Những bệnh có thể lây qua đường quan hệ tình dục bằng miệng là vấn đề sức khỏe quan trọng mà nhiều người chưa nhận thức đầy đủ. Qua đường miệng, những bệnh lây qua đường tình dục thường gặp như herpes, HIV, lậu, giang mai và nhiễm trùng đường hô hấp vẫn có thể lây lan nhanh chóng. Do đó, chúng ta cần hiểu và biết áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cá nhân.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Tổng quan bệnh lây qua đường tình dục
1.1 Bệnh lây qua đường tình dục là gì?
Những bệnh lây qua đường tinh dục viết tắt là STD (Sexually Transmitted Diseases), là những bệnh có thể mắc phải do quan hệ tình dục không an toàn qua các đường như sinh dục, hậu môn và miệng.
1.2 Bệnh tình dục lây qua đường nào?
Nguyên nhân gây bệnh là do sự lây truyền các loại vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng có trong tinh dịch, dịch âm đạo và các dịch tiết khác của cơ thể từ người này sang người khác. Ngoài ra, bệnh có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, sinh nở hoặc do truyền máu và sử dụng chung kim tiêm.
Hiện nay, các chuyên gia y tế ghi nhận khoảng 20 loại bệnh STDs khác nhau. Số lượng người nhiễm những bệnh lây qua đường tình dục rất lớn, đặc biệt là trong nhóm người đang ở độ tuổi sinh sản. Các bệnh này thường khó điều trị dứt điểm và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh, bao gồm các biến chứng như đau mạn tính ở vùng chậu, viêm đường sinh dục và có thể dẫn đến vô sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Những bệnh có thể lây qua đường quan hệ tình dục bằng miệng
2.1 Bệnh lậu
Bệnh lậu có thể không gây triệu chứng rõ ràng ở một số trường hợp. Khi có biểu hiện, người bệnh thường gặp các triệu chứng sau:
- Cảm giác nóng rát, đau khi đi tiểu.
- Đau họng.
- Tiết dịch bất thường từ âm đạo, dương vật hoặc hậu môn.
- Sưng đau tinh hoàn ở nam giới.
- Đau tại vùng hậu môn – trực tràng.
Bệnh lậu là một trong những bệnh có thể lây qua đường quan hệ tình dục bằng miệng với người nhiễm bệnh tại các vị trí như họng, âm đạo, dương vật, đường tiết niệu hoặc hậu môn – trực tràng.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh bằng cách xét nghiệm nước tiểu. Ngoài ra, mẫu bệnh phẩm cũng có thể được lấy từ:
- Họng.
- Trực tràng.
- Niệu đạo (ở nam giới).
- Cổ tử cung (ở nữ giới).
Bệnh lậu có thể được điều trị bằng kháng sinh, tuy nhiên hiện nay đã ghi nhận một số trường hợp vi khuẩn lậu kháng thuốc.
Nếu sau khi điều trị mà vẫn còn triệu chứng, bệnh nhân cần tái khám để được đánh giá và điều trị kịp thời.
Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh lậu có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
- Vô sinh ở nữ giới do tổn thương cơ quan sinh sản.
- Viêm mào tinh hoàn ở nam giới, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
2.2 Chlamydia
Chlamydia là một những bệnh lây qua đường tình dục, do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Hầu hết các trường hợp nhiễm Chlamydia không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu nhiễm khuẩn xảy ra ở họng, người bệnh có thể bị đau họng.
Khi Chlamydia ảnh hưởng đến các bộ phận khác như trực tràng – hậu môn, cơ quan sinh dục hoặc đường tiết niệu, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Tiết dịch bất thường, có thể kèm máu từ âm đạo, dương vật hoặc hậu môn.
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
- Đau vùng hậu môn – trực tràng.
- Sưng đau tinh hoàn ở nam giới.
Bệnh Chlamydia là một trong những bệnh có thể lây qua đường quan hệ tình dục bằng miệng với người nhiễm bệnh tại họng, âm đạo, dương vật hoặc hậu môn – trực tràng.
Bác sĩ có thể chẩn đoán Chlamydia bằng xét nghiệm nước tiểu hoặc lấy mẫu dịch âm đạo (đối với nữ giới).
Bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng kháng sinh. Trong thời gian điều trị, người bệnh cần kiêng quan hệ tình dục cho đến khi được bác sĩ xác nhận đã khỏi bệnh hoàn toàn để tránh lây nhiễm cho bạn tình.
Chlamydia có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh, việc phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng để giảm nguy cơ lây nhiễm và biến chứng.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng như:
- Vô sinh ở nữ giới.
- Viêm mào tinh hoàn ở nam giới.
- Tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
- Lây truyền bệnh sang con, nếu phụ nữ mang thai mắc Chlamydia.
2.3 Giang mai
Giang mai là những bệnh lây qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh tiến triển qua bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn có những biểu hiện đặc trưng riêng.

2.3.1 Giang mai giai đoạn 1
Dấu hiệu đặc trưng của giai đoạn này là săng giang mai – một vết trợt nông, có hình tròn hoặc bầu dục, không có bờ nổi cao, màu đỏ tươi, nền cứng và thường không gây đau.
Săng giang mai xuất hiện tại vị trí nhiễm khuẩn và có thể tồn tại từ 3 – 6 tuần, sau đó tự biến mất mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, sự biến mất của săng không có nghĩa là bệnh đã khỏi. Người bệnh cần được khám và điều trị kịp thời để tránh bệnh tiến triển sang giai đoạn tiếp theo.
2.3.2 Giang mai giai đoạn 2
Ở giai đoạn này, bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng trên cơ thể, bao gồm:
- Đào ban rải rác trên thân mình.
- Sưng hạch bạch huyết.
- Sốt nhẹ.
- Tổn thương niêm mạc họng, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
- Xuất hiện các chấm nâu đỏ ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.
- Rụng tóc.
- Đau đầu, đau cơ.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Mệt mỏi kéo dài.
Các triệu chứng này có thể tự biến mất, nhưng bệnh vẫn tiếp tục tiến triển nếu không được điều trị, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn.
2.3.3 Giang mai giai đoạn 3
- Ở giai đoạn này, bệnh không có triệu chứng rõ ràng và có thể kéo dài trong nhiều năm.
- Mặc dù không có dấu hiệu lâm sàng, vi khuẩn vẫn tồn tại trong cơ thể và có thể gây tổn thương nghiêm trọng nếu không được điều trị.
2.3.4 Giang mai giai đoạn 4
Hiện nay, giang mai giai đoạn 4 ít gặp hơn do bệnh thường được phát hiện và điều trị sớm. Giai đoạn 4 chỉ xảy ra sau 10 – 30 năm kể từ khi nhiễm bệnh lần đầu mà không được điều trị.
Khi giang mai tiến triển đến giai đoạn 4, người bệnh có nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như:
- Tổn thương nội tạng nghiêm trọng.
- Suy giảm thị lực, có thể dẫn đến mù lòa.
Giang mai thần kinh xảy ra khi vi khuẩn lan đến não hệ thần kinh trung ương, gây ra các triệu chứng:
- Đau đầu dữ dội.
- Khó khăn trong vận động.
- Mất cảm giác một phần hoặc toàn bộ cơ thể.
- Sa sút trí tuệ, thay đổi nhận thức.
Nếu không được điều trị, giang mai giai đoạn 4 có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm là rất cần thiết để ngăn ngừa các tổn thương này.
Giang mai có lây qua quan hệ tình dục bằng miệng không? Câu trả lời là có. Bệnh giang mai là một trong những bệnh có thể lây qua đường quan hệ tình dục bằng miệng, nếu tiếp xúc trực tiếp với săng giang mai hoặc đào ban của người mắc bệnh.
Để chẩn đoán bệnh giang mai, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm máu để xác định người bệnh có nhiễm giang mai hay không. Nếu có tổn thương dạng săng giang mai, bác sĩ có thể lấy dịch tiết từ săng để làm xét nghiệm.
Giang mai cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh biến chứng. Penicillin đường tiêm là phương pháp điều trị hiệu quả được chỉ định trong hầu hết các trường hợp.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh giang mai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
- Sảy thai, thai chết lưu.
- Tăng nguy cơ nhiễm HIV.
- Tổn thương nội tạng.
- Mù lòa.
- Lây truyền giang mai bẩm sinh từ mẹ sang con, gây dị tật hoặc tử vong ở trẻ sơ sinh.
2.4 Virus gây u nhú ở người (HPV)
Virus gây u nhú ở người (HPV) là một trong những bệnh lây qua đường tình dục rất phổ biến, có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể.

Người nhiễm HPV có thể không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, một số biểu hiện có thể gặp bao gồm:
- Mụn cóc ở khu vực sinh dục hoặc hậu môn.
- Mụn cóc trong khoang miệng và họng.
- Nếu có mụn cóc trong khoang miệng, họng, bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở hoặc khó phát âm.
HPV là một trong những bệnh có thể lây qua đường quan hệ tình dục bằng miệng nếu tiếp xúc với khu vực sinh dục, hậu môn, trực tràng, miệng hoặc họng của người nhiễm.
Hiện tại không có xét nghiệm đặc hiệu để phát hiện HPV, đặc biệt là HPV ở vùng miệng và họng. Một số trường hợp có thể phát hiện nhiễm HPV thông qua xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung (Pap smear) hoặc khi người bệnh phát hiện mình có mụn cóc sinh dục hoặc các biểu hiện khác.
Mụn cóc sinh dục có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật, tuy nhiên, HPV không thể bị loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể.
Mặc dù mụn cóc sinh dục có thể điều trị được, HPV vẫn tồn tại trong cơ thể, vì vậy người bệnh vẫn có thể lây truyền virus cho người khác.
Một số chủng HPV là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung, vì vậy việc tiêm phòng HPV là một biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm HPV và phòng tránh các hậu quả nghiêm trọng do virus này gây ra.
2.5 Trichomoniasis
Trichomoniasis (hay còn gọi là trich) là một trong những bệnh lây qua đường tình dục do ký sinh trùng gây ra.
Các triệu chứng của trichomoniasis có thể bao gồm:
- Tiết dịch bất thường từ âm đạo hoặc dương vật.
- Đỏ tấy, đau ngứa xung quanh vùng âm đạo.
- Cảm giác bỏng rát khi đi tiểu.
Trichomoniasis lây truyền qua quan hệ tình dục bằng miệng khi tiếp xúc với vùng âm đạo hoặc dương vật của người bị nhiễm. Người bị lây nhiễm có thể mắc trichomoniasis ở vùng họng nếu tiếp xúc trực tiếp.
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm nhằm xác định người bệnh có bị nhiễm trichomoniasis hay không.
Trichomoniasis có thể được điều trị hoàn toàn bằng một liều kháng sinh duy nhất. Để tránh tái nhiễm, bạn tình của bệnh nhân cũng cần tiến hành điều trị
Trichomoniasis dễ dàng điều trị, nên không có biến chứng nghiêm trọng nếu được chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như viêm nhiễm phụ khoa.

2.6 Virus viêm gan A
Viêm gan A là một trong những những bệnh lây qua đường tình dục , dẫn đến tình trạng viêm gan cấp tính. Các triệu chứng của viêm gan virus A thường xuất hiện sau khoảng 28 ngày kể từ khi phơi nhiễm với virus. Các triệu chứng bao gồm:
- Sốt.
- Mệt mỏi.
- Buồn nôn, nôn.
- Chán ăn.
- Vàng da, vàng mắt.
- Nước tiểu sẫm màu.
- Đau hoặc khó chịu ở vùng bụng.
Virus viêm gan A chủ yếu lây truyền qua đường phân - miệng. Vì vậy, việc quan hệ tình dục qua đường miệng - hậu môn với người mắc bệnh có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Xét nghiệm máu là cách duy nhất để chẩn đoán bệnh viêm gan A. Hiện nay, y học vẫn chưa có thuốc đặc trị cho căn bệnh này. Thông thường, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi đầy đủ từ 1 đến 4 tuần là có thể khỏi bệnh. Trong thời gian này, để tránh lây nhiễm cho người khác, bệnh nhân nên kiêng quan hệ tình dục.
Tuy có thể khiến người bệnh cảm thấy rất mệt mỏi, nhưng nhìn chung viêm gan A ít khi gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
2.7 Virus viêm gan B
Virus viêm gan B là một loại virus gây ra viêm gan. Viêm gan do virus viêm gan B thường không có triệu chứng rõ ràng, hoặc triệu chứng rất nhẹ. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm:
- Nổi ban.
- Đau khớp.
- Sốt, mệt mỏi.
- Buồn nôn, nôn.
- Chán ăn.
- Vàng da, vàng mắt, nước tiểu có màu sẫm.
- Cảm giác đau hoặc khó chịu ở vùng bụng.
Virus viêm gan B lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, qua tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo của người nhiễm. Ngoài ra, virus cũng có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm.
Chẩn đoán viêm gan B thường được thực hiện thông qua xét nghiệm máu, giúp xác định sự hiện diện của virus trong cơ thể. Thời gian từ khi tiếp xúc với virus đến khi virus xuất hiện trong máu có thể dao động từ 3 tuần đến 2 tháng. Xét nghiệm cũng giúp phân biệt viêm gan B cấp tính và mạn tính.
Hiện tại, viêm gan B chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Đối với trường hợp viêm gan B cấp tính, hầu hết bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn sau một thời gian. Trong trường hợp viêm gan B mạn tính, bác sĩ có thể chỉ định thuốc để kiểm soát sự phát triển của virus và hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể.
Viêm gan B có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời, như xơ gan hay ung thư gan, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Tiêm phòng viêm gan B là biện pháp hiệu quả để ngừa bệnh.
2.8 HIV
HIV là một loại virus gây suy giảm hệ miễn dịch ở người, làm cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng và mắc phải các bệnh lý khác.
Triệu chứng của nhiễm HIV có thể không xuất hiện ngay trong giai đoạn đầu. Do đó, để xác định chính xác tình trạng nhiễm HIV, bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm. Các triệu chứng của HIV thay đổi tùy vào giai đoạn bệnh. Trong giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể có những dấu hiệu giống như bệnh cúm, bao gồm: sốt, đau cơ, đau họng, ớn lạnh, mệt mỏi, sưng đau hạch bạch huyết, vã mồ hôi đêm.
HIV là một trong những bệnh lây qua đường tình dục không an toàn, nguy cơ lây truyền qua quan hệ tình dục bằng miệng là khá thấp. Tuy nhiên, nếu người thực hiện quan hệ tình dục bằng miệng có vết thương trong miệng, nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn. Nếu người nhiễm HIV được điều trị đúng phác đồ, virus có thể được kiểm soát tốt, ngăn ngừa sự lây truyền cho người khác.
Chẩn đoán HIV được thực hiện qua xét nghiệm máu để xác định sự hiện diện của virus trong cơ thể. Mặc dù hiện nay chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn HIV, nhưng nếu bệnh nhân tuân thủ đúng phác đồ điều trị, sự phát triển của virus có thể được ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ lây truyền.
Việc tuân thủ điều trị HIV là rất quan trọng để giảm tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện, giúp người nhiễm HIV có thể sống lâu dài, khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền cho người khác.

2.9 Herpes
Herpes là một bệnh nhiễm trùng do virus herpes simplex gây ra, có thể ảnh hưởng đến các khu vực như miệng, sinh dục, trực tràng và hậu môn.
Herpes thường không có triệu chứng rõ rệt, hoặc nếu có thì thường nhẹ. Những triệu chứng đầu tiên sau khi nhiễm virus bao gồm: đau ngứa, loét xung quanh khu vực sinh dục, trực tràng hoặc miệng, đau đầu, sốt, đau cơ thể và hạch bạch huyết sưng đau.
Virus herpes có thể lây nhiễm sang người lành qua quan hệ tình dục bằng miệng với người nhiễm herpes ở miệng, trực tràng - hậu môn và khu vực sinh dục. Chính vì thế Herpes là một trong những bệnh có thể lây qua đường quan hệ tình dục bằng miệng.
Chẩn đoán herpes được thực hiện thông qua việc lấy bệnh phẩm từ vết loét hoặc xét nghiệm máu. Mặc dù hiện chưa có thuốc điều trị dứt điểm herpes, nhưng bệnh nhân có thể sử dụng thuốc chống virus để giảm nhẹ triệu chứng.
Mặc dù điều trị có thể giúp giảm triệu chứng, nhưng bệnh nhân vẫn có thể lây truyền virus cho bạn tình. Tuy nhiên, việc dùng thuốc hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm. Nhiễm herpes cũng làm tăng nguy cơ mắc HIV. Phụ nữ mang thai nhiễm herpes có thể lây virus sang con, gây nguy hiểm cho thai nhi.

3. Cách phòng tránh những bệnh lây qua đường tình dục bằng miệng
Để phòng tránh những bệnh có thể lây qua đường quan hệ tình dục bằng miệng, mọi người có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Sử dụng bao cao su: Đảm bảo sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ để giảm nguy cơ mắc những bệnh lây qua đường tình dục.
- Sử dụng tấm chắn miệng (dental dam): Đây là một biện pháp bảo vệ hiệu quả khi quan hệ tình dục bằng miệng, giúp ngăn ngừa sự tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể.
- Chung thủy với một bạn tình: Việc có một bạn tình duy nhất và không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
- Đi khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm những bệnh lây qua đường tình dục và có biện pháp điều trị kịp thời.
Những bệnh lây qua đường tình dục có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người mắc. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.