Nên ăn uống gì để tan sỏi mật?

Mục lục

Ăn uống gì để tan sỏi mật là câu hỏi được nhiều người tìm kiếm khi mắc bệnh. Hiện nay, sỏi túi mật là một trong những bệnh lý phổ biến. Để cải thiện hiệu quả điều trị và phòng ngừa tình trạng tái phát, người bệnh cần có một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết này nhé.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Mối liên hệ giữa chế độ ăn uống của người bệnh và sỏi mật

Chức năng của túi mật là dự trữ dịch mật, một loại dịch giúp tiêu hóa thức ăn. Sau mỗi bữa ăn, dịch mật từ túi mật sẽ được tiết vào đường dẫn mật, chảy qua ống mật chủ rồi đến ruột non để trộn lẫn với thức ăn.

Thành phần chính của dịch mật bao gồm cholesterol và acid mật. Trong cơ thể người bình thường, nồng độ acid mật đủ để phân hủy cholesterol trong hỗn hợp và duy trì trạng thái lỏng.

Tuy nhiên, ở người có chế độ ăn uống giàu chất béo, điều này sẽ gây ra sự mất cân bằng, khiến gan sản xuất cholesterol vượt quá khả năng xử lý của acid mật. Hậu quả là, cholesterol dư thừa sẽ bắt đầu kết tụ thành các tinh thể và hình thành sỏi mật.

Khoảng 80% sỏi mật là sỏi cholesterol và được hình thành theo cách này, trong khi 20% còn lại là do sự gia tăng nồng độ bilirubin (như trong các trường hợp thiếu máu tan máu, tế bào hồng cầu bị phá hủy, bệnh viêm gan,...) và canxi cùng với sắc tố mật bilirubin dẫn đến sự hình thành sỏi sắc tố.

Đến thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giảm cân nhanh thông qua chế độ ăn kiêng hoặc nhịn ăn thường xuyên, chế độ ăn chứa rất ít chất béo cũng sẽ góp phần hình thành sỏi mật. Nguyên nhân là do khi cơ thể tiêu thụ ít chất béo, túi mật không hoạt động nhiều như bình thường khiến cholesterol trong cơ thể có thêm thời gian để đông đặc.

Bên cạnh đó, nguy cơ sỏi mật cũng có khả năng gia tăng do một số yếu tố khác như:  

  • Sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormone.  
  • Phụ nữ đang mang thai.  
  • Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh sỏi mật.  
  • Người bệnh đái tháo đường và những ai không tham gia hoạt động thể chất.

2. Ăn uống gì để tan sỏi mật?

Người bệnh cần một chế độ ăn uống cân bằng và dinh dưỡng. Dưới đây là một số thực phẩm mà người bệnh có thể tham khảo về vấn đề “ăn uống gì để tan sỏi mật”:

2.1. Chất béo không bão hòa

Người bệnh nên ưu tiên chế độ ăn chứa chất béo không bão hòa, đặc biệt là omega 3 từ cá hồi cùng với các loại dầu thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành, bơ và các loại hạt như mè, óc chó, hạnh nhân….

Ngược lại, thực phẩm có chứa chất béo bão hoà như nội tạng động vật, đồ chiên, xào rán và thức ăn nhanh… cần được hạn chế.

2.2. Thực phẩm giàu chất xơ và các loại vitamin ( Vitamin C, vitamin tan trong dầu A,D,E,K)

Để phòng ngừa sỏi mật, người bệnh nên tăng cường lượng rau xanh trong chế độ ăn uống, khoảng 400 đến 500g mỗi ngày là thích hợp. Bên cạnh đó, hoa quả tươi và ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì đen, gạo nâu, yến mạch cũng nên được bổ sung. Nhóm thực phẩm này không chỉ giàu chất xơ mà còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất dễ hòa tan giúp ngăn ngừa sự hình thành của sỏi cholesterol hoặc sỏi bùn.

2.3. Sữa ít béo

Nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh mà không làm tăng cholesterol, các chế phẩm từ sữa ít béo và sữa ít béo là một lựa chọn phù hợp. Những sản phẩm điển hình được các chuyên gia khuyên sử dụng bao gồm sữa tươi tách kem, sữa bột tách béo, sữa tách bơ (rất giàu choline) và sữa chua. Bên cạnh đó, sữa đậu nành và sữa gạo cũng là những lựa chọn được nhiều chuyên gia khuyên dùng cho người bị sỏi mật có thắc mắc “ăn uống gì để tan sỏi mật”.

2.4. Đạm thực vật

Thay vì đạm động vật, người bệnh nên ưu tiên ăn đạm thực vật. Các loại hạt như mè, hướng dương cùng rau xanh thẫm và đậu… là nguồn cung cấp đạm thực vật lý tưởng. Nếu người bệnh muốn ăn thịt thì nên chọn cá hoặc thịt nạc, thịt trắng từ gia cầm. Tuy nhiên, người bệnh cần loại bỏ phần da và không sử dụng nước luộc thịt vì nước luộc chứa nhiều chất béo bão hòa gây khó tiêu.

2.5. Uống đủ nước mỗi ngày

Mỗi người đều cần bổ sung đủ lượng nước và nên uống khoảng 2 lít nước hàng ngày. Đặc biệt với những người mắc bệnh sỏi mật, việc uống nước lại càng quan trọng hơn. Nước tham gia vào quá trình trao đổi chất trong cơ thể và hỗ trợ cơ thể loại bỏ độc tố tồn đọng. 

Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày là câu trả lời cho vấn đề ăn uống gì để tan sỏi mật.
Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày là câu trả lời cho vấn đề ăn uống gì để tan sỏi mật.

3. Sỏi mật kiêng ăn gì?

Bên cạnh câu hỏi ăn uống gì để tan sỏi mật thì sỏi mật kiêng ăn gì cũng là một vấn đề người bệnh cần biết để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Sau bữa ăn, cơn đau do sỏi mật thường xuất hiện, đặc biệt là những bữa ăn có nhiều chất béo. Do đó, chế độ ăn uống cho người bệnh không nên vượt quá 200mg cholesterol mỗi ngày.

Đối với những người vừa trải qua phẫu thuật cắt túi mật, chế độ ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng vì chức năng tiêu hóa thường còn kém, đòi hỏi chế độ ăn lành mạnh. Do đó, người bệnh cần tránh ăn những loại thực phẩm sau đây:

3.1. Các loại thịt đỏ, lòng đỏ trứng và nội tạng động vật

Nhóm thực phẩm này chứa hàm lượng cholesterol cao, gây khó khăn trong việc tiêu thụ. Người bệnh thường gặp tình trạng đầy hơi và khó tiêu. Nếu kéo dài, chức năng gan mật có thể bị ảnh hưởng dẫn đến sự mất cân bằng giữa cholesterol và acid mật trong cơ thể, từ đó tạo gánh nặng cho hệ thống gan mật dẫn đến hình thành sỏi và làm tăng kích thước sỏi.

3.2. Chất béo bão hòa

Đối với người mắc sỏi mật, việc hoàn toàn không ăn mỡ là không nên. Nếu thiếu mỡ, túi mật sẽ hoạt động ít hơn làm tăng khả năng lắng đọng và hình thành sỏi mới.

Vì vậy, người bệnh nên chọn các thực phẩm chứa acid béo không no như bơ, hạt óc chó, dầu oliu, dầu hướng dương và dầu mè… thay cho những loại thực phẩm chứa acid béo no như mỡ động vật, đồ chiên xào và thức ăn nhanh. Đặc biệt, người bị viêm túi mật do sỏi và người đã phẫu thuật cắt túi mật cần chú ý đặc biệt đến chế độ ăn uống cũng như nên tránh tiêu thụ chất béo bão hòa để không gây áp lực lên hệ gan mật.

3.3. Tinh bột tinh chế

Các thực phẩm giàu đường, tinh bột tinh chế và chất béo đều có hàm lượng calo cao. Do đó, người bệnh nên giảm thiểu ăn vặt, socola, bánh mì ngọt và những loại bánh kẹo khác…

3.4. Sữa béo

Đối với người mắc sỏi mật, các loại sữa béo nguyên kem, nguyên bơ và phô mai có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa dẫn đến tình trạng đầy hơi và khó tiêu vì vậy bệnh nhân nên hạn chế sử dụng. Trong khi đó, sữa ít béo sẽ là sự lựa chọn an toàn hơn.  

3.5. Thức uống kích thích

Việc sử dụng các loại đồ uống như bia, rượu, cà phê, trà và soda nên được hạn chế do các loại thức uống này ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể, đặc biệt là hệ gan mật. Hơn nữa, tình trạng gan nhiễm mỡ, tăng men gan cũng sẽ xảy ra khi sử dụng lâu dài các loại thức uống này. Đối với những người đã cắt túi mật, tốt nhất là nên tránh xa rượu, bia và thuốc lá để bảo vệ sức khỏe.

4. Lời khuyên khi chế biến các món ăn cho người bệnh bị sỏi mật

Để có một chế độ ăn khoa học, người bệnh cần cân nhắc kỹ lưỡng về cách chế biến thực phẩm. Nếu không chế biến đúng phương pháp, món ăn có thể chứa nhiều cholesterol và chất béo xấu. Dưới đây là một số lời khuyên dành người bệnh trong việc chế biến thức ăn.

  • Người bệnh cần hạn chế tiêu thụ món chiên xào. Nếu bắt buộc phải ăn, người bệnh hãy dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật và thấm dầu thừa bằng giấy để giảm lượng dầu ngấm.
  • Các phương pháp nấu ăn được ưu tiên là nướng không dầu, hấp và luộc.
  • Khi nấu các món hầm hoặc luộc, mọi người nên vớt bọt nổi trên bề mặt  
  • Sau khi cắt túi mật, những người bệnh viêm túi mật và viêm đường mật do sỏi nên tham khảo lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn hợp lý.

Trên đây là tất cả thông tin giải đáp vấn đề ăn uống gì để tan sỏi mật. Để phòng ngừa sự hình thành sỏi mật và làm chậm quá trình phát triển của sỏi, việc xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với lối sống lành mạnh là rất cần thiết. Bên cạnh đó, việc này cũng giúp giảm tình trạng ứ trệ dịch mật, từ đó tăng cường hiệu quả trong điều trị và phòng ngừa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ