Lá trầu không chữa xương khớp có hiệu quả hay không?

Mục lục

Lá trầu không chữa xương khớp là một bài thuốc dân gian được lưu truyền từ lâu đời. Nhờ các thành phần dược liệu quý giá, lá trầu không có khả năng giảm viêm, giảm đau nhức hiệu quả, đặc biệt hữu ích trong các trường hợp viêm khớp, đau lưng, mỏi gối. Ngoài ra, lá trầu không còn giúp tăng cường tuần hoàn máu và hỗ trợ phục hồi các tổn thương ở khớp.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tìm hiểu về lá trầu không

Cây trầu không (Piper betle) là loại cây thân leo thuộc họ Hồ tiêu. Lá trầu không không chỉ được sử dụng làm thực phẩm mà còn được coi là một loại thảo dược nhờ vị cay, thơm, nồng, tính ấm, cùng khả năng sát khuẩn và hỗ trợ giảm đau nhức.

Lá trầu không chứa nhiều thành phần hóa học có lợi như:

  • Tinh dầu thơm: Có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm.
  • Chavicol, eugenol, methyl eugenol: Giúp khử trùng và làm dịu viêm nhiễm.
  • Betel-phenol, allylcatechol: Chống oxy hóa, bảo vệ tế bào.
  • Tanin và acid amin: Hỗ trợ lành vết thương.
  • Vitamin và chavibetol: Tăng cường sức khỏe tổng thể.

Với các đặc tính trên, trầu không thường được sử dụng trong y học cổ truyền để khử trùng, giảm viêm và hỗ trợ điều trị một số bệnh lý.

2. Lá trầu không chữa xương khớp có hiệu quả không?

Trong lá trầu không có nhiều hợp chất kháng khuẩn và chống viêm, giúp giảm sưng tấy và đau nhức. Khi được bôi tại chỗ, lá trầu không có thể làm dịu các triệu chứng sưng và đau do các bệnh về xương khớp.

Trong y học cổ truyền, lá trầu không được xem là thảo dược có vị cay, tính ấm, thường dùng để:

  • Giảm đau nhức xương khớp.
  • Hỗ trợ tuần hoàn máu tại vùng bị viêm.
  • Làm dịu các triệu chứng thoái hóa cột sống ở mức độ nhẹ. 
Nếu bôi lá trầu không tại chỗ thì có thể giảm triệu chứng đau và sưng tấy do các bệnh liên quan đến xương khớp.
Nếu bôi lá trầu không tại chỗ thì có thể giảm triệu chứng đau và sưng tấy do các bệnh liên quan đến xương khớp.

3. Các bài thuốc dân gian với lá trầu không chữa xương khớp  

3.1 Lá trầu không đắp lên vùng đau xương khớp

Cách sử dụng lá trầu không chữa xương khớp được thực hiện đơn giản như sau:

  • Chuẩn bị lá trầu không và dầu dừa.
  • Giã nát lá trầu không, vắt lấy nước, sau đó trộn nước thu được với dầu dừa và đắp lên vùng bị đau nhức xương khớp.

3.2 Lá trầu không ép lấy nước để liền vết thương

Hướng dẫn sử dụng lá trầu không để liền vết thương như sau:

  • Chuẩn bị vài lá trầu không, rửa sạch.
  • Vắt lá trầu không lấy nước cốt để rửa vết thương, sau đó dùng lá trầu không sạch để băng kín vết thương, ngăn ngừa nhiễm trùng.

3.3 Kết hợp lá trầu không với giấm chữa chấn thương

Hướng dẫn sử dụng lá trầu không để chữa chấn thương xương khớp như sau:

  • Chuẩn bị vài lá trầu không và một ít giấm.
  • Giã nhuyễn lá trầu không cùng với giấm, sau đó đắp hỗn hợp lên vùng bị sưng. 
Một trong những cách dùng lá trầu không chữa xương khớp là kết hợp lá trầu không với giấm.
Một trong những cách dùng lá trầu không chữa xương khớp là kết hợp lá trầu không với giấm.

3.4 Lá trầu không kết hợp với phèn chua điều trị nhiễm khuẩn

Hướng dẫn sử dụng lá trầu không để điều trị nhiễm khuẩn như sau:

  • Chuẩn bị vài lá trầu không và 4g phèn chua.
  • Đun sôi lá trầu không trong 1 lít nước pha với 4g phèn chua, sau đó dùng dung dịch để rửa vết thương.

3.5 Kết hợp lá trầu không và nước dừa chữa xương khớp

Các tinh dầu trong lá trầu không như eugenol và chavicol, có tác dụng chống viêm, giúp phục hồi khớp bị tổn thương. Dưới đây là cách sử dụng lá trầu không và nước dừa để chữa trị các vấn đề xương khớp:

  • Chuẩn bị 6 lá trầu không lớn hoặc 8 lá nhỏ, rửa sạch, để ráo nước và thái lát nhỏ.
  • Sử dụng 1 trái dừa xiêm tươi, bỏ phần gáo dừa, thêm lá trầu không đã thái lát vào trái dừa.
  • Bọc kín trái dừa bằng màng bọc thực phẩm và để trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm.
  • Buổi sáng sau khi thức dậy, lọc lấy phần nước dừa, bỏ lá trầu không
  • Uống khi bụng đói hoặc trước khi ăn sáng 1 tiếng. Sử dụng liên tục trong 1 tháng để giảm các cơn đau nhức. Có thể thêm một chút muối để tránh lạnh bụng. 
Bệnh nhân cũng có thể kết hợp lá trầu không và nước dừa để chữa bệnh xương khớp.
Bệnh nhân cũng có thể kết hợp lá trầu không và nước dừa để chữa bệnh xương khớp.

3.6 Bài thuốc trị phong thấp từ lá trầu không kết hợp lá lốt và cây xấu hổ

Theo y học dân gian, bài thuốc từ lá trầu không, lá lốt và cây xấu hổ có thể kiểm soát cơn đau nhức xương khớp cùng tình trạng phong thấp. Dưới đây là các cách thực hiện:

  • Bài thuốc số 1: Chuẩn bị 15-20g lá trầu không, lá lốt và cây xấu hổ, phơi khô và sau đó đem sắc nước để uống. Uống mỗi ngày một lần.
  • Bài thuốc số 2: Chuẩn bị các loại lá trầu không, lá lốt, cây xấu hổ với số lượng như nhau, rửa sạch, phơi khô và sao vàng. Khi sử dụng, lấy một lượng vừa đủ hãm với nước trong 20 phút và uống thay trà hàng ngày.
  • Bài thuốc số 3: Dùng lượng vừa đủ các loại lá trầu không, lá lốt và cây xấu hổ, sắc thành thuốc, thêm một ít muối ăn rồi ngâm chân trong 20-30 phút mỗi ngày để kiểm soát cơn đau nhức xương khớp.

Lưu ý: Khi sơ chế cây xấu hổ, bệnh nhân cần bỏ hạt để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

4. Những lưu ý khi sử dụng lá trầu không điều trị bệnh xương khớp

  • Chỉ sử dụng cho các triệu chứng nhẹ và vừa: Bài thuốc từ lá trầu không chữa xương khớp chỉ thích hợp cho các trường hợp có triệu chứng nhẹ hoặc bệnh mới khởi phát, chưa có biến chứng.  
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng: Lá trầu không có thể gây hại nếu bệnh nhân sử dụng sai cách hoặc sai mục đích. Trước khi dùng lá trầu không chữa xương khớp, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
  • Không thay thế thuốc điều trị: Không nên lạm dụng các bài thuốc từ lá trầu không vì loại cây này chỉ có hiệu quả khi triệu chứng mới khởi phát và không thể thay thế thuốc điều trị bệnh.
  • Kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý: Bên cạnh việc sử dụng lá trầu không, người bệnh nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, thực hiện các bài tập thể dục phù hợp với thể lực và nghỉ ngơi đầy đủ để nâng cao hiệu quả điều trị.

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, lá trầu không chứa nhiều tinh dầu và các hợp chất chống viêm, có tác dụng ức chế các enzyme gây viêm, từ đó làm giảm tình trạng sưng đau ở khớp. Tuy nhiên, lá trầu không chữa xương khớp chỉ là phương pháp hỗ trợ và hiệu quả có thể thay đổi tùy theo từng người. Vì vậy, trước khi sử dụng, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn và kết hợp với các phương pháp điều trị phù hợp nhất. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ