Người bị viêm tụy cấp có được uống sữa không?

Mục lục

Viêm tụy cấp có được uống sữa không là một trong những vấn đề bệnh nhân cần tìm hiểu. Khi tuyến tụy bị viêm dẫn đến cơ thể không thể hấp thụ một số chất dinh dưỡng. Vì thế, bệnh nhân cần xây dựng chế độ ăn phù hợp để nhanh hồi phục. Trong bài viết này sẽ cung cấp chi tiết bệnh nhân viêm tụy nên ăn gì và kiêng ăn gì để nhanh khỏi bệnh và ngăn ngừa tái phát hiệu quả.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Vai trò của tuyến tụy trong cơ thể

Tuyến tụy là một cơ quan quan trọng trong hệ tiêu hóa, đảm nhận cả chức năng ngoại tiết (sản xuất enzyme và dịch tụy để tiêu hóa thức ăn) và chức năng nội tiết (tiết hormone vào máu như insulin và glucagon để điều hòa đường huyết).

Khi tuyến tụy bị viêm, quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng. Do đó, việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong viêm tụy cấp đóng vai trò quan trọng trong điều trị và ngăn ngừa tái phát viêm tụy cấp.

2. Nguyên tắc dinh dưỡng trong điều trị viêm tụy cấp

Trước khi tìm hiểu viêm tụy cấp có được uống sữa không và viêm tụy nên ăn gì, bệnh nhân cần phải nắm rõ được nguyên tắc dinh dưỡng để xây dựng thói quen cũng như chế độ ăn phù hợp. Bắt đầu chế độ dinh dưỡng qua đường tiêu hóa khi người bệnh giảm khoảng 70% triệu chứng đau bụng.

  • Đối với trường hợp nhẹ và vừa: Có thể cho bệnh nhân ăn thử bằng đường miệng. Nếu không dung nạp được, mới tiến hành đặt sonde dạ dày.
  • Đối với trường hợp nặng: Cho bệnh nhân ăn qua sonde dạ dày. Nếu không dung nạp, có thể chuyển sang dùng sonde hỗng tràng. Nếu bệnh nhân vẫn không thể dung nạp qua đường tiêu hóa, có thể thử sử dụng các công thức dễ hấp thu như sữa thủy phân, sữa bán nguyên tố và nguyên tố.

Nếu sau 5-7 ngày dinh dưỡng qua đường tiêu hóa mà bệnh nhân vẫn không dung nạp được hoặc không đạt mức năng lượng cần thiết, bác sĩ sẽ chuyển sang dinh dưỡng tĩnh mạch.  

Công thức dinh dưỡng bao gồm:  

  • Protid: 1,2-1,5g/kg/ngày.
  • Carbohydrate: 4-7mg CHO/kg/phút.
  • Glutamine > 0,2 g/kg.
  • Lipid: 0,8-1,5g/kg/ngày.  

Chế độ dinh dưỡng ít chất béo nên được duy trì ngay cả khi bệnh nhân đã phục hồi sau viêm tụy cấp, với lượng chất béo không nên vượt quá 30g/ngày để tránh tăng mỡ máu và kích thích tuyến tụy bài tiết.

3. Viêm tụy cấp có được uống sữa không?

Một câu hỏi thường gặp là liệu bệnh nhân viêm tụy cấp có được uống sữa không. Khi bị viêm tụy cấp, bệnh nhân gặp khó khăn khi hấp thụ chất béo do hoạt động của tuyến tụy bị suy yếu. Vì thế, người bệnh cần hiểu rõ viêm tụy nên ăn gì để hạn chế làm bệnh nghiêm trọng hơn.

Vì thế, các chuyên gia khuyên rằng bệnh nhân viêm tụy cấp nên chọn sữa ít béo hoặc không béo, sữa chua hoặc các loại sữa thay thế như sữa hạnh nhân, sữa đậu nành, sữa gạo,... 

Viêm tụy cấp có được uống sữa không cần được chú ý để không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Viêm tụy cấp có được uống sữa không cần được chú ý để không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Sữa chua, với hàm lượng acid lactic và men tiêu hóa cao, giúp thức ăn được vận chuyển và tiêu hóa dễ dàng hơn. Sữa chua không đường được khuyến khích cho bệnh nhân viêm tụy cấp với liều lượng 1-2 hũ mỗi ngày.

Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn nên hạn chế sữa và các sản phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo cao như phô mai, bánh sữa,...

4. Viêm tụy nên ăn gì?

  • Nhóm thực phẩm chứa Protid: Bệnh nhân viêm tụy cấp nên lựa chọn các nguồn đạm ít béo như thịt nạc, cá, thịt gia cầm (không da), lòng trắng trứng và đậu.
  • Nhóm thực phẩm chứa Glucid: Các thực phẩm như cơm, bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch, bột mì nguyên cám, và đồ ngọt ít béo là những lựa chọn phù hợp trong chế độ ăn cho những ngày đầu của viêm tụy cấp.

Trái cây và rau quả là những thực phẩm không thể thiếu trong danh sách viêm tụy nên ăn gì, bao gồm:

  • Bệnh nhân viêm tụy cấp nên bổ sung trái cây và rau quả giàu chất xơ vào chế độ ăn. Bông cải và các loại rau cải xanh khác chứa nhiều hợp chất lưu huỳnh, giúp giải độc cơ thể, bao gồm cả việc giải độc cho tuyến tụy.
  • Một số loại nấm như nấm đùi gà, nấm mỡ, nấm hương và mộc nhĩ chứa các hợp chất chống viêm mạnh, giúp giảm viêm và sưng quanh tuyến tụy.
  • Các loại khoai như khoai lang chứa beta-carotene, một chất chống oxy hóa mạnh có lợi cho sức khỏe của tụy.
  • Các loại quả mọng nước như dâu tây, mâm xôi, nho và cherry chứa hàm lượng chống oxy hóa cao, giúp tăng cường chức năng tuyến tụy.
  • Nước: Bệnh nhân viêm tụy cấp nên uống đủ 1.5-2 lít nước mỗi ngày, ưu tiên nước lọc hoặc nước ép trái cây và rau quả không đường, tránh các loại đồ uống có cồn và nước ngọt có ga.

5. Viêm tụy cấp kiêng ăn gì?

Ngoài việc tìm hiểu viêm tụy nên ăn gì, bệnh nhân cũng nên nắm rõ những thực phẩm cần tránh. Sau đây là những loại thực phẩm không nên ăn:

  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Bệnh nhân viêm tụy cấp nên tránh sử dụng bơ, mỡ động vật và dầu thực vật. Các món ăn chứa nhiều dầu mỡ như thực phẩm rán, rau xào, chiên, xúc xích, và lạp xưởng cần được hạn chế. Đối với thịt đỏ, loại thịt giàu chất đạm và chất béo, nên chọn phần thịt ít mỡ nhất hoặc thay thế bằng các nguồn protein khác như trứng, đậu,...
  • Thực phẩm quá ngọt, lạnh: Viêm tụy cấp làm suy giảm chức năng tuyến tụy và gây rối loạn tiết men tiêu hóa, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa thực phẩm. Do đó, bệnh nhân viêm tụy cấp nên tránh các thực phẩm quá ngọt, lạnh và nhiều chất béo như kem, phô mai, socola, và đồ uống ngọt.
  • Thức uống có cồn, có ga: Rượu bia là nguyên nhân chính gây viêm tụy, vì vậy, việc ngưng sử dụng rượu, bia và các loại đồ uống có cồn cần được tuân thủ nghiêm ngặt.
  • Các loại gia vị cay nóng: Mù tạt, sa tế và ớt là những gia vị cay nóng có thể làm chậm quá trình hồi phục các triệu chứng viêm tụy cấp, do đó cần được hạn chế tối đa trong chế độ ăn của bệnh nhân viêm tụy cấp.

6. Chế độ ăn cho người viêm tụy cấp

Để phòng ngừa bệnh viêm tụy cấp có thể tái phát, ngoài hiểu rõ viêm tụy nên ăn gì bệnh nhân cần có chế độ ăn uống thích hợp như sau:

  • Chia bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ.
  • Nên bổ sung 300 đến 400g rau xanh và 100g quả chín mỗi ngày, không ăn quả chín sau khi ăn.
  • Uống đủ nước.
  • Tuyệt đối không tiêu thụ rượu bia, các loại thức uống có cồn và thuốc lá.
  • Vận động ít nhất 60 phút/ngày và 4 đến 5 buổi/tuần.
  • Ưu tiên các món hấp, luộc và hạn chế đồ ăn sử dụng nhiều dầu mỡ.

Tóm lại, “viêm tụy cấp có được uống sữa không?” và “viêm tụy nên ăn gì?” là hai vấn đề cần đặc biệt chú ý. Bởi vì, viêm tụy cấp là một bệnh lý đòi hỏi chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt. Tùy vào giai đoạn bệnh, bệnh nhân sẽ được chỉ định chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Khi bệnh ổn định, bệnh nhân có thể sử dụng sữa ít béo không đường, sữa chua, sữa đậu nành hoặc sữa hạnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân nên kiêng một số thực phẩm nhất định và hạn chế các chế phẩm từ sữa giàu chất béo như phô mai. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ