Nguyên nhân gây suy thất phải cấp

Mục lục

Suy thất phải cấp là một bệnh lý suy tim cấp tính vô cùng nguy hiểm, gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện kịp thời. Suy thất phải có xu hướng tiến triển rất nhanh và để lại những hậu quả vô cùng nguy hiểm đối với hệ tuần hoàn của người bệnh.

1. Suy tim là gì?

Bệnh suy tim là tình trạng bơm máu của quả tim gặp những vấn đề khó khăn nhất định, khiến bệnh nhân biểu hiện bằng khó thở hoặc mệt mỏi. Suy tim được định nghĩa là một hiện tượng tim cũng nhưng hoạt động của tim không thể cung cấp được lượng oxy cần thiết đến những cơ quan cũng như lượng oxy cần cho những hoạt động sống của cơ thể.

Tim là một cơ quan có cấu trúc phức tạp, bao gồm tim phải và tim trái. Tim phải chứa tâm nhĩ phải và tâm thất phải, tương tự thì tim trái cũng chứa tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Vì mỗi bên của tim có cấu trúc giải phẫu cũng như hoạt động, chức năng sinh lý khác nhau nên suy tim ở bên phải và bên trái là hoàn toàn khác biệt và do những nguyên nhân khác nhau.


Bệnh suy tim là tình trạng bơm máu của quả tim gặp những vấn đề khó khăn nhất định, khiến bệnh nhân biểu hiện bằng khó thở hoặc mệt mỏi
Bệnh suy tim là tình trạng bơm máu của quả tim gặp những vấn đề khó khăn nhất định, khiến bệnh nhân biểu hiện bằng khó thở hoặc mệt mỏi

2. Suy thất phải cấp

Tâm thất phải nằm bên trong tim phải, có hình dạng là hình tam giác với cấu trúc gồm buồng nhận, mỏm tim và phễu. Cấu tạo của tâm thất phải là những cơ tim đan xen vào nhau tạo thành hệ thống cơ không gian 3 chiều. Suy thất phải cấp là tình trạng tâm thất phải không cung cấp đủ lưu lượng máu cho phổi, không kể đến tình trạng áp lực tĩnh mạch trung tâm có vấn đề. Suy thất phải có thể khiến cho buồng thất phải bị giãn rộng để đáp ứng với sự quá tải dịch và van 3 lá bị hở, từ đó gây ảnh hưởng đến sự bơm máu của tim.

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thất phải cấp ở người bệnh như:

  • Nhồi máu phổi ở diện rộng
  • Xuất hiện cơn tăng áp lực mạch máu phổi cấp tính
  • Suy hô hấp cấp tính
  • Nhồi máu cơ tim ở tâm thất phải ghi nhận trên ECG
  • Nhiễm trùng cơ tim
  • Bệnh nhân đang điều trị thở máy
  • Bệnh nhân sau khi phẫu thuật ghép tim và phổi
  • Bệnh nhân sau khi được dùng những dụng cụ hỗ trợ chức năng tâm thất trái
  • Bệnh lý liên quan đến màng ngoài tim

Hậu quả của tình trạng suy thất phải cấp là hiện tượng giãn thất phải nhằm đáp ứng thích nghi với quá tải dịch. Cụ thể là tâm thất phải sẽ tăng thể tích cuối tâm trương, đồng thời tăng co bóp nhưng cũng vì lý do này tình trạng suy thất phải có khả năng xảy ra trong trường hợp không thể đáp ứng được áp lực để duy trì cung lượng tim trong hệ tuần hoàn. Nếu tình trạng tăng áp phổi mạn tính xảy ra vì những nguyên nhân xuất phát từ tiên mao mạch hoặc hậu mao mạch thì tình trạng phì đại tâm thất phải sẽ diễn ra để giúp duy trì cung lượng tim cho hệ tuần hoàn. Một hậu quả cuối cùng của tình trạng suy thất phải cấp đó là hở van ba lá cũng như giảm cung lượng tim.

Ngoài ra, tình trạng suy thất phải còn dễ nhầm lẫn với giai đoạn mất bù cấp khi bệnh nhân có những biểu hiện của tăng áp lực động mạch phổi mạn tính, vì vậy cần chú ý những biểu hiện lâm sàng như sau:

  • Thiếu oxy
  • Tình trạng sung huyết hệ thống: Giãn tĩnh mạch cổ, dấu phản hồi gan – cảnh, phù ngoại biên, tràn dịch màng ngoài tim, gan to, lách to, tràn dịch màng bụng, phù toàn bộ cơ thể
  • Rối loạn chức năng tâm thất phải: Nghe được tiếng T3 và âm thổi hở van ba lá, mạch nghịch...
  • Giảm cung lượng tim: Hạ huyết áp, nhịp tim tăng nhanh, đầu các chi lạnh, những dấu hiệu bất thường của hệ thần kinh trung ương, thiểu niệu...

Nhồi máu phổi ở diện rộng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thất phải
Nhồi máu phổi ở diện rộng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thất phải

3. Điều trị suy thất phải

Nguyên tắc điều trị suy thất phải bao gồm:

  • Điều trị hậu quả do suy thất phải gây ra
  • Điều trị triệu chứng
  • Điều trị tâm lý

Để điều trị suy thất phải thành công thì cần tuân theo quy trình bao gồm những bước như sau:

  • Đánh giá tình trạng bệnh cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh: thông qua việc thăm khám những dấu thần kinh, huyết áp, các triệu chứng tuần hoàn cùng với những kỹ thuật cận lâm sàng như siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm hóa sinh, catheter tĩnh mạch trung tâm, catheter động mạch phổi để xác định giai đoạn bệnh.
  • Đánh giá những yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị như tình trạng nhiễm trùng huyết, rối loạn nhịp tim, bệnh nhân ngưng thuốc, bệnh nhân thực hiện can thiệp mạch vành trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim tâm thất phải...
  • Thực hiện tối ưu hóa dịch thể: dùng thuốc lợi tiểu đường tĩnh mạch, thay thận, bù dịch hợp lý để tránh khỏi hiện tượng quá tải dịch.
  • Dùng Norepinephrine để duy trì huyết áp động mạch ở mức ổn định
  • Có thể cân nhắc sử dụng một số loại thuốc vận mạch như Levosimendan, Dobutamine, thuốc ức chế Phosphodiesterase

Điều trị cụ thể suy thất phải cấp như sau:

  • Đưa dịch vào cơ thể người bệnh thận trọng thông qua việc giám sát áp lực tĩnh mạch trung tâm
  • Tình trạng suy thất phải tiến triển nặng hơn thì ưu tiên dùng thuốc lợi tiểu cho bệnh nhân, song song với việc duy trì áp lực động mạch nếu bệnh nhân có sung huyết tĩnh mạch.
  • Dùng thuốc vận mạch và thuốc tăng co bóp trên những bệnh nhân rối loạn huyết động như Noradrenalin, Dobutamin, Levosimendan, ức chế Phosphodiesterase III
  • Dùng những thiết bị hỗ trợ hệ tim mạch như máy thông khí cơ học cấp hoặc hệ thống ECMO cùng với thiết bị hỗ trợ chức năng tâm thất phải RVADs
  • Thực hiện ghép tim nếu bệnh nhân không đáp ứng với những phương pháp điều trị kể trên.

Suy thất phải cấp là một loại của bệnh suy tim có nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh với tỉ lệ tử vong hằng năm khá cao
Suy thất phải cấp là một loại của bệnh suy tim có nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh với tỉ lệ tử vong hằng năm khá cao

Suy thất phải cấp là một loại của bệnh suy tim có nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh với tỉ lệ tử vong hằng năm khá cao. Vì vậy, một bệnh nhân suy thất phải cần được theo dõi điều trị kỹ lưỡng, đồng thời can thiệp nếu cần thiết để ngăn chặn những biến chứng không mong muốn xảy ra nếu bệnh tiến triển nặng hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ