Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi

Mục lục

Chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối không chỉ đòi hỏi kiến thức y khoa mà còn cần sự thấu hiểu, tận tâm và tình yêu thương từ gia đình, nhân viên y tế. Ở giai đoạn này, việc chăm sóc tập trung vào giảm nhẹ đau đớn, cải thiện chất lượng cuộc sống và hỗ trợ tinh thần để giúp người bệnh vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ Lê Thị Nhã Hiền - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

1. Tổng quan về ung thư phổi

Ung thư phổi là tình trạng các tế bào tại phế quản và phổi tăng sinh một cách bất thường, không kiểm soát, dẫn đến sự hình thành các khối u ác tính. Theo thời gian, kích thước của khối u ngày càng lớn, đồng thời có khả năng lan rộng sang các cơ quan khác trong cơ thể. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, không chỉ phổ biến ở nam giới mà phụ nữ cũng có nguy cơ cao mắc phải.

Ung thư phổi là một bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao. Tại Việt Nam, bệnh chiếm 12,4% tổng số ca ung thư, với khoảng 26.000 ca mắc mới mỗi năm và hơn 20.000 ca tử vong. Đặc biệt, có tới 70% các trường hợp ung thư phổi chỉ được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn cuối, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Vậy ung thư phổi giai đoạn cuối có biểu hiện gì?

2. Dấu hiệu từng giai đoạn của ung thư phổi  

Các dấu hiệu của ung thư phổi bao gồm:

  • Ở giai đoạn sớm: Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, khiến việc phát hiện sớm gặp nhiều khó khăn.
  • Dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn cuối: Các triệu chứng phổ biến bao gồm ho khan, ho có đờm, ho ra máu, đau ngực và khó thở, cùng một số biểu hiện khác tùy theo mức độ tiến triển của bệnh.
  • Khối u ở đỉnh phổi: Có thể gây ra những triệu chứng đặc biệt như đau vai, đau cổ, đau tai, sụp mí mắt và yếu hoặc liệt tay.

Những dấu hiệu trên cũng có thể xuất phát từ các vấn đề sức khỏe khác ngoài ung thư phổi. Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng này, người bệnh cần đi khám sớm để được bác sĩ đánh giá và tư vấn chính xác.

Giai đoạn cuối của ung thư phổi là giai đoạn nặng nhất, với nguy cơ tử vong rất cao. Trong giai đoạn này, cả bệnh nhân và người thân đều phải đối mặt với nhiều lựa chọn điều trị khó khăn. Do đó, không chỉ người bệnh mà cả gia đình cũng cần trang bị kiến thức đầy đủ về ung thư phổi. Việc hiểu biết sâu về bệnh sẽ giúp người thân chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối hiệu quả hơn, hỗ trợ cải thiện sức khỏe người bệnh và giảm bớt những thách thức trong quá trình điều trị.

3. Những nguyên nhân gây ung thư phổi

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến ung thư phổi:

  • Thói quen hút thuốc lá: Thống kê cho thấy, 90% các trường hợp ung thư phổi có liên quan trực tiếp đến việc hút thuốc lá. Ngoài ra, 4% trường hợp khác bắt nguồn từ việc hít phải khói thuốc lá một cách thụ động từ những người xung quanh.
  • Môi trường sống và làm việc ô nhiễm: Nguy cơ mắc ung thư phổi tăng cao khi người bệnh sinh sống hoặc làm việc trong môi trường chứa nhiều khói bụi, hóa chất độc hại, hoặc các tác nhân gây ung thư khác.
  • Yếu tố di truyền: Các đột biến gen di truyền có thể làm tăng nguy cơ hình thành các khối u ác tính ở phổi. Nguy cơ này càng tăng cao nếu người bệnh có thói quen hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất gây ung thư. Ngoài ra, tiền sử gia đình cũng là một yếu tố quan trọng; những người có bố mẹ hoặc anh chị em từng mắc ung thư phổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Xạ trị vùng ngực: Việc từng trải qua xạ trị vùng ngực để điều trị một loại ung thư khác có thể làm tăng nguy cơ phát triển các khối u ác tính ở phổi.  
Chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối khi có các triệu chứng ho, khó thở.
Chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối khi có các triệu chứng ho, khó thở.

4. Các triệu chứng ung thư phổi giai đoạn cuối

4.1 Các triệu chứng cảnh báo khi có khối u trong phổi

  • Ho kéo dài, dai dẳng và không xác định được nguyên nhân rõ ràng.
  • Triệu chứng khó thở ngày càng nặng hơn, ngay cả khi không vận động nhiều.
  • Ho kèm theo máu là dấu hiệu cảnh báo sớm và cần được chú ý ngay lập tức.
  • Cảm giác đau hoặc tức vùng ngực, đau vai, đau lưng và cánh tay có thể xuất hiện liên tục mà không liên quan đến hoạt động thể chất hay vận động mạnh.
  • Khàn tiếng.
  • Nhiễm trùng hô hấp kéo dài hoặc tái phát nhiều lần.

4.2 Các triệu chứng ung thư phổi giai đoạn cuối

Khi khối u đã lan rộng sang các cơ quan khác, triệu chứng ung thư phổi giai đoạn cuối mà người bệnh gặp phải như sau:

  • Di căn đến não: Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, thay đổi thị lực hoặc xuất hiện các cơn co giật.
  • Di căn đến gan: Biểu hiện phổ biến là tình trạng vàng da.
  • Di căn vào xương: Thường gây ra cảm giác đau ở vùng hông, lưng hoặc xương sườn.
  • Di căn đến thực quản: Có thể dẫn đến tình trạng khó nuốt.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể xuất hiện các triệu chứng toàn thân khác như chán ăn, mệt mỏi, sụt cân hoặc tăng cân bất thường mà không rõ nguyên nhân.

5. Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối

Chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ bệnh nhân đối mặt với bệnh tật. Việc chăm sóc hiệu quả không chỉ giúp giảm áp lực tâm lý, cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn góp phần kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Dưới đây là những điểm cần lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối:

5.1 Chăm sóc tại nhà

Việc chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối thường được tiến hành tại nhà do tình trạng sức khỏe của bệnh nhân suy yếu, hiệu quả điều trị không còn cao hoặc theo mong muốn của bệnh nhân và gia đình. Chăm sóc tại nhà mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu cho bệnh nhân, đồng thời giúp giảm bớt áp lực tâm lý. Người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý thực hiện những công việc sau.

5.1.1 Giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống

Khi mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, cơ thể người bệnh thường trải qua nhiều thay đổi nghiêm trọng. Khối u phát triển và di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể, dẫn đến các triệu chứng như ho kéo dài, khó thở do khối u phát triển lớn và gây chèn ép lên các cơ quan nội tạng xung quanh.

Để chăm sóc người bệnh hiệu quả trong giai đoạn này, cần đặc biệt lưu ý các vấn đề sau:

  • Đối với trường hợp bệnh nhân ho nhiều không ngừng, hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay lập tức để được khám và điều trị kịp thời. Điều này giúp tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của bệnh nhân.
  • Đảm bảo bệnh nhân uống đủ nước, giúp giảm cảm giác khó chịu ở cổ họng và hỗ trợ làm dịu cơn ho.
  • Thay đổi tư thế nằm phù hợp để bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn, giúp giảm áp lực và hỗ trợ quá trình hô hấp.
  • Trong trường hợp bệnh nhân gặp khó khăn khi hô hấp, có thể cân nhắc sử dụng bình oxy tại nhà để hỗ trợ, cải thiện khả năng hô hấp.
  • Khi xuất hiện dấu hiệu tràn dịch màng phổi, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Người mắc ung thư phổi thường phải đối mặt với những cơn đau kéo dài và ở mức độ nghiêm trọng. Trong tình huống này, người chăm sóc cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị để được tư vấn và lựa chọn phương pháp giảm đau phù hợp.

Các loại thuốc thường được sử dụng để giảm đau bao gồm: Paracetamol, Ibuprofen, Aspirin, Morphine, Elavil, Pamelor, Norpramin và Corticosteroid. Tuy nhiên, việc sử dụng những loại thuốc này cần tuân thủ theo chỉ định hoặc hướng dẫn của bác sĩ nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Nếu bệnh nhân xuất hiện các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc giảm đau, người chăm sóc phải thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để được xử lý kịp thời, tránh các biến chứng không mong muốn.

5.1.2 Hỗ trợ sinh hoạt cho người bệnh

Người thân có thể hỗ trợ bệnh nhân trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt đối với những bệnh nhân không còn khả năng tự chăm sóc bản thân. Người chăm sóc cần chú ý đến vệ sinh cá nhân của bệnh nhân, đảm bảo cơ thể luôn sạch sẽ, đồng thời hỗ trợ hút dịch đờm khi cần thiết để cải thiện hô hấp và tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo phòng ở của bệnh nhân luôn sạch sẽ, thoáng khí và đầy đủ ánh sáng. Việc giữ môi trường sống trong lành không chỉ giúp ngăn ngừa các yếu tố gây hại cho sức khỏe mà còn mang lại cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân.

Khuyến khích bệnh nhân ngồi dậy, vận động nhẹ nhàng và hít thở không khí trong lành để cải thiện lưu thông máu và duy trì sức khỏe tốt hơn. Điều này cũng giúp bệnh nhân tránh được các tác động tiêu cực của việc nằm nhiều, chẳng hạn như nguy cơ loét da hoặc suy giảm chức năng phổi. Đồng thời, các hoạt động này còn góp phần cải thiện tinh thần, giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái và lạc quan hơn trong quá trình điều trị.

5.1.3 Chăm sóc tinh thần

Bệnh nhân ung thư phổi, ngoài việc phải chịu đựng các cảm giác đau đớn, khó chịu và mệt mỏi, còn phải đối mặt với những vấn đề tâm lý như căng thẳng, áp lực và nguy cơ trầm cảm. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối, người thân cần không chỉ chú ý đến việc chăm sóc thể chất, mà còn phải quan tâm đến tinh thần của họ.

Để hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân, người thân nên thường xuyên trò chuyện và đồng hành, cũng như thực hiện những hoạt động mà bệnh nhân yêu thích. Những việc làm này có thể giúp bệnh nhân cảm thấy được khích lệ, giảm bớt áp lực tâm lý và mang lại sự thoải mái trong cuộc sống hằng ngày.

5.2 Chăm sóc tại bệnh viện

Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân ung thư phổi sẽ được đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc toàn diện. Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối sẽ bao gồm:

  • Lập và thực hiện phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
  • Sử dụng các thiết bị y tế hỗ trợ đường thở để cải thiện khả năng hô hấp.
  • Hút dịch phổi và dẫn lưu màng phổi nhằm giảm tích tụ dịch và giảm áp lực trong lồng ngực.
  • Giảm đau bằng các phương pháp y học để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.
  • Đặt ống sonde tiêu hóa trong trường hợp bệnh nhân không thể ăn uống qua đường miệng.
  • Cấp cứu kịp thời khi bệnh nhân gặp tình huống nguy cấp.
  • Chăm sóc tâm lý và tinh thần nhằm hỗ trợ người bệnh vượt qua căng thẳng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Những biện pháp này được thực hiện nhằm giảm bớt các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư phổi. 

Người mắc ung thư phổi nên uống thuốc đúng liều, đúng cách và đúng thời gian theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Người mắc ung thư phổi nên uống thuốc đúng liều, đúng cách và đúng thời gian theo chỉ dẫn của bác sĩ.

6. Những câu hỏi thường gặp  

6.1 Người bị ung thư phổi nên ăn gì?

Đối với người mắc ung thư phổi, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và cải thiện sức khỏe toàn diện. Không chỉ chú trọng chăm sóc về tinh thần và sinh hoạt, việc ăn uống hợp lý cũng giúp tăng cường sức đề kháng và giảm bớt mệt mỏi do bệnh.

Dưới đây là một số gợi ý về lựa chọn thực phẩm phù hợp dành cho người mắc ung thư phổi:

  • Thực phẩm giàu đạm.
  • Tăng cường lượng calo.
  • Bổ sung vitamin và protein.
  • Bổ sung rau cải xanh, cà chua và trái cây như cam, quýt, bưởi, hoặc trái cây màu tía (việt quất, mâm xôi) trong bữa ăn hàng ngày.

Để hỗ trợ người bệnh trong việc ăn uống, người chăm sóc cần ưu tiên chế biến các món ăn dạng lỏng như cháo, súp hoặc sinh tố. Nên chia nhỏ khẩu phần thành nhiều bữa ăn trong ngày và linh hoạt thay đổi thực đơn để tránh sự nhàm chán, giúp người bệnh dễ dàng tiếp nhận dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, khi chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối, cần tuân thủ một số khuyến cáo sau:

  • Tránh tiếp xúc với môi trường có khói thuốc lá.
  • Không sử dụng rượu, bia dưới bất kỳ hình thức nào.
  • Kiêng các món ăn cay nóng để không gây kích ứng.
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và các món ăn được chế biến bằng phương pháp hun khói.
  • Tránh các loại thức ăn nhanh như cà muối hoặc thịt xông khói.

Ngoài những biện pháp chăm sóc nêu trên, người nhà có thể tham khảo và sử dụng các sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

6.2 Bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối có lây không?

Một câu hỏi thường gặp là liệu ung thư phổi giai đoạn cuối có lây nhiễm không? Thực tế thì, ung thư phổi là một bệnh lý phát sinh do các tế bào trong nhu mô phổi bị đột biến và tăng sinh bất thường, không phải do virus hay vi khuẩn gây ra. Do đó, bệnh không có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác, kể cả trong giai đoạn cuối.

Những thông tin cho rằng ung thư phổi có thể lây lan đều không đúng và không có cơ sở khoa học.

6.3 Tiên lượng sống của người bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối

Để xác định thời gian sống của người bệnh ung thư, các bác sĩ thường dựa vào ba yếu tố chính: giai đoạn tiến triển của bệnh, phương pháp điều trị áp dụng và tình trạng sức khỏe cũng như thể trạng tổng quát của người bệnh. Đây là các cơ sở quan trọng giúp bác sĩ đưa ra tiên lượng cụ thể về thời gian sống của bệnh nhân. Vậy bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối sống được bao lâu?

Thời gian sống của người mắc ung thư phổi phụ thuộc nhiều vào tình trạng cụ thể của bệnh, bao gồm: loại ung thư (tế bào nhỏ hay không tế bào nhỏ), giai đoạn bệnh và việc bệnh đã di căn hay chưa.

  • Với ung thư phổi không tế bào nhỏ, người bệnh có thể sống thêm khoảng 5 năm.
  • Trong trường hợp ung thư phổi tế bào nhỏ đã di căn, dù áp dụng các biện pháp điều trị, thời gian sống thêm chỉ dao động từ 6 đến 18 tháng.

Tỷ lệ sống trên 5 năm ở người mắc ung thư phổi phụ thuộc vào mức độ lan rộng của bệnh:

  • Giai đoạn khu trú: Tỷ lệ sống trên 5 năm đạt khoảng hơn 50%.
  • Khi ung thư đã di căn đến hạch bạch huyết lân cận: Tỷ lệ sống trên 5 năm giảm còn khoảng 25%.
  • Khi xuất hiện di căn xa: Tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ còn khoảng 4%.

Tóm lại, việc chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối cần tập trung vào các triệu chứng gây khó chịu, nhằm đảm bảo người bệnh cảm thấy thoải mái nhất. Trong giai đoạn này, mục tiêu hàng đầu là tạo sự dễ chịu cho người bệnh. Người chăm sóc cùng đội ngũ y tế nên trao đổi trực tiếp với bệnh nhân để hiểu rõ những khó khăn họ đang đối mặt. Từ đó, có thể xây dựng một kế hoạch chăm sóc phù hợp với thể trạng và mong muốn của bệnh nhân.

Bên cạnh đó, chăm sóc giảm nhẹ đóng vai trò hỗ trợ thân nhân, giúp họ nắm vững các kỹ năng cần thiết để chăm sóc người bệnh, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ tinh thần, giúp họ vượt qua nỗi đau và mất mát trong giai đoạn đầy khó khăn này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ