polyp là những khối u lồi lên trong đại trực tràng hình thành do sự tăng sinh không kiểm soát của niêm mạc đại trực tràng. Thực tế, nhiều khối u khác cũng có hình dạng giống polyp như u cơ hay u mỡ…nhưng chúng không phải polyp.
Thuật ngữ "polyp" được dùng chung để chỉ bất kỳ khối u nào nhô ra từ bề mặt đại trực tràng. Hầu hết các polyp là u lành tính nhưng một tỷ lệ nhỏ trong số lại có khả năng tiến triển thành ung thư đại tràng gây tử vong. Do đó, nếu có polyp đại tràng, việc đặt lịch khám định kỳ để theo dõi thường xuyên là rất cần thiết.
2. Dấu hiệu polyp đại tràng
Các triệu chứng polyp đại tràng thường không rõ rệt cho đến khi bệnh nhân được khám y tế. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của polyp đại tràng, nhiều người lại nhầm lẫn với các vấn đề tiêu hóa khác. Vì vậy, để giảm thiểu khả năng bỏ sót bệnh, người bệnh nên đi kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt nếu gặp phải những dấu hiệu polyp đại tràng sau đây:
- Chảy máu trực tràng.
- Phân có màu bất thường.
- Thay đổi thói quen đi tiêu.
- Đau bụng.
- Thiếu máu.

3. Các cách điều trị bệnh
Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp tùy theo loại polyp đại tràng được phát hiện.
- Cắt polyp đại tràng khi nội soi: Khi thực hiện nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ sử dụng thòng lọng hoặc kẹp để loại bỏ polyp. Nếu polyp có kích thước lớn không thể cắt bằng phương pháp trên, bác sĩ sẽ tiêm một chất lỏng vào dưới polyp để nâng cao và cô lập khỏi các mô xung quanh trước khi thực hiện cắt…Tùy thuộc vào kích thước của polyp, bác sĩ sẽ áp dụng các kỹ thuật khác nhau để cắt.
- Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu: Những polyp đại tràng có kích thước quá lớn hoặc không thể loại bỏ an toàn trong lúc nội soi thì phẫu thuật xâm lấn tối thiểu sẽ được sử dụng. Trong trường hợp này, một dụng cụ phẫu thuật nội soi sẽ được đưa vào ổ bụng để cắt bỏ phần ruột có polyp.
- Cắt bỏ đại tràng: Trong trường hợp người bệnh bị tình trạng di truyền như polyposis tuyến gia đình, phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng sẽ cần thiết.
Các polyp đại tràng sau khi đã được cắt bỏ sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm mô bệnh học để tiến hành phân tích mẫu mô, từ đó đánh giá mức độ nghịch sản của polyp và kiểm tra xem có tế bào u còn lại ở bờ cắt hay không.
Ngoài ra, nếu đã từng mắc polyp đại tràng, nguy cơ tái phát polyp trong tương lai là khá cao. Vì vậy, trong quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ được khuyến cáo thực hiện các xét nghiệm sàng lọc định kỳ.
Thời gian và tần suất xét nghiệm sẽ được quyết định dựa vào số lượng, kích thước và kết quả phân tích kết hợp các yếu tố nguy cơ liên quan. Cụ thể:
- Từ 5 đến 10 năm: Nếu có từ 1 đến 2 polyp tuyến nhỏ.
- Từ 3 đến 5 năm: Nếu có từ 3 đến 4 polyp tuyến.
- Trong vòng 3 năm: Nếu có từ 5 đến 10 polyp tuyến, polyp có kích thước lớn hơn 10mm hoặc có các loại polyp tuyến đặc biệt.
- Trong khoảng từ 6 tháng đến 1 năm: Khi có hơn 10 polyp tuyến, 1 khối u lớn hoặc những polyp tuyến cần phải phẫu thuật cắt bỏ từng phần.
4. Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh polyp đại tràng, biện pháp tốt nhất là thường xuyên tầm soát và loại bỏ polyp. Thêm vào đó, mọi người cũng có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nhờ các thói quen lành mạnh sau:
- Bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày nhiều trái cây, rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc chứa nhiều chất xơ.
- Giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh, vóc dáng cân đối. Nếu thừa cân hoặc béo phì, người bệnh cần giảm trọng lượng cơ thể.
- Hạn chế tiêu thụ các loại thịt đỏ như thịt bò, lợn, dê, cừu,...
- Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn và vừa sức mỗi ngày.
- Trán lạm dụng thuốc lá và bia rượu.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung canxi và vitamin D hoặc sử dụng aspirin đều đặn để giảm nguy cơ ung thư đại tràng.
Nhìn chung, việc phát hiện và điều trị polyp đại tràng kịp thời sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ phát triển thành ung thư đại tràng. Ngoài ra, duy trì lối sống lành mạnh và thực hiện tầm soát định kỳ khi nghi ngờ bản thân xuất hiện dấu hiệu polyp đại tràng là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.