Các triệu chứng của bệnh trĩ gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, các triệu chứng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm các biểu hiện của bệnh trĩ và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.
Bài viết được viết bởi THs, BS Nguyễn Ngọc Khánh - Trưởng Đơn nguyên Ngoại tiêu hóa - Tiết niệu - Phẫu thuật Robot & Ngoại Nhi, Bệnh viện Vinmec Times City.
1. Nhận biết 4 triệu chứng bệnh trĩ phổ biến
Theo quan niệm cổ điển, bệnh trĩ là tình trạng giãn nở tĩnh mạch ở vùng hậu môn và trực tràng. Dưới đây là 4 triệu chứng của bệnh trĩ phổ biến:
- Đi ngoài ra máu: Ra máu khi đi đại tiện (thường là máu đỏ tươi) là triệu chứng của bệnh trĩ phổ biến nhất và là lý do khiến bệnh nhân tìm đến các cơ sở y tế. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp trĩ đều có triệu chứng này. Nhiều người bị trĩ nhưng không gặp phải tình trạng ra máu. Do đó, việc đi ngoài ra máu có thể là dấu hiệu cảnh báo đáng lo ngại về sức khỏe tiêu hóa nhưng không chắc chắn đó là trĩ.
- Có cảm giác nặng tức ở hậu môn, mót rặn.
- Đau rát hậu môn: Cảm giác này có thể chỉ xuất hiện chủ yếu trong và sau khi đi vệ sinh, nhưng cũng có thể kéo dài âm ỉ suốt cả ngày, đặc biệt là khi ngồi, gây ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
- Đi ngoài thấy búi trĩ sa ra ngoài hậu môn: Búi trĩ có thể tự thụt vào trong (ở độ 1, 2), hoặc cần phải dùng tay đẩy vào (ở độ 3) hoặc không thể đẩy vào trong ống hậu môn (ở độ 4). Trĩ ở độ 1 và 2 thường ít gây phiền toái hơn, trong khi trĩ độ 3 gây khó chịu khi đi lại và làm việc nặng. Biểu hiện của bệnh trĩ độ 4 gây bất tiện lớn trong các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân.

Các triệu chứng của bệnh trĩ thường xuất hiện trong giai đoạn đầu nhưng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở hậu môn. Khi nhận thấy các biểu hiện của bệnh trĩ, bệnh nhân không nên chủ quan mà cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được khám và chẩn đoán kịp thời.
2. Phương pháp điều trị triệu chứng của bệnh trĩ hiệu quả
Có nhiều phương pháp điều trị các biểu hiện của bệnh trĩ, tuy nhiên đây là căn bệnh phổ biến và khó chữa dứt điểm. Một số phương pháp điều trị các triệu chứng của bệnh trĩ có thể kể đến bao gồm:
2.1. Sinh hoạt và ăn uống
Chế độ vệ sinh và sinh hoạt rất quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh trĩ và ngăn ngừa tái phát. Cần tránh ngồi hoặc đứng quá lâu ở một tư thế. Chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng, giúp ngăn ngừa táo bón và tiêu chảy, từ đó giúp phòng tránh bệnh trĩ và giảm nguy cơ tái phát. Các biểu hiện của bệnh trĩ sẽ khó thuyên giảm hoàn toàn nếu không tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt nghiêm ngặt.

2.2. Điều trị qua thuốc
Các loại thuốc trị bệnh trĩ có tác dụng toàn thân có thể sử dụng gồm Aflon 500mg, trong khi thuốc tại chỗ có thể là Proctolog dưới dạng viên đặt hậu môn hoặc kem bôi.
2.3. Điều trị trĩ qua phương pháp thủ thuật
Các thủ thuật phổ biến như tiêm xơ, thắt vòng cao su, quang đông hồng ngoại, nước sôi…
Ưu điểm:
- Đơn giản, nhanh chóng, ít gây đau đớn.
- Có thể thực hiện ngoại trú, chi phí thấp, ít ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt.
- Hiệu quả điều trị cao, đạt từ 70% đến 90%.
- Các phương pháp này thường phù hợp với các biểu hiện của bệnh trĩ độ 1 và độ 2.
Nhược điểm:
- Hiệu quả điều trị triệt để không cao.
- Phương pháp này không phù hợp với các trường hợp có các biểu hiện của bệnh trĩ như trĩ lớn, sa lâu ngày hoặc có kết hợp sa niêm mạc trực tràng.
- Ngoài ra, không thể thu thập bệnh phẩm để thực hiện xét nghiệm giải phẫu bệnh lý.

2.4. Điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp ngoại khoa (phẫu thuật)
2.4.1. Cắt trĩ
Đây là các phương pháp phẫu thuật cắt trực tiếp vào búi trĩ, thường được áp dụng cho các trường hợp có biểu hiện của bệnh trĩ ngoại không thể đẩy vào.
Đặc điểm:
- Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể cảm thấy đau và thời gian hồi phục khá lâu. Tuy nhiên, Vinmec có khoa giảm đau sau phẫu thuật hiệu quả, giúp giảm bớt sự khó chịu cho bệnh nhân.
- Phẫu thuật sẽ để lại vết thương.
- Bệnh nhân cần nằm viện một ngày để theo dõi.
2.4.2. Treo trĩ
Phương pháp này không cắt trực tiếp búi trĩ mà thay vào đó là kéo các búi trĩ sa trở lại vào trong hậu môn. Phương pháp này cũng đã có một số biến thể cải tiến. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến bao gồm: phương pháp Longo và khâu treo triệt mạch trĩ.
Ưu điểm:
- Phẫu thuật bằng phương pháp Longo nhanh chóng và có tính thẩm mỹ cao.
- Không gây đau đớn.
- Giảm nguy cơ biến chứng như hẹp hậu môn hay chảy dịch do đóng hậu môn không kín.
Nhược điểm:
- Thời gian phẫu thuật với phương pháp khâu treo triệt mạch trĩ lâu hơn, khoảng 1 giờ.
- Chi phí phẫu thuật của phương pháp Longo cao.
3. Vì sao nên lựa chọn khoa ngoại tiêu hóa của vinmec times city để điều trị các triệu chứng của bệnh trĩ?
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều bệnh nhân lại chọn lựa và tin tưởng điều trị tại khoa Ngoại tiêu hóa của Vinmec Times City, vì tại đây sở hữu những yếu tố sau:
- Trang thiết bị hiện đại, tiên tiến tại đây không thua kém các bệnh viện công uy tín.
- Đội ngũ y bác sĩ tại đây giàu kinh nghiệm, nhiệt tình và tận tâm với bệnh nhân. Khi đến khám và chẩn đoán bệnh, bệnh nhân sẽ được thăm khám trực tiếp bởi các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, giúp đánh giá chính xác tình trạng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho các triệu chứng trĩ.
- Sở hữu các phương pháp phẫu thuật không gây đau đớn, mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân.
- Cam kết chất lượng điều trị, giải quyết triệt để các triệu chứng của trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp trong thời gian hợp lý.

Bệnh trĩ là một tình trạng phổ biến, làm giảm chất lượng cuộc sống nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh trĩ và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp giảm thiểu biến chứng và cải thiện sức khỏe hiệu quả. Hãy chủ động tìm hiểu kỹ về bệnh trĩ là gì và luôn chú ý đến những dấu hiệu bệnh trĩ để điều trị sớm nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.