Thuốc nhuận tràng là giải pháp phổ biến được nhiều người lựa chọn để đối phó với tình trạng táo bón. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc không đúng cách có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu những lưu ý để sử dụng thuốc một đúng cách thông qua bài viết dưới đây.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Thuốc nhuận tràng có tác dụng gì?
Thuốc nhuận tràng hay còn gọi là thuốc xổ, được sử dụng để điều trị táo bón trong thời gian ngắn và chỉ nên dùng từ 2–3 ngày. Loại thuốc này hỗ trợ nhu động ruột, giúp điều hòa nhanh chóng quá trình vận chuyển phân trong ruột. Hiện nay, trên thị trường có nhiều nhóm thuốc nhuận tràng với các chỉ định, cách dùng, liều lượng và thời gian sử dụng khác nhau.
Việc sử dụng thuốc xô trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến màng nhầy ruột, do đó cần thận trọng và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
2. Những đối tượng nên dùng thuốc nhuận tràng
Một số trường hợp nên sử dụng thuốc xổ bao gồm:
- Người lớn đôi khi bị táo bón không cải thiện dù đã thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.
- Người mắc hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
- Người chuẩn bị phẫu thuật.
3. Có nên uống thuốc nhuận tràng?
Nhiều người khi bị táo bón có xu hướng lạm dụng thuốc nhuận tràng bao gồm cả dạng uống và dạng bơm vào trực tràng. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ có tác dụng ngắn hạn và nên được sử dụng tối đa trong 3–4 ngày. Việc sử dụng thuốc này trong thời gian dài không chỉ gây hại cho màng nhầy ruột mà còn dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào thuốc.
Kết quả là nhu động ruột hoạt động ngày càng kém hiệu quả, khiến tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí tiến triển thành bệnh mãn tính. Khi tuổi tác tăng cao, bệnh táo bón càng trở nên khó kiểm soát. Trong trường hợp táo bón chỉ xảy ra ở phần thấp do phân cứng đóng tại hậu môn, gây khó khăn trong việc đi ngoài, người bị táo bón có thể sử dụng glycerine để làm trơn hậu môn. Sau khoảng 10–15 phút, việc đi ngoài sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Những tác dụng không mong muốn có thể bao gồm:
- Đau quặn bụng.
- Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy mạn tính, đầy hơi và buồn nôn.
- Giảm khả năng giữ nước trong cơ thể.
- Mất nước nghiêm trọng, ói mửa.
- Suy yếu xương, nguy cơ loãng xương.
- Chảy máu trực tràng.

Đặc biệt, việc lạm dụng thuốc điều trị táo bón để giảm cân nhanh chóng với liều lượng cao là vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng và thậm chí tử vong.
Do đó, thuốc xổ không nên sử dụng bừa bãi mà cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Nếu táo bón kéo dài và tái diễn liên tục, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị dứt điểm.
4. Một số lưu ý khi điều trị với thuốc nhuận tràng
4.1. Lưu ý về dạng thuốc
Thuốc nhuận tràng được sản xuất dưới nhiều dạng khác nhau như viên uống, viên đạn và dung dịch. Khi sử dụng, cần lưu ý đến loại thuốc cụ thể:
- Đối với viên bao tan trong ruột (chỉ phân rã ở ruột), không được nhai thuốc trước khi uống.
- Trẻ em dưới 6 tuổi không nên sử dụng thuốc dạng viên uống, do khó khăn trong việc nuốt cả viên.
- Thuốc xổ dạng viên đạn đặt trực tràng cần sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
4.2. Các tác dụng bất lợi
Thuốc xổ có thể gây ra một số triệu chứng như đau bụng, buồn nôn hoặc kích ứng trực tràng. Để giảm thiểu những tác dụng phụ này, người sử dụng thuốc này có thể điều chỉnh bằng cách giảm liều lượng.
4.3. Sử dụng thuốc nhuận tràng kết hợp với các thuốc khác
Đối với những người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường và phải sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc, cần lưu ý thời gian uống thuốc điều trị táo bón sao cho cách xa các thuốc khác. Do thuốc xổ làm tăng nhu động ruột, nếu uống cùng các thuốc điều trị khác, các thuốc này có thể bị đào thải ra ngoài trước khi kịp phát huy tác dụng.
Ngoài ra, đối với những người mắc bệnh dạ dày, việc sử dụng kết hợp thuốc kháng axit, các thuốc đối kháng thụ thể H2 như cimetidin, famotidin, nizatidin và ranitidin hoặc sữa với bisacodyl trong khoảng 1 giờ có thể gây kích ứng dạ dày và tá tràng. Nguyên nhân là do thuốc điều trị táo bón có thời gian tan quá nhanh khi kết hợp với các loại thuốc hoặc thực phẩm này.
4.4. Hạn chế sử dụng thuốc điều trị táo bón trong thời gian dài
Việc sử dụng thuốc xổ kéo dài có thể gây mất trương lực đại tràng, làm ruột không hoạt động hiệu quả và gây giảm kali máu. Người bệnh còn có nguy cơ gặp các triệu chứng như đau quặn bụng và tiêu chảy. Vì vậy, thuốc nhuận tràng không nên được sử dụng quá 1 tuần, trừ khi có chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ.
4.5. Chống chỉ định
Thuốc nhuận tràng không được sử dụng cho những người mắc các tình trạng như tắc ruột, viêm ruột thừa, chảy máu trực tràng hoặc các bệnh viêm dạ dày và ruột.
Ngoài việc sử dụng thuốc nhuận tràng, có thể áp dụng các phương pháp hỗ trợ khác như bổ sung sữa chua, sữa bột giàu chất xơ hoặc uống trà thảo dược. Sau khi dùng thuốc xổ để giúp cơ thể khắc phục tình trạng bất thường trong bài tiết, người bệnh cần điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống và duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao phù hợp để phòng ngừa táo bón tái phát.
Các chuyên gia khuyến nghị nên đến các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám và tư vấn cách điều trị hiệu quả. Không nên tự ý sử dụng thuốc nhuận tràng vì có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và dễ gặp các tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.