Mang thai sau khi thắt ống dẫn tinh là một câu hỏi khiến nhiều cặp đôi băn khoăn, dù đây được coi là một biện pháp tránh thai hiệu quả và gần như vĩnh viễn cho nam giới. Mặc dù tỉ lệ rất thấp nhưng vẫn có những trường hợp mang thai sau khi thắt ống dẫn tinh. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến điều này và những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của phương pháp tránh thai này?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Thắt ống dẫn tinh (Vasectomy) là gì?
Thắt ống dẫn tinh là một thủ thuật ngoại khoa phổ biến giúp ngăn ngừa thụ thai bằng cách chặn đường di chuyển của tinh trùng vào tinh dịch. Theo khảo sát, các bác sĩ thực hiện hơn 500.000 ca thắt đường ống dẫn tinh mỗi năm.
Thủ thuật này can thiệp vào hai đường ống dẫn tinh trùng từ tinh hoàn đến niệu đạo. Bằng cách cắt và thắt ống dẫn tinh, tinh trùng sẽ không thể di chuyển vào tinh dịch.
Cơ thể vẫn tiếp tục sản xuất tinh trùng nhưng chúng sẽ được tái hấp thu. Khi xuất tinh, nam giới đã thắt đường ống dẫn tinh sẽ xuất ra chất lỏng (tinh dịch) nhưng không chứa tinh trùng.

Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ rất nhỏ thủ thuật này không thành công, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Ngay cả khi thắt đường ống dẫn tinh hoàn toàn thành công, vẫn cần một khoảng thời gian để phương pháp này bắt đầu có tác dụng tránh thai. Tinh trùng vẫn có thể tồn tại trong tinh dịch trong vài tuần sau phẫu thuật.
2. Mang thai sau khi thắt ống dẫn tinh: Tỷ lệ bao nhiêu
Vẫn chưa có con số thống kê chính xác về tỷ lệ mang thai sau khi thắt ống dẫn tinh. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2004 cho thấy cứ khoảng 1.000 ca thắt đường ống dẫn tinh thì có khoảng 1 ca mang thai ngoài ý muốn. Điều này cho thấy phương pháp thắt đường ống dẫn tinh có hiệu quả tới 99,9%.
Cần lưu ý rằng, thắt đường ống dẫn tinh không mang lại hiệu quả tránh thai tức thời. Tinh trùng vẫn còn sót lại trong ống dẫn tinh và có thể tồn tại trong đó vài tuần hoặc vài tháng sau thủ thuật. Do đó, các bác sĩ thường khuyến nghị sử dụng phương pháp tránh thai khác thay thế trong ít nhất ba tháng sau khi thực hiện thắt đường ống dẫn tinh. Ước tính cần khoảng 20 lần xuất tinh để loại bỏ hoàn toàn tinh trùng còn sót lại.
Ngoài ra, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân đã thắt ống dẫn tinh quay lại để kiểm tra tinh dịch sau ba tháng. Mẫu tinh dịch sẽ được phân tích để kiểm tra xem còn sót lại tinh trùng sống hay không. Cho đến khi có kết quả kiểm tra, tốt nhất nên sử dụng biện pháp tránh thai dự phòng, chẳng hạn như bao cao su hoặc thuốc tránh thai để ngăn ngừa mang thai.
3. Những nguyên nhân khiến việc thắt ống dẫn tinh thất bại
Thắt ống dẫn tinh là một thủ thuật ngoại trú có mục đích ngăn chặn sự di chuyển của tinh trùng, từ đó mang lại tác dụng tránh thai. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhỏ mang thai sau khi thắt ống dẫn tinh. Điều này thường do:
- Không kiêng quan hệ tình dục đủ lâu sau phẫu thuật: Cần có thời gian để đảm bảo không còn tinh trùng di chuyển trong ống dẫn tinh.
- Không thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ sau phẫu thuật: Xét nghiệm này giúp kiểm tra xem còn sự di chuyển của tinh trùng trong tinh dịch hay không.
Ngoài ra, thắt ống dẫn tinh cũng có thể thất bại sau vài tháng đến vài năm, ngay cả khi bệnh nhân đã thực hiện một hoặc hai lần xét nghiệm mẫu tinh dịch đồ bình thường. Những nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:
- Bác sĩ phẫu thuật cắt nhầm cấu trúc: Điều này có thể xảy ra do sai sót trong quá trình phẫu thuật.
- Bác sĩ cắt hai lần trên cùng một ống dẫn tinh: Cần phải cắt đứt cả hai ống dẫn tinh để đảm bảo hiệu quả tránh thai.
- Người bệnh có ống dẫn tinh phụ (ít gặp): Trong một số trường hợp hiếm hoi, người bệnh có thêm một ống dẫn tinh mà bác sĩ không phát hiện ra trong quá trình phẫu thuật.
- Tái thông ống dẫn tinh: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra thất bại của thắt ống dẫn tinh. Sau khi cắt, các tế bào dạng ống có thể tái tạo lại từ đầu mút của ống dẫn tinh, tạo ra một đường nối mới.

4. Nối lại ống dẫn tinh
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, hơn 7% nam giới đã thực hiện thắt đường ống dẫn tinh mong muốn thay đổi về quyết định này. May mắn là, phẫu thuật nối lại ống dẫn tinh có thể giúp đảo ngược thủ thuật thắt đường ống dẫn tinh.
Phẫu thuật nối lại ống dẫn tinh cho phép tinh trùng có thể đi vào tinh dịch. Tuy nhiên, thủ thuật này khá phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với thắt ống dẫn tinh, vì vậy việc tìm kiếm một bác sĩ phẫu thuật có chuyên môn cao là rất quan trọng.
4.1 Các phương pháp nối lại ống dẫn tinh
- Nội soi nối ống dẫn tinh (Vasovasostomy): Bác sĩ phẫu thuật nối lại hai đầu của ống dẫn tinh bằng cách sử dụng kính hiển vi công suất cao để quan sát các ống dẫn nhỏ.
- Nội soi nối ống dẫn tinh - mào tinh hoàn (Vasoepididymostomy): Bác sĩ phẫu thuật nối đầu trên của ống dẫn tinh trực tiếp với mào tinh hoàn (epididymis), là một ống nằm ở phía sau tinh hoàn.
Bác sĩ thường quyết định phương pháp nào phù hợp nhất khi bắt đầu phẫu thuật và có thể lựa chọn kết hợp cả hai phương pháp.
4.2 Tỷ lệ thành công
Tỷ lệ thành công của việc nối lại ống dẫn tinh phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Thời gian kể từ khi thực hiện thắt ống dẫn tinh.
- Độ tuổi của nam giới.
- Tuổi của người bạn đời.
- Kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật.

Thắt ống dẫn tinh là một phương pháp tránh thai hiệu quả và lâu dài nhưng không phải là tuyệt đối. Dù tỷ lệ mang thai sau khi thắt ống dẫn tinh rất thấp, vẫn có những trường hợp xảy ra mang thai ngoài ý muốn. Để đảm bảo an toàn, việc tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ như sử dụng biện pháp tránh thai bổ sung trong thời gian đầu sau phẫu thuật và kiểm tra tinh dịch sau vài tháng là vô cùng quan trọng. Điều này giúp người thực hiện yên tâm hơn về hiệu quả của phương pháp trong ngăn ngừa quá trình thụ tinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.