Cơn đau lạc nội mạc tử cung là triệu chứng có tính chất chu kỳ, thường xuất hiện trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt và khi quan hệ. Lạc nội mạc tử cung sẽ gây ra những biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Vì thế, bệnh nhân cần xác định rõ tình trạng sức khỏe của mình để lựa chọn phương pháp giảm đau phù hợp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý như thế nào?
Nội mạc tử cung thường bị lạc ở các vị trí như phúc mạc và thanh mạc trên bề mặt các cơ quan vùng chậu, đặc biệt là buồng trứng, dây chằng rộng và dây chằng tử cung. Tuy nhiên, nội mạc tử cung cũng có thể lạc vào các vị trí ít phổ biến hơn như ruột non, ruột già, niệu quản, âm đạo, bàng quang, cổ tử cung và sẹo phẫu thuật.
Các yếu tố tiềm ẩn có thể gây ra tình trạng lạc nội mạc tử cung bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người từng mắc lạc nội mạc tử cung.
- Phụ nữ trì hoãn sinh con hoặc không sinh con.
- Có kinh lần đầu sớm.
- Mãn kinh muộn.
- Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 27 ngày với lượng kinh nhiều và kéo dài hơn 8 ngày.
- Khuyết tật ống Mullerian.
- Tiếp xúc với hợp chất diethylstilbestrol trong tử cung.
Tuy nhiên, trái ngược với các yếu tố tiềm ẩn gây ra lạc nội mạc tử cung, cũng có những yếu tố bảo vệ chống lại tình trạng này. Bao gồm:
- Số lần sinh con,
- Thời gian cho con bú kéo dài,
- Bắt đầu có kinh muộn,
- Sử dụng thuốc tránh thai liều thấp dạng uống,
- Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt nên bắt đầu trước 15 tuổi và duy trì ít nhất 4 giờ mỗi tuần.
Cơn đau lạc nội mạc tử cung thường có tính chu kỳ, đặc biệt là cảm giác đau xuất hiện trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt và khi quan hệ tình dục. Tình trạng này có thể tiến triển thành bệnh mãn tính. Đau bụng kinh được coi là triệu chứng cơ bản giúp chẩn đoán lạc nội mạc tử cung. Các triệu chứng thường giảm hoặc biến mất trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí của lạc nội mạc tử cung, chẳng hạn như:
- Đại tràng có thể gây đau bụng khi đại tiện, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón hoặc thậm chí chảy máu trực tràng trong thời kỳ kinh nguyệt.
- Bàng quang có thể gặp tình trạng tiểu khó, tiểu ra máu, đau trên xương mu hoặc tiểu nhiều, tiểu són.
- Buồng trứng có thể hình thành khối lạc nội mạc với nang từ 2 đến 10 cm hoặc khối nang có thể vỡ hoặc chảy dịch, dẫn đến đau bụng cấp và các dấu hiệu của viêm phúc mạc.
- Cấu trúc ngoài khung chậu và phần phụ có thể gây đau hoặc xuất hiện khối dính phần phụ.

2. Cách giảm đau do lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến mỗi phụ nữ khác nhau, vì vậy không có một kế hoạch điều trị nào phù hợp cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ chủ động thay đổi lối sống lạnh mạnh kết hợp với các biện pháp khắc phục tại nhà, chiến lược điều trị và thuốc kê đơn có thể giúp kiểm soát tình trạng này hiệu quả hơn trong cuộc sống hàng ngày.
2.1. Sử dụng thuốc giảm đau
Để giảm đau do lạc nội mạc tử cung, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen có phù hợp hay không. Bệnh nhân có thể bắt đầu sử dụng các loại thuốc này tối đa 24 giờ trước khi đau bụng kinh bắt đầu. NSAID có khả năng ngăn cơ thể sản xuất các hóa chất gây viêm.
Sử dụng NSAID đều đặn cho đến khi kỳ kinh hoặc ngày rụng trứng kết thúc có thể giúp giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên, hãy luôn kiểm tra nhãn thuốc và tránh lạm dụng thuốc để giảm đau.
2.2. Sử dụng thuốc nội tiết tố
Ngoài việc có thể làm giảm cơn đau lạc nội mạc tử cung bằng thuốc giảm đau, bệnh nhân có thể lựa chọn thuốc nội tiết tố để làm dịu cơn đau hiệu quả. Dưới đây là một số loại thuốc nội tiết tố bệnh nhân có thể sử dụng:
- Thuốc đồng vận Gonadotropin (GnRH): Thuốc này ức chế buồng trứng sản xuất hormone gây ra sự phát triển của nội mạc tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Danazol: Một loại thuốc nội tiết tố có tác dụng ngăn chặn sản xuất các hormone gây ra kinh nguyệt.
2.3. Thực hiện phương pháp vật lý trị liệu
Phương pháp vật lý trị liệu không chỉ dùng để phục hồi sau chấn thương thể thao hoặc tai nạn. Lạc nội mạc tử cung cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của xương chậu và vùng bụng, thậm chí gây đau nhiều hơn. Một bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu vùng chậu có thể đưa ra kế hoạch giúp những khu vực này hoạt động bình thường trở lại.
2.4. Thực hiện các hoạt động đứng dậy và di chuyển
Khi đau đớn, người bệnh có thể muốn nằm nghỉ nhưng tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung. Bệnh nhân không cần phải thực hiện các bài tập quá sức mà có thể chọn những hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, vươn vai và các bài tập thở. Những hoạt động này đều có thể giúp giảm đau do lạc nội mạc tử cung.
2.5. Chế độ ăn không có gluten
Một số phụ nữ nhận thấy rằng chế độ ăn không chứa gluten giúp giảm đau do lạc nội mạc tử cung nhưng điều này không hiệu quả với tất cả mọi người. Người bệnh có thể thử loại bỏ các thực phẩm làm từ lúa mì khỏi chế độ ăn trong vài tháng để xem liệu có sự thay đổi nào không.
Thay vì ăn mì ống thông thường, hãy thử mì gạo hoặc mì ống làm từ ngô. Ngoài ra, bệnh nhân có thể thay thế lúa mì bằng gạo, kiều mạch và đậu lăng trong vòng từ 1 đến 2 tháng rồi sau đó có thể thử sử dụng lại lúa mì. Nếu cơn đau và chướng bụng trở nên tồi tệ hơn, bệnh nhân có thể quay lại chế độ ăn không chứa gluten. Tuy nhiên, hãy thảo luận với bác sĩ trước khi thay đổi chế độ ăn uống.
2.6. Thực hiện các bài tập liên quan đến khu vực sàn chậu
Lạc nội mạc tử cung có thể ảnh hưởng đến các cơ sàn chậu và khi chúng hoạt động không bình thường, bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhiều hơn. Các bài tập sàn chậu có thể giúp tăng cường cơ bắp và giảm bớt cơn đau lạc nội mạc tử cung, giúp phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn.
2.7. Tập thói quen suy nghĩ tích cực
Đối mặt với một căn bệnh mãn tính có thể khó khăn và bối rối. Thay vì tập trung vào những điều tiêu cực, hãy tập trung vào những gì có thể làm để duy trì cảm xúc tích cực.
Ví dụ, khi cơn đau xuất hiện, hãy nghĩ về những biện pháp bệnh nhân có thể thực hiện để giảm bớt đau đớn, thay vì để cơn đau chi phối và cảm thấy tồi tệ. Việc duy trì suy nghĩ tích cực có thể giúp giảm căng thẳng và trầm cảm, đồng thời giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn.
2.8. Sử dụng dầu cannabidiol CBD
Cannabidiol (CBD) là một trong hai phân tử chính trong cần sa. Nghiên cứu cho thấy Cannabidiol có thể giúp giảm đau và viêm. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu rõ ràng về hiệu quả của Cannabidiol (CBD) đối với lạc nội mạc tử cung. Dù vậy, một số phụ nữ đã báo cáo rằng việc sử dụng dầu CBD giúp giảm cơn đau lạc nội mạc tử cung. Nếu muốn thử sử dụng loại dầu này, hãy thảo luận với bác sĩ và đảm bảo chọn nguồn Cannabidiol an toàn cho sức khỏe.

2.9. Liệu pháp kích thích dây thần kinh
Kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS) là liệu pháp sử dụng dòng điện nhẹ để điều trị cơn đau. Các dòng điện này tác động lên dây thần kinh, ngăn chúng gửi tín hiệu đau đến não. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xem liệu pháp TENS có phải là một phần bổ sung phù hợp cho kế hoạch điều trị hay không.
2.10. Thư giãn với mát-xa
Mát-xa lưng hoặc bụng có thể giúp giảm đau bụng kinh, không chỉ ngay sau khi mát-xa mà còn có hiệu quả lâu dài trong những tuần sau đó. Ngoài ra, mát-xa cũng có thể giúp giảm căng thẳng hiệu quả.
2.11. Phương pháp châm cứu
Phương pháp y học cổ truyền Trung Quốc này sử dụng những cây kim rất mỏng để kích thích dây thần kinh và cơ bắp. Châm cứu giúp giải phóng các chất giảm đau tự nhiên trong cơ thể, và nghiên cứu cho thấy rằng châm cứu có thể giúp giảm cơn đau lạc nội mạc tử cung gây ra.
2.12. Sử dụng gia vị quế
Loại gia vị này có khả năng chống viêm và có thể giảm lượng hormone gây khó chịu trong kỳ kinh nguyệt. Mặc dù chưa rõ liệu nó có hiệu quả với cơn đau lạc nội mạc tử cung hay không nhưng một nghiên cứu ở Ý cho thấy khoảng một thìa cà phê đã giúp một số phụ nữ giảm đau bụng kinh. Nếu yêu thích hương vị quế, đây có thể là một lựa chọn an toàn và tự nhiên để thử thêm vào đồ ăn hoặc đồ uống.

2.13. Sử dụng botox
Botulinum toxin (Botox) không chỉ dùng để làm mờ nếp nhăn trên khuôn mặt. Botox có khả năng làm giãn các cơ mà nó được tiêm vào, vì vậy các bác sĩ đã sử dụng botox để điều trị nhiều bệnh lý như bại não, đau nửa đầu, các vấn đề về bàng quang và co giật mắt. Một nghiên cứu nhỏ cũng cho thấy Botox có thể giảm đau và co thắt vùng chậu ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung. Mặc dù điều này rất hứa hẹn nhưng vẫn cần thêm nghiên cứu trước khi Botox có thể trở thành phương pháp điều trị chính thức cho tình trạng này.
2.14. Sử dụng cà phê vào buổi sáng
Một số nghiên cứu đã xem xét mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà phê hoặc caffeine và bệnh lạc nội mạc tử cung nhưng dường như không có mối liên hệ rõ ràng giữa hai yếu tố này. Vì vậy, nếu bệnh nhân có thói quen uống một tách cà phê mỗi ngày thì không cần phải thay đổi. Thậm chí, cà phê có thể đóng vai trò trong việc giảm nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung.
2.15. Đảm bảo giấc ngủ
Nhiều phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung thường cảm thấy rất mệt mỏi. Hãy cố gắng đảm bảo có đủ giấc ngủ và thường xuyên lắng nghe cơ thể. Nếu cảm thấy cần thiết, hãy cho phép mình nghỉ ngơi ngắn trong ngày. Một nghiên cứu cho thấy rằng một giấc ngủ ngắn vào buổi chiều, đặc biệt vào những ngày ngay trước kỳ kinh, có thể cải thiện tâm trạng và giúp tỉnh táo hơn.
Ngoài ra, bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia để nhận được tư vấn phù hợp với tình trạng bệnh lý, giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra.

2.16. Kiểm soát sinh sản
Đối với việc ức chế nội tiết tố có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau như estrogen và progesterone hoặc chỉ sử dụng progesterone. Lưu ý, phương pháp làm giảm cơn đau lạc nội mạc tử cung này không phải là lựa chọn phù hợp cho phụ nữ đang có ý định mang thai.
3. Kiểm soát cơn đau lạc nội mạc tử cung
Bệnh nhân có thể không loại bỏ hoàn toàn cơn đau do lạc nội mạc tử cung nhưng có thể kiểm soát bằng cách chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các triệu chứng trước khi bùng phát.
- Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách không hút thuốc, không uống rượu và tránh sử dụng chất kích thích sẽ giúp cơ thể luôn ở trạng thái tốt nhất.
- Sử dụng thực phẩm giàu axit béo omega-3 chuỗi dài có thể giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn và cải thiện các triệu chứng do lạc nội mạc tử cung gây ra.
- Dành thời gian thư giãn, lắng nghe cơ thể và điều chỉnh lịch trình để phù hợp với nhu cầu của lạc nội mạc tử cung sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng tốt hơn.
- Dioxin, một hóa chất có trong một số loại thuốc trừ sâu và nguồn thực phẩm từ động vật, có thể góp phần gây ra bệnh lạc nội mạc tử cung. Bằng cách giảm tiêu thụ các sản phẩm động vật và hướng tới chế độ ăn ít gluten và thực phẩm hữu cơ, bệnh nhân có thể giảm thiểu mức độ phơi nhiễm với các chất độc môi trường như dioxin.
- Nội mạc tử cung thường lạc đến các vị trí như phúc mạc và thanh mạc trên bề mặt các cơ quan vùng chậu, đặc biệt là ở buồng trứng, dây chằng rộng và dây chằng tử cung.
Cơn đau lạc nội mạc tử cung thường có tính chất chu kỳ, xuất hiện trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt và khi quan hệ tình dục. Áp dụng các biện pháp giảm đau có thể giúp bệnh nhân giảm bớt sự khó chịu và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.