Lưu ý cho trẻ bú và ăn dặm ở giai đoạn 6-12 tháng

Cơ thể trẻ nhỏ luôn cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng mỗi ngày để có thể phát triển khỏe mạnh, thông minh và cứng cáp. Ở giai đoạn từ 6 – 12 tháng tuổi, bé đang phát triển một cách nhanh chóng, do đó cơ thể cũng cần được nạp nhiều năng lượng và dưỡng chất hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong đời.

1. Thức ăn dặm đầu tiên cho bé

Mặc dù trẻ đã được 6 tháng tuổi và có thể cho bé tập làm quen dần với thức ăn đặc, tuy nhiên sữa mẹ lúc này vẫn là một nguồn dinh dưỡng không thể thiếu đối với bé. Ngoài sữa mẹ, thức ăn đặc giúp đáp ứng nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng ngày càng tăng của trẻ.

Sau khi trẻ bú mẹ hoặc ở giữa các lần bú, mẹ có thể cho bé ăn một số thức ăn dặm đầu tiên để thúc đẩy trẻ tiếp tục bú mẹ nhiều nhất có thể. Khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, bạn cần chú ý vệ sinh sạch sẽ tay chân cho bé, vì vi khuẩn có thể xâm nhập từ tay vào miệng khi trẻ bốc thức ăn. Ngoài ra, trong quá trình chế biến thức ăn, bạn cũng cần phải đảm bảo rửa tay kỹ lưỡng để tránh lây bệnh cho bé.

Sáu tháng tuổi là thời điểm bé bắt đầu tập nhai, chính vì vậy thức ăn dặm đầu tiên cho bé cần phải mềm và dễ nuốt. Ví dụ như cháo, trái cây hoặc rau đã được nghiền kỹ. Khi nấu cháo cho bé, bạn cần nấu đặc, tránh cho quá nhiều nước, vì Có thể không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.

Bên cạnh đó, bạn nên cho trẻ ăn nếu nhận thấy trẻ đang có dấu hiệu đói. Ví dụ như hành động cho ngón tay lên miệng, hay còn gọi là mút tay. Sau khi rửa tay sạch sẽ, hãy bắt đầu bằng cách cho bé ăn chỉ từ 2 – 3 thìa thức ăn mềm vào khoảng 2 lần một ngày. Sở dĩ, không nên cho bé ăn quá nhiều vì dạ dày trẻ vẫn còn nhỏ để có thể tiêu hoá kịp thức ăn.

Lần đầu tập ăn dặm, bé có thể cảm thấy ngạc nhiên và thích thú với hương vị mới lạ của món ăn ngoài sữa mẹ. Các bà mẹ nên cho con một khoảng thời gian nhất định để bé có thể tự thích nghi và làm quen dần với những loại thức ăn và hương vị mới này. Ngoài ra, bạn cũng nên kiên nhẫn và đừng ép bé ăn, đồng thời để ý các dấu hiệu cho thấy trẻ đã no.


Thức ăn dặm cho trẻ cần loãng và mềm
Thức ăn dặm cho trẻ cần loãng và mềm

2. Nên cho trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi ăn dặm như thế nào?

Bạn nên cho trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi ăn khoảng nửa chén thức ăn mềm từ 2 – 3 lần trong một ngày. Bé có thể ăn bất kỳ loại thực phẩm nào, trừ mật ong, vì có thể gây ngộ độc cho trẻ dưới 1 tuổi. Từ 12 tháng tuổi trở lên, mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn thêm các bữa ăn nhẹ lành mạnh với trái cây nghiền. Mặc dù trẻ đã biết ăn thức ăn đặc nhưng vẫn nên cung cấp tiếp cho trẻ nguồn sữa mẹ để đảm bảo con nhận được đầy đủ dưỡng chất.


Trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi tuyệt đối không nên cho ăn mật ong
Trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi tuyệt đối không nên cho ăn mật ong

3. Nên cho trẻ từ 9 – 11 tháng tuổi ăn dặm như thế nào?

Trẻ 9 – 11 tháng tuổi có thể ăn nửa chén thức ăn từ 3 – 4 lần trong một ngày, cộng thêm một bữa ăn nhẹ lành mạnh. Vào giai đoạn này, có thể cắt thức ăn mềm cho bé thành những miếng nhỏ, thay vì nghiền mịn chúng. Bé thậm chí có thể bắt đầu tự xúc thức ăn bằng chính tay mình. Tuy nhiên, các mẹ vẫn nên lưu ý cho trẻ bú vào bất cứ khi nào mà bé thấy đói.

Mỗi bữa ăn cần đảm bảo cho bé có hứng thú khi ăn, thức ăn cần giàu năng lượng cũng như chất dinh dưỡng. Bên cạnh khoai tây và ngũ cốc, bạn nên cho bé ăn thêm rau và trái cây, các loại hạt và đậu, cùng với một lượng nhỏ dầu hoặc mỡ giàu năng lượng. Đặc biệt là thức ăn từ động vật, chẳng hạn như trứng, sữa, cá, thịt và gia cầm. Việc bổ sung những loại thực phẩm này vào mỗi ngày sẽ giúp bé có cơ hội tốt nhất để nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể phát triển.

Trong trường hợp trẻ không chịu ăn thức ăn mới hoặc phun nhổ thức ăn ra ngoài, tốt nhất bạn không nên cố gắng ép trẻ tiếp tục ăn mà nên thử lại vào khoảng một vài ngày sau. Hoặc cũng có thể thử trộn thức ăn của bé với một loại thức ăn khác mà bé yêu thích, chẳng hạn như vắt sữa mẹ lên trên thức ăn.


Ở giai đoạn từ 9 – 11 tháng tuổi trẻ có thể ăn được trái cây
Ở giai đoạn từ 9 – 11 tháng tuổi trẻ có thể ăn được trái cây

4. Cách nuôi con ngoài sữa mẹ

Nếu không cho trẻ bú sữa mẹ thì bé cần được ăn thường xuyên hơn. Lúc này trẻ sẽ cần đến nhiều loại thực phẩm khác, bao gồm cả các sản phẩm từ sữa, để có thể nhận được tất cả các chất dinh dưỡng mà cơ thể bé cần.

Đối với trẻ không bú sữa mẹ, bạn cũng nên bắt đầu cho trẻ tập ăn thức ăn đặc vào khoảng 6 tháng tuổi, tương tự như nhu cầu của trẻ bú mẹ. Nên cho trẻ ăn từ 2 – 3 thìa thức ăn mềm trong những lần ăn đầu tiên và ăn khoảng 4 lần một ngày. Điều này sẽ giúp cung cấp cho trẻ những dưỡng chất quan trọng mà không cần sữa mẹ.

Từ 6 – 8 tháng tuổi, bé sẽ ăn khoảng nửa chén thức ăn mềm khoảng 4 lần một ngày và thêm một bữa ăn nhẹ lành mạnh khác. Bước sang giai đoạn từ 9 – 11 tháng tuổi, tần suất ăn của trẻ sẽ tăng lên từ 4 – 5 lần một ngày, cộng với hai bữa ăn nhẹ lành mạnh khác.

Một chế độ dinh dưỡng hoàn hảo cùng cách nuôi dạy trẻ tốt sẽ giúp bé phát triển toàn diện cũng như hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Vì thế, sẽ tùy theo từng giai đoạn mà cha mẹ cần đưa ra cho con những chế độ ăn khác nhau sao cho phù hợp nhất với độ tuổi của bé.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: unicef.org - parents.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe